Gia nhập WTO: Phải bứt phá
(TTXVN) - Trở về từ phiên đàm phán Genevơ, diễn ra vào nửa cuối tháng 5 vừa qua, ông Hoàng Phước Hiệp, Vụ trưởng Vụ Pháp luật Quốc tế, Bộ Tư pháp, Phó Trưởng đoàn đàm phán chính phủ Việt Nam cho rằng đàm phán gia nhập WTO của Việt Nam đang ở vào giai đoạn nước rút để về đích.
"Đàm phán gia nhập WTO của Việt Nam đến thời điểm này giống như người chạy maratông đang nước rút nhưng kilômét cuối cùng để về đích", ông Hiệp nói khi trả lời phỏng vấn của tờ Diễn đàn Doanh nghiệp. "Thông lệ của WTO là mỗi năm kết nạp không quá hai nước. Nếu tiến triển chậm, thông lệ có thể bị phá bỏ, nhưng chúng ta không trông chờ vào điều đó. Chúng ta phải bứt phá để về thứ nhất hoặc thứ hai".
Ông Hiệp cho biết, trước khi sang Thuỵ Sỹ, Việt Nam dự kiến đây sẽ là phiên đàm phán thứ 10 nhưng cuối cùng đó lai là hai phiên đàm phán không chính thức. Thứ nhất là phiên đàm phán nông nghiệp diễn ra ngày 18/5, thứ hai là phiên đàm phán trù bị của phiên 10 diễn ra ngày 20/5. Phiên đàm phán này đã gợi mở cho Việt Nam nhiều vấn đề.
"Trong phiên đàm phán không chính thức quan điểm của Việt Nam và các nước đã xích lại gần nhau", ông Hiệp nói. "Theo nhận định của tôi, chúng ta sẽ kết thúc đàm phán với khoảng 7, 8 nước trong thời gian sớm nhất, còn lại cố gắng kết thúc trước tháng 9".
Tại phiên họp nông nghiệp, vấn đề căng thẳng nhất là vấn đề trợ cấp xuất khẩu, còn tại phiên trù bị, vấn đề được quan tâm nhiều nhất là quyền kinh doanh xuất nhập khẩu, quản lý hạn ngạch thuế quan. Bên cạnh đó, các đối tác cũng quan tâm đến vấn đề thuế nội địa của Việt Nam như thuế giá trị gia tăng và thuế tiêu thụ đặc biệt.
Theo ông Hiệp, từ nay đến tháng 9, Việt Nam phải tập trung giải quyết hai vấn đề là kết thúc đàm phán song phương và tăng cường ngoai giao đa biên. Bên cạnh đó Việt Nam phải đảm bảo được lộ trình làm luật như đã công bố với WTO và đảm bảo chất lượng các văn bản dự thảo thì khả năng gia nhập WTO vào cuối năm là rất lớn.
Ông Hiệp cho biết, dự kiến phiên đàm phán thứ 10 sẽ diễn ra vào tháng 9 năm nay./.
Back Top page Print Email |