Trang chủ     Đăng ký nhận tin    Ý kiến bạn đọc   Liên kết website English 
Saturday, ngày 28 tháng 12 năm 2024 Tìm kiếm
 Tìm kiếm nâng cao

Cuốn sách Thành tựu bảo vệ và phát triển quyền con người


MỤC LỤC

Lời mở đầu

Chương I: Quan điểm, chính sách của Việt Nam về quyền con người

Chương II: Những thành tựu của Việt Nam trong thực hiện và phát triển quyền con người

I. Bảo đảm quyền con người về dân sự và chính trị

1. Bảo đảm các quyền bầu cử, ứng cử và tham gia quản lý Nhà nước và xã hội

2. Bảo đảm quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí và thông tin

3. Bảo đảm quyền tự do hội họp và lập hội

4. Bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo

5. Bảo đảm bình đẳng và thúc đẩy quyền của đồng bào các dân tộc ít người

6. Bảo đảm quyền sống, được tôn trọng về nhân phẩm và bất khả xâm phạm về thân thể

7. Bảo đảm quyền tự do đi lại và cư trú

II. Bảo đảm thực hiện các quyền con người về kinh tế, văn hoá và xã hội

1. Bảo đảm quyền phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất của người dân

2. Bảo đảm các quyền về xã hội

3. Bảo đảm quyền y tế

III. Bảo đảm quyền của phụ nữ, chăm sóc và bảo vệ

trẻ em, gia đình, người già, người tàn tật

1. Bảo đảm quyền phụ nữ, xoá bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ

2. Bảo đảm quyền trẻ em

3. Bảo đảm quyền của người tàn tật và nạn nhân chất độc màu da cam

4. Bảo đảm quyền của người cao tuổi

Chương III: Hợp tác quốc tế trong lĩnh vực bảo đảm vàphát triển quyền con người

Chương IV: Một số luận điệu vu cáo Việt Nam trong vấn đề quyền con người

Kết luận

LỜI NÓI ĐẦU

Trải qua lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, nhân dân Việt Nam đã phải đổ biết bao xương máu để giành lấy những quyền cơ bản của con người: được sống trong điều kiện độc lập, tự do, có cơm ăn, áo mặc, nhà ở, được học hành, nhân phẩm được tôn trọng. Ngay trong bản Tuyên ngôn Độc lập ngày 2 tháng 9 năm 1945, khai sinh ra Nhà nước Việt Nam độc lập, tự do, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định "tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do".

Nhà nước Việt Nam không chỉ khẳng định sự tôn trọng và bảo vệ quyền con người mà còn làm hết sức mình để bảo đảm và thực hiện quyền con người trên thực tế, thông qua việc xây dựng và không ngừng hoàn thiện hệ thống pháp luật và thực thi các biện pháp cụ thể nhằm phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, để mọi người dân có cuộc sống ngày càng đầy đủ về vật chất, phong phú về tinh thần; xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, bảo đảm thực hiện và thúc đẩy quyền con người trên đất nước Việt Nam.

Để giúp dư luận thế giới hiểu rõ và đúng đắn về truyền thống bảo vệ và phát triển quyền con người ở Việt Nam, về tình hình nhân quyền ở Việt Nam, Bộ Ngoại giao nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam công bố cuốn sách "Thành tựu bảo vệ và phát triển quyền con người ở Việt Nam."

Về đề tài này, đây là tài liệu được xuất bản lần đầu, do đó có thể còn chưa được hoàn thiện và còn nhiều thiếu sót, do đó mong bạn đọc góp ý để bổ sung và hoàn thiện trong các dịp xuất bản tiếp theo.

CHƯƠNG I

QUAN ĐIỂM, CHÍNH SÁCH

CỦA VIỆT NAM VỀ QUYỀN CON NGƯỜI

1. Trong suốt chiều dài lịch sử, loài người luôn đấu tranh nhằm giải phóng con người, xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Trong thời gian dài dân tộc Việt Nam bị nước ngoài đô hộ, phải gánh chịu những hy sinh to lớn để giành độc lập dân tộc và tự do của Tổ quốc. Bằng cuộc đấu tranh bất khuất, kiên cường qua nhiều thế kỷ, dân tộc Việt Nam đã khẳng định rằng, quyền thiêng liêng, cơ bản nhất của con người là quyền được sống trong độc lập, tự do, quyền được tự quyết định vận mệnh của mình. Đây cũng chính là nguyên tắc có tính nền tảng về quyền tự quyết dân tộc đã được khẳng định trong Hiến chương Liên Hợp Quốc và tại Điều 1 của cả 2 Công ước quốc tế cơ bản nhất của Liên Hợp Quốc về quyền con người: Công ước quốc tế về các quyền Kinh tế, Xã hội, Văn hoá và Công ước quốc tế về các quyền Dân sự, Chính trị.

Chủ tịch Hồ Chí Minh, người sáng lập ra nước Việt Nam mới, lúc sinh thời luôn có một ước vọng: "Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành". Ý nguyện đó của Người phản ánh khát vọng của nhân dân Việt Nam, thể hiện những giá trị thiết yếu về quyền con người, là mục đích, tôn chỉ hoạt động xuyên suốt của Nhà nước Việt Nam. Dân tộc Việt Nam, không phân biệt già trẻ, gái trai, sắc tộc, tôn giáo đã đoàn kết một lòng, vượt qua mọi thử thách, gian khổ, hy sinh để giành và giữ các quyền cơ bản đó.

Nhà nước Việt Nam luôn xác định con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự nghiệp xây dựng đất nước. Nhà nước Việt Nam khẳng định con người là trung tâm của các chính sách kinh tế - xã hội, thúc đẩy và bảo vệ quyền con người là nhân tố quan trọng cho sự phát triển bền vững, bảo đảm thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hoá và hiện đại hoá đất nước. Mọi chủ trương, đường lối, chính sách của Việt Nam đều nhằm phấn đấu cho mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”, tất cả vì con người và cho con người.

Từng là nạn nhân của nhiều cuộc chiến tranh xâm lược, sự vi phạm lớn nhất quyền con người, hơn ai hết Việt Nam hiểu rõ rằng quyền con người vừa mang tính phổ biến, thể hiện khát vọng chung của nhân loại, được ghi trong Hiến chương của Liên Hợp Quốc, vừa có tính đặc thù đối với từng xã hội và cộng đồng. Chính phủ Việt Nam cho rằng, trong một thế giới ngày càng đa dạng, khi tiếp cận và xử lý vấn đề quyền con người cần kết hợp hài hòa các chuẩn mực, nguyên tắc chung của luật pháp quốc tế với những điều kiện đặc thù về lịch sử, chính trị, kinh tế - xã hội, các giá trị văn hoá, tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục tập quán của mỗi quốc gia và khu vực. Không một nước nào có quyền áp đặt mô hình chính trị, kinh tế, văn hoá của mình cho một quốc gia khác. Việt Nam cho rằng, cần tiếp cận một cách toàn diện tất cả các quyền con người về dân sự, chính trị, kinh tế, xã hội, văn hoá trong một tổng thể hài hoà, không được xem nhẹ bất cứ quyền nào. Đồng thời, các quyền và tự do của mỗi cá nhân chỉ có thể được bảo đảm và phát huy trên cơ sở tôn trọng quyền và lợi ích chung của dân tộc và cộng đồng; quyền lợi phải đi đôi với nghĩa vụ đối với xã hội. Việc chỉ ưu tiên hoặc tuyệt đối hóa các quyền dân sự, chính trị và một số quyền tự do cá nhân, không quan tâm thích đáng đến quyền phát triển, các quyền kinh tế, xã hội và văn hoá của cả cộng đồng là cách đề cập phiến diện, không phản ánh đầy đủ bức tranh toàn cảnh về quyền con người .

Chính phủ Việt Nam cho rằng, việc bảo đảm và thúc đẩy quyền con người trước hết là trách nhiệm và quyền hạn của mỗi quốc gia. Các quốc gia có trách nhiệm xây dựng hệ thống pháp luật trong nước phù hợp với các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, đặc biệt là Hiến chương Liên hợp quốc có tính đến hoàn cảnh cña mỗi nước để bảo đảm cho người dân được thụ hưởng quyền con người một cách tốt nhất. Do khác biệt về hoàn cảnh lịch sử, chế độ chính trị, trình độ phát triển, giá trị truyền thống văn hóa… nên cách tiếp cận về quyền con người của mỗi quốc gia có thể khác nhau. Việc hợp tác và đối thoại giữa các quốc gia để thúc đẩy và bảo vệ quyền con người là một yêu cầu cần thiết và khách quan. Việt Nam ủng hộ việc tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực quyền con người trên cơ sở đối thoại bình đẳng, xây dựng, tôn trọng và hiểu biết lẫn nhau, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, vì mục tiêu chung là thúc đẩy và bảo vệ ngày càng tốt hơn các quyền con người. Việt Nam cũng cho rằng không nước nào có quyền sử dụng vấn đề quyền con người làm công cụ can thiệp vào công việc nội bộ các quốc gia, gây đối đầu, gây sức ép chính trị, thậm chí sử dụng vũ lực hoặc làm điều kiện trong quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại... với nước khác.

Trong một thế giới tùy thuộc lẫn nhau, các quyền con người chỉ có thể được tôn trọng và bảo vệ trong một môi trường hòa bình, an ninh, bình đẳng và phát triển bền vững, trong đó các giá trị nhân bản được tôn trọng và bảo vệ. Cuộc đấu tranh vì các quyền con người cần tiến hành đồng thời với các biện pháp ngăn chặn các cuộc chiến tranh, xung đột, khủng bố, nghèo đói, dịch bệnh, tội phạm xuyên quốc gia... đang hàng ngày, hàng giờ đe doạ hòa bình, an ninh, độc lập và phồn vinh của mọi quốc gia, ngăn cản việc thúc đẩy và bảo vệ quyền con người trên toàn thế giới.

Các quan điểm nêu trên của Việt Nam hoàn toàn phù hợp với các nguyên tắc, nội dung cơ bản và xu thế phát triển theo hướng tiến bộ của luật pháp quốc tế nói chung và trong lĩnh vực quyền con người nói riêng.

2. Xuất phát từ chủ trương không ngừng phát triển quyền con người, Nhà nước Việt Nam đã và đang xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật để bảo đảm các quyền con người được tôn trọng và thực hiện một cách đầy đủ nhất. Quyền con người, một khi đã được Hiến pháp và pháp luật ghi nhận, sẽ trở thành ý chí chung của toàn xã hội, được xã hội tuân thủ và được pháp luật bảo vệ.

Ngay sau khi giành được độc lập năm 1945, quyền con người, quyền công dân đã được ghi nhận trong Hiến pháp năm 1946 của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và sau đó tiếp tục được khẳng định, mở rộng trong các Hiến pháp năm 1959, 1980 và 1992 (sửa đổi năm 2001). Hiến pháp Việt Nam năm 1992, văn kiện pháp lý cao nhất của Nhà nước Việt Nam, đã ghi nhận một cách trang trọng, rõ ràng và toàn diện các quyền con người (tại các điều 2 và 50) và nội dung các quyền này đã được thể hiện xuyên suốt trong các chương, mục của Hiến pháp, đặc biệt được nêu tập trung tại Chương 5 về các quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân.

Các quyền con người quy định trong Hiến pháp đã không ngừng được cụ thể hóa trong các văn bản pháp quy của Việt Nam. Chỉ tính từ năm 1986 đến nay, Việt Nam đã ban hành 13.000 văn bản pháp luật các loại, trong đó có hơn 40 bộ luật và luật, trên 120 pháp lệnh, gần 850 văn bản của Chính phủ và trên 3000 văn bản pháp quy của các bộ, ngành được thông qua và thực thi. Riêng trong năm 2004, Quốc hội đã thảo luận và thông qua 13 luật và 8 pháp lệnh trong các lĩnh vực khác nhau.

Như vậy, Hiến pháp và pháp luật Việt Nam đã thể hiện đầy đủ tất cả các quyền cơ bản, phổ biến của con người được nêu trong Tuyên ngôn Nhân quyền thế giới năm 1948 và các công ước quốc tế khác của Liên hợp quốc về quyền con người. Điều này chứng tỏ những tiến bộ vượt bậc và những cố gắng rất lớn của Nhà nước Việt Nam trong việc tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người trong bối cảnh Việt Nam còn đang trong quá trình xây dựng một Nhà nước pháp quyền, khi tình hình kinh tế, xã hội của đất nước còn nhiều khó khăn.

CHƯƠNG II

NHỮNG THÀNH TỰU CỦA VIỆT NAM

TRONG VIỆC THỰC HIỆN VÀ THÚC ĐẨY QUYỀN CON NGƯỜI

I. Bảo đảm quyền con người về dân sự và chính trị

Ngay từ khi ra đời, Nhà nước Việt Nam đã đặt ở vị trí cao nhiệm vụ bảo đảm quyền con người. Trong bản Tuyên ngôn độc lập đọc ngày 2 tháng 9 năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trịnh trọng tuyên bố: "Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy" .

Trên tinh thần đó, các quyền con người đã được khẳng định rõ trong các bản Hiến pháp từ khi lập nước đến nay. Hiến pháp đầu tiên của Nhà nước Việt Nam 1946 mới chỉ gồm có 70 Điều, nhưng đã dành cho việc quy định các quyền nghĩa vụ cơ bản của công dân đến 18 điều và được trình bày tập trung tại một chương: "Nghĩa vụ và quyền lợi công dân" và đặt trang trọng ở vị trí ưu tiên, ngay tại Chương II.

Hiến pháp 1959 là bước phát triển hơn nữa so với Hiến pháp 1946 với 21 điều khoản quy định các quyền và nghĩa vụ của công dân.

Hiến pháp 1980 là Hiến pháp của nước Việt Nam thống nhất, kế thừa và phát huy tinh thần của hai Hiến pháp trước, với 29 điều quy định cụ thể về các quyền của công dân.

Hiến pháp Việt Nam năm 1992, là Hiến pháp của công cuộc đổi mới, đã khẳng định: "Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân..." (Điều 2); “Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người về chính trị, dân sự, kinh tế văn hóa và xã hội được tôn trọng, thể hiện ở các quyền công dân và được quy định trong Hiến pháp và pháp luật" (Điều 50).

Nhà nước Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản pháp luật để cụ thể hóa nội dung quyền con người quy định trong Hiến pháp Việt Nam năm 1992 sửa đổi, cũng như nội dung quyền con người theo Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị năm 1966. Trong số này, có những đạo luật quan trọng, trực tiếp liên quan đến lĩnh vực dân sự chính trị như: Luật tổ chức Quốc hội, Luật bầu cử đại biểu Quốc hội, Luật tổ chức Chính phủ, Luật bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân, Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân, Luật tổ chức Tòa án nhân dân, Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân, Bộ Luật Dân sự, Bộ Luật tố tụng dân sự, Bộ Luật Hình sự, Bộ Luật Tố tụng Hình sự, Luật Báo chí, Luật Xuất bản, Pháp lệnh khiếu nại, tố cáo của công dân...

Trong quá trình xây dựng và trước khi thông qua Hiến pháp và các đạo luật quan trọng, dự thảo các văn bản đều được công bố rộng rãi để lấy ý kiến đóng góp của nhân dân và được chỉnh lý trên cơ sở các ý kiến đóng góp trên. Bằng việc tham gia vào quá trình xây dựng luật pháp, nhân dân đã thực hiện các quyền tự do, dân chủ của mình và các văn bản pháp luật quan trọng đều thể hiện được ý chí, lợi ích và nguyện vọng của nhân dân.

