Trang chủ     Đăng ký nhận tin    Ý kiến bạn đọc   Liên kết website English 
Thứ bẩy, ngày 28 tháng 12 năm 2024 Tìm kiếm
 Tìm kiếm nâng cao

Phó Thủ tướng Vũ Khoan đánh giá cao chuyến thăm Pháp


(TTXVN) - Sáng 10/6, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã về đến Hà Nội, kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Pháp theo lời mời của Tổng thống Jacques Chirac và lãnh đạo chính quyền Cộng hòa Pháp.
 
Trước khi Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam rời Pari về Hà Nội, được sự ủy quyền của Tổng Bí thư; đồng chí Vũ Khoan, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, đã trả lời phỏng vấn của nhóm phóng viên chuyên trách.

Đánh giá kết quả chuyến thăm, Phó Thủ tướng Vũ Khoan nói: "Tôi nghĩ, nói về kết quả chuyến thăm Pháp của Tổng Bí thư thì có thể nhấn mạnh 3 khía cạnh sau: 
 
Thứ nhất, mặc dầu nội tình của nước Pháp vừa qua khó khăn liên quan đến cuộc trưng cầu dân ý về Hiến pháp châu Âu, nhưng Tổng thống Jacques Chirac và Chính quyền Pháp vẫn quyết tâm tổ chức một cách rất trọng thể và rất chu đáo chuyến thăm của Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh. Mặc dầu trên vấn đề này, vấn đề khác, các đảng phái ở Pháp có thể có ý kiến khác nhau, nhưng rõ ràng là họ có sự đồng thuận rất cao trong việc thúc đẩy quan hệ với Việt Nam, coi Việt Nam là đối tác hàng đầu của nước Pháp ở Đông Nam châu Âu và châu Á. Việc này góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế nói chung, bởi vì Pháp là một nước lớn, có vị trí rất quan trọng ở châu Âu và trên thế giới. Việc Pháp đặt Việt Nam ở vị trí cao như vậy trong quan hệ quốc tế của mình là điều rất có lợi cho vị thế của ta.
 
Thứ hai, khi bước vào thế kỷ thứ 21, lãnh đạo hai nước đã thống nhất với nhau xác lập khuôn khổ quan hệ "hữu nghị truyền thống, đối tác toàn diện, tin cậy lẫn nhau". Chuyến thăm này bổ sung thêm nội dung, cụ thể hóa thêm khuôn khổ đó thông qua các cuộc trao đổi và sự thỏa thuận giữa Tổng Bí thư với Tổng thống Pháp và các nhà lãnh đạo Pháp, làm cho khuôn khổ quan hệ đó trở nên thực chất hơn. Tôi nghĩ rằng đó là kết quả rất quan trọng về mặt chính trị.
 
Thứ ba là kết quả về mặt kinh tế. Tất nhiên Đoàn của Tổng Bí thư không đi sâu thảo luận, ký kết những thỏa thuận về kinh tế; mặc dầu vậy cũng đạt được những thỏa thuận rất quan trọng, tiếp nối chuyến thăm Việt Nam tháng 10/2004 của Tổng thống Pháp Jacques Chirac về mấy dự án về kết cấu hạ tầng, lần này thống nhất đẩy mạnh. Ví dụ như dự án cầu Long Biên, các bạn Pháp đã vào giúp ta làm báo cáo tiền khả thi, và lần này Tổng thống Pháp Jacques Chirac cũng như các nhà lãnh đạo khác của Pháp đều khẳng định là Pháp sẽ tiếp tục thực hiện cam kết của mình giúp Việt Nam sửa chữa lại cầu Long Biên. Bạn coi đó không đơn thuần là một cây cầu, mà còn là biểu tượng của quan hệ chính trị, của văn hóa, vì đây là một cây cầu rất đẹp, mang tính văn hóa cao. Hay là hệ thống thông tin giao thông đường sắt từ Hà Nội vào Vinh, giữa hai bên đã hoàn tất giai đoạn I và thỏa thuận tiếp tục giai đoạn II, trong đó phía Pháp cam kết tiếp tục trợ giúp để hoàn tất dự án này. Hay là dự án đường tầu điện ở Hà Nội, hai bên đã bàn sâu thêm để triển khai sớm dự án này nhân kỷ niệm 1000 năm Thăng Long. Đây cũng là dự án mà phía Pháp tỏ ra rất quan tâm. Lần này, hai bên cũng ký thỏa thuận về việc Pháp giúp chúng ta xây dựng trung tâm về môi trường giá trị khoảng 20 triệu euro. Với dự án này, chúng ta sẽ có một trung tâm hiện đại để giúp vào việc cải thiện môi trường. Hai bên cũng ký nghị định thư về việc triển khai Hiệp định hợp tác về du lịch vì tiềm năng du lịch giữa hai nước là rất lớn, du khách Pháp vào Việt Nam chiếm một thị phần rất đáng kể, do đó du lịch cũng là hướng hợp tác mà chúng ta muốn thúc đẩy. Có thể thấy, chuyến thăm Pháp của Tổng Bí thư vừa có kết quả về mặt chính trị là nâng cao vị thế của nước ta, thắt chặt thêm quan hệ với một nước lớn là Pháp; vừa đưa tới những kết quả cụ thể.
 
