Trang chủ     Đăng ký nhận tin    Ý kiến bạn đọc   Liên kết website English 
Thứ bẩy, ngày 28 tháng 12 năm 2024 Tìm kiếm
 Tìm kiếm nâng cao

Thủ tướng CHND Bangladesh K.Zia thăm chính thức Việt Nam

Nhận lời mời của Thủ tướng Phan Văn Khải, Thủ tướng CHND Bangladesh K.Zia đến Hà Nội chiều 17-5, bắt đầu cuộc thăm chính thức Việt Nam.

Sáng 18-5, Lễ đón chính thức Thủ tướng K.Zia và các vị cùng đi được tổ chức trọng thể tại Quảng trường Phủ Chủ tịch. Thủ tướng Phan Văn Khải chủ trì lễ đón.

Ðúng 10 giờ 15 phút, đoàn xe chở Thủ tướng K.Zia và các vị cùng đi tiến vào Quảng trường Phủ Chủ tịch. Thủ tướng Phan Văn Khải ra tận cửa xe nồng nhiệt đón Thủ tướng K.Zia. Tiếp đó, Thủ tướng Phan Văn Khải mời Thủ tướng K.Zia lên bục danh dự. Sau khi Ðội quân nhạc cử quốc thiều hai nước, Thủ tướng Phan Văn Khải mời Thủ tướng K.Zia duyệt Ðội danh dự QÐND Việt Nam và giới thiệu quan chức cấp cao hai nước.

* Ngay sau lễ đón, tại Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng Phan Văn Khải đã hội đàm với Thủ tướng K.Zia. Thủ tướng Phan Văn Khải nhiệt liệt hoan nghênh Thủ tướng K. Zia là Thủ tướng đầu tiên của Bangladesh thăm chính thức Việt Nam sau 32 năm hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao, mở ra giai đoạn phát triển mới trong quan hệ giữa hai nước.

Thủ tướng Phan Văn Khải chúc mừng những thành tựu to lớn mà nhân dân Bangladesh đã giành được trong hơn 30 năm qua kể từ khi giành được độc lập; đặc biệt là kết quả của chương trình cải cách kinh tế trong những năm gần đây trong khuôn khổ "Chiến lược quốc gia về tăng trưởng kinh tế, giảm đói nghèo và phát triển xã hội" dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng K.Zia. Thủ tướng Phan Văn Khải khẳng định, Việt Nam luôn coi trọng và mong muốn đẩy mạnh hơn nữa quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt với Bangladesh.

Thủ tướng K.Zia bày tỏ vui mừng là lãnh đạo cấp cao đầu tiên của Bangladesh sang thăm Việt Nam, nhấn mạnh ý nghĩa chuyến thăm lần này và khẳng định chính sách của Bangladesh coi trọng phát triển quan hệ với Việt Nam.

Thủ tướng Phan Văn Khải và Thủ tướng K.Zia đã thông báo cho nhau về tình hình chính trị, kinh tế của mỗi nước thời gian gần đây; trao đổi ý kiến sâu rộng về việc củng cố và tăng cường hơn nữa mối quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt giữa Chính phủ và nhân dân hai nước Việt Nam và Bangladesh cũng như các vấn đề quốc tế và khu vực hai bên cùng quan tâm.

Hai vị Thủ tướng bày tỏ vui mừng trước sự phát triển tốt đẹp của quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt giữa hai nước trong thời gian qua, nhất là từ sau chuyến thăm Bangladesh của Chủ tịch nước Trần Ðức Lương tháng 3-2004.

Hai Thủ tướng cũng cho rằng nhu cầu và tiềm năng hợp tác giữa hai nước là rất lớn, vì vậy hai bên cần tăng cường phối hợp để khai thác tốt hơn các tiềm năng trong thời gian tới. Trên tinh thần đó, hai bên đã trao đổi những biện pháp nhằm triển khai những thỏa thuận đã đạt được giữa lãnh đạo cấp cao cũng như giữa các bộ, ngành, nhất là trong các lĩnh vực thương mại và đầu tư, nông nghiệp, công nghiệp, khoa học và kỹ thuật, giáo dục, văn hóa, du lịch, thanh niên và thể thao...