1. Bảo đảm các quyền bầu cử, ứng cử và tham gia quản lý Nhà nước và xã hội

Việt Nam chủ trương xây dựng một Nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân. Nhà nước Việt Nam thực hiện phương châm "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra"; nhân dân là người quyết định mọi công việc của Nhà nước. Công dân Việt Nam có quyền tham gia quản lý xã hội một cách trực tiếp hoặc thông qua người đại diện do họ lựa chọn. Thông qua bầu cử, người dân tự lựa chọn ra những người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của mình. Nhà nước Việt Nam không ngừng phấn đấu để bảo đảm và tạo điều kiện cho mọi công dân thực hiện quyền tham gia quản lý Nhà nước và xã hội, coi đây là một trong những nhóm quyền quan trọng nhất của công dân.

Hiến pháp Việt Nam nêu rõ: nhân dân sử dụng quyền lực Nhà nước thông qua Quốc hội và Hội đồng nhân dân là những cơ quan đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân, do nhân dân bầu ra và chịu trách nhiệm trước nhân dân; công dân có quyền tham gia quản lý Nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận các vấn đề chung của cả nước và địa phương, kiến nghị với cơ quan Nhà nước, biểu quyết khi Nhà nước tổ chức trưng cầu ý dân; công dân, không phân biệt dân tộc, nam nữ, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo... đủ 18 tuổi trở lên đều có quyền bầu cử và đủ 21 tuổi trở lên đều có quyền ứng cử vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân.

Trong cuộc bầu cử Quốc hội khoá XI, nhiệm kỳ 2002-2007 và bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp ngày 25/4/2004 đã có tới hơn 99% số cử tri đi bầu. Tỷ lệ cử tri thực hiện quyền bầu cử ở mức cao như vậy là do người dân ngày càng ý thức được quyền của mình. Số đại biểu nữ ở Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp ngày càng tăng. Hiện nay, trong tổng số 498 đại biểu Quốc hội có 136 đại biểu là nữ, 86 đại biểu là người dân tộc ít người, 7 đại biểu Quốc hội Việt Nam là chức sắc tôn giáo.

Trong những năm qua, hoạt động và vai trò của Quốc hội ngày càng được tăng cường. Đại biểu Quốc hội là những đại diện trực tiếp của nhân dân ở mọi tầng lớp, mọi giới, họ là các nhà hoạt động chính trị, xã hội, trí thức, công nhân, nông dân, giới tu hành và đại diện của các dân tộc ít người. Quốc hội đã thực hiện một cách hiệu quả công tác lập pháp và giám sát của mình. Trong mỗi kỳ họp Quốc hội, phần chất vấn các thành viên Chính phủ đã trở thành việc làm thường xuyên, ngày càng đi vào thực chất và có tác dụng như diễn đàn để người dân thông qua đại biểu của mình chất vấn cách thức điều hành của Chính phủ, đặc biệt đối với các hiện tượng tiêu cực, tham nhũng và đề xuất các giải pháp khắc phục khó khăn, thách thức. Việc truyền hình trực tiếp các phiên chất vấn của Quốc hội đã tạo điều kiện tốt hơn cho người dân trong việc thực thi các quyền kiểm tra, giám sát hoạt động của Chính phủ.

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định số 29 ngày 11/5/1998 về Quy chế thực hiện dân chủ ở cấp xã, phường và Nghị định số 71 ngày 8/9/1998 về Quy chế thực hiện dân chủ ở cơ quan. Các quy chế dân chủ ở cơ sở đã tạo điều kiện cho các tầng lớp nhân dân tham gia tích cực vào tiến trình xây dựng, hoạch định và giám sát việc thực hiện chính sách của Nhà nước, được nhân dân đồng tình, hưởng ứng; vị trí làm chủ của người lao động ở cơ sở không ngừng được nâng cao.

Quyền khiếu nại, tố cáo của nhân dân được tôn trọng và bảo vệ; việc giải quyết số vụ khiếu nại, tố cáo của người dân ngày càng có hiệu quả hơn. Theo quy định, các cơ quan Chính phủ phải tiếp dân, nghe dân trình bày và giải đáp cho dân, đồng thời phải tổ chức kiểm tra và giải quyết các khiếu nại, tố cáo của nhân dân. Nghị định số 51/2002/NĐ-CP ngày 26/4/2002 của Chính phủ về việc thi hành Luật Báo chí cũng quy định trong thời hạn 15 ngày kể từ khi nhận được ý kiến, kiến nghị phê bình, khiếu nại, tố cáo của công dân do cơ quan báo chí chuyển hay đăng, phát trên báo, người đứng đầu cơ quan Nhà nước hoặc tổ chức xã hội hữu quan phải thông báo cho cơ quan báo chí biết tình hình giải quyết vụ việc. Pháp luật cũng quy định việc đền bù thiệt hại về vật chất và tinh thần cho những người bị oan sai.

2. Bảo đảm quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí và thông tin

Việt Nam tôn trọng và bảo đảm các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí và thông tin của người dân. Hiến pháp Việt Nam năm 1992 đã nêu rõ: "công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí; có quyền được thông tin theo quy định của pháp luật.” Hệ thống pháp luật Việt Nam về báo chí, xuất bản, phát thanh, truyền hình ngày càng được hoàn thiện theo hướng bảo đảm tốt hơn quyền tự do ngôn luận của nhân dân. Luật Báo chí năm 1989, được sửa đổi và bổ sung ngày 12/6/1999, đã thể hiện đầy đủ chính sách của Nhà nước Việt Nam tôn trọng và bảo vệ quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí của công dân nhằm tăng cường vị trí, vai trò và quyền hạn của báo chí và nhà báo. Luật Báo chí qui định: “Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi để công dân thực hiện quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí. Không một tổ chức, cá nhân nào được hạn chế, cản trở báo chí, nhà báo hoạt động. Báo chí không bị kiểm duyệt trước khi in, phát sóng". Luật Xuất bản cũng quy định công dân được quyền tự do công bố các tác phẩm cho công chúng mà không bị kiểm duyệt. Luật Báo chí còn qui định: công dân được thông tin và phát biểu ý kiến qua báo chí về tình hình đất nước và thế giới; quyền được tiếp xúc, cung cấp tin, bài, ảnh và tác phẩm cho báo chí và nhà báo mà không chịu sự kiểm duyệt của tổ chức, cá nhân nào; quyền đóng góp ý kiến xây dựng và thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách và pháp luật; quyền phê bình, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo trên báo chí...

Trong các năm qua, hoạt động của các phương tiện thông tin đại chúng ngày càng cởi mở, sôi động. Các phiên họp của Quốc hội, Hội đồng nhân dân, nhất là các buổi chất vấn được truyền hình trực tiếp trên vô tuyến truyền hình. Nhiều chương trình đối thoại, tranh luận, trả lời, thăm dò ý kiến … với nội dung phong phú, đa dạng về mọi vấn đề đã được đăng tải, truyền thanh và truyền hình rộng rãi.

Sự phát triển nhanh chóng, đa dạng về loại hình và phong phú về nội dung và các phương tiện thông tin đại chúng ở Việt Nam là một minh chứng về tự do ngôn luận, tự do báo chí và thông tin ở Việt Nam. Năm 1990, Việt Nam chỉ có 258 báo và tạp chí, nay tăng lên tới 553 cơ quan báo chí in với gần 700 ấn phẩm, 200 báo điện tử và hệ thống báo chí trên mạng internet. Ngoài báo chí của các cơ quan Nhà nước, có rất nhiều báo, tạp chí của các tổ chức chính trị, các tổ chức xã hội và nghề nghiệp với trên 550 triệu bản báo được xuất bản hàng năm. Việt Nam hiện có 1 đài phát thanh quốc gia, 1 đài truyền hình quốc gia, 4 Đài Truyền hình khu vực và 64 đài phát thanh, truyền hình cấp tỉnh, thành phố; hơn 600 đài truyền thanh cấp huyện. Đài Tiếng nói Việt Nam và Đài Truyền hình Việt Nam đã không ngừng nâng cao công suất, tăng thời lượng phát sóng, mở rộng diện phủ sóng rộng khắp trong cả nước, tới các khu vực nông thôn, miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa. Trên 80% hộ gia đình nghe được Đài Tiếng nói Việt Nam và trên 70% số hộ xem được các chương trình của Đài Truyền hình Việt Nam. Các tỉnh, thành phố đều có đài phát thanh, truyền hình với thời lượng phát sóng ngày càng tăng. Nhiều chương trình truyền hình của nước ngoài được chiếu rộng rãi ở Việt Nam như CNN, BBC, TV5, DW, RAI, HBO…

Báo chí ở Việt Nam đã trở thành diễn đàn ngôn luận của các tổ chức xã hội, nhân dân, là công cụ quan trọng bảo vệ lợi ích của xã hội, các quyền tự do của nhân dân; là lực lượng quan trọng trong công tác kiểm tra, giám sát việc thực thi chính sách và pháp luật của Nhà nước. Báo chí đã đóng vai trò quan trọng trong phát hiện, đưa tin nhiều vụ việc vi phạm pháp luật, góp phần vào cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực và các tệ nạn xã hội, xây dựng bộ máy công quyền trong sạch, vững mạnh. Mọi người dân đều có quyền đề đạt nguyện vọng, phát biểu và đóng góp ý kiến trên tất cả các vấn đề chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa thông qua các phương tiện thông tin đại chúng. Chủng loại thông tin trên báo chí, đài phát thanh và truyền hình ngày càng phong phú và cập nhật hơn do nguồn cung cấp thông tin nhiều và đa dạng hơn.

Người dân Việt Nam ngày càng được tiếp cận tốt hơn với công nghệ thông tin hiện đại, đặc biệt là Internet. Chính phủ Việt Nam chủ trương khuyến khích và tạo mọi điều kiện để người dân tiếp cận, khai thác và sử dụng rộng rãi thông tin trên mạng Internet bằng Nghị định 55/2001/NĐ-CP ngày 23/8/2001 về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ Internet. Tuy dịch vụ Internet mới được đưa vào khai thác, sử dụng và nối mạng toàn cầu từ tháng 11/1997 song trình độ phát triển và tốc độ đăng ký sử dụng Internet tại Việt Nam đã tăng nhanh, đạt mức tương đương nhiều nước ở châu lục. Hiện nay Internet đã hình thành mạng lưới cung cấp dịch vụ 64/64 tỉnh, thành phố. Tính đến tháng 11/2004, 14 nhà cung cấp dịch vụ Internet đã được cấp giấy phép với 5.875.973 thuê bao; tỷ lệ số dân sử dụng Internet đạt 7,7%, tăng gần gấp đôi so với thời điểm tháng 3/2004 (4,18%). 93,48% trường phổ thông và 100% trường đại học nối mạng internet. Đã có hơn 300 trong số 6.776 trạm bưu điện cấp xã kết nối mạng internet.

3. Bảo đảm quyền tự do hội họp và lập hội

Hiến pháp, Bộ Luật Hình sự, Bộ Luật Dân sự và nhiều văn bản pháp luật của Việt Nam quy định cụ thể các quyền của người dân được tự do hội họp và lập hội. Chính phủ cũng ban hành một số Chỉ thị liên quan đến hiệp hội như Chỉ thị 01-CT/HĐBT năm 1989 về quản lý tổ chức và hoạt động của các Hội quần chúng; Chỉ thị 202-CT/HĐBT năm 1990 về chấp hành các quy định của Nhà nước về lập hội.

Ở Việt Nam, ngoài Đảng Cộng sản Việt Nam, còn có Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, 5 đoàn thể bao gồm Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội cựu chiến binh Việt Nam, 300 tổ chức nhân dân bao gồm các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp hoạt động trên phạm vi toàn quốc so với 115 tổ chức năm 1990 với hàng chục triệu hội viên. Đảng Cộng sản Việt Nam đã được Hiến pháp năm 1992 xác định là "...đội tiền phong của giai cấp công nhân Việt Nam, đại biểu trung thành quyền lợi của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc..." và "...là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và Xã hội." Đảng hoạt động trong khuôn khổ pháp luật qui định. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức đại diện và hiệp thương ý kiến của tất cả các đoàn thể và tổ chức nhân dân trong lĩnh vực chính trị, xã hội và các tổ chức nghề nghiệp, tôn giáo, dân tộc với đại diện của tất cả 54 dân tộc anh em.

Việt Nam có 18 tổ chức công đoàn cấp quốc gia và 6020 tổ chức công đoàn ở địa phương. Các tổ chức này tích cực tham gia vào việc xây dựng chính sách lao động, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động thông qua các văn bản hướng dẫn và hợp đồng lao động, đồng thời đóng vai trò đại diện cho người lao động trong thương lượng, ký kết các thỏa ước lao động tập thể. Bên cạnh đó có các tổ chức của thanh niên, phụ nữ, nông dân, cựu chiến binh… Ngoài ra còn có hàng nghìn hiệp hội, câu lạc bộ... hoạt động trong mọi lĩnh vực đời sống xã hội, trong đó chủ yếu là từ thiện và cứu trợ nhân đạo. Các tổ chức và hiệp hội hoạt động trên nguyên tắc tự nguyện, tự quản, độc lập và tuân thủ pháp luật. Chính phủ chỉ trợ giúp tài chính nếu các chương trình, dự án và hoạt động phù hợp với chính sách phát triển kinh tế, xã hội và lợi ích chung của cộng đồng. Năm 2002, Việt Nam có 18.259 cơ sở của tổ chức xã hội và 1681 cơ sở của tổ chức xã hội nghề nghiệp. Tốc độ tăng của các loại cơ sở này giai đoạn 1996 - 2002 nhanh hơn sự ra đời của các cơ quan Nhà nước, chứng tỏ nhu cầu thành lập hiệp hội của người dân tăng nhanh, quyền tự do thành lập và tham gia các tổ chức, hiệp hội được tôn trọng và bảo đảm.

4. Bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo

Nhà nước Việt Nam nhìn nhận tín ngưỡng, tôn giáo là một nhu cầu tinh thần chính đáng của con người. Tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và tự do không tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân là chính sách nhất quán của Nhà nước Việt Nam. Ngay sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh chính sách "tín ngưỡng tự do và Lương, Giáo đoàn kết" trong chương trình hành động của Chính phủ, coi đó là một trong những nhiệm vụ cấp bách của Nhà nước Việt Nam. Từ đó đến nay, Nhà nước Việt Nam luôn tôn trọng và bảo vệ quyền của các tín đồ được tự do thờ cúng và thực hành tín ngưỡng, tôn giáo và chính sách này đã được thể chế hóa bằng pháp luật.

Điều 70 Hiến pháp Việt Nam năm 1992 nêu rõ: "Công dân có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật. Những nơi thờ tự của các tín ngưỡng, tôn giáo được pháp luật bảo hộ". Công dân theo hoặc không theo tín ngưỡng, tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật (Điều 52 Hiến pháp). Nguyên tắc không phân biệt đối xử vì lý do tôn giáo còn được thể hiện trên mọi lĩnh vực như quyền bầu cử và ứng cử (Điều 54 Hiến pháp), trong các quan hệ dân sự, lao động, kết hôn (các Điều 8, 35, 45 Bộ Luật Dân sự) và nhiều văn bản pháp quy khác như Bộ Luật Tố tụng Hình sự, Luật Đất đai, Luật Giáo dục... Các tổ chức tôn giáo hợp pháp được pháp luật bảo hộ, được hoạt động tôn giáo, mở trường đào tạo chức sắc, xuất bản kinh sách, sửa chữa và xây dựng cơ sở thờ tự theo quy định của pháp luật. Nhà nước chủ trương giao đất cho cộng đồng tín đồ sử dụng lâu dài và đất đai của tôn giáo không phải chịu thuế như các loại đất khác (Điều 2 Nghị định 94/CP ngày 25/8/1994). Luật pháp Việt Nam cũng nghiêm cấm mọi hành vi xâm phạm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân, cưỡng ép dân theo đạo, bỏ đạo hoặc phân biệt đối xử với công dân vì lý do tín ngưỡng, tôn giáo (Điều 8 Pháp lệnh Tín ngưỡng, Tôn giáo) và quy định các hình phạt thích đáng đối với các tội danh này (các Điều 87 và 129 Bộ Luật Hình sự). Các quy định pháp lý trên hoàn toàn phù hợp với tinh thần và nội dung về tự do tín ngưỡng và tôn giáo đã được nêu trong Tuyên ngôn Nhân quyền và Điều 18 của Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị.

