Việt Nam quan tâm đặc biệt đến các mối quan hệ với Pháp
Trong khuôn khổ chuyến thăm khảo sát thực tế tại thành phố Tulông (tỉnh Va), từ ngày 25 đến 30/6, Đại sứ Nguyễn Đình Bin đã đến thăm Viện Cao đẳng Công nghệ (IUT) Tulông, Trường đại học Nam Tulông và tỉnh Va (USTV), Cơ sở xây dựng công nghiệp của vùng Địa Trung Hải (CNIM) và đã có các cuộc gặp với lãnh đạo Hội đồng vùng, Hội đồng tỉnh Va, Phòng Công nghiệp vùng, Phòng Thương mại và Công nghiệp tỉnh Va.
Tại các nơi đến thăm, Đại sứ Nguyễn Đình Bin đã nêu rõ quá trình thành lập và phát triển mối quan hệ hữu nghị và hợp tác Việt Nam - Pháp, nhất là sau khi Việt Nam thực hiện chính sách Đổi mới và nhấn mạnh các mối quan hệ năng động và đa dạng hóa này, đặc biệt là thiện chí chính trị của các nhà lãnh đạo cấp cao hai nước. Các chuyến thăm cấp cao của hai nước đã tạo cơ sở để phát triển các mối quan hệ hữu nghị truyền thống, sự hợp tác toàn diện, bền vững và tin cậy lẫn nhau giữa hai nước. Đối thoại chiến lược ở cấp chuyên viên cao cấp của Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng hai nước về vấn đề an ninh và quốc phòng khu vực và quốc tế đánh dấu một bước quan trọng trong việc tăng cường trao đổi kinh nghiệm về các chủ đề này cũng như tại các diễn đàn quốc tế. Hoạt động hợp tác giữa các cơ quan lập pháp, các địa phương và giới doanh nghiệp hai nước cũng được tăng cường mạnh mẽ.
Theo Đại sứ Nguyễn Đình Bin, Việt Nam và Pháp có thể đóng vai trò đầu tàu trong Hiệp hội Đông Nam Á (ASEAN) và Liên minh châu Âu (EU) để thúc đẩy các hoạt động của Hội nghị Cấp cao Á - Âu (ASEM), góp phần vào việc phát triển trong khối Pháp ngữ và thắt chặt sự hợp tác trong các vấn đề hai nước cùng quan tâm
Trong các cuộc tiếp xúc với Đại sứ Nguyễn Đình Bin, lãnh đạo Hội đồng Vùng PACA, Hội đồng tỉnh Va, Phòng Công nghiệp vùng và Phòng Thương mại - Công nghiệp tỉnh đều đánh giá cao sự phát triển mọi mặt của Việt Nam trong thời gian qua. Các bạn Pháp đều bày tỏ mong muốn tăng cường và hợp tác với Việt Nam, nhất là các dự án mà hai bên đều có tiềm năng.
Lãnh đạo CNIM bày tỏ mong muốn thiết lập quan hệ hợp tác với Việt Nam, đồng thời cho rằng Việt Nam có khả năng tham gia sản xuất một số bộ phận của các sản phẩm CNIM như thang máy và băng truyền. Trong những tháng tới, CNIM sẽ cử ông Pie Gôngtiê Môranh, chuyên gia cao cấp về hàn ngầm dưới biển thuộc đơn vị các hệ thống quốc phòng đến Việt Nam khảo sát khả năng hợp tác.
IUT Tulông đã hợp tác với một số trường của Việt Nam từ năm 2003 như Trường Đại học Thương mại, Trường Cao đẳng Công nghiệp Hà Nội, Trường Cao Thắng và Trường Hoa Sen. Theo dự kiến, năm học 2005-2006, IUT Tulông sẽ tuyển sinh theo đề nghị của Hàng không Việt Nam và sẽ mở thêm 3 ngành học mới trong đó có ngành quản lý những xí nghiệp có khó khăn./.
Back Top page Print Email |
Related news: |
|