Hợp tác của Pháp sẽ gắn với kế hoạch phát triển của Việt Nam
(TTXVN) - Đại sứ Pháp tại Việt Nam Jean Francois Blarel cho biết những ưu tiên trong hoạt động hợp tác của Pháp với Việt Nam trong năm 2006 sẽ gắn với những ưu tiên trong kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2006-2010 của chính phủ Việt Nam.
Tại buổi họp báo, được tổ chức sáng 11/7 nhân dịp Quốc khánh Pháp (14/7), Đại sứ Pháp Jean Francois Blarel khẳng định Pháp hoàn toàn ủng hộ việc Việt Nam ứng cử chức Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc niên khóa 2008-2009.
Đại sứ Blarel nhấn mạnh sự thống nhất lợi ích trong hợp tác Việt-Pháp không nằm ngoài những định hướng lớn của chính sách viện trợ của Pháp đối với Việt Nam, tập trung vào các lĩnh vực chính như nông nghiệp, cơ sở hạ tầng, đào tạo đại học, pháp ngữ và y tế. Đây cũng là những lĩnh vực mà Việt Nam rất cần sự hỗ trợ.
Trên phương diện chính trị, đại sứ Pháp đánh giá chuyến thăm Việt Nam nhân hội nghị Thượng đỉnh ASEM V tháng 10/2004 của Tổng thống Pháp Jacques Chirac và chuyến thăm của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nông Đức Mạnh tháng 9 vừa qua đã minh chứng cho "quan hệ đối tác lịch sử và mẫu mực" gắn kết hai quốc gia.
Nhà ngoại giao Pháp nhấn mạnh Pháp phát triển hợp tác với Việt Nam trong các lĩnh vực thế mạnh của mình như hàng không, cơ sở hạ tầng và năng lượng. Việc hai bên quyết định thành lập Hội đồng cấp cao phát triển hợp tác kinh tế, cho thấy quyết tâm chung của cả Việt Nam và Pháp muốn đưa hợp tác kinh tế lên ngang tầm mối quan hệ chính trị giữa hai nước.
Ông Blarel cho biết dự kiến vào tháng 10, Hội các doanh nghiệp Pháp (MEDEF) sẽ tổ chức một đoàn doanh nhân sang Việt Nam tìm hiểu cơ hội hợp tác. Ngoài ra, từ nay đến cuối năm, đại sứ quán Pháp sẽ tổ chức một cuộc hội thảo về giao thông đô thị và một cuộc hội thảo khác về vấn đề kỹ thuật của công nghệ hạt nhân dân sự ở Việt Nam. Đại sứ Blarel khẳng định "Các cuộc trao đổi giữa đối tác hai nước trong nhiều lĩnh vực cuộc sống sẽ tiếp tục diễn ra mạnh mẽ và hiệu quả".
Trong các lĩnh vực hợp tác khác mang tính truyền thống như đào tạo đại học, Pháp ưu tiên đào tạo cán bộ tương lai cho Việt Nam. Mỗi năm, có khoảng 3.600 sinh viên Việt Nam du học tại Pháp trong khuôn khổ hợp tác trên. Không chỉ chú trọng vào đào tạo đại học, Pháp cũng giúp đỡ Việt Nam đào tạo kỹ thuật viên lành nghề. Với nội dung hợp tác này, Trung tâm đào tạo về bảo trì bảo dưỡng công nghiệp đã được khai trương tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.
Pháp là nước đứng đầu trong các nước châu Âu và thứ 7 trong tổng số 66 nước và vùng lãnh thổ đầu tư ở Việt Nam. Lĩnh vực Việt Nam thu hút được nhiều FDI nhất của Pháp là viễn thông và bệnh viện, tiếp đến là công nghiệp xây dựng.
Hiện nay, Pháp là nước cấp viện trợ phát triển chính thức (ODA) lớn nhất cho Việt Nam trong số các nước Tây Bắc Âu với tổng số vốn gần 1 tỷ USD tại hơn 200 dự án. Việt Nam là một trong ít nước được hưởng cả ba kênh viện trợ tài chính của Pháp: Viện trợ phát triển chính thức từ ngân khố; Cho vay ưu đãi từ Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) và từ Quỹ Đoàn kết ưu tiên (FSP)./.
Back Top page Print Email |