Pháp lệnh Tín ngưỡng, Tôn giáo, được Ủy ban Thường vụ Quốc hội Việt Nam thông qua ngày 18/6/2004 và có hiệu lực ngày 15/11/2004. Pháp lệnh đã cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp và thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Nhà nước Việt Nam về tín ngưỡng, tôn giáo trong thời kỳ đổi mới, đáp ứng đầy đủ hơn nguyện vọng và nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo, tâm linh của nhân dân và bảo đảm sự tương thích với các văn bản pháp lý quốc tế về quyền con người mà Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia. Điều 38 của Pháp lệnh nêu rõ: "Trong trường hợp điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập có quy định khác với quy định của Pháp lệnh này thì thực hiện theo quy định của điều ước quốc tế đó”. Ngày 1/3/2005, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 22/2005/NĐ-CP hướng dẫn cụ thể việc thi hành Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo. Ngày 4/2/2005, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị 01/2005/CT-TTg về một số công tác đối với đạo Tin lành, trong đó nghiêm cấm việc ép buộc đồng bào theo đạo hoặc bỏ đạo, tạo điều kiện để các chi hội Tin lành xây dựng nơi thờ tự và đăng ký sinh hoạt tôn giáo…

Việt Nam là một quốc gia có nhiều tôn giáo và nhiều loại hình tín ngưỡng. Khoảng 80% người dân Việt Nam có đời sống tín ngưỡng, tôn giáo. Số tín đồ các tôn giáo tăng nhanh trong thời gian qua: năm 2003 ở Việt Nam có khoảng 20 triệu tín đồ (tăng gần 4,5 triệu so với năm 1997), thuộc 6 tôn giáo, trong đó Phật giáo có gần 10 triệu, Công giáo 5,5 triệu, Cao đài 2,4 triệu, Phật giáo Hòa hảo 1,6 triệu, Tin lành gần 1 triệu và Hồi giáo có 65.000 tín đồ. Hiện nay có hai tổ chức Giáo hội Tin lành được công nhận và được hoạt động thuận lợi tại Việt Nam là Tổng hội Hội Thánh Tin lành Việt Nam (miền Bắc) và Tổng Liên hội Hội thánh Tin lành Việt Nam (miền Nam). Nhà nước đang xem xét để công nhận một số tổ chức, hệ phái Tin lành khác. Mọi sinh hoạt tôn giáo cá nhân của tín đồ, chức sắc thuộc các hệ phái được thực hiện bình thường. Ngoài ra, còn hàng chục triệu người tin theo các tín ngưỡng bản địa như tín ngưỡng dân gian của người Kinh, tín ngưỡng nguyên thủy của các dân tộc ít người. Khách du lịch và người nước ngoài đến Việt Nam rất dễ dàng chứng kiến số người đi lễ chùa, đến nhà thờ và tham dự các lễ hội tín ngưỡng rất đông.

Số nhà thờ, đền, chùa, thánh thất và nơi thờ tự không ngừng tăng. Năm 2003, ở Việt Nam có khoảng 15.244 đền, chùa Phật giáo; 5.456 nhà thờ, nhà nguyện Công giáo; 275 nhà thờ Tin lành; 1.205 thánh thất Cao đài; 35 cơ sở thờ tự của đạo Hoà Hảo, 77 Thánh đường Hồi giáo và hàng chục ngàn đình, miếu, điện thờ. Năm 2003 đã có 425 cơ sở thờ tự được xây lại hoặc xây mới (217 của Phật giáo, 177 của Công giáo, 8 của Tin Lành và 23 của Cao Đài) và 294 cơ sở được sửa chữa, tu bổ. Trong năm 2004, có 165 cơ sở thờ tự được xây mới hoặc sửa chữa, tu bổ.

Hàng năm, số chức sắc, nhà tu hành và những người hoạt động tôn giáo chuyên nghiệp không ngừng tăng nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu tâm linh của nhân dân. Năm 2003, cả nước có 62.486 chức sắc tôn giáo và nhà tu hành (49.829 năm 1997), trong đó có 38.365 chức sắc Phật giáo, 15.058 chức sắc Công giáo, 492 chức sắc Tin lành, 7.350 thuộc Cao đài, 534 thuộc Phật giáo Hòa Hảo và 669 thuộc Hồi giáo. Việc phong chức, bổ nhiệm các chức sắc tôn giáo được tiến hành thường xuyên: năm 2003 và 2004 đã có 2821 chức sắc tôn giáo được phong chức, bổ nhiệm trong đó có 1169 chức sắc Phật giáo, 325 chức sắc Công giáo, 154 chức sắc Tin Lành, 1078 chức sắc Cao Đài, 95 chức sắc Phật giáo Hòa Hảo. Từ năm 1975-2000, có 42 Giám mục được bổ nhiệm, trong khi đó từ năm 1945-1975, Giáo hội Va-ti-căng chỉ bổ nhiệm được 33 người.

Các chức sắc tôn giáo cũng có quyền tham gia quản lý Nhà nước và xã hội, có quyền ứng cử vào Quốc hội và Hội đồng nhân dân như mọi công dân khác theo quy định tại điều 53 và 54 của Hiến pháp. Hiện có 7 đại biểu Quốc hội Việt Nam là chức sắc tôn giáo (4 đại biểu Phật giáo, 2 đại biểu Công giáo, 1 đại biểu Phật giáo Hòa Hảo) và theo số liệu của 44/64 tỉnh, thành phố, hiện có 1171 chức sắc tôn giáo là đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, trong đó cấp tỉnh - thành phố là 74 người, cấp quận - huyện 265 người và cấp xã - phường 832 người.

Các tôn giáo ở Việt Nam có quyền và được Nhà nước tạo điều kiện mở trường và cơ sở đào tạo chức sắc, xuất bản kinh sách, tham gia các hoạt động xã hội, từ thiện, nhân đạo... Giáo hội Phật giáo Việt Nam hiện có 3 học viện Phật học với trên 1.000 tăng ni sinh (năm 1975, chỉ có 1 trường Đại học Phật giáo), 35 lớp cao đẳng và trung cấp Phật học với trên 5000 tăng, ni sinh; 1076 cơ sở từ thiện và nhân đạo, trong đó có 950 lớp học tình thương. Phật giáo Nam Tông Khơme có 2.500 các vị sư theo học các lớp cao cấp, trung cấp và trung cấp Phật học Pali. Giáo hội Công giáo có 6 Đại Chủng viện với 2797 chủng sinh và chủng sinh dự bị, 992 cơ sở hoạt động nhân đạo và từ thiện (130 cơ sở khám chữa bệnh và điều dưỡng, 862 cơ sở giáo dục và dạy nghề). Đạo Tin lành có Viện Thánh kinh Thần học tại thành phố Hồ Chí Minh. Trong thời gian qua, đạo Tin lành đã đào tạo và bồi dưỡng cho 267 mục sư truyền đạo, đạo Hòa Hảo cho 1211 chức việc và đạo Cao đài 1285 chức sắc.

Về Hội đoàn tôn giáo: Phật giáo có 820 gia đình Phật tử. Công giáo: tổng số hội đoàn 9.531, trong đó các hội đoàn phục vụ lễ nghi tôn giáo 4.278; hoạt động khác 5.253.

Hiện nay, riêng ở Tây Nguyên có 304.876 tín đồ Tin Lành, 1286 chi hội thuộc 8 hệ phái, 79 mục sư và 476 nhà truyền đạo và truyền đạo tình nguyện. Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và không tín ngưỡng, tôn giáo của các dân tộc ít người ở Việt Nam được Nhà nước tôn trọng, bảo đảm trong khuôn khổ Hiến pháp, pháp luật. Chính phủ đã có nhiều chính sách nhằm bảo đảm hoạt động bình thường về tín ngưỡng, tôn giáo của đồng bào dân tộc ít người, đạo Tin lành. Chính phủ cũng đã công nhận tư cách pháp nhân của 36 chi hội Tin lành mới được thành lập ở Tây Nguyên.

Các tôn giáo ở Việt Nam có mối quan hệ quốc tế rộng rãi. Giáo hội Công giáo Việt Nam có mối quan hệ về tổ chức và là một bộ phận của Giáo hội Công giáo hoàn vũ dưới sự lãnh đạo của Giáo triều Va-ti-căng. Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng có mối quan hệ chặt chẽ với Phật giáo thế giới và Phật giáo các nước láng giềng như Campuchia, Thái Lan, Trung Quốc... Các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực tôn giáo được Nhà nước tạo điều kiện để giao lưu quốc tế và đi đào tạo ở nước ngoài. Từ năm 1993 đến hết năm 2002 đã có 3.272 trường hợp giáo sỹ xuất cảnh (Công giáo 1.600 trường hợp, Phật giáo 1.303 trường hợp, Tin Lành 36 trường hợp, Hồi giáo 228 trường hợp, Cao Đài 15 trường hợp) đi học, tham dự hội nghị, hành hương, chữa bệnh, thăm thân, du lịch. Riêng trong năm 2004 đã có 317 giáo sĩ, chức sắc các tôn giáo xuất cảnh để hoạt động tôn giáo ở nước ngoài. Đại diện một số tôn giáo như Công giáo, Tin lành, Phật giáo tham dự Hội nghị Thiên niên kỷ các nhà lãnh đạo tôn giáo tại Niu Oóc, Mỹ năm 2000, Tham dự đối thoại liên tôn tại In-đô-nê-xia, Hội nghị thượng đỉnh Phật giáo tại Mi-an-ma.

Rất nhiều cá nhân, tổ chức tôn giáo nước ngoài cũng đã vào Việt Nam để hoạt động tôn giáo và giao lưu với các tổ chức tôn giáo Việt Nam.: Đoàn Toà thánh Va-ti-căng (hàng năm đến Việt Nam để làm việc về những vấn đề liên quan đến Giáo hội Công giáo), Hiệp hội Phật giáo Trung Quốc, Đoàn Hội đồng Giám mục Mỹ,… Bên cạnh đó, đoàn của Uỷ ban Tự do Tôn giáo Quốc tế đã tới Việt Nam và có nhiều cuộc tiếp xúc với đại diện các tôn giáo của Việt Nam.

Các đơn thư khiếu nại, tố cáo liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo luôn được Nhà nước quan tâm và giải quyết kịp thời.

5. Bảo đảm quyền bình đẳng của các dân tộc

Việt Nam là một quốc gia có 54 dân tộc. Trên 10 triệu trong tổng số 82 triệu dân Việt Nam thuộc 53 dân tộc ít người, chiếm 13,8% so với tổng số dân, sống xen kẽ nhau, tập trung chủ yếu ở các vùng núi, đặc biệt vùng Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ. Các dân tộc Việt Nam có truyền thống đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc đấu tranh chống ngoại xâm, chế ngự thiên nhiên và xây dựng đất nước. Mỗi dân tộc có bản sắc văn hóa riêng, tạo nên sự đa dạng, phong phú của nền văn hóa Việt Nam thống nhất. Nhà nước Việt Nam đặc biệt coi trọng chính sách dân tộc, bảo đảm quyền bình đẳng giữa các dân tộc, coi đó là một trong những nhân tố quyết định cho sự phát triển bền vững của đất nước. Chính sách này được thể hiện một cách toàn diện trên mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, được thể hiện trong đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước Việt Nam.

Điều 5 Hiến pháp Việt Nam năm 1992 nêu rõ: "Nhà nước thực hiện chính sách bình đẳng, đoàn kết, tương trợ giữa các dân tộc, nghiêm cấm mọi hành vi kỳ thị, chia rẽ dân tộc. Các dân tộc có quyền dùng tiếng nói, chữ viết, giữ gìn bản sắc dân tộc và phát huy những phong tục, tập quán, truyền thống và văn hóa tốt đẹp của mình. Nhà nước thực hiện chính sách phát triển về mọi mặt, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào dân tộc ít người". Công dân Việt Nam không phân biệt dân tộc đều bình đẳng trước pháp luật, được hưởng các quyền và thực hiện nghĩa vụ công dân như nhau (Điều 52 của Hiến pháp). Các quy định trên của Hiến pháp đã được thể chế và cụ thể hóa trong các văn bản luật khác nhau.

Về mặt thể chế, Hội đồng Dân tộc do Quốc hội bầu ra theo quy định của Hiến pháp (Điều 94), bên cạnh các chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của một cơ quan của Quốc hội. Hội đồng có nhiệm vụ nghiên cứu và kiến nghị Quốc hội về các vấn đề dân tộc, giám sát việc thi hành chính sách dân tộc, các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội miền núi và vùng có đồng bào dân tộc ít người. Chính phủ có trách nhiệm tham khảo ý kiến Hội đồng Dân tộc trước khi ban hành các quyết định về chính sách dân tộc. Trong Chính phủ có một cơ quan cấp bộ là Uỷ ban dân tộc, chuyên trách công tác dân tộc.

Bảng 1 - Tỷ lệ người dân tộc thiểu số ở Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp

 

Tổng đại biểu

Đại biểu là người dân tộc thiểu số

Tỷ lệ

Quốc hội 2002-2007

498

86

17.27%

Tỉnh

3.462

489

14%

Huyện

18.748

3.192

17%

219.438

42.500

19%

Các quyền chính trị của đồng bào dân tộc ít người được tôn trọng và bảo vệ. Công dân Việt Nam thuộc các dân tộc ít người có quyền tham gia quản lý Nhà nước và xã hội, ứng cử vào Quốc hội và Hội đồng nhân dân như mọi công dân khác theo quy định tại Điều 53 và 54 của Hiến pháp. Hiện nay có nhiều đại biểu của dân tộc ít người giữ các vị trí lãnh đạo, kể cả cấp cao nhất trong bộ máy lãnh đạo của Quốc hội và Chính phủ Việt Nam. Số đại biểu Quốc hội khoá XI, nhiệm kỳ 2002-2007 là người dân tộc ít người hiện có 86/498 người (chiếm 17,27% số đại biểu Quốc hội, cao hơn tỷ lệ 13,8 % dân số là người dân tộc ít người). Tỷ lệ đại biểu dân tộc ít người tại Hội đồng nhân dân các cấp cũng khá cao: 14% ở cấp tỉnh, thành phố; 17% cấp huyện và 19% cấp xã, phường. Tại các địa phương miền núi, tỷ lệ đó cao hơn nhiều. Số lượng cán bộ là người dân tộc ít người ở các địa phương không ngừng tăng: chiếm trên 31% cán bộ xã ở các tỉnh Tây Nguyên.

Trên thực tế, Nhà nước Việt Nam luôn quan tâm và dành các điều kiện ưu đãi nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc ít người, hỗ trợ họ thực hiện quyền bình đẳng, từng bước thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các dân tộc tiến tới trình độ phát triển chung của cả nước. Năm 2004, tổng số vốn đầu tư cho các vùng dân tộc ít người và miền núi đạt khoảng 38.000 tỷ đồng, chiếm 33,5% tổng số vốn đầu tư phát triển của cả nước.

