Hội nghị không chính thức Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN+3 và Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEM lần thứ 7
Ngày 6-5, tại Kyoto (Nhật Bản) diễn ra Hội nghị không chính thức Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN với Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc (ASEAN + 3). Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên đã tham dự Hội nghị.
Tại Hội nghị, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Lào Somsavat Lengsavat, Chủ tịch đương nhiệm Ủy ban thường trực ASEAN đã thay mặt ASEAN thông báo với ba nước Ðông Bắc Á (ÐBA) thỏa thuận của Hội nghị hẹp các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN (tháng 4 vừa qua tại Cebu, Philippines) về việc tổ chức Hội nghị Cấp cao Ðông Á (CCÐA) lần thứ nhất. Theo đó, CCÐA lần thứ nhất sẽ được tổ chức dịp Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 11 vào tháng 12 tới tại Kuala Lumpur (Malaysia). Mười nước ASEAN và ba nước Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ tham gia Hội nghị.
Các nước ÐBA đánh giá cao các nỗ lực của ASEAN nhằm đạt đồng thuận về CCÐA; khẳng định tôn trọng các quyết định của ASEAN và ủng hộ ASEAN đóng vai trò chủ đạo trong tiến trình hợp tác Ðông Á, cũng như CCÐA; phối hợp chặt chẽ với ASEAN để CCÐA lần thứ nhất thành công, góp phần thúc đẩy hợp tác Ðông Á hướng tới Cộng đồng Ðông Á trong tương lai.
Các Bộ trưởng cũng trao đổi một số vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm, như cải tổ LHQ, vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên... Về cải tổ LHQ, các nước nhất trí đẩy mạnh trao đổi rộng rãi nhằm đạt đồng thuận về cải tổ bộ máy LHQ, nhất là Hội đồng Bảo an theo hướng tăng cường tính đại diện, công khai và hiệu quả của tổ chức này. Về bán đảo Triều Tiên, các nước bày tỏ mong muốn đàm phán sáu bên sớm được nối lại nhằm tìm ra giải pháp hòa bình, đáp ứng lợi ích các bên liên quan, góp phần bảo đảm hòa bình, ổn định và phát triển trên bán đảo Triều Tiên. Các nước ÐBA ủng hộ Chủ tịch Ủy ban Thường trực ASEAN tiếp tục phát huy vai trò hỗ trợ nhằm đạt mục tiêu trên.
* Trong các ngày 6 và 7-5, Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEM lần thứ 7 (FMM7) tại Kyoto.
Ðề cao những cơ sở nền tảng của những quyết định quan trọng tại Hội nghị cấp cao ASEM 5 tại Hà Nội, với chủ đề "Tăng cường đối thoại Á - Âu về những thách thức toàn cầu", Hội nghị FMM7 đã tập trung thảo luận các vấn đề quan trọng trên cả ba lĩnh vực chính trị, kinh tế và văn hóa - xã hội. Hội nghị nhất trí đánh giá ASEM ngày càng có vai trò quan trọng; ASEM cần tăng cường hợp tác hơn nữa trong việc giải quyết các thách thức toàn cầu, đề cao chủ nghĩa đa phương, tăng cường củng cố các thể chế đa phương, nhất là vai trò trung tâm của LHQ. Hội nghị cũng nhấn mạnh tăng cường đối thoại và hợp tác Á - Âu để giải quyết các vấn đề như chống khủng bố quốc tế, ngăn chặn phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, tội phạm xuyên quốc gia, góp phần thúc đẩy giải quyết các vấn đề khu vực, như Trung Ðông, hạt nhân bán đảo Triều Tiên, tái thiết I-rắc, Áp-ga-ni-xtan...
Hội nghị nhấn mạnh vai trò của phát triển bền vững theo những mục tiêu phát triển thiên niên kỷ, đặc biệt chú ý việc cân bằng giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường và bảo đảm an ninh năng lượng; nhất trí thúc đẩy để kết thúc thắng lợi Chương trình nghị sự Doha về phát triển; nhấn mạnh tầm quan trọng của Hội nghị Bộ trưởng WTO tại Hồng Công, tháng 12 tới; đề cao vai trò của đối thoại văn hóa - văn minh, coi đây là một trong những nhân tố quan trọng góp phần duy trì hòa bình, an ninh và ổn định trên thế giới.
Phát biểu ý kiến tại Hội nghị, Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên nêu bật những cơ hội và thách thức đặt ra cho tiến trình hợp tác Á - Âu; nhấn mạnh sự cần thiết phải khai thác các tiềm năng sẵn có, tiếp tục thúc đẩy và mở rộng hợp tác, đặc biệt tập trung hợp tác kinh tế, đưa hợp tác ASEM vào thực chất hơn và có hiệu quả. Bên lề Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Dy Niên đã có các cuộc gặp song phương làm việc với các Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc, Nhật Bản, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Lào và Trưởng đoàn các nước Pháp, Thụy Ðiển, Tây Ban Nha, Phần Lan, Ðan Mạch, Hungary và Ủy viên phụ trách đối ngoại của Ủy ban châu Âu.
* FMM 7 ra tuyên bố chung về các vấn đề quan trọng của khu vực và quốc tế, đặc biệt là ba trọng tâm, gồm vấn đề cải cách LHQ; bảo đảm an ninh, trong đó có việc kiểm soát vũ khí hủy diệt, chống khủng bố và tội phạm quốc tế; và tình hình bán đảo Triều Tiên. Tuyên bố chung nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác giữa các nước trên lĩnh vực đối ngoại và an ninh, đặc biệt là tăng cường quản lý an toàn hạt nhân và các loại vũ khí hủy diệt. Các Bộ trưởng bày tỏ "mối quan tâm sâu sắc" về vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, kêu gọi Bình Nhưỡng trở lại vòng đàm phán sáu bên và "không thể trì hoãn thêm nữa". Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Nobutaka Machimura và Bộ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc Ban Ki-moon trong cuộc gặp bên lề Hội nghị đã nhất trí thúc đẩy nối lại đàm phán sáu bên đang bị đình hoãn. Tuy nhiên, ông Nobutaka Machimura cho biết, "Nhật Bản sắp hết kiên nhẫn" và có thể đưa vấn đề hạt nhân của CHDCND Triều Tiên ra trước Hội đồng Bảo an LHQ, nếu Bình Nhưỡng tiếp tục không trở lại đàm phán./.
![]() ![]() ![]() ![]() |