Đầu tư của Trung Quốc sang Việt Nam sẽ được đẩy mạnh
Hỏi: Xin Đại sứ nhận định về ý nghĩa chuyến thăm của Chủ tịch nước Trần Đức Lương đối với quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc?
Trả lời: Năm nay là năm hai nước Trung Quốc và Việt Nam kỷ niệm 55 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao, chuyến thăm Trung Quốc sắp tới của Chủ tịch nước Trần Đức Lương là một sự kiện lớn trong quan hệ hai nước, có ý nghĩa quan trọng. Tôi tin rằng, qua chuyến thăm này, quan hệ hai đảng, hai nước chúng ta nhất định sẽ được nâng lên một bình diện mới.
Hỏi: Trong những năm gần đây, kim ngạch thương mại song phương đã tăng mạnh, cuối năm 2004 đã vượt mức 5 tỷ USD đề ra cho năm 2005. Theo Đại sứ, hai bên cần phải làm gì để tiếp tục đẩy mạnh kim ngạch buôn bán hai chiều, đồng thời đảm bảo cân bằng trong cán cân thương mại giữa hai nước?
Trả lời: Bước vào thế kỷ mới, kim ngạch thương mại Trung-Việt tăng cao kỷ lục liên tục trong nhiều năm. Theo thống kê của Hải quan Trung Quốc, năm 2004 kim ngạch buôn bán hai chiều đạt 6,74 tỷ USD, hoàn thành trước một năm mục tiêu đến năm 2005 đạt 5 tỷ USD do Thủ tướng hai nước đặt ra. Bốn tháng đầu năm nay, kim ngạch thương mại hai nước tăng 32,3% so với cùng kỳ năm ngoài, cả năm có triển vọng vượt con số 9 tỷ USD.
Các ngành hữu quan của Chính phủ hai nước đã và đang áp dụng nhiều biện pháp tích cực nhằm thúc đẩy hơn nữa quan hệ kinh tế thương mại song phương không ngừng phát triển. Một là "Chương trình Thu hoạch sớm" được thực hiện từ ngày 1 tháng 1 năm 2004 đã có hiệu quả rõ rệt, Trung Quốc nhập khẩu từ Việt Nam tăng 70,4% so với năm 2003. Hai là theo "Thỏa thuận thương mại hàng hóa trong Hiệp định khung về hợp tác kinh tế toàn diện Trung Quốc - ASEAN", Trung Quốc và các nước ASEAN bắt đầu từ tháng 7 năm nay thực hiện cắt giảm thuế quan đối với hơn 7000 loại hàng hóa. Ba là Trung Quốc sẽ mở rộng hơn nữa nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam.
Hỏi: Trong thời gian qua, các doanh nghiệp Trung Quốc đã triển khai đầu tư sang Việt Nam. Tuy nhiên, số dự án cũng như vốn đầu tư còn dừng ở mức khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng của hai nước. Theo ý kiến của Đại sứ, hai bên cần có biện pháp gì để thúc đẩy các dự án đã ký kết và triển khai thêm những dự án mới?
Trả lời: Tính đến cuối tháng 6 năm nay, Trung Quốc đầu tư trực tiếp vào Việt Nam với 386 dự án có hiệu lực, với tổng số vốn đầu tư đạt 733 triệu USD. Nhưng nhìn chung, qui mô về số dự án cũng như vốn đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam vẫn còn khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng phát triển của hai nước.
Chính phủ Trung Quốc khuyến khích những doanh nghiệp có thực lực của Trung Quốc sang đầu tư tại Việt Nam. Hiện nay, hai bên đang bàn về nhiều dự án lớn trên nhiều lĩnh vực như: cơ sở hạ tầng, khai thác tài nguyên, điện lực, hóa chất,… tổng vốn đầu tư lên tới mấy tỷ USD. Tôi tin rằng, chỉ cần hai bên cùng nhau tăng nhanh tốc độ thực hiện những dự án đã ký, nhanh chóng bàn bạc và ký kết những dự án mới, thì đầu tư của Trung Quốc sang Việt Nam nhất định sẽ được nâng lên một bình diện mới.
Hỏi: Tại Hội nghị thượng đỉnh về hợp tác kinh tế Tiểu vùng sông Mê Công mở rộng vừa diễn ra tại Côn Minh, Thủ tướng Ôn Gia Bảo tuyên bố Trung Quốc ủng hộ Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Đại sứ có nhận xét gì về tiến trình đàm phán song phương giữa Trung Quốc và Việt Nam về việc gia nhập WTO?
Trả lời: Trung Quốc luôn luôn ủng hộ mạnh mẽ Việt Nam sớm gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới, và đã cử đoàn đến Hà Nội tiến hành đàm phán vòng 7 với phía Việt Nam vào cuối tháng 6 đầu tháng 7 vừa rồi. Qua sự cố gắng chung của cả hai bên, chúng ta đã đạt được sự nhất trí chung rộng rãi, chỉ còn lại mấy vấn đề nhỏ. Tôi cảm thấy hết sức vui mừng trước kết quả làm việc của hai bên, và cho rằng trong chuyến thăm Trung Quốc của Chủ tịch Trần Đức Lương, hai bên có thể kết thúc đàm phán song phương.
Hỏi: Xin Đại sứ nhận xét về hiệu quả của việc xây dựng hai hành lang và một vành đai kinh tế nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế giữa hai nước?
Trả lời: Việc xây dựng "Hai hành lang, một vành đai" là nhận thức chung của Lãnh đạo hai nước, có lợi cho việc nâng cao trình độ hợp tác của hai bên, đồng thời cũng có lợi cho sự phát triển của quan hệ kinh tế thương mại giữa Trung Quốc và ASEAN. Tháng 3 năm nay, Tổ chuyên gia của hai bên đã tiến hành phiên họp đầu tiên tại Hà Nội, đánh dấu công tác nghiên cứu "Hai hành lang, một vành đai" đã được khởi động. Tôi tin rằng, việc sớm xây dựng thành công "Hai hành lang, một vành đai kinh tế" không những sẽ mang lại hạnh phúc cho nhân dân hai nước, mà còn góp phần tích cực cho sự phát triển của quan hệ kinh tế thương mại giữa Trung Quốc và ASEAN.
Ghi chú: (Hai hành lang, một vành đai kinh tế: Hành lang Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng và Hành lang Nam Ninh - Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng; Vành đai Kinh tế Vịnh Bắc Bộ)./.
Quay lại Đầu trang In trang Gửi mail |