Theo hướng đó, Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều Chương trình phát triển kinh tế-xã hội ở các vùng tập trung đồng bào dân tộc ít người. Đáng chú ý là Chương trình hành động 122 của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 (Khoá IX) Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về công tác dân tộc; Chương trình 135 về phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc ít người, miền núi, vùng sâu, vùng xa; các chính sách và chương trình ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng, giải quyết đất sản xuất và đất ở (Quyết định 132); hỗ trợ đất sản xuất, nhà ở và các nhu cầu thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống cho đồng bào nghèo thuộc dân tộc ít người (Quyết định 134 năm 2004); xóa đói, giảm nghèo và giải quyết việc làm (Chương trình 135); ưu đãi thuế nông nghiệp và thuế lưu thông hàng hoá, hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp, trợ giá các mặt hàng thiết yếu cho đồng bào dân tộc như muối ăn, thuốc chữa bệnh, phân bón, giấy viết…(các Nghị định 20 năm 1998 và 02 của Chính phủ năm 2002); chính sách phát triển rừng, bảo vệ môi trường sống miền núi (Chương trình 327); chính sách ưu tiên đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng cán bộ người dân tộc ít người; chính sách phổ cập giáo dục, mở rộng các trường dân tộc nội trú, ưu tiên tuyển học sinh dân tộc vào trường đại học và dạy nghề; cải tạo các trạm y tế miễn phí cho đồng bào dân tộc ít người gặp khó khăn; hỗ trợ văn hoá thông tin cho đồng bào ít người...

Chính phủ cũng có nhiều chỉ thị, quyết định và biện pháp cụ thể đối với một số vùng đặc thù có nhiều đồng bào ít người sinh sống như Quyết định 168/2001/QĐ-TTg ngày 30-10-2001 về việc định hướng dài hạn, kế hoạch 5 năm 2001-2005 và những giải pháp cơ bản phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên; Quyết định 186/2001/QĐ-TTg ngày 7/12/2001 về phát triển kinh tế, xã hội các tỉnh đặc biệt khó khăn ở vùng miền núi phía Bắc; Chỉ thị số 173/2001/QĐ-TTg ngày 11/6/2001 về phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bằng sông Cửu Long...

Việc thực hiện chính sách dân tộc của Nhà nước Việt Nam đã và đang mang lại những kết quả to lớn, nhất là trong thời kỳ đổi mới. Tình hình phát triển kinh tế, xã hội ở các vùng đồng bào dân tộc ít người và miền núi đã mang lại kết quả rõ rệt. Từ 10 năm nay, tăng trưởng kinh tế tại các địa phương có nhiều dân tộc ít người luôn đạt tỷ lệ 8-10% năm (cao hơn mức tăng trưởng toàn quốc). Số hộ đói, nghèo giảm mạnh từ 60% xuống còn 25,9%; sản xuất lương thực đạt từ 290-384 kg/người/năm, nhiều nơi đạt 500 kg/người/ năm. An ninh lương thực vùng dân tộc ít người đã từng bước được bảo đảm, về cơ bản, không còn hộ bị đói. Kinh tế vùng Tây Nguyên đạt mức tăng trưởng khá: năm 2001 đạt 10,5%, năm 2002 đạt 7,3%, năm 2003 đạt 11,2%, năm 2004 đạt khoảng 12%; Đầu tư phát triển từ ngân sách nhà nước cho các tỉnh Tây Nguyên liên tục tăng trong các năm, năm 2002 tăng 38,7% so với năm 2001, năm 2004 tăng 53,27% so với năm 2003. Tỷ lệ hộ nghèo (theo tiêu chuẩn Việt Nam giảm liên tục: năm 2001 là 24,9%, năm 2002 còn 21,6%, năm 2003 còn 17,4% và tháng 12/2004 chỉ còn 13,69%. Tăng trưởng GDP trong 6 tháng đầu năm 2004 của vùng Tây Nam Bộ (nơi có hơn 1,3 triệu người Khơ-me sinh sống) đạt 9,45% so cùng kỳ, tỷ lệ hộ nghèo năm 2003 chỉ còn khoảng 8% và dự kiến sẽ giảm xuống dưới 6% vào cuối năm 2005.

Cơ sở hạ tầng phát triển khá nhanh. Đến nay, hầu hết các địa phương vùng dân tộc ít người đã hình thành mạng lưới giao thông từ tỉnh đến huyện, xã; 97,42% số xã có đường ô tô đến trung tâm xã; 100% thị xã - tỉnh lỵ, 98% số huyện và 64% số xã có điện lưới (toàn quốc là 89%) và 51,7% số hộ dân miền núi đã được sử dụng điện (ở Tây Nguyên là 70%); trên 60% số xã đã có điện thoại. Trên địa bàn miền núi đã có trên 3000 công trình thuỷ lợi, tưới tiêu cho hơn 70 % diện tích đất canh tác và bảo đảm nhu cầu nước sinh hoạt cho trên 70% dân số vùng núi.

Cơ cấu kinh tế các vùng này đang chuyển dịch mạnh: tỷ trọng nông, lâm nghiệp từ 90% năm 1990 xuống dưới 56% năm 2003; công nghiệp tăng từ 9% năm 1999 lên trên 18,4% năm 2003 và thương mại, dịch vụ tăng tương ứng từ 15% lên 26%

Các chính sách mới về phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, giao đất, giao rừng cho đồng bào dân tộc ít người, việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật về giống cây trồng, vật nuôi, kết hợp với đầu tư cho thuỷ lợi góp phần làm sản lượng lương thực không ngừng tăng. Các vùng chuyên canh cây công nghiệp, cây ăn quả đã xuất khẩu được sản phẩm ra thị trường thế giới như cà phê, chè, cao su, điều, mía, dâu tằm. Nhờ thực hiện chương trình phủ xanh đất trống, đồi núi trọc nên diện tích rừng đã tăng thêm 1,3 triệu ha, tăng tỷ lệ che phủ toàn quốc lên 34,4% năm 2001. Công nghiệp miền núi cũng phát triển với các ngành nghề đa dạng như năng lượng, công nghiệp khai thác và chế biến, sản xuất hàng tiêu dùng. Một số ngành hiện chiếm tỷ lệ cao trong công nghiệp cả nước như khoáng sản chiếm 67%, điện 40%, chè trên 93%.

Chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc ít người định canh, định cư để ổn định đời sống cũng đạt những kết quả quan trọng. Từ năm 1991 đến nay, Chính phủ đã đầu tư gần 2000 tỷ đồng để thực hiện gần 1000 dự án định canh, định cư, giúp trên 500.000 hộ đồng bào dân tộc ít người định canh định cư; khai hoang thêm 16.000 ha trồng cây lương thực, gần 50.000 ha cây công nghiệp và trồng gần 50.000 ha rừng; xây dựng hàng chục nghìn km đường, cầu cống, hàng nghìn công trình thủy điện nhỏ, mở thêm hàng nghìn trường học, trạm y tế ... Đến nay, Chính phủ đã hỗ trợ cho 15,8% hộ gia đình ít người gặp khó khăn có nhà ở, đất ở và đất canh tác. Đời sống của đồng bào vùng dự án được cải thiện. Tại Tây Nguyên, tỉnh Lâm Đồng về cơ bản hoàn thành định canh định cư; Kon Tum đạt 83%, Gia Lai 85%, Đăk Lăk 74,9%.

Bảng 2 – Những đặc điểm giáo dục

Tỷ lệ nhập học đúng tuổi

91,6%

Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp tiểu học

77%

Tỷ lệ học sinh bỏ học

3,7%

Tỷ lệ học sinh/giáo viên

26,4%

Số học sinh tiểu học

8.927.000

Số học sinh các dân tộc thiểu số

1.584.087

Học sinh khuyết tật

200.900

Chi tiêu ngân sách (tính trên GDP)

23%

Chi tiêu ngân sách cho giáo dục (% trên tổng chi tiêu xã hội)

13,9%

Chi tiêu ngân sách cho giáo dục tiểu học (% tính trên tổng chi tiêu cho giáo dục)

37%

Về y tế, tất cả các huyện đều có trung tâm y tế và trên 93,5 % số xã vùng dân tộc ít người và miền núi có trạm y tế (cả nước mới đạt 90%). Phần lớn các xã vùng dân tộc ít người đã có bác sĩ; các thôn, buôn, bản có cán bộ y tế, nguồn thuốc dự trữ tại các xã phục vụ khám chữa bệnh cho đồng bào tăng cả về cơ số và chất lượng. Đến nay, Bộ Y tế đã cấp trên 1,41 triệu thẻ bảo hiểm và khám chữa bệnh miễn phí cho đối tượng chính sách và người dân tộc ít người. 95% trẻ em dân tộc ít người được tiêm chủng phòng ngừa 6 bệnh của chương trình tiêm chủng mở rộng. Số bệnh nhân sốt rét giảm trên 92%. Các dịch bệnh khác phổ biến trước đây như bướu cổ, phong, tiêu chảy, da liễu đã giảm đáng kể.

Hệ thống giáo dục phổ thông phát triển nhanh tại vùng đồng bào dân tộc ít người và việc dạy tiếng dân tộc được đưa vào chương trình giảng dạy trong các trường phổ thông ở khu vực dân tộc ít người. Hiện có 99,5% số xã có trường tiểu học, trên 60% cụm xã có trường phổ thông cơ sở, các huyện đều có ít nhất một trường phổ thông trung học. Hệ thống trường dân tộc nội trú (theo chế độ miễn phí và nhà nước chu cấp ăn, ở…) ngày càng mở rộng và hoàn thiện. Ngoài ra, toàn quốc có 7 trường cấp trung ương dành cho trẻ em các dân tộc ít người. Tỷ lệ trẻ em trong độ tuổi đến lớp đạt 85-90%. Nhiều tỉnh có chính sách ưu tiên tuyển thẳng vào học cấp II và cấp III; giải quyết cho 100% học sinh dân tộc ít người vào lớp 6 và lớp 10 của trường công lập. Chính phủ thực thi nhiều chính sách như miễn giảm học phí, cấp không giấy viết và sách giáo khoa; chính sách cử tuyển ưu tiên con em học sinh đồng bào dân tộc ít người vào các trường đại học, chuyên nghiệp, đã biên soạn 6 bộ sách và chương trình giảng dạy bằng 8 ngôn ngữ dân tộc như chữ Thái, Mông, Ê-đê, Ba-na, Gia-rai, Hoa, Chăm và Khơ-me. Hiện nay có 4 trung tâm đại học khu vực tại Tây Bắc, Đông Bắc, Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long.

Đồng bào các dân tộc ít người được tạo điều kiện tiếp cận văn hoá, thông tin. Nhà nước Việt Nam luôn tôn trọng, giữ gìn và phát huy truyền thống văn hoá, những vật phẩm văn hoá vật thể và phi vật thể của từng dân tộc; chú trọng sưu tầm, khai thác, lưu giữ, in ấn, giới thiệu rộng rãi các di sản đặc sắc của văn hoá dân tộc. Hệ thống phát thanh, truyền hình đã và đang tăng thời lượng và chất lượng; có chương trình phát thanh, truyền hình bằng 14 thứ tiếng dân tộc. Chính phủ quyết định cấp phát miễn phí 17 đầu báo, tạp chí đến tận thôn, bản, xã đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa; cấp gần 20 triệu bản sách cho các trường phổ thông dân tộc nội trú.

Đa số đồng bào dân tộc ít người có tín ngưỡng riêng, một bộ phận theo đạo, đặc biệt là đạo Tin lành ở Tây Nguyên và vùng núi phía Bắc, đạo Phật Nam Tông của đồng bào Khơ-me ở vùng Tây Nam Bộ.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu mọi mặt nêu trên, tình hình kinh tế, xã hội của đồng bào dân tộc ít người và miền núi còn nhiều khó khăn, chủ yếu do hoàn cảnh khách quan: địa hình phức tạp, điểm xuất phát về trình độ phát triển thấp.

6. Bảo đảm quyền sống, được tôn trọng về nhân phẩm và bất khả xâm phạm về thân thể

Quyền sống, quyền bất khả xâm phạm về thân thể, quyền được tôn trọng danh dự và nhân phẩm, không bị tra tấn, nhục hình của mọi cá nhân đã được ghi nhận trong Hiến pháp Việt Nam và được cụ thể hóa trong nhiều văn bản luật, đặc biệt là các Bộ luật Hình sự và Tố tụng Hình sự.

Hiến pháp Việt Nam quy định mọi người dân đều có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về tính mạng, sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm. Không ai bị bắt, nếu không có quyết định của Toà án nhân dân hoặc của Viện kiểm sát nhân dân, trừ trường hợp phạm tội quả tang. Việc bắt, giam giữ người phải đúng pháp luật. Mọi hình thức truy bức, nhục hình, đối xử vô nhân đạo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người dân đều bị nghiêm cấm. Ngoài ra, mọi người dân có quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở; thư tín, điện thoại, điện tín của cá nhân được bảo đảm an toàn và bí mật. Người nước ngoài cư trú ở Việt Nam cũng được Nhà nước Việt Nam bảo hộ các quyền trên.

Quyền sống là quyền trước tiên và quan trọng nhất của con người. Nhà nước Việt Nam đặc biệt ưu tiên và đã có những nỗ lực cao nhất nhằm bảo đảm quyền sống cho mọi người dân, kể cả những người phạm tội. Mọi hành vi xâm phạm quyền sống của con người bị coi là hành vi phạm tội nghiêm trọng nhất và bị nghiêm trị theo quy định của pháp luật. Bộ luật Hình sự Việt Nam đã dành 18 điều luật quy định những mức án nghiêm khắc đối với các tội trực tiếp hoặc gián tiếp xâm phạm đến quyền sống của con người. Do yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm, nhất là tội phạm ma tuý, Việt Nam vẫn duy trì hình phạt tử hình. Hình phạt tử hình chỉ áp dụng đối với những người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng; không áp dụng hình phạt tử hình đối với người phạm tội chưa thành niên, phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi. Nhà nước Việt Nam đã và đang chủ trương thu hẹp dần phạm vi áp dụng hình phạt tử hình và tiến tới xóa bỏ hình phạt này trong tương lai. Theo hướng đó, bộ Luật Hình sự Việt Nam năm 1999 đã giảm thiểu việc áp dụng án tử hình từ 44 tội danh xuống còn 29 tội danh.

Quyền tự do, bất khả xâm phạm về thân thể và tôn trọng nhân phẩm được pháp luật Việt Nam bảo vệ. Một mặt, pháp luật nghiêm trị những hành vi xâm phạm quyền tự do, quyền bất khả xâm phạm thân thể của con người; mặt khác, quy định rất chặt chẽ các căn cứ, điều kiện, trình tự, thủ tục và thẩm quyền áp dụng các biện pháp như việc bắt giữ, tạm giam theo hướng ngăn ngừa việc lạm dụng dẫn đến vi phạm. Bộ Luật Hình sự có các điều khoản nghiêm cấm các hành vi tra tấn, dùng nhục hình và bức cung. Quy chế Trại giam, ban hành ngày 16/9/1993, đã quy định cụ thể về chế độ quản lý, giam giữ phạm nhân; chế độ ăn, mặc, ở, sinh hoạt, chữa bệnh; chế độ lao động, học tập của phạm nhân. Phạm nhân được hoạt động thể dục, thể thao, văn hoá, văn nghệ; được khám sức khoẻ định kỳ, chí ít một năm một lần; được học văn hoá để xoá mù chữ, phạm nhân chưa thành niên được phổ cập tiểu học, được nghe phổ biến thời sự, chính sách, học các chương trình giáo dục công dân, được học và việc dạy nghề với phạm nhân chưa thành niên là bắt buộc ...

Xuất phát từ chính sách khoan hồng và truyền thống nhân đạo, hàng năm Nhà nước Việt Nam đều tiến hành các đợt đặc xá phạm nhân vào các ngày lễ lớn của dân tộc. Ngày 28/7/2004, Chủ tịch nước đã quyết định tiến hành 4 đợt đặc xá lớn nhân dịp Quốc khánh 2/9/2004, Tết Ất Dậu năm 2005, Ngày Chiến thắng 30/4/2005 và Quốc khánh 2/9/2005. Thực hiện quyết định này, đã có 8623 phạm nhân được đặc xá dịp tháng 9/2004, 8428 phạm nhân được đặc xá nhân dịp Tết Ất Dậu năm 2005 và 7751 phạm nhân được đặc xá đợt 30/4 năm 2005. Dự kiến đến cuối năm 2005 sẽ có thêm hàng nghìn phạm nhân được hưởng đặc xá. Đây là một trong những thành tựu nổi bật của Việt Nam về việc đối xử nhân đạo, khoan hồng với tù nhân, những người lầm lỡ, tạo điều kiện cho họ trở về với cuộc sống lương thiện.