Tại cuộc hội đàm, hai bên đã trao đổi ý kiến về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm. Hai bên nhất trí tăng cường phối hợp và hợp tác trong khuôn khổ khu vực như Liên Hợp Quốc, ASEAN, Diễn đàn Hợp tác Ðối thoại Hợp tác châu Á (ACD), Chương trình Hợp tác Sông Hằng-Mê Công, hợp tác giữa hai khu vực Ðông-Nam Á và Nam Á ... Phía Bangladesh cảm ơn Việt Nam bày tỏ ủng hộ Bangladesh trở thành đối tác đầy đủ của ASEAN, và tham gia sâu rộng hơn vào các cơ chế hợp tác ở châu Á, trong đó có ARF. Phía Việt Nam bày tỏ cảm ơn Bangladesh ủng hộ Việt Nam sớm gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), ứng cử thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ khóa 2008-2009 và ứng cử Chủ tịch Ðại hội đồng Tổ chức Lương thực  và Nông nghiệp LHQ (FAO).

Hai vị lãnh đạo bày tỏ tin tưởng rằng kết quả tốt đẹp của chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng K.Zia sẽ góp phần quan trọng đưa quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và Bangladesh lên một tầm cao mới, hiệu quả và mở rộng hơn, đáp ứng nguyện vọng và lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.

Thủ tướng Khaleda Zia đã trân trọng mời Thủ tướng Phan Văn Khải thăm chính thức Bangladesh. Thủ tướng Phan Văn Khải chân thành cảm ơn và vui vẻ nhận lời. Thời gian chuyến thăm sẽ được thu xếp qua đường ngoại giao.

* Sau hội đàm, Thủ tướng Phan Văn Khải và Thủ tướng Khaleda Zia đã chứng kiến lễ ký "Hiệp định Khuyến khích và Bảo hộ Ðầu tư" giữa Việt Nam và Bangladesh. Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên và Quốc Vụ khanh Nông nghiệp Miza Fakhrul Islam Alamgir đã thay mặt Chính phủ hai nước ký văn kiện quan trọng này.

* Chiều cùng ngày, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Trần Ðức Lương đã tiếp Thủ tướng K.Zia và các vị cùng đi.

Thủ tướng K.Zia thông báo kết quả hội đàm tốt đẹp giữa hai Thủ tướng, bày tỏ vui mừng lần đầu  được đến thăm Việt Nam lại đúng vào dịp nhân dân Việt Nam đang long trọng tổ chức kỷ niệm 115 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh - lãnh tụ kính yêu của Việt Nam cũng là tấm gương và nguồn cổ vũ của nhân dân Bangladesh trong cuộc đấu tranh giành độc lập; bày tỏ khâm phục và ngưỡng mộ trước những thành tựu to lớn mà nhân dân Việt Nam đạt được trong công cuộc đổi mới, tin tưởng quan hệ  hợp tác trên các lĩnh vực giữa hai nước không ngừng được củng cố và phát triển.

Chủ tịch nước Trần Ðức Lương hoan nghênh Thủ tướng Bangladesh K.Zia và các vị cùng đi thăm chính thức Việt Nam, coi đây là chuyến thăm quan trọng, đánh dấu mốc phát triển mới trong quan hệ hai nước.

Chủ tịch nhắc lại ấn tượng sâu sắc chuyến thăm Bangladesh năm 2004, vui mừng trước kết quả hội đàm tốt đẹp giữa hai Thủ tướng, hài lòng với việc hai bên tăng cường các biện pháp thúc đẩy hợp tác, tin tưởng với tiềm năng lớn trong nhiều lĩnh vực, quan hệ hợp tác giữa hai nước chắc chắn sẽ tiếp tục được mở rộng và phát triển. Chủ tịch Trần Ðức Lương trân trọng nhờ Thủ tướng K.Zia chuyển lời chào và chúc sức khỏe tới Tổng thống Bangladesh Y.Ác-mét và chúc chuyến thăm của Ðoàn đạt kết quả tốt đẹp.

* Tối 18-5, tại Nhà khách Chính phủ, Hà Nội, Thủ tướng Phan Văn Khải đã mở tiệc chiêu đãi hoan nghênh Thủ tướng K.Zia và các vị khách quý.