Qua các cuộc tiếp xúc với các thành viên Nội các Pháp cũng như các doanh nghiệp Pháp, có hai điểm mà các bạn Pháp nhấn mạnh rất nhiều. Một là sự tăng trưởng đầy ấn tượng của Việt Nam; trong nhiều năm duy trì được tốc độ tăng trưởng rất cao. Điều đó nói lên tiềm năng và triển vọng của nước Việt Nam mà họ muốn hợp tác. Thứ hai, bất kỳ ở đâu các bạn Pháp cũng đều nhấn mạnh rằng, Việt Nam là đất nước ổn định nhất trong khu vực. Đấy là một tiềm năng vô hình, nhưng lại có ý nghĩa cực kỳ quan trọng đối với các nhà kinh doanh. Vì thế, bạn rất phấn khởi trước những thỏa thuận giữa Pháp với Việt Nam về những dự án rất lớn, như dự án Dung Quất với giá trị lên tới 1 tỷ rưỡi USD tiếp theo dự án Phú Mỹ trị giá hơn 400 triệu USD. Điều đó cho thấy làm ăn với Việt Nam rất có lợi. Đó là chưa nói tới chuyện Việt Nam đã thuê và mua hàng chục máy bay Airbus và ATR của Pháp. Rõ ràng, các nhà doanh nghiệp và Chính phủ Pháp cảm thấy lợi ích rất lớn trong việc làm ăn với Việt Nam. Ngược lại, phía chúng ta cũng thấy rất có lợi khi làm ăn với Pháp, vì chúng ta được Pháp ưu tiên trong việc dành viện trợ phát triển. Năm 2004, viện trợ của Pháp cho Việt Nam tăng gấp 3 lần so với năm trước đó. Đó là sự tăng đột biến. Rõ ràng, tinh thần hợp tác đôi bên cùng có lợi là điều mà tôi cảm thấy rất rõ trong các cuộc gặp với các nhà lãnh đạo của Pháp cũng như với doanh nghiệp Pháp. Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Pháp-Việt, các nhà doanh nghiệp Pháp đã hỏi rất nhiều, chứng tỏ họ rất quan tâm đến Việt Nam. Tôi đã được dự nhiều cuộc hội thảo, nhiều diễn đàn doanh nghiệp. ở Diễn đàn Doanh nghiệp Pháp-Việt tại Pari lần này, tôi cảm nhận rất rõ rằng các doanh nghiệp Pháp hiểu biết sâu về thị trường Việt Nam, quan tâm nhiều tới thị trường Việt Nam, và rất muốn làm ăn với Việt Nam.
 
Môi trường kinh doanh của chúng ta còn đang trong quá trình hoàn thiện, vì chúng ta bước vào kinh tế thị trường cũng chưa lâu. So với những nước khác 400-500 năm, chúng ta chỉ mới vận dụng cơ chế thị trường có 20 năm thôi. Thời gian lịch sử quá ngắn. Nhiều khía cạnh, nhiều nhân tố còn chưa thật ổn định. Sự hiểu biết của các doanh nghiệp Việt Nam về làm ăn với nước ngoài cũng chưa sâu sắc lắm. Do vậy, muốn đi tới một thỏa thuận gì đều phải có sự kiên nhẫn. Các doanh nghiệp của Pháp đã học được bài học đó, và họ đã thành công trong việc kiên nhẫn bàn thảo, trao đổi với chúng ta để tìm thấy tiếng nói chung. Và nhiều dự án của Pháp đã thành công"./.

 
Quay lại Đầu trang In trang Gửi mail

Bản quyền của Vụ Thông Tin Báo Chí - Bộ Ngoại Giao
© Copyright by Press and Information Department - Vietnam Ministry of Foreign Affairs
Email: Banbientap@mofa.gov.vn 
Hiển thị tốt nhất với Internet Explorer. Best viewed with Internet Explorer