Trang chủ     Đăng ký nhận tin    Ý kiến bạn đọc   Liên kết website English 
Saturday, ngày 28 tháng 12 năm 2024 Tìm kiếm
 Tìm kiếm nâng cao

Ghi nhận của Trưởng đại diện UNHCR về thực tế Tây Nguyên

Chính quyền địa phương đã có sự quan tâm mọi người dân nói chung và người hồi hương nói riêng, đó là nhận xét của ông Vũ Anh Sơn, Trưởng phái đoàn đại diện Cao ủy LHQ về người tỵ nạn (UNHCR) tại Việt Nam khi trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN sau khi ông từ Tây Nguyên về Hà Nội. Chúng tôi xin giới thiệu với bạn đọc nội dung cuộc phỏng vấn:

Hỏi: Ðược biết, ông mới thăm Tây Nguyên trở về, xin ông vui lòng cho biết mục đích chuyến đi này?

Trả lời:  Tôi mới trở về Hà Nội ngày 25-6. Trong hơn một tháng qua, được phép của Chính phủ Việt Nam, tôi đã hai lần đi thăm các tỉnh ở Tây Nguyên có người hồi hương từ Campuchia trở về. Ðoàn Cao ủy LHQ về người tỵ nạn chúng tôi đã thăm Gia lai ba ngày, từ 22 đến 24-6-2005. Trước đó, từ ngày 18 đến 20-5-2005, chúng tôi cũng đã đến hai tỉnh Kon Tum và Gia Lai. 

Mục đích của hai chuyến đi đó là nhằm tìm hiểu việc chính quyền địa phương thực hiện cam kết ba bên như đã ghi trong Bản ghi nhớ (MoU) mà Việt Nam đã ký với Campuchia và UNHCR ngày 25-1-2005. Chuyến đi còn giúp chúng tôi tìm hiểu về đời sống sinh hoạt hiện nay của những người hồi hương, có đúng họ bị ngược đãi, đánh đập như một số nguồn tin nói không và họ muốn nói gì với chúng tôi sau khi trở về. Một mục đích nữa là để trao đổi với chính quyền địa phương về sự trợ giúp (thông qua các dự án nhỏ, mỗi dự án dưới 50.000 USD) của UNHCR nhằm cải thiện đời sống sinh hoạt của đồng bào dân tộc ở đây, trong đó có người hồi hương.

Hỏi: Vậy kết quả những chuyến đi đó ra sao, thưa ông?

Trả lời: Trong hai chuyến đi thăm và làm việc ở các địa phương này, tôi đã tiếp xúc với lãnh đạo của hai tỉnh, hiểu thêm về những chính sách của Chính phủ Việt Nam nói chung và của chính quyền địa phương nói riêng đối với người dân tộc thiểu số và đặc biệt là đối với những người hồi hương.

 Tôi đã gặp 32 trong số 40 người hồi hương ở hai địa phương này. Họ rất mừng khi gặp lại tôi. Tôi thấy họ đã có cuộc sống ổn định và được đối xử công bằng, không bị đánh đập hay bị ngược đãi khi trở về địa phương. Một số người nói với tôi rằng, họ đã được địa phương trợ cấp gạo, muối ăn, dầu, và được hưởng lợi từ một chương trình xóa đói giảm nghèo ở địa phương, như được cấp bò để gây giống. Tất cả những chuyện đó nói lên một điều rằng chính quyền địa phương đã có sự quan tâm đến mọi người dân nói chung và người hồi hương nói riêng.

 Ðối chiếu với những cam kết ghi trong Bản ghi nhớ giữa ba bên về việc thực hiện chương trình đối với những người dân tộc thiểu số Tây Nguyên chạy sang Campuchia, trong đó có đề cập những vấn đề liên quan tới người hồi hương tự nguyện, chúng tôi nhận thấy, Chính phủ Việt Nam đã và đang thực hiện tất cả những gì cam kết, đó là tiếp nhận và tạo điều kiện để những người này có cuộc sống ổn định. Chính quyền địa phương hai tỉnh đã và đang thực hiện đầy đủ những điều mà ba bên đã cam kết. Qua tiếp xúc với những người trở về, họ nói trực tiếp với chúng tôi rằng, họ được đối xử bình đẳng, không có sự ngược đãi hay phân biệt đối xử sau khi trở về. 

Hỏi: Ông đã đến Tây Nguyên nhiều lần, ông có nhận xét gì về cuộc sống của đồng bào nơi đây?

Trả lời: Năm 1997, chúng tôi cũng đã đến Tây Nguyên thực hiện Chương trình tái hòa nhập cộng đồng đối với người hồi hương là "thuyền nhân". UNHCR đã giúp một số dự án nhỏ tại những vùng khó khăn. Tôi thấy lúc đó tình hình đời sống ở đây rất khó khăn. Còn bây giờ tình hình đã khá lên nhiều. Tôi được biết trong những năm gần đây Chính phủ Việt Nam đã đầu tư rất nhiều ở Tây Nguyên. Ðường giao thông, điện lưới quốc gia đã đến các vùng xa. Tôi đã đến Tây Nguyên sáu lần. Những người mà tôi mới đến thăm trong đợt đi này ở rải rác rất xa nhau, nhưng hầu như tôi không phải đi bộ mặc dù họ sống ở vùng sâu vùng xa vì ô-tô có thể vào đến tận nhà họ. So với những nơi khác mà tôi đã đến thì giao thông của Tây Nguyên khá hơn rất nhiều.