Phát biểu ý kiến chào mừng Thủ tướng Khaleda Zia, Thủ tướng Phan Văn Khải nhấn mạnh:

Nhân dân Việt Nam luôn quan tâm theo dõi và rất vui mừng trước những thành tựu về mọi mặt mà nhân dân Bangladesh đã giành được, thể hiện ý chí tự lực, tự cường của nhân dân  Bangladesh và tính đúng đắn của những nỗ lực to lớn mà Chính phủ Bangladesh và bản thân bà Thủ tướng theo đuổi nhằm đẩy mạnh tiến trình cải cách sâu sắc và rộng rãi trong khuôn khổ Chiến lược quốc gia về tăng trưởng kinh tế, giảm đói nghèo và phát triển xã hội.  Việt Nam đánh giá cao chính sách đối ngoại tích cực, chủ động của Bangladesh đã góp phần tích cực vào củng cố hòa bình, hợp tác và phát triển ở khu vực Nam Á và Ðông-Nam Á.

Chúng tôi tin tưởng rằng, dưới sự lãnh đạo của Chính phủ do Bà Thủ tướng đứng đầu, nhân dân Bangladesh anh em sẽ giành được nhiều thắng lợi to lớn hơn nữa nhằm xây dựng đất nước Bangladesh phồn vinh, đời sống nhân dân ấm no và hạnh phúc.

Thủ tướng bày tỏ tin tưởng vào triển vọng phát triển của quan hệ hữu nghị hợp tác giữa Việt Nam - Bangladesh dựa trên nền tảng hữu nghị truyền thống và những tương đồng về văn hóa, lịch sử, sẽ góp phần vào sự phát triển và thịnh vượng của hai dân tộc, vào củng cố hòa bình, ổn định và tăng cường hợp tác ở khu vực châu Á và trên thế giới.

Trong lời đáp, Thủ tướng Bangladesh K.Zia nêu rõ:

Có rất nhiều mối liên hệ gắn chặt hai nước chúng ta với nhau. Sự tương đồng về tư tưởng, văn hóa, lịch sử và truyền thống và hầu hết những khó khăn thử thách về kinh tế - xã hội đã khiến hai nước chúng ta trở thành những đối tác trong sự phát triển. Mối quan hệ song phương giữa hai nước chúng ta vẫn luôn phát triển trong suốt những năm qua kể từ năm 1973, Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, Bác Hồ kính yêu của Việt Nam là nhà lãnh đạo được nhân dân chúng tôi yêu mến, kính trọng.

Dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, dân tộc Việt Nam anh hùng đã giành được độc lập nước nhà sau cuộc đấu tranh chính nghĩa lâu dài. Ðây  là nguồn động viên thôi thúc chúng tôi trong suốt cuộc chiến đấu vì tự do của mình.

Nhân dân Bangladesh đã chiến đấu vì độc lập chủ quyền dân tộc để biến ước mơ của mình thành hiện thực. Tháng 3-1971, Chủ tịch S.D.Raman đã đọc Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Bangladesh và ông tích cực tham gia vào cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, làm nên chiến thắng vào tháng 12-1971. Ðây đúng là lúc chúng ta tưởng nhớ những anh hùng đã dũng cảm chiến đấu vì độc lập của mỗi dân tộc. Chúng ta cũng cần phải tiếp tục cống hiến đời mình cho lý tưởng và mục tiêu mà họ đã chiến đấu.

Chúng tôi luôn dõi theo những thành tựu đáng kể mà Việt Nam đã đạt được ở nhiều lĩnh vực khi áp dụng chính sách đổi mới. Việt Nam hiện nay là một nước xuất khẩu gạo đứng hàng thứ 2 trên thế giới và xuất khẩu nhiều mặt hàng với mẫu mã ngày càng đa dạng. Chúng tôi khâm phục ban lãnh đạo Việt Nam vì sự biến đổi này. Là một nước nông nghiệp, chúng tôi mong muốn được sử dụng những kinh nghiệm và bí quyết quý báu của Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp.

Bà Thủ tướng khẳng định tin tưởng chuyến thăm của tôi tới Việt Nam đang và sẽ mang ý nghĩa về nhiều mặt. Chuyến thăm này không chỉ tăng cường hợp tác và tạo nên sự hỗ trợ đa dạng mà còn củng cố thêm tình hữu nghị sâu sắc vốn có giữa nhân dân hai nước chúng ta.

