Trang chủ     Đăng ký nhận tin    Ý kiến bạn đọc   Liên kết website English 
Thư tư, ngày 08 tháng 01 năm 2025 Tìm kiếm
 Tìm kiếm nâng cao

Thủ tướng Phan Văn Khải kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ, đi thăm chính thức Canada

Rời thành phố New York, ngày 24-6 (sáng sớm 25-6 theo giờ Hà Nội), Thủ tướng Phan Văn Khải và Đoàn đại biểu Việt Nam đã tới thăm thành phố Boston, thủ phủ của bang Massachusetts, chặng dừng chân cuối cùng của Đoàn trong chuyến thăm Hoa Kỳ. Sáng 26-6 (giờ Hà Nội), Thủ tướng Phan Văn Khải và Ðoàn đại biểu Việt Nam rời thành phố Boston, đi thăm chính thức Canada.

(ND): Thành phố Boston nằm ở phía đông của bang Massachusetts, là một trung tâm lớn về thương mại, tài chính, giáo dục. Boston là nơi tập trung của 68 trường cao đẳng và đại học, trong đó có nhiều trường hàng đầu thế giới về chất lượng đào tạo. Trong những năm qua, quan hệ giữa thành phố Boston và Việt Nam có những bước phát triển tích cực, nhất là trong lĩnh vực giáo dục-đào tạo.

Lúc 9 giờ 30 phút sáng (giờ địa phương), Thủ tướng đã đến thăm Đại học Harvard. Đây là trường đại học lâu đời nhất của nước Mỹ (thành lập năm 1636) và cũng là một trong những trường lớn nhất thế giới. Đại học Harvard bao gồm nhiều trường nhỏ và các viện nghiên cứu, trong đó có nhiều trường nổi tiếng (Trường Y, Trường Kinh doanh, Trường Luật, Trường Quản lý Nhà nước Kennedy...).

Học viện Phát triển Quốc tế Harvard (HIID) và Viện Harvard Yenching (thuộc Harvard) đã hợp tác giáo dục với Việt Nam và nhận sinh viên Việt Nam vào học sau đại học từ năm 1998. Ngoài lĩnh vực giáo dục-đào tạo, HIID còn quan tâm đến công cuộc đổi mới và phát triển kinh tế của Việt Nam, bằng việc tổ chức các đoàn sang Việt Nam tham quan nghiên cửu và viết sách. Từ năm 1996 đến 2003, với sự tài trợ của Quỹ Fullbright, Trường Quản lý Nhà nước Kennedy thuộc Harvard đã thực hiện dự án - Chương trình giảng dạy kinh tế Fullbright - giai đoạn 1 tại Trường Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh với khoản kinh phí là 1- 1,2 triệu USD/ năm.

Ngày 23-3-2004, Bộ Giáo dục và Đào tạo của Việt Nam và Trường Quản lý Nhà nước Kennedy đã ký kết thỏa thuận tiếp tục hợp tác giai đoạn II của dự án từ năm 2004 đến 2008, với khoản viện trợ không hoàn lại là 7,5 triệu USD. Mục đích của dự án là đào tạo và bồi dưỡng một đội ngũ cán bộ hoạch định chính sách, quản lý kinh tế và quản lý kinh doanh của Việt Nam; đồng thời hỗ trợ các trường đại học của Việt Nam cải thiện năng lực đào tạo kinh tế và chính sách công ở bậc đại học thông qua chuyển giao kiến thức và phương pháp đào tạo.

Tiếp đó, Thủ tướng đến thăm Viện Công nghệ Massachusetts (MIT). MIT được thành lập năm 1861, là trường đại học nghiên cứu tư - một trong những trường nổi tiếng và có uy tín ở Mỹ và trên thế giới. Nhiệm vụ chính của MIT là thúc đẩy tri thức và đào tạo sinh viên trong lĩnh vực khoa học, kỹ thuật. MIT có năm trường đại học và một trường cao đẳng, gồm 34 phòng, khoa và chương trình cấp học vị, cũng như một số trung tâm, phòng thí nghiệm gồm nhiều lĩnh vực. Hiện có một số sinh viên Việt Nam đang học cao học tại MIT, trong đó có sinh viên đi học theo học bổng của Quỹ Giáo dục Việt Nam.

Trưa cùng ngày, Thủ tướng Phan Văn Khải và Đoàn đại biểu Việt Nam đã tham dự buổi chiêu đãi do Tập đoàn Liberty Mutual tổ chức. Sau lời chào mừng của ngài Thống đốc bang Massachusetts, Mitt Romney, và ngài Thượng nghị sĩ Edward Kennedy, Thủ tướng Phan Văn Khải phát biểu nhấn mạnh: "Chúng tôi đến thăm thành phố Boston với ấn tượng đặc biệt, đây là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng sống và làm việc hơn 90 năm trước (1911- 1913). Có thể nói, mối quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đã được bắt nguồn từ ngày đó và về sau này được thể hiện trong quan hệ đồng minh chống phát-xít vào những năm tháng chiến tranh thế giới thứ II. Tiếc rằng nhiều cơ hội để thiết lập quan hệ hợp tác giữa hai nước đã bị bỏ lỡ. Chỉ mãi tới năm 1995, hai nước mới kiến lập quan hệ ngoại giao và chúng ta có thể hài lòng ghi nhận rằng, trong 10 năm qua quan hệ giữa hai nước đã có nhiều tiến triển. Hôm nay, đến thărn thành phố Boston, một trung tâm kinh tế lớn ở Đông Bắc nước Mỹ, trung tâm hàng đầu về khoa học-giáo dục của thế giới, tôi muốn khẳng định mong muốn thúc đẩy quan hệ đối tác hữu nghị với Hoa Kỳ nói chung và Boston nói riêng".

Thủ tướng nhắc đến một kinh nghiệm hay của Boston là sự kết nối giữa một bên là các trường đại học đẳng cấp quốc tế cùng với sự phát triển công nghệ đỉnh cao và bên kia là vốn cùng các doanh nghiệp; đề nghị thành phố Boston giúp Việt Nam xây dựng một trường đại học đẳng cấp quốc tế.

Thủ tướng cũng hy vọng có cơ hội cử nhiều thanh niên, nhà khoa học, doanh nghiệp trẻ Việt Nam đến học tập, tu nghiệp tại thành phố Boston để tiếp thu những kiến thức khoa học tiên tiến, phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở Việt Nam.

Buổi chiều cùng ngày (sáng 26-6 theo giờ Hà Nội), Thủ tướng Phan Văn Khải và Ðoàn đại biểu Việt Nam rời thành phố Boston, đi thăm chính thức Canada theo lời mời của Thủ tướng Canada Paul Martin.

 
Quay lại Đầu trang In trang Gửi mail

Các tin liên quan:

Bản quyền của Vụ Thông Tin Báo Chí - Bộ Ngoại Giao
© Copyright by Press and Information Department - Vietnam Ministry of Foreign Affairs
Email: Banbientap@mofa.gov.vn 
Hiển thị tốt nhất với Internet Explorer. Best viewed with Internet Explorer