AUF sẽ tập trung đào tạo sau đại học và nghiên cứu tại Việt Nam
Hà Nội (TTXVN) - Ông Philippe Devred, Giám đốc Văn phòng khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Tổ chức Đại học Pháp ngữ (AUF) cho biết các hoạt động của AUF ở Việt Nam sẽ tập trung vào đào tạo sau đại học và nghiên cứu với việc hỗ trợ mối liên hệ giữa sinh viên và các phòng thí nghiệm.
Trao đổi với phóng viên TTXVN nhân dịp ngày Quốc tế Pháp ngữ (20/3), ông Devred nêu rõ hai hướng hoạt động chính của AUF nhằm phát triển tiếng Pháp tại Việt Nam. Thứ nhất là các hoạt động liên quan đến đào tạo đại học, chủ yếu dưới dạng các khóa đào tạo tiếng Pháp cho các sinh viên đang theo học một chuyên ngành tại các trường đại học. Khi đạt được trình độ chuyên ngành và ngôn ngữ cho phép, họ có thể tiếp tục chương trình sau đại học bằng tiếng Pháp, ở Việt Nam hoặc một trong các nước phương Bắc như Pháp, Canađa và Bỉ.
Thứ hai, AUF đưa các giáo viên tại các nước phương Bắc đến giảng dạy tại Việt Nam và ngược lại, tạo điều kiện cho các giáo viên Việt Nam tiếp tục học thêm tại các nước nói tiếng Pháp để họ có thể giảng dạy tiếng Pháp tốt hơn ở Việt Nam. Ngoài ra, AUF còn tổ chức các khóa thực tập ngắn hạn cho các sinh viên Việt Nam tại một nước nói tiếng Pháp hoặc giúp các sinh viên này tiếp tục học thạc sĩ tại các nước phương Bắc thuộc cộng đồng Pháp ngữ thông qua các suất học bổng.
Chương trình đào tạo của AUF tạo cho các sinh viên nhiều cơ hội để lựa chọn hệ thống đào tạo phù hợp sau khi đã tốt nghiệp đại học tại Việt Nam với hình thức hợp tác đào tạo Pháp-Việt. Ông Devred nói "Sau nhiều năm tổ chức các lớp học tiếng Pháp tại các trường đại học, có thể nói đến bây giờ chúng tôi đã có một số lượng sinh viên nói tiếng Pháp rất tốt tại nhiều ngành học khác nhau. Mối quan tâm lớn nhất của chúng tôi bây giờ là đào tạo sau đại học và nghiên cứu".
AUF hy vọng có thể giúp đỡ các phòng thí nghiệm hiện có tại Việt Nam và mong muốn tạo ra sự liên hệ giữa các phòng thí nghiệm này với các sinh viên dưới sự chỉ dẫn của một chuyên gia nước ngoài.
Về những điểm mới trong các chương trình của AUF tại Việt Nam trong năm 2005, ông Devred cho biết trong khuôn khổ các trường đại học Pháp ngữ, các hoạt động vẫn được duy trì như những năm trước. Trong năm nay, một chi nhánh Pháp ngữ sẽ được mở tại trường đại học Y Hà Nội. Hợp tác song phương phát triển đã mở ra triển vọng cho một hợp tác mới, không chỉ dừng lại ở đào tạo tiếng Pháp trong các trường đại học tại Việt Nam mà sẽ là việc các sinh viên Việt Nam có thể có một văn bằng của Pháp ngay tại Việt Nam.
Mới đây, chính phủ hai nước Việt Nam và Pháp đã ký một thỏa thuận khung về việc công nhận bằng cấp giữa hai nước nhằm tăng cường hợp tác trong lĩnh vực đào tạo, đặc biệt là việc trao đổi sinh viên. Theo ông Devred, đây là điều mà AUF mong đợi từ lâu. Hiện AUF đang làm việc với các trường đại học nhờ thỏa thuận đã ký giữa chính phủ hai nước để có chứng thực về văn bằng tương đương. Chẳng hạn như một sinh viên Việt Nam sẽ học thạc sĩ ở Pháp thì sẽ không bắt buộc phải học chương trình tương đương tại Việt Nam. Hiện thỏa thuận này vẫn chưa có hiệu lực tuy nhiên nó lại cho phép có được thỏa thuận thứ hai đã bắt đầu được áp dụng, đó là việc tiến hành tại Việt Nam các khóa đào tạo cho phép có các văn bằng của Pháp được công nhận tại Việt Nam.
Nhận xét về việc học tiếng Pháp ở Việt Nam, ông Devred cho rằng đây là một việc khó vì ở Việt Nam học tiếng Pháp là hành động tự nguyện và mang tính cá nhân. Các sinh viên mong muốn học tiếng Pháp bởi vì họ thấy những gì mà tiếng Pháp sẽ đem lại cho họ. Nhiệm vụ của AUF là động viên khuyến khích họ. Trong một số chuyên ngành như luật và y, các sinh viên tự nguyện đến với tiếng Pháp vì họ thấy có ích. Ngay đối với một số ngành khác mà tiếng Pháp có vai trò thấp hơn như ngành tin học thì chất lượng giảng dạy thông qua tiếng Pháp vẫn thu hút số lượng lớn các sinh viên theo học. /.
Back Top page Print Email |