7. Bảo đảm quyền tự do đi lại và cư trú

Nhà nước Việt Nam tạo mọi điều kiện và bảo đảm quyền tự do đi lại và tự do cư trú của công dân. Hiến pháp Việt Nam đã khẳng định: công dân có quyền tự do đi lại và cư trú ở trong nước, có quyền ra nước ngoài và từ nước ngoài về nước theo quy định của pháp luật. Việc đi lại và lựa chọn nơi cư trú do mỗi cá nhân quyết định phù hợp với nhu cầu, khả năng, hoàn cảnh của họ.

Những quy định pháp luật về việc đi lại, cư trú của công dân Việt Nam và người nước ngoài ở Việt Nam ngày càng được bổ sung, sửa đổi theo hướng cởi mở và tự do nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, nhu cầu phát triển giao lưu, quan hệ mọi mặt giữa Việt Nam và cộng đồng quốc tế. Các thủ tục hành chính gây phiền hà cho việc đi lại, cư trú của công dân đều bị bãi bỏ. Quyền tự do xuất, nhập cảnh của công dân Việt Nam đã được cụ thể hóa trong Nghị định 05/2000/NĐ-CP của Chính phủ ngày 3/3/2000. Việt Nam cũng đã ký kết Hiệp định lãnh sự (với 17 nước), Hiệp định tương trợ tư pháp (với 15 nước), Hiệp định kiều dân, Hiệp định thoả thuận miễn thị thực (với 41 nước), đơn phương miễn thị thực nhập cảnh cho công dân một số nước, qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho việc xuất nhập cảnh, cư trú của công dân và người nước ngoài, tạo cơ sở pháp lý để thực hiện công tác bảo hộ công dân Việt Nam ở nước ngoài cũng như giải quyết các vấn đề phát sinh từ việc cư trú, đi lại của công dân Việt Nam và người nước ngoài ở Việt Nam. Với sự đổi mới của đất nước, với chính sách đại đoàn kết dân tộc, đã tạo nên một "làn sóng người trở về" trong số những người Việt Nam định cư ở nước ngoài: nếu năm 1987 chỉ có 8.000 lượt đồng bào về thăm đất nước, thì đến năm 2004 con số này đã lên đến trên 430.000.

Có một thực tế là: trong khoảng hai thập kỷ sau chiến tranh, có hàng triệu người vượt biên trái phép ra nước ngoài, vi phạm các qui định của pháp luật và chính sách của Nhà nước Việt Nam về cư trú và đi lại. Tuy nhiên, Chính phủ Việt Nam đã tuyên bố rõ ràng, không truy cứu trách nhiệm pháp lý về những vi phạm pháp luật của họ khi họ trở về nước. Chương trình Hồi hương tự nguyện (CPA) mà Việt Nam đã thoả thuận với Cao uỷ Tị nạn LHQ (UNHCR) từ năm 1989-1998 đã đưa 110.000 người di tản (không được các nước coi là tị nạn) trở về, tái định cư, và không ai bị kỳ thị. Chương trình này được Cao uỷ tị nạn LHQ coi là chương trình nhân đạo thành công nhất giữa một tổ chức của LHQ với một nước đang phát triển. Nhà nước Việt Nam cũng đã tạo điều kiện cho 247.005 người được xuất cảnh theo Chương trình ra đi có trật tự (ODP); 90.942 người theo Chương trình con lai Mỹ (AC); 165.078 người theo chương trình dành cho sĩ quan chính quyền Sài Gòn cũ cải tạo (HO) và thực hiện Chương trình tái định cư nhân đạo cho nhiều người.

II. Bảo đảm thực hiện các quyền con người về kinh tế, xã hội và văn hoá

1. Bảo đảm quyền phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất của người dân

Phát triển kinh tế là một trong những tiền đề quan trọng nhất cho việc thực thi dân chủ và quyền con người. Chính phủ Việt Nam cho rằng tăng trưởng kinh tế đi liền với phát triển văn hoá, từng bước cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ và cải thiện môi trường, chính là thực hiện quyền con người về kinh tế, văn hoá và xã hội. Trong những năm qua Nhà nước Việt Nam đã thực hiện thắng lợi nhiều chương trình phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm ngày càng tốt hơn các quyền con người về kinh tế, văn hoá, xã hội.

Mười năm gần đây, mức sống trung bình của người dân Việt Nam đã tăng lên hơn hai lần. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) bình quân đầu người liên tục tăng qua các thời kỳ: thời kỳ 1986-2000 tăng 6,80%, cao gần gấp đôi thời kỳ 1977-1985. GDP năm 2002 đã gấp 2,4 lần năm 1990, gấp 3 lần năm 1985 và gấp 11,1 lần năm 1955. Từ năm 2001 đến nay, tốc độ tăng GDP liên tục vượt ngưỡng 7%/năm, năm 2004 đạt 7,69%. Quỹ tiêu dùng của người dân được bổ sung rõ rệt, thể hiện qua sức tăng mạnh mẽ của tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước (VND 372,5 nghìn tỷ, tăng 18,5% so với 2003). GDP tính bằng đôla Mỹ (USD) bình quân đầu người của Việt Nam liên tục tăng, năm 1995 đạt 289 USD, đứng thứ 10 khu vực, thứ 44 Châu Á, thứ 177 thế giới (Việt Nam là 1 trong 23 nước có mức thu nhập thấp nhất thế giới), đến năm 2002 đạt khoảng 439 USD,

vượt lên đứng thứ 8 khu vực, thứ 39 Châu Á và thứ 112 thế giới. Nếu tính theo tỷ giá sức mua tương đương, năm 1995 mới đạt 1.236 USD, đứng thứ 8 khu vực, thứ 41 Châu Á và thứ 147 thế giới thì đến năm 2000 đã đạt 1996 USD, vượt lên đứng thứ 7, thứ 36 và thứ 113. Việt Nam đã chuyển từ khu vực các nước kém phát triển sang khu vực các nước đang phát triển. Việt Nam đã đạt được sự phát triển thần kỳ về sản xuất nông nghiệp, từ chỗ sản xuất không đủ tiêu dùng, phải nhập khẩu với khối lượng lớn, nay sản xuất đã vượt nhu cầu trong nước và xuất khẩu nhiều sản phẩm với khối lượng đứng thứ bậc khá cao trên thế giới. Một trong những nhân tố tạo nên sự phát triển nhanh chóng là người dân có điều kiện tự do làm ăn, kinh doanh. Hiến pháp Việt Nam năm 1992 đã khẳng định nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, bao gồm nhiều thành phần kinh tế: kinh tế nhà nước; kinh tế tập thể; kinh tế cá thể, tiểu chủ; kinh tế tư bản tư nhân; kinh tế tư bản nhà nước và kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài. Nhà nước Việt Nam tôn trọng các thành phần kinh tế; những người có năng lực và điều kiện ở mọi thành phần kinh tế đều được Nhà nước tạo điều kiện để tham gia vào quá trình phát triển. Đặc biệt, Luật Doanh nghiệp ban hành năm 2000 đã tạo ra một sức sống mới cho các doanh nghiệp Việt Nam. Chỉ tính đến 31/12/2003, cả nước đã có 72.012 doanh nghiệp đang hoạt động, bao gồm: 4.845 doanh nghiệp Nhà nước (1.898 Doanh nghiệp Nhà nước Trung ương, 2.947 doanh nghiệp Nhà nước địa phương), 64.526 doanh nghiệp ngoài Nhà nước (4.150 doanh nghiệp tập thể, 60.376 doanh nghiệp tư nhân, 2.641 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài), với tổng số trên 5,1 triệu lao động, trong đó khu vực doanh nghiệp Nhà nước có 2,264 triệu người; khu vực doanh nghiệp ngoài Nhà nước có trên hai triệu.

Việc làm vừa là vấn đề kinh tế, vừa là vấn đề xã hội bức xúc. Chính phủ Việt Nam đã thực hiện nhiều biện pháp quan trọng nhằm phát triển kinh tế, giải quyết việc làm. Thời kỳ 1995 - 1998 bình quân mỗi năm tạo ra 1,2-1,3 triệu việc làm mới. Riêng năm 2004 đã tạo ra 1,55 triệu việc làm. Tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị từ 9 - 10% trong những năm 89 - 92 đã giảm xuống còn khoảng 5,60 % năm 2004.

Một trong những thành tựu nổi bật nhất của Việt Nam bảo đảm quyền con người là đạt được những tiến bộ vượt bậc về xoá đói giảm nghèo, phát triển con người và chất lượng cuộc sống. Xoá đói giảm nghèo được coi là mục tiêu chiến lược quan trọng trước mắt và lâu dài với nhiều chương trình đặc biệt như Chương trình 143 và dự án hạ tầng cơ sở thuộc Chương trình 135, hỗ trợ người nghèo bằng chính sách cho vay tín dụng ưu đãi. Giai đoạn 2001-2004, Ngân hàng chính sách xã hội đã cho 3,573 triệu lượt hộ vay vốn. Hiện có khoảng 75% số hộ nghèo đang vay vốn, chiếm 15,8% tổng số hộ trong cả nước. Chính phủ áp dụng nhiều chính sách hỗ trợ người nghèo về y tế, bảo đảm tiếp cận dịch vụ y tế cho người nghèo. Tính đến tháng 12/2004, đã có trên 8 triệu người nghèo được cấp thẻ bảo hiểm y tế hoặc giấy khám chữa bệnh miễn phí, với tổng kinh phí 205 tỷ đồng. Người nghèo được hỗ trợ về giáo dục. Trên 3 triệu lượt học sinh nghèo/năm được miễn giảm học phí, đóng góp xây dựng trường ; 2,5 triệu lượt học sinh nghèo được cấp vở viết, sách giáo khoa. Ngoài ra, Chính phủ còn có nhiều chính sách hỗ trợ người nghèo về đất đai, nhà cửa để bảo đảm an toàn cuộc sống cho người nghèo. Tính đến giữa năm 2003 đã có 10.455 hộ được hỗ trợ với tổng số 5.139 ha đất.

Với những chính sách và chương trình mục tiêu, từ 1986 đến nay, tỷ lệ đói nghèo ở Việt Nam liên tục giảm. Từ 70% số hộ nghèo (theo tiêu chuẩn Việt Nam) cuối thập niên 1980 xuống 58% năm 1992 - 1993, 37% năm 1997 - 1998, năm 2004 còn khoảng 8%. Tính theo chuẩn nghèo của quốc tế đã giảm 50% số người nghèo - đạt được mục tiêu 1 trong các Mục tiêu Thiên niên kỷ của Liên hợp quốc trước thời hạn năm 2015. Trong Báo cáo 2003 của mình về "Các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ Xoá bỏ khoảng cách Thiên niên kỷ" tổ chức UNDP tại Việt Nam đã đánh giá: "Những số liệu điều tra mới đây khẳng định rằng Việt Nam tiếp tục đạt được kết quả đầy ấn tượng trong quá trình tiến tới việc thực hiện các mục tiêu MDG vào năm 2015."

2. Bảo đảm các quyền về xã hội

Thành tựu phát triển con người của Việt Nam biểu hiện tổng hợp trong sự gia tăng tương đối nhanh chỉ số phát triển con người (HDI). Nếu năm 1995 chỉ số đó mới đạt 0,560 thì năm 2002 đã đạt 0,691. Năm 1995, trong các nước và vùng lãnh thổ Việt Nam mới đứng thứ 7/10 trong khu vực Đông Nam Á, thứ 32/50 ở châu Á và thứ 122/201 trên thế giới, thì năm 2000 đã vươn lên đứng thứ 6 khu vực, thứ 28 châu Á và thứ 109 thế giới, cao hơn xếp hạng về GDP bình quân đầu người tính bằng USD theo sức mua tương đương, trong khu vực là thứ 6 so với thứ 7, ở châu Á là thứ 28 so với thứ 36, trên thế giới là thứ 109 so với thứ 122. Nói một cách khác, nếu về GDP bình quân đầu người, Việt Nam còn đứng ở tốp cuối trong nhóm các nước đang phát triển, thì về HDI, Việt Nam lại đứng ở mức trên trung bình trong nhóm các nước này. Điều đó chứng tỏ ở Việt Nam sự phát triển xã hội được đặc biệt quan tâm.

Giáo dục là một trong những quốc sách hàng đầu ở Việt Nam. Trước năm 1945, trên 90% dân số Việt Nam bị mù chữ. Bình quân 1 vạn dân năm 1939 chỉ có 238,5 người đi học, trong đó có tới 40% là học sinh vỡ lòng và phần lớn số còn lại là học sinh tiểu học, chỉ có 0,9% dân số (tức 2,9 nghìn người) là học sinh trung học và cao đẳng đại học (riêng cao đẳng, đại học chỉ có 600 người); cả nước chỉ có 4.037 trường phổ thông (trong đó trường cấp 2, cấp 3 chỉ có 86 trường), 4 trường trung học; cả Đông Dương chỉ có 3 trường đại học.

Đến hết 1998 cả nước có 51/61 tỉnh, thành phố đạt tiêu chuẩn quốc gia về xoá mù chữ và phổ cập giáo dục tiểu học, tỷ lệ người biết chữ đạt khoảng 93%, tỷ lệ lao động biết chữ là 97%. Năm 2000, toàn bộ (61/61) tỉnh, thành phố đã hoàn thành phổ cập tiểu học; một số tỉnh, thành phố đã hoàn thành phổ cập trung học cơ sở.

Quy mô giáo dục tiếp tục tăng ở tất cả các bậc học, ngành học, đáp ứng nhu cầu học tập ngày càng lớn của nhân dân. Năm học 2004-2005, cả nước có 520.300 lớp học phổ thông (cả 3 cấp) với 17,3 triệu học sinh; có 214 trường đại học và cao đẳng với 1.131.000 sinh viên; có 268 trường kỹ thuật với 360.400 học sinh.

Trong điều kiện thu, chi ngân sách Nhà nước còn mất cân đối, tổng chi ngân sách Nhà nước cho giáo dục vẫn tăng và đạt quy mô khá. Từ năm 2000, mỗi năm Nhà nước đã chi 15% ngân sách cho giáo dục, 2% ngân sách cho khoa học.

Đời sống văn hoá của người dân ngày càng được nâng cao. Cả nước hiện có 661 thư viện, tăng 249 thư viện so với năm 1976 là năm thống nhất đất nước; tổng số đầu sách là 14.059 với 222,8 triệu bản sách, tăng 10.960 nghìn bản so với năm 1976. Hiện nay, có 159 đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp, 56 rạp biểu diễn với 25.760 buổi biểu diễn. Hiện có 418 đơn vị chiếu bóng với 104 rạp và 295 nghìn buổi chiếu. Số sách xuất bản đạt 11.455 đầu sách, gấp 3,9 lần so với năm 1990, trong đó sách kỹ thuật gấp gần 6,8 lần, sách giáo khoa gấp gần 5,3 lần, sách thiếu nhi gấp trên 5,1 lần, sách khoa học xã hội gấp gần 3,8 lần, sách văn học gấp gần 2,3 lần; so với năm 1990, tổng số bản sách đạt 166,5 triệu, gấp gần 4,4 lần, tổng số bản văn hóa phẩm đạt 28 triệu bản, gấp trên 1,6 lần, tổng số bản báo và tạp chí đạt 653,4 triệu bản, gấp gần 2 lần.