Thủ tướng Bangladesh K.Zia và các vị khách quý cùng đi đã thưởng thức chương trình văn nghệ dân tộc đặc sắc do các nghệ sĩ Việt Nam trình diễn.

* Sáng 19/5, Thủ tướng Băngla Đét Khaleda Zia đã đến đặt vòng hoa tại Đài Tưởng niệm các Anh hùng Liệt sĩ; đặt vòng hoa và vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh và buổi chiều cùng ngày đã rời Hà Nội, kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Việt Nam.

 

* Nhân dịp Thủ tướng CHND Bangladesh K.Zia thăm chính thức Việt Nam, ngày 18/5, tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Đại sứ quán Băngla Đét tại Việt Nam phối hợp tổ chức Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam-Băngla Đét nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế-thương mại giữa hai nước.

Phát biểu tại diễn đàn, ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Vụ trưởng Vụ châu Phi và Tây Nam Á thuộc Bộ Thương mại, cho rằng doanh nghiệp Việt Nam và Băngla Đét nên tăng cường tiếp xúc, khảo sát thị trường, tham gia các hội chợ, triển lãm tổ chức tại hai nước. Theo ông Tuấn Anh, doanh nghiệp hai nước có thể hợp tác xây dựng nhà máy sản xuất gạo sấy để xuất khẩu, do Băngla Đét đang có nhu cầu lớn về gạo sấy. Bên cạnh đó, Băngla Đét cũng là một thị trường lớn cho xe máy, doanh nghiệp hai nước cần nghiên cứu xúc tiến xuất khẩu xe máy, máy nông nghiệp Việt Nam vào Băngla Đét.

Tổng thư ký VCCI  Phạm Gia Túc khẳng định VCCI sẵn sàng tạo điều kiện hỗ trợ cho các doanh nghiệp Việt Nam và Băngla Đét trong việc tổ chức các hội thảo, hội chợ, triển lãm để hai bên quảng bá tiềm năng và các lợi thế.

Trưởng đoàn doanh nghiệp Băngla Đét, ông M.A.Awal, cũng kêu gọi các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào những ngành có triển vọng như dệt may, dược phẩm, công nghiệp nhẹ, chế biến lương thực.

Phía Băngla Đét cũng giới thiệu một số ưu đãi tài chính và phi tài chính được nước này áp dụng nhằm tăng cường tốc độ đầu tư và hình thành một số ngành công nghiệp phục vụ xuất khẩu. Theo đó, các loại máy móc và nguyên vật liệu thô được nhập khẩu miễn thuế và phụ liệu, thuốc nhuộm và hóa chất được sử dụng trong ngành công nghiệp phục vụ xuất khẩu được miễn thuế hoặc không chịu thuế.

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Băngla Đét năm 2004 đạt 39 triệu USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu sang Băngla Đét 17,8 triệu USD và nhập khẩu từ Băngla Đét 21,1 triệu USD. Việt Nam xuất sang Băngla Đét chủ yếu là vải, đồ nhựa, dầu thô, than, hàng nông sản, sứ vệ sinh và vật liệu xây dựng và nhập khẩu chủ yếu là nguyên phụ liệu dệt may, phân bón, gỗ và nguyên phụ liệu gỗ.

Tuy nhiên theo các đại biểu tham dự diễn đàn, quan hệ hợp tác kinh tế-thương mại giữa hai nước chưa tương xứng với tiềm năng, kim ngạch xuất nhập khẩu chưa đạt 0,1% tổng kim ngạch xuất  nhập khẩu của Việt Nam và 0,2% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Băngla Đét.

Hai bên dự kiến buôn bán hai chiều sẽ đạt 50 triệu USD trong năm 2005 và 100 triệu USD vào những năm tiếp theo.

 
Quay lại Đầu trang In trang Gửi mail

Bản quyền của Vụ Thông Tin Báo Chí - Bộ Ngoại Giao
© Copyright by Press and Information Department - Vietnam Ministry of Foreign Affairs
Email: Banbientap@mofa.gov.vn 
Hiển thị tốt nhất với Internet Explorer. Best viewed with Internet Explorer