 Tuy nhiên, một số vùng còn có những gia đình gặp khó khăn trong phát triển kinh tế hộ gia đình. Tôi biết, Chính phủ Việt Nam đã đầu tư rất nhiều cho những dự án lớn ở Tây Nguyên, song theo tôi cũng cần phải quan tâm đầu tư qua những dự án nhỏ để giúp người dân phát triển kinh tế hộ gia đình.

Hỏi: Là người thay mặt cho UNHCR cùng với phía đối tác Việt Nam và Campuchia giải quyết vấn đề người vượt biên trái phép, ông có thể cho biết lý do ra đi cũng như trở về của những người này?

Trả lời: Khi tiếp xúc những người hồi hương, tôi có hỏi lý do họ ra đi và lý do trở về. Họ nói rõ rằng họ ra đi vì bị lừa gạt. Tôi hỏi họ bị lừa về vấn đề gì, họ nói có một người A người B nào đó nói với họ rằng sang Campuchia sẽ có cuộc sống tốt đẹp hơn, kiếm được nhiều tiền. Tôi hỏi họ sang bên kia có kiếm được nhiều tiền không, họ trả lời là không có gì nên họ trở về. Người dân tộc thiểu số họ trả lời rất đơn giản như vậy, họ thấy thế nào thì nói vậy. Ai bảo gì nghe hay và đúng nhu cầu họ cần thì họ làm, nhưng đến khi không có gì thì họ nằng nặc đòi về. Họ bảo, họ trở về vì ở bên đó họ bị tù túng, không kiếm được tiền. Có trường hợp bảo nhớ gia đình thì về, người thì bảo chẳng ai cho họ tiền cả. Nhưng đa số cho biết, họ rất nhớ vợ nhớ con, nhớ gia đình nên quay về. 

Ðối với số người vượt biên này, UNHCR đã tạo điều kiện giúp những người nào đủ điều kiện thì sang nước thứ ba định cư, như Mỹ, Canada, Phần Lan... Với những ai muốn trở về thì UNHCR tạo điều kiện để họ trở về. Những ai dù đủ điều kiện đi định cư ở nước thứ ba nhưng muốn trở về quê thì UNHCR cũng tạo điều kiện cho họ trở về. 

Hỏi: Ông có nhận xét gì về sự hợp tác giữa ba bên trong thời gian vừa qua?

Trả lời: Cả ba bên đều tích cực hợp tác để giải quyết vấn đề một cách nhanh chóng...

Trước đây, chúng tôi chỉ nhận được thông tin một chiều từ những nhà hoạt động nhân quyền. Ðây là lần đầu chúng tôi có điều kiện đi tìm hiểu thực tế và trực tiếp gặp gỡ để nghe ý kiến của họ. Ðiều này rất quan trọng vì nó giúp chúng tôi có cái để đối chứng với những thông tin từ các tổ chức nhân quyền. Chuyến đi đó giúp chúng tôi có được thông tin hai chiều để chúng tôi hiểu đúng sự thật. 

Có thông tin còn nói rằng những người hồi hương tự nguyện bị giam giữ một tuần tại TP Hồ Chí Minh và một tuần tại Plây Cu trước khi được về gia đình, nhưng thực tế, khi tôi trực tiếp hỏi thì những người này nói không hề có chuyện bị giam giữ. Họ cũng khẳng định rằng, không có ai bị đánh đập. Tôi cho rằng những gì chúng tôi được thấy là một sự thành công của chuyến đi, nó phần nào giúp chúng tôi (UNHCR) nhìn nhận khách quan và đúng hơn về những gì chúng tôi muốn tìm hiểu.

Hỏi: Những người vượt biên nói rằng họ ra đi vì bị lừa. Vậy trong chuyến đi này họ có nói với ông về người lừa gạt họ cụ thể là ai không?

Trả lời: Tôi chưa có đủ thời gian để tìm hiểu kỹ về vấn đề này, nhưng một số người nói với tôi rằng đã có người A, người B ở bản này, bản kia đến dụ dỗ, lôi kéo họ đi và những người này hiện đang còn ở khu tạm cư tại Phnom Penh. Tôi rất muốn đề nghị với chính quyền địa phương cho phép tôi phối hợp với họ thực hiện các cuộc phỏng vấn cụ thể để có kết luận chính xác về vấn đề này, cụ thể là họ bị lôi kéo lừa gạt như thế nào, ai dụ dỗ và lôi kéo họ, nhiều người nói rằng có lực lượng của Ksor Kok hay Quỹ người Thượng ở bên kia lôi kéo họ. Theo tôi, những thông tin này cần phải làm rõ. 

Xin cảm ơn ông.

 
Back Top page Print Email

Related news:

Bản quyền của Vụ Thông Tin Báo Chí - Bộ Ngoại Giao
© Copyright by Press and Information Department - Vietnam Ministry of Foreign Affairs
Email: Banbientap@mofa.gov.vn 
Hiển thị tốt nhất với Internet Explorer. Best viewed with Internet Explorer