Người dân ngày nay đã được tiếp cận tốt hơn với công nghệ thông tin hiện đại. Số máy điện thoại đã tăng gấp hơn 70 lần trong vòng hơn 10 năm, tổng số máy điện thoại của cả nước năm 2004 là trên 12,4 triệu chiếc (so với 126.433 chiếc năm 1991); điện thoại di động mới được sử dụng vào giữa thập niên 90 đến nay đã đạt hơn 6,2 triệu thuê bao, gấp hơn 72 lần năm 1996. Việt Nam hiện có 117 nhà bảo tàng lịch sử-văn hóa, được phân bổ ở tất cả các tỉnh và nhiều ngành, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận dễ dàng hơn đến truyền thống văn hoá dân tộc. Nhà nước đã khôi phục các di tích lịch sử -văn hóa. Hiện có trên 2.300 di tích được công nhận, trong đó có trên một nửa được Nhà nước cấp kinh phí tu bổ. Nhân dân tự nguyện đóng góp, tự tổ chức sửa sang, tu bổ nhiều di tích của địa phương. Các lễ hội, sinh hoạt văn hoá truyền thống cũng được khôi phục ở nhiều nơi trong cả nước, vừa đáp ứng nhu cầu tinh thần ngày càng phong phú hơn của nhân dân, vừa là cách để củng cố truyền thống văn hoá, lòng tự tôn dân tộc.

3. Bảo đảm quyền về y tế

Quyền được chăm sóc sức khỏe của con người luôn luôn là một mục tiêu ưu tiên trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Nhà nước Việt Nam.Thành tựu trong sự nghiệp phát triển y tế là một trong những thành tựu nổi bật nhất trên các lĩnh vực của Việt Nam. Vào năm 1940, cả nước chỉ có 741 cơ sở khám chữa bệnh (trong đó có 187 bệnh viện, phòng khám khu vực, 278 trạm y tế); với 13 nghìn giường bệnh (trong đó có 9,8 nghìn giường ở bệnh viện, phòng khám khu vực, 1,8 nghìn giường ở trạm y tế); với 600 y, bác sỹ, 1.600 y tá, 500 nữ hộ sinh, 30 dược sỹ trung, cao cấp. Bình quân 1 vạn dân chỉ có 6,46 giường bệnh; 0,3 y, bác sỹ; 0,8 y tá; 0,25 nữ hộ sinh. Điều đáng nói là các cơ sở y tế thời kỳ này phục vụ chủ yếu cho thực dân, phong kiến, rất ít người lao động Việt Nam được thụ hưởng.

Tính đến hết năm 2004, cả nước có 13.149 cơ sở y tế, tăng 1.370 cơ sở so với năm 1986, tức là năm bắt đầu tiến hành công cuộc đổi mới. Trong đó có 11.305 trạm y tế xã phường, cơ quan, xí nghiệp tăng 1.063 trạm so với 1986. Tổng số giường bệnh là 196.300, trong đó giường bệnh ở trạm y tế xã phường, cơ quan, xí nghiệp có 52.800 giường. Năm 2004, cả nước có 99.300 y, bác sỹ, tăng 35.600 người so với năm 1986. Số y tá có 49.000 người. Nữ hộ sinh có 17.500 người, tăng 2.400 người so với năm 1986. Dược sỹ trung, cao cấp 14.700 người, tăng 2.600 người so với năm 1986. Bình quân 1 vạn dân có 24,4 giường bệnh; có 11,8 y, bác sỹ, tăng 1,4 người so với năm 1986. Số xã, phường có bác sỹ nếu năm 1997 mới có 2.413 thì năm 2000 đã đạt 5.366 đưa tỷ lệ xã, phường có bác sỹ tăng từ 24% lên 51% ; tỷ lệ xã, phường có y sỹ sản nhi hoặc nữ hộ sinh năm 1997 là 7691 người, đến năm 2000 đã tăng lên 9240 người, đưa tỷ lệ xã, phường có y sỹ sản nhi hoặc nữ hộ sinh tăng từ 74,5% lên 87,9%.

Ngân sách của ngành y tế hiện cũng tăng khá trong thời gian gần đây. Tổng chi ngân sách ngành y tế nếu năm 1996 mới đạt 3.610 tỷ đồng thì năm 2004 đã đạt 6.276 tỷ. Việc chăm sóc sức khoẻ và phòng chống các bệnh xã hội có nhiều kết quả. Hàng năm số người mắc và chết vì bệnh sốt rét giảm 10-15%, vì bệnh bướu cổ giảm 2 - 3%; trên 90 % dân cư đã được tiếp cận các dịch vụ y tế. Việc bảo vệ sức khoẻ sinh sản cho phụ nữ cũng có nhiều tiến bộ. Tỷ lệ tử vong mẹ đã giảm đáng kể, số trẻ em tử vong ở tuổi sơ sinh đã giảm từ 249/100.000 (năm 1990) xuống còn 85/100.000 (năm 2003). Năm 2004, tỷ lệ suy dinh dưỡng của trẻ em giảm 1,9% so với năm 2003. Bảo hiểm y tế được phát triển, mở rộng cơ hội tiếp cận của người dân. Số lượng người tham gia bảo hiểm y tế đã tăng từ 3,8 triệu (chiếm 5,4% số dân) năm 1993 lên 16 triệu (15 % dân số) năm 2004. Ngoài ra, Chính phủ thực hiện cấp thẻ bảo hiểm y tế cho 1,66 triệu người nghèo, cấp giấy khám, chữa bệnh miễn phí cho 2,45 triệu người.

Ngân hàng thế giới (World Bank - WB) nhận định các chỉ số y tế của Việt Nam khá hơn điều có thể trông đợi ở một nước có mức độ phát triển tương tự. Việt Nam tiếp tục đạt nhiều tiến bộ với các chương trình tiêm chủng phòng bệnh sởi, bạch hầu, uốn ván. Bệnh bại liệt đã bị xoá bỏ hoàn toàn từ năm 1996. Đối với thảm hoạ HIV-AIDS, tháng 3/2004, Thủ tướng Chính phủ đã thông qua "Chiến lược phòng chống HIV/AIDS ở Việt Nam cho đến năm 2010 và phương hướng tới 2020."

Ngoài sự phát triển các dịch vụ y tế và chăm sóc sức khoẻ trực tiếp, Chính phủ Việt Nam còn thi hành nhiều biện pháp nhằm nâng cao sức khoẻ của người dân, ngăn ngừa bệnh tật từ xa như chương trình cung cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn. Tỷ lệ hộ gia đình sử dụng nước sạch tăng lên qua các năm, 1995 là 45,19% (thành thị 61,4%, nông thôn 37,8%), năm 2000-2001 là 51,8 %. Tỷ lệ hộ gia đình sử dụng hố xí hợp vệ sinh năm 1995 là 27,33% (thành thị 54,9%, nông thôn 17,3%), năm 2000 là 44,07% (thành thị 81,77%, nông thôn 32,49%).

III. Bảo đảm quyền của phụ nữ, chăm sóc và bảo vệ trẻ em, gia đình, người già, người tàn tật

1. Bảo đảm quyền phụ nữ, xoá bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ

Nhà nước Việt Nam thúc đẩy và bảo vệ quyền của phụ nữ thông qua các quy định cụ thể trong Hiến pháp và pháp luật, đặc biệt là Bộ luật Hôn nhân và Gia đình (sửa đổi) năm 2000. Ngày 21/1/2002, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 19/2002/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chiến lược quốc gia vì sự tiến bộ của Phụ nữ Việt Nam đến 2010. Các văn bản pháp lý đã cụ thể hoá quyền bình đẳng của phụ nữ với nhiều cơ hội tham gia các hoạt động chính trị, kinh tế, văn hoá và xã hội.

Về mặt tổ chức, Uỷ ban Quốc gia vì sự tiến bộ của Phụ nữ Việt Nam đã được thành lập, do một Phó Thủ tướng phụ trách. Đứng đầu Uỷ ban Quốc gia hiện nay là Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Uỷ viên Trung ương Đảng, Đại biểu Quốc hội.

Ở Việt Nam, phụ nữ chiếm 50,8% tổng dân số của cả nước với tuổi thọ bình quân là 74 năm, cao hơn tuổi thọ 67,4 năm của nam. Phụ nữ được bảo đảm quyền làm việc và bình đẳng trong cơ hội việc làm với nam giới. Chính sách đổi mới của Việt Nam đã tạo cơ hội cho phụ nữ tham gia ngày càng nhiều vào các hoạt động kinh tế-xã hội của đất nước. Nữ giới chiếm 50% tổng số lao động của cả nước, trong một số ngành còn chiếm tỷ lệ cao hơn như nông-lâm nghiệp-thuỷ sản chiếm 53%, công nghiệp nhẹ chiếm 65%, thương mại-dịch vụ chiếm 68,6%, công chức Nhà nước chiếm 65%. Trong lĩnh vực tài chính, tín dụng nữ chiếm 30% và trong lĩnh vực ngoại giao chiếm 30%.

Tỷ lệ thất nghiệp của lao động nữ thấp hơn so với nam giới, bình quân 6 năm qua, tỷ lệ thất nghiệp của lao động nữ là 6,29% (tỷ lệ thất nghiệp chung là 7,51%)

Lao động nữ được quan tâm nhiều hơn trong thời kỳ thai sản và tuổi nghỉ hưu. Việt Nam là một trong những nước dành nhiều ưu tiên cho phụ nữ trong lĩnh vực nghỉ thai sản với thời gian nghỉ sinh con tương đối cao, vượt mức thời gian qui định tối thiểu 12 tuần trong Công ước bảo vệ thai sản của Tổ chức lao động quốc tế (ILO) và hơn hẳn 2 tháng so với thời kỳ bao cấp trước đây, thể hiện sự quan tâm to lớn của Nhà nước Việt Nam đối với sức khoẻ của phụ nữ và trẻ em.

Vai trò của người phụ nữ Việt Nam trong đời sống chính trị ngày càng tăng và đã có mặt ở các vị trí lãnh đạo ở tất cả các cấp. Tỷ lệ Đại biểu Quốc hội là nữ đã tăng: khoá 1987–1992 chiếm 17%, khoá 1992–1997 chiếm 18,48%, khoá 1997–2002 chiếm 26,22%, khoá 2002–2007 chiếm 27,31%. Việt Nam đứng thứ 2 trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương và đứng thứ 9/135 nước trên thế giới về tỷ lệ nữ là Đại biểu trong Quốc hội. Phụ nữ có một Uỷ viên Ban Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, một Phó Chủ tịch nước, chiếm 11,9% tổng số Bộ trưởng và tương đương, 7,3% tổng số Thứ trưởng và tương đương, 13% tổng số Vụ trưởng và tương đương, 3,9 % tổng số Tổng Giám đốc, 3,3% Chủ tịch tỉnh, 7,3% tổng số Giám đốc Sở.

Bình đẳng về giáo dục giữa nam giới và nữ giới ngày càng được bảo đảm và tỷ lệ nữ giới được giáo dục ở mọi cấp tăng cao. Tỷ lệ nữ giới tại các cấp học đạt khá, mẫu giáo 48,2%, tiểu học 47,9%, trung học cơ sở 46,9%, phổ thông trung học 46,8%, cao đẳng 51,9%, đại học 39,1%. Đã hình thành một đội ngũ cán bộ nữ có trình độ học vấn cao như Giáo sư chiếm 3,5%, Phó giáo sư chiếm 5,9%, Tiến sỹ khoa học chiếm 5,1%, Tiến sỹ chiếm 12,6%.

Tỷ lệ xã, phường có y sỹ sản nhi hoặc nữ hộ sinh đã tăng từ 74,5% năm 1997 lên 88,1% năm 2001. Tương ứng số lần khám thai trung bình của 1 phụ nữ có thai đã tăng từ 1,6 lần lên 2,1 lần; tỷ lệ phụ nữ có thai được tiêm phòng uốn ván lớn hơn 2 lần tăng từ 83,5% lên 88,6%. Tỷ lệ phụ nữ đẻ được cán bộ y tế chăm sóc hiện đã đạt khá cao, lên đến 95,2%.

2. Bảo đảm quyền trẻ em

Với nhận thức trẻ em là hạnh phúc của gia đình, là tương lai của đất nước, trẻ em hôm nay là thế giới ngày mai, Việt Nam coi việc bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em là trách nhiệm của Nhà nước, của toàn xã hội và của mỗi gia đình, Hiến pháp và pháp luật Việt Nam có nhiều điều khoản quy định riêng về bảo vệ quyền của trẻ em như: Hiến pháp năm 1992; Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (12/8/91); Luật Phổ cập giáo dục tiểu học (12/8/91); Luật Bảo vệ môi trường (27/12/93); Luật Ngân sách nhà nước (20/3/96); Luật Giáo dục (2/12/98); Bộ luật Hình sự (21/12/99); Luật Hôn nhân và gia đình (9/6/2000) v.v... Uỷ ban thiếu niên nhi đồng của Quốc hội đã tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng bảo đảm thực hiện tốt nhất những chủ trương, chính sách nói trên. Để thực hiện việc bảo đảm quyền của trẻ em, trong Chính phủ có một cơ quan cấp Bộ là Uỷ ban Bảo vệ và Chăm sóc Trẻ em và Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách về chăm sóc sức khoẻ bà mẹ, trẻ em, dinh dưỡng, chính sách giáo dục, phổ cập tiểu học, phúc lợi xã hội cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và chính sách chăm lo phát triển văn hoá tinh thần cho trẻ em. Ngày 31/5/1999, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định về việc phê duyệt Chương trình hành động bảo vệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn giai đoạn 1999-2002 với 5 đề án: ngăn chặn và giải quyết tình trạng trẻ em lang thang kiếm sống và bị lạm dụng sức lao động; phòng ngừa trẻ em bị xâm hại nhân phẩm, danh dự, trẻ em bị xâm hại tình dục; phòng chống tệ nạn sử dụng ma túy trong trẻ em...

Việt Nam đã trở thành một trong những nước Châu Á đầu tiên và nước thứ 2 trên thế giới ký và phê chuẩn Công ước Quốc tế về Quyền trẻ em, là nước tích cực thực hiện cam kết, hợp tác với quốc tế nhằm cải thiện phúc lợi trẻ em trong điều kiện thu nhập bình quân đầu người còn thấp. Ngày 28/11/2001, Việt Nam đã phê chuẩn hai Nghị định thư không bắt buộc bổ sung cho Công ước Quốc tế Quyền Trẻ em (1-Nghị định thư không bắt buộc về buôn bán trẻ em, mại dâm trẻ em và văn hoá phẩm khiêu dâm trẻ em; 2-Nghị định thư không bắt buộc về việc sử dụng trẻ em trong xung đột vũ trang).

Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng với sự nỗ lực kiên trì, cùng với những thành tựu to lớn về phát triển kinh tế-văn hoá-xã hội, trong hơn một thập kỷ qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, có ý nghĩa quan trọng trong việc cải thiện chất lượng cuộc sống của trẻ em và trong sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em.

Hầu hết các chỉ tiêu về chăm sóc sức khỏe trẻ em đã được nâng cao trong thời kỳ 1997-2001. Việt Nam đã đạt được một số mục tiêu và tiêu chuẩn quốc tế. Năm 2000 Việt Nam đã được quốc tế công nhận là thanh toán bệnh bại liệt. Tỷ lệ tử vong của trẻ dưới 5 tuổi đã giảm từ 5,8% (năm 1990) xuống còn 3,28% (năm 2003) (mục tiêu đến 2000 là 5,5%); tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi được uống dung dịch bù nước khi bị tiêu chảy đạt 97% (mục tiêu 80%), tỷ lệ không thiếu vitamin A đạt 100%; tỷ lệ mắc sởi giảm 82,1% so với năm 1986; tỷ lệ chết sởi giảm 97,3% so 1986; tỷ lệ sơ sinh có cân nặng thấp dưới 2500 gram đã giảm từ 14% xuống còn 7,1% (mục tiêu 9%); tỷ lệ thiếu máu ở phụ nữ có thai chỉ còn 30%. Đã có 70% trẻ em mồ côi không nơi nương tựa được chăm sóc, giúp đỡ tại cộng đồng; 100% trẻ em hồi hương hợp pháp được chăm sóc, tái hoà nhập; trên 80% trẻ em sứt môi, hở hàm ếch được phẫu thuật nụ cười (năm 1997 là 871 em, năm 1998 là 2055 em, năm 1999 là 2275 em, năm 2000 là 926 em, năm 2001 là 1.101 em; tổng cộng 5 năm (1977-2001) là 7.228 em).

