Ngoại giao Việt Nam - 60 năm vì hoà bình, hữu nghị
(TTXVN) - Từ chỗ bị coi là một dân tộc nhược tiểu, không có tên trên bản đồ thế giới, giờ đây Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với 167 nước, quan hệ thương mại với 150 nước và lãnh thổ, là thành viên tích cực của nhiều tổ chức quốc tế, liên khu vực và khu vực (Liên Hợp Quốc, ASEM, APEC, ASEAN). Lịch sử 60 năm qua, kể từ khi thành lập nước Việt Nam đã chứng minh những thành tựu của ngoại giao Việt Nam luôn gắn liền với những chiến công, kỳ tích của cả dân tộc.
Trên con đường đi lên của cả dân tộc, ngành ngoại giao Việt Nam cũng đã không ngừng lớn mạnh, trưởng thành, trở thành một binh chủng đặc biệt, một nguồn lực quan trọng góp phần tạo nên sức mạnh tổng hợp của đất nước, phấn đấu vì mục tiêu: hòa bình, ấm no, hạnh phúc của cả dân tộc như ước vọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Ngày 28/8/1945, Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tuyên bố thành lập, Bộ Ngoại giao do Chủ tịch Hồ Chí Minh làm Bộ trưởng kiêm nhiệm. Từ đó, ngày 28/8 hàng năm trở thành ngày truyền thống của ngành ngoại giao Việt Nam.
Thông điệp ngoại giao quan trọng đầu tiên của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà gửi tới nhân dân toàn thế giới chính là bản Tuyên ngôn Độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc ngày 2/9/1945, thể hiện khát vọng hòa bình, độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam và khẳng định quyết tâm "đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy". Và chỉ một tháng sau khi Việt Nam tuyên bố độc lập, ngày 3/10/1945, Bộ Ngoại giao đã ra thông cáo về chính sách đối ngoại, khẳng định mục tiêu phấn đấu cho nền "độc lập hoàn toàn và vĩnh viễn" của Việt Nam và hợp tác thân thiện với các nước đồng minh, các dân tộc láng giềng.
Ngay từ những ngày đầu lập nước, thực lực cách mạng còn nhỏ bé, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà lại phải đương đầu với nhiều đối thủ mạnh. Dưới sự lãnh đạo sáng suốt, đúng đắn của Đảng, Bác Hồ, Nhà nước Việt Nam đã tiến hành nhiều hoạt động ngoại giao khôn khéo, mềm mỏng để xây dựng và củng cố chính quyền nhân dân còn non trẻ, giữ cho miền Bắc một thời kỳ tương đối ổn định để thực hiện chủ trương kháng chiến, kiến quốc, tạo điều kiện chi viện cho cuộc kháng chiến của đồng bào miền Nam. Mục tiêu quan trọng nhất của công tác đối ngoại thời kỳ đầu lập nước là "làm sao cho các nước công nhận nền độc lập của nước Việt Nam" và khẳng định "Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà là chính phủ hợp pháp duy nhất của toàn thể nhân dân Việt Nam".
Trong lời tuyên bố cùng chính phủ các nước trên thế giới ngày 14/1/1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định thiện chí hòa bình và hợp tác của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà là: "sẵn sàng đặt quan hệ ngoại giao với chính phủ nước nào trọng quyền bình đẳng, chủ quyền lãnh thổ và chủ quyền quốc gia của nước Việt Nam, để cùng nhau bảo vệ hòa bình và xây đắp dân chủ thế giới". Sau lời tuyên bố đó, chính phủ các nước XHCN và dân chủ mới đã lần lượt chính thức công nhận, đặt quan hệ ngoại giao với Việt Nam như Trung Quốc, Liên Xô, CHDCND Triều Tiên, Tiệp Khắc, CHDC Đức, Rumani, Ba Lan, Hungari, Bungari, Anbani... Tiếp đó, việc ký kết Hiệp định Geneve năm 1954 là một thắng lợi ngoại giao quan trọng, ghi nhận chiến thắng của cuộc đấu tranh lâu dài, gian khổ của nhân dân Việt Nam, chấm dứt sự nô dịch của thực dân Pháp ở Việt Nam cũng như trên toàn bán đảo Đông Dương, giải phóng hoàn toàn miền Bắc, làm cơ sở cho cuộc đấu tranh hoàn thành cách mạng dân tộc, dân chủ ở miền Nam, thống nhất đất nước sau này.
Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ngành ngoại giao tiếp tục triển khai nhiều hướng hoạt động quan trọng, đấu tranh thi hành Hiệp định Geneve để thống nhất đất nước, góp phần làm cho dư luận thế giới thấy rõ thiện chí hòa bình của nhân dân Việt Nam và ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của Việt Nam. Hoạt động ngoại giao cũng đã làm cho nhân dân Mỹ và nhân dân thế giới thấy rõ tính chất xâm lược phi nghĩa của cuộc chiến tranh do Mỹ tiến hành ở Việt Nam; đề cao chính nghĩa, phơi bày tội ác chiến tranh của quân đội Mỹ. Những hoạt động ngoại giao hết sức đa dạng thời kỳ này đã góp phần hình thành một mặt trận quốc tế rộng rãi bao gồm các nước, các dân tộc khắp 5 châu ủng hộ, cổ vũ mạnh mẽ cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam. Sau cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1968, ngoại giao Việt Nam đã có nhiều đợt tấn công quan trọng, góp phần buộc Mỹ chấm dứt hoàn toàn việc ném bom, bắn phá miền Bắc, đi vào đàm phán, biến những kết quả đã đạt được trên chiến trường thành kết quả trên bàn hội nghị, tìm giải pháp chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình trên phạm vi cả nước. Ngày 27/1/1973, Việt Nam và Mỹ đã ký Hiệp định Pari về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Thắng lợi ngoại giao cực kỳ quan trọng này đã tạo cơ sở pháp lý cho cuộc đấu tranh chính nghĩa của dân tộc Việt Nam đi đến thắng lợi hoàn toàn vào mùa xuân năm 1975.
Hòa bình lập lại, ngoại giao Việt Nam bước vào một thời kỳ mới với những nhiệm vụ mới mẻ nhưng không kém nặng nề và phức tạp. Hoạt động ngoại giao được triển khai theo hướng đa phương hóa, đa dạng hóa nhằm mở rộng hợp tác quốc tế, tranh thủ sự giúp đỡ từ nhiều nguồn, nhiều nước, góp phần tăng cường sức mạnh kinh tế đất nước. Công cuộc đổi mới đất nước do Đảng ta khởi xướng năm 1986 đã mở ra một giai đoạn mới trong đường lối quốc tế và chính sách đối ngoại của Việt Nam mà nhiệm vụ hàng đầu là tranh thủ điều kiện quốc tế thuận lợi cho sự nghiệp xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc. Với tinh thần sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng quốc tế, việc triển khai đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa đã đạt được những thành tựu to lớn. Từ chỗ bị bao vây cấm vận, Việt Nam đã hội nhập ngày càng sâu rộng với khu vực và thế giới, uy tín và vị thế quốc tế của Việt Nam ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế.
Bước vào thế kỷ XXI, ngoại giao Việt Nam chuyển hướng mạnh mẽ sang phục vụ kinh tế, trong đó nhiệm vụ hàng đầu là tạo môi trường hòa bình, ổn định và điều kiện quốc tế thuận lợi để phát triển kinh tế, lấy việc mở rộng kinh tế đối ngoại làm trọng tâm. Hoạt động ngoại giao phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa ngày càng được tăng cường và mở rộng, góp phần xây dựng chính sách, khuôn khổ pháp lý cho quan hệ kinh tế đối ngoại, nghiên cứu đánh giá các vấn đề chính trị, kinh tế quốc tế tác động đến Việt Nam, nghiên cứu chính sách kinh tế, tìm hiểu tiềm năng thế mạnh của các nước, thúc đẩy hợp tác bình đẳng, cùng có lợi giữa Việt Nam với các nước./.
Back Top page Print Email |