Một số mục tiêu tuy chưa đạt, nhưng đã giảm một cách rõ rệt, như: tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi giảm từ 42% (năm 1993) xuống còn 28,4% (năm 2003); tỷ lệ tử vong của trẻ em dưới 1 tuổi giảm từ 43,3% (năm 1995) xuống còn 21% (năm 2003); tỷ lệ chết mẹ liên quan đến thai sản giảm từ 110/100. 000 ca đẻ (năm 1995) xuống còn 85/100.000 ca đẻ (năm 2004).

Trong lĩnh vực giáo dục, nhiều chỉ tiêu đã đạt và vượt mục tiêu đề ra của chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 1991-2000, như tỷ lệ trẻ em đi học mẫu giáo 3-5 tuổi đạt 37% so với mục tiêu 35-40%; tỷ lệ trẻ 5 tuổi đi học mẫu giáo đạt 78% so với mục tiêu 70-80%; tỷ lệ trẻ em 14 tuổi học hết tiểu học đạt 90% so với mục tiêu 90%; tỷ lệ trẻ em 14 tuổi học hết lớp 3 đạt 94% so với mục tiêu 90%; tỷ lệ lưu ban tiểu học còn 3% so với mục tiêu dưới 5%; tỷ lệ bỏ học tiểu học còn 4% so với mục tiêu dưới 6%; tỷ lệ trẻ 6 tuổi đi học tiểu học đạt 93% so với mục tiêu 90%; tỷ lệ lưu ban trung học cơ sở còn 2% so với mục tiêu 5%; tỷ lệ từ 15 tuổi trở lên biết chữ đạt 94% so với mục tiêu 90%; tỷ lệ số trường học thực hiện giáo dục thể chất đạt 60% so với mục tiêu 50%.

Nhà nước có nhiều chính sách nâng cao đời sống văn hoá cho trẻ em. Đến năm 2000 đã có 50,8% tổng số huyện, quận có cơ sở văn hoá vui chơi cho trẻ em, vượt mục tiêu đề ra là 50%. Một số chỉ tiêu cơ bản về văn hoá vui chơi cho trẻ em đã tăng qua các năm: Nhà văn hoá thiếu nhi từ chỗ chỉ có 226 năm 1997 đã tăng lên 261 năm 2001; Số lượng chương trình phát thanh cho trẻ em tăng từ 365 chương trình năm 1997 lên 708 năm 2001; thời lượng phát sóng chương trình truyền hình cho trẻ em từ 4.875 phút năm 1997 lên 7300 phút năm 2001.

3. Bảo đảm quyền của người tàn tật và nạn nhân chất độc màu da cam

Sau nhiều thập kỷ chiến tranh khốc liệt, Việt Nam hiện nay là một quốc gia có tỷ lệ người tàn tật rất cao với gần 5 triệu người (chiếm hơn 6% dân số), trong đó có trên 3 triệu người do hậu quả chiến tranh, gần 1,5 triệu nguời tàn tật nặng.

Với truyền thống "Uống nước nhớ nguồn" đối với những người có công với nước, “Thương người như thể thương thân”, “lá lành đùm lá rách", Việt Nam luôn thực hiện chủ trương gắn việc phát triển kinh tế với giải quyết các vấn đề xã hội, Chính phủ rất quan tâm giúp đỡ, chăm sóc và tạo mọi cơ hội bình đẳng cho người bị thiệt thòi, trong đó có người tàn tật và khuyết tật. Hiến pháp năm 1992 ghi rõ: "Người già, người tàn tật, trẻ em mồ côi không nơi nương tựa được Nhà nước và xã hội giúp đỡ. Nhà nước và xã hội tạo mọi điều kiện cho trẻ em tàn tật được học văn hoá và học nghề phù hợp". Năm 1998, Nhà nước ban hành Pháp lệnh về Nguời tàn tật quy định: “Nhà nước khuyến khích tạo điều kiện thuận lợi cho người tàn tật thực hiện bình đẳng các quyền về chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội và phát huy khả năng của mình để ổn định đời sống, hoà nhập cộng đồng, tham gia các hoạt động xã hội. Người tàn tật được Nhà nước và xã hội trợ giúp, chăm sóc sức khoẻ, phục hồi chức năng tạo việc làm phù hợp và đuợc hưởng các quyền lợi khác theo quy định của pháp luật”. Điều 31 của Pháp lệnh quy định lấy ngày 18-4 hàng năm là Ngày bảo vệ, chăm sóc người tàn tật. Bộ Luật lao động Việt Nam đã quy định các doanh nghiệp trên lãnh thổ Việt Nam có trách nhiệm nhận lao động là người tàn tật vào làm việc với tỷ lệ từ 2% đến 3% so với tổng số lao động. Doanh nghiệp nào không thực hiện được thì trích một phần lợi nhuận để đóng góp vào quỹ hỗ trợ việc làm cho người tàn tật.

Cho đến nay, trên 38% số người tàn tật nặng đã thường xuyên được trợ cấp xã hội, trong đó có khoảng 1% được nuôi dưỡng ở các cơ sở bảo trợ xã hội; 200 cơ sở bảo trợ xã hội, trong đó 75% là do Nhà nước thành lập và cấp kinh phí nuôi dưỡng. Hệ thống các Trung tâm chỉnh hình và phục hồi chức năng đã trợ giúp dụng cụ chỉnh hình và xe lăn cho nhiều người tàn tật. Các cơ sở y tế đã khám, chữa bệnh miễn phí cho người tàn tật nặng và trẻ em nghèo tàn tật. Trên 6.000 trẻ em tàn tật đã theo học tại 70 trường chuyên biệt và trên 50.000 trẻ em tàn tật khác được theo học tại các trường khác. Các chương trình quốc gia về đào tạo nghề, tạo việc làm, xoá đói giảm nghèo đã dành sự quan tâm đặc biệt đối với người tàn tật trong cả nước, đặc biệt đối với vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc ít người. Hai trường dạy nghề cho người tàn tật thuộc Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội hàng năm thu hút khoảng 1.000 người vào học nghề. Các tổ chức xã hội như Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ em mồ côi, Hiệp hội Thể thao người khuyết tật, Hội Người mù Việt Nam, cũng tham gia tích cực vào việc tạo việc làm cho người tàn tật, thu hút hàng nghìn người mù và người tàn tật khác làm việc. Cho đến nay đã có 400 cơ sở sản xuất kinh doanh do người tàn tật thành lập và quản lý, với 145.000 người tàn tật làm việc, được Nhà nước hỗ trợ hơn 14 tỷ đồng. Người điếc được tham gia các câu lạc bộ, được hỗ trợ máy trợ thính, được học văn hoá, được ưu tiên bố trí việc làm. Cùng với sự quan tâm, chăm sóc của Nhà nước và xã hội, bản thân người tàn tật đã không ngừng vươn lên để thật sự hoà nhập cộng đồng. Người tàn tật tham gia các hoạt động thể dục thể thao, văn hoá. Nhiều vận động viên là người tàn tật tham gia thi đấu quốc tế và giành huy chương. Hoạt động văn nghệ, thể dục thể thao thật sự đã trở thành một trong những cầu nối trực tiếp để người tàn tật hoà nhập cuộc sống, xây dựng niềm tin và thái độ ứng xử bình đẳng của xã hội với người tàn tật.

Việt Nam luôn tham gia và hưởng ứng tích cực các hoạt động của cộng đồng quốc tế vì người tàn tật. Việt Nam đã ký vào bản Tuyên bố năm 1993 về sự tham gia đầy đủ và bình đẳng của nguời tàn tật trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương; Tháng 12/ 2001 Việt Nam đã đăng cai tổ chức Cuộc vận động hưởng ứng Thập kỷ khu vực châu Á-Thái Bình Dương vì người tàn tật 1993-2002. Tháng 1/2001, Ban Điều phối các hoạt động hỗ trợ người tàn tật Việt Nam thuộc Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội được thành lập. Sau 4 năm hoạt động, Ban đã có nhiều đóng góp, tham mưu cho Chính phủ, các bộ, ngành liên quan tổ chức thực hiện các Nghị quyết của Liên hợp quốc, Uỷ ban Kinh tế – Xã hội khu vực châu Á - Thái Bình Dương (UNESCAP), các chương trình hành động khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đôn đốc, theo dõi, giám sát các chính sách, chế độ đối với người tàn tật, góp phần thúc đẩy việc ban hành bộ quy chuẩn, tiêu chuẩn đầu tiên ở Việt Nam về xây dựng các công trình bảo đảm người tàn tật tiếp cận sử dụng nhằm hoà nhập cộng đồng. Hiện nay, Việt Nam là một trong những nước được Uỷ ban Kinh tế – Xã hội khu vực châu Á - Thái Bình Dương (UNESCAP) đánh giá tốt về việc thiết lập kế hoạch và triển khai kịp thời "Khuôn khổ hành động thiên niên kỷ hướng tới một xã hội hoà nhập, không vật cản và vì quyền của người tàn tật.

Một trong những hậu quả lâu dài và nặng nề của chiến tranh mà Chính phủ Việt Nam nỗ lực giải quyết là di chứng do chất độc da cam / dioxin Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam. Theo số liệu của Bộ Quốc phòng Mỹ công bố từ năm 1961 đến 1971, quân đội Mỹ đã rải xuống miền Nam Việt Nam 72 triệu lít chất độc hoá học, trong đó có 44 triệu lít chất da cam chứa 170 kg dioxin - một chất cực kỳ độc hại đã gây ra nhiều bệnh như ung thư và tai biến sinh sản ở người, di truyền tới các đời con cháu, gây ra rất nhiều căn bệnh hiểm nghèo như quái thai, bại liệt, câm điếc, mù loà, thiểu năng trí tuệ. Hiện nay ở Việt Nam có khoảng 2 triệu người bị ảnh hưởng trực tiếp của chất độc da cam, trong đó có khoảng 200.000 trẻ em bị dị tật bẩm sinh. Đa số nạn nhân chất độc da cam đang phải gánh chịu những bệnh tật hết sức nặng nề và có hoàn cảnh sống rất khó khăn.

Phát huy truyền thống nhân đạo tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, Nhà nước Việt Nam đã thành lập Uỷ ban 10-80 để điều tra những hậu quả của chiến tranh hoá học và lập Ban chỉ đạo 33 để khắc phục hậu quả chất độc mầu da cam. Ngày 24/7/1998, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã thành lập Quỹ bảo trợ nạn nhân chất độc da cam với sự tham gia của nhiều đoàn thể xã hội như Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Tổng liên đoàn lao động Việt Nam, Hội nông dân Việt Nam, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Hội Luật gia Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.

Hiện nay, ngoài Quỹ bảo trợ nạn nhân chất độc da cam trung ương, đã thành lập 57 Quỹ bảo trợ tại các tỉnh, thành. Trong 6 năm hoạt động, Quỹ bảo trợ trung ương đã huy động được 23 tỷ đồng và các Quỹ bảo trợ địa phương quyên góp được 50 tỷ đồng. 300.000 nạn nhân chất độc mầu da cam đã được giúp đỡ khám chữa bệnh, phẫu thuật chỉnh hình, phục hồi chức năng, học văn hoá, học nghề, cấp phương tiện hành nghề, cấp hàng ngàn xe lăn, xây nhà tình nghĩa v.v. Ngày 10 tháng 8 hàng năm là ngày cả nước hành động vì nạn nhân chất độc màu da cam, đánh dấu ngày 10/8/1961, quân đội Mỹ đã dùng máy bay lên thẳng H34 phun chất độc hoá học xuống Quốc lộ 14, bắc thị xã Kon tum. Ngày 10/1/2004, Hội nạn nhân chất độc màu da cam được thành lập nhằm kêu gọi sự giúp đỡ của đồng bào trong nước cũng như cộng đồng quốc tế hỗ trợ nạn nhân chất độc mầu da cam. Nhiều lễ phát động quyên góp giúp đỡ nạn nhân chất độc mầu da cam được tổ chức thu hút sự quan tâm của đông đảo quần chúng như phong trào "Nối vòng tay lớn", lấy chữ ký, phát hành xổ số ủng hộ nạn nhân chất độc màu da cam.

4. Bảo đảm quyền của người cao tuổi

Người cao tuổi là một lực lượng xã hội quan trọng, góp phần không nhỏ vào sự nghiệp đổi mới và phát triển của đất nước. Với chính sách quan tâm chăm sóc và phát huy vai trò của người cao tuổi, Nhà nước Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản luật và chính sách khẳng định vị thế, vai trò của người cao tuổi trong xã hội, cũng như khẳng định trách nhiệm chăm sóc và phát huy vai trò của người cao tuổi trong gia đình, Nhà nước và xã hội, trong đó có thể kể đến Pháp lệnh Người cao tuổi ban hành năm 2000; năm 2004, Uỷ ban Quốc gia về người cao tuổi do một Phó Thủ tướng làm Chủ tịch đã được thành lập. Quốc hội cũng đã ban hành Nghị quyết về xúc tiến xây dựng Chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi.

Đáp ứng nguyện vọng của đông đảo người cao tuổi, ngày 10/5/1995, Hội Người cao tuổi Việt Nam được thành lập, chỉ sau khoảng nửa năm, Hội Người cao tuổi đã thành lập ở gần 70 % số xã, phường, thị trấn trong cả nước, thu hút hơn 5 triệu người cao tuổi. Đến nay, sau hơn 10 năm thành lập, tổ chức Hội đã "sâu rễ bền gốc" tại 10.257 xã, phường trên cả nước, với 6.469.454 hội viên, thu hút 79 % tổng số người cao tuổi trong cả nước. Trong đó có 8.000 vị lão thành cách mạng, 1,4 triệu cán bộ hưu trí, 1,7 triệu cựu chiến binh, 6.600 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng (còn sống), 34.000 cụ từng bị địch bắt, tù đày.

CHƯƠNG III

HỢP TÁC QUỐC TẾ TRONG LĨNH VỰC BẢO ĐẢM

VÀ PHÁT TRIỂN QUYỀN CON NGƯỜI

Với chủ trương "Việt Nam sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng quốc tế, phấn đấu vì hòa bình, độc lập, hợp tác và phát triển", Việt Nam luôn mở cửa, sẵn sàng giao lưu, mở rộng vòng tay đón bạn bè xa gần, tăng cường đối thoại và hợp tác quốc tế, kể cả trong lĩnh vực quyền con người trên cơ sở bình đẳng, xây dựng, tôn trọng và hiểu biết lẫn nhau. Với tinh thần đó, Việt Nam đã chủ động tham gia vào nhiều lĩnh vực hợp tác về quyền con người trong khuôn khổ các diễn đàn đa phương cũng như trong quan hệ song phương và đạt được nhiều kết quả tích cực.

Tham gia vào các công ước quốc tế về quyền con người là một chủ trương thường xuyên và nhất quán của Việt Nam, thể hiện cam kết cũng như quyết tâm của Việt Nam trong việc bảo đảm và thực hiện các tiêu chuẩn pháp lý quốc tế về quyền con người. Việt Nam đã trở thành thành viên của hầu hết các công ước quốc tế quan trọng của Liên hợp quốc về quyền con người , cụ thể là 8 công ước sau: Công ước về Quyền Dân sự, Chính trị; Công ước về quyền Kinh tế, Văn hoá, Xã hội; Công ước về Xoá bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ; Công ước về Xoá bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc; Công ước Quyền Trẻ em; và hai Nghị định thư bổ sung về trẻ em trong xung đột vũ trang và chống sử dụng trẻ em trong các hoạt động mại dâm và tranh ảnh khiêu dâm; Công ước về ngăn ngừa và trừng phạt các tội ác A-pác-thai; Công ước về không áp dụng những hạn chế luật pháp đối với tội phạm chiến tranh và tội chống nhân loại. Kể từ khi trở thành thành viên của Tổ chức Lao động thế giới (ILO), Việt Nam đã gia nhập 15 công ước quốc tế về quyền lao động, trong đó có những công ước quan trọng như: Công ước số 5 về Tuổi tối thiểu của trẻ em được tham gia vào lao động công nghiệp; Công ước số 100 về Trả công bình đẳng giữa lao động nam và nữ; Công ước số 111 về Không phân biệt đối xử trong việc làm và nghề nghiệp…

Việt Nam nghiêm chỉnh thực hiện các nghĩa vụ của các công ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia. Việt Nam đã trình và bảo vệ thành công tất cả các báo cáo quốc gia liên quan các công ước quốc tế về quyền con người. Cụ thể: Việt Nam đã trình và bảo vệ thành công báo cáo về việc thực hiện Công ước Chống Phân biệt Đối xử với Phụ nữ (CEDAW) vào ngày 11/7/2001, báo cáo về tình hình thực hiện công ước Xoá bỏ các hình thức phân biệt chủng tộc (CERD) ngày 15/8/2001; 2 báo cáo liên quan đến Công ước về Quyền Dân sự, Chính trị (CCPR) (Báo cáo lần thứ nhất bảo vệ ngày 12/7/1990) và Báo cáo gộp lần 2,3, bảo vệ ngày 14/7/2002); 2 báo cáo về Công ước Quyền trẻ em (CRC) (Báo cáo đầu tiên được trình và bảo vệ ngày 20/1/1993 và Báo cáo lần 2 và 3, bảo vệ ngày 12/1/2003). Hiện nay, Việt Nam đã xây dựng xong Báo cáo quốc gia đối với tình hình thực hiện Công ước về Chống Phân biệt Đối xử với Phụ nữ lần thứ 4 và bảo vệ Báo cáo tại trụ sở Liên hợp quốc vào năm 2005. Việc hoàn thành một khối lượng công việc lớn để nộp hầu hết các báo cáo đúng thời hạn thể hiện sự nghiêm túc và cam kết mạnh mẽ của Việt Nam đối với việc bảo đảm tôn trọng và thực hiện các cam kết quốc tế trong lĩnh vực quyền con người . Điều này đã được Uỷ ban theo dõi thực hiện công ước cũng như cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao.

Trong khuôn khổ đa phương, Việt Nam đã tích cực phối hợp với các nước đóng góp cho mục tiêu chung là thúc đẩy và bảo vệ quyền con người và những nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế về quyền con người. Việt Nam đã tham gia tích cực vào một số cơ chế của Liên hợp quốc về quyền con người như Uỷ ban Nhân quyền nhiệm kỳ 2001-2003, Uỷ ban Phát triển Xã hội nhiệm kỳ 2001-2004, Hội đồng Kinh tế - Xã hội nhiệm kỳ 1998-2000. Tại các diễn đàn đa phương này, đặc biệt là tại Ủy ban III Đại hội đồng và Uỷ ban Nhân quyền Liên hợp quốc, Việt Nam đã tích cực phối hợp với các nước đóng góp cho mục tiêu chung là thúc đẩy và bảo vệ quyền con người và những nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế về nhân quyền.

Đặc biệt, Việt Nam đã tích cực tham gia vào cuộc đấu tranh chống xu hướng chính trị hoá và thái độ “tiêu chuẩn kép" của một số nước trong vấn đề nhân quyền, chống việc sử dụng các nghị quyết về ‘tình hình nhân quyền" tại một số nước để gây sức ép và can thiệp vào công việc nội bộ, xâm phạm chủ quyền của các nước đang phát triển; đấu tranh đề cao và thúc đẩy việc thực hiện các quyền kinh tế, văn hoá, xã hội và quyền phát triển lên ngang bằng với các quyền dân sự, chính trị; chủ động và tích cực tham gia đồng tác giả nhiều dự thảo nghị quyết đề cao và thúc đẩy việc thực hiện các quyền kinh tế, văn hoá, xã hội đặc biệt là các dự thảo nghị quyết liên quan đến quyền trẻ em, quyền phụ nữ, vấn đề giáo dục, phòng chống ma tuý, tội phạm…

Việt Nam cũng đã tham gia và đóng góp tích cực vào công việc của Nhóm các nước có cùng quan điểm về Nhân quyền, Nhóm Châu Á, góp phần vào việc khẳng định những quan điểm và lập trường tích cực về nhân quyền tại LHQ. Tại Khoá họp lần thứ 42 của Uỷ ban Phát triển Xã hội (2/2004), được sự hỗ trợ của một số nước bạn bè trong khu vực, Việt Nam đã đưa sáng kiến, kiến nghị chủ đề ưu tiên của Khoá họp tiếp theo của Uỷ ban là "Hợp tác quốc tế để ngăn chặn và giải quyết các loại bệnh dịch nghiêm trọng". Việt Nam cũng là một trong ba nước đang phát triển đã đưa dự thảo điều khoản qui định về "Hợp tác quốc tế" vào thành một điều khoản chính trong nội dung dự thảo Công ước quốc tế về người tàn tật, làm cơ sở để các nước đang phát triển thảo luận và đấu tranh trong các khoá họp hiện nay của Uỷ ban đặc biệt soạn thảo Công ước nêu trên.

Bên cạnh hoạt động tại các diễn đàn đa phương, Việt Nam chủ trương sẵn sàng đối thoại và hợp tác song phương với các quốc gia khác về những vấn đề quyền con người , xã hội cùng quan tâm. Trong những năm qua,Việt Nam đã tiến hành 10 vòng đối thoại với Hoa Kỳ (1994 – 2002), 4 vòng đối thoại với các nước Liên minh châu Âu (EU), 3 vòng đối thoại với Ô-xtrây-li-a và một số vòng đối thoại khác với Na-uy, Thuỵ Điển, Thuỵ Sỹ. Riêng năm 2004, Việt Nam đã tiến hành cuộc đối thoại với EU, Ô-xtrây-li-a và Na-uy. Mục đích của Việt Nam trong việc tăng cường đối thoại với các nước là nhằm giúp các quốc gia hiểu biết sâu sắc hơn về những điều kiện đặc thù của từng nước như hệ thống chính sách, hoàn cảnh lịch sử, bản sắc văn hoá,…với tinh thần chung là tìm kiếm điểm đồng, hạn chế bất đồng, nêu cao nguyên tắc khách quan, không thiên vị, không chính trị hoá vấn đề quyền con người .

Bên cạnh đó, Việt Nam còn chủ động mời một số báo cáo viên của Liên hợp quốc và đón nhiều đoàn nước ngoài vào tìm hiểu tình hình tại Việt Nam. Ngoài ra, xuất phát từ nhu cầu trao đổi học thuật và tìm hiểu kinh nghiệm giữa các quốc gia trong lĩnh vực bảo đảm quyền con người, Việt Nam đã đăng cai tổ chức một số hội thảo, hội nghị quốc tế về lĩnh vực này, cụ thể là Hội thảo về Công ước quốc tế chống tra tấn và đối xử vô nhân đạo (tháng 12/2003); Hội thảo Việt Nam - EU về Án tử hình (tháng 11/2004), Hội thảo về quyền con người lần thứ 6 do Trung Quốc – Na-uy – Ca-na-đa đồng bảo trợ với sự tham gia của hơn 20 nước trong khu vực (tháng 12/2004). Tại các cuộc hội thảo này, Việt Nam đã tạo cơ hội cho các đại biểu quốc tế hiểu rõ hơn chính sách của Việt Nam về quyền con người nói chung và chính sách cụ thể trên từng lĩnh vực bảo vệ quyền con người. Các cuộc hội thảo này thực sự là diễn đàn trao đổi cởi mở, thẳng thắn, công khai nhằm thúc đẩy hiểu biết lẫn nhau.

Bên cạnh các hoạt động trao đổi về quyền con người giữa các cơ quan chính phủ của Việt Nam với các nước, Việt Nam còn khuyến khích sự trao đổi giữa các học giả về vấn đề quyền con người. Trung tâm nghiên cứu quyền con người thuộc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh của Việt Nam đã hợp tác với Thuỵ Điển, Thuỵ Sĩ, Ca-na-đa về đào tạo luật quốc tế về quyền con người, luật nhân đạo; với Đan Mạch xuất bản sách về vị thành niên; với Úc nâng cao trình độ cán bộ giảng dạy về luật quốc tế; với Quỹ nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) về quyền trẻ em; Hội chữ thập đỏ quốc tế về luật quốc tế về nhân đạo; và trao đổi kinh nghiệm về truyền thống nhân quyền, đào tạo với Trung Quốc và Lào.

Công tác tuyên truyền đối ngoại nói chung và đặc biệt trong lĩnh vực quyền con người ngày càng được quan tâm và đẩy mạnh. Các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài tăng cường công tác tiếp xúc tuyên truyền đối ngoại, giới thiệu về tình hình đất nước, con người Việt Nam; mỗi năm, hàng chục nghìn ấn phẩm tuyên truyền đối ngoại được gửi đi các nơi, chú trọng các nội dung đề cập đến những thành tựu về phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm và nâng cao đời sống vật chất, văn hoá tinh thần của mọi người dân. Chỉ tính riêng năm 2003, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gửi ra nước ngoài hơn 250.000 tờ báo, tạp chí, 6.000 tờ rơi, 2.500 ảnh, 8.500 cuốn sách các loại giới thiệu về Việt Nam; ra nhiều bản tin chuyên đề về lĩnh vực quyền con người, tôn giáo, tín ngưỡng tại Việt Nam. Thông qua các hoạt động này, bạn bè ngày càng hiểu hơn về chính sách đối ngoại nói chung và các thành tựu trong lĩnh vực bảo vệ quyền con người ở Việt Nam.

CHƯƠNG IV

VỀ MỘT SỐ LUẬN ĐIỆU VU CÁO VIỆT NAM

TRONG VẤN ĐỀ QUYỀN CON NGƯỜI

Với những thành tựu kể trên, Nhà nước và nhân dân Việt Nam có quyền tự hào về những kết quả đã đạt được trong việc thúc đẩy và bảo vệ quyền con người ở Việt Nam, xứng đáng với sự đánh giá cao của đông đảo dư luận quốc tế. Thế nhưng, một số thế lực thù địch, với mục tiêu và ý đồ chính trị riêng, đã và đang tìm mọi cách xuyên tạc và vu cáo Việt Nam về các vấn đề nhân quyền, dân chủ, tôn giáo, dân tộc.

Họ thường vu cáo Việt Nam vi phạm các quyền dân sự, chính trị và các quyền tự do cá nhân, trong đó có việc hạn chế và đàn áp quyền tự do ngôn luận, tự do chính kiến; chỉ trích Việt Nam bắt giam và xét xử không theo chuẩn mực quốc tế những người mà họ gọi là “đấu tranh cho dân chủ và nhân quyền;” xuyên tạc chính sách đoàn kết và bình đẳng giữa các tôn giáo, dân tộc của Nhà nước Việt Nam; ra sức chỉ trích vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đòi xoá bỏ Điều 4 của Hiến pháp năm 1992 quy định về vị trí và vai trò của Đảng Cộng sản Việt Nam trong hệ thống chính trị của đất nước…

Toàn bộ nội dung các chương trên đã bác bỏ các luận điểm sai trái này.

Các tổ chức cực đoan, hoạt động khủng bố như kiểu Nguyễn Hữu Chánh, "Quỹ Người Thượng" (MFI) do Ksor Kok cầm đầu dưới sự bảo trợ của cái gọi là Tổ chức Đảng Cấp tiến Xuyên Quốc gia (TRP)… được che chở, hỗ trợ. Tổ chức "Quỹ Người Thượng" thực chất tập hợp một số tàn quân của FULRO (Front unifié pour la Liberation des Races Oppremees hay United Front for the Liberation of Oppressed Races) chạy sang Mỹ, sau khi các hoạt động thổ phỉ của chúng bị đập tan vào đầu những năm 1990. Ksor Kok, tự nhận là "Tổng Thống" của cái gọi là "Nhà nước Đê Ga độc lập," ra sức hoạt động ly khai và vì mục đích đó vu cáo Việt Nam "đàn áp, bắt giam và cưỡng bức người dân tộc ít người bỏ đạo" Tin lành ở Tây Nguyên, tìm mọi cách gây chia rẽ, phá hoại đoàn kết dân tộc, kích động bạo loạn... mà các vụ biểu tình, bạo loạn tại Tây Nguyên năm 2001 và 2004 là biểu hiện.

Tổ chức "Bảo vệ quyền làm người Việt Nam" do Võ Văn Ái là Chủ tịch, tập hợp một số phần tử cay cú trước thất bại của chúng tại miền Nam Việt Nam năm 1975 đã ra sức chống phá, bôi nhọ hình ảnh của chính nước mình. Lợi dụng danh nghĩa là Phó chủ tịch Liên đoàn Nhân quyền (FIDH), một tổ chức phi chính phủ quốc tế có quy chế tư vấn của ECOSOC, Võ Văn Ái liên tục chống Việt Nam tại các khoá họp của Uỷ ban nhân quyền Liên Hợp Quốc.

Các tổ chức trên núp dưới chiêu bài "dân chủ, nhân quyền" được sự ủng hộ của một số lực lượng nước ngoài. Họ tìm mọi cách che chở cho một nhúm người núp dưới nhãn hiệu "tranh đấu cho tự do, nhân quyền" để phục vụ cho tham vọng cá nhân và lợi ích của nước ngoài, trong khi đó chẳng đoái hoài gì tới tiếng nói của số đông. Trong nhiều trường hợp họ đánh lộn xòng những kẻ vi phạm pháp luật, biến chúng thành các "chiến sĩ bảo vệ tự do." Nhân đây cũng phải nói rằng, những luận điệu, mô hình của những vị mệnh danh là "chiến sĩ đấu tranh cho tự do, dân chủ" muốn áp đặt ở Việt Nam chẳng qua cũng chỉ là những bản sao tồi mô hình xa lạ của những nước có hoàn cảnh lịch sử, văn hóa, kinh tế hoàn toàn khác. Nếu họ thực sự "yêu nước" thì đã chẳng núp bóng ngoại bang để gây khó dễ cho đất nước.

Tương tự như vậy, họ chỉ chăm lo tới quyền "tự do tôn giáo" của vài vị đội lốt tôn giáo đi làm chính trị phục vụ cho bên ngoài chứ đâu có chăm lo tới đời sống của giáo dân, tín đồ?

Tình hình hiện nay đã khác trước. Nước Việt Nam đã trở thành một quốc gia thống nhất, có chủ quyền, một chủ thể bình đẳng trong cộng đồng quốc tế, muốn là bạn và đối tác tin cậy của tất cả các nước. Cơ sở cho mối quan hệ ổn định giữa các quốc gia chỉ có thể là nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền của nhau, không can thiệp công việc nội bộ của nhau, hợp tác bình đẳng cùng có lợi, thông qua đối thoại để giải quyết mọi bất đồng, khác biệt.

Theo tinh thần đó, Việt Nam hoan nghênh cam kết của các nước tôn trọng độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam thể hiện tại các văn kiện ký kết giữa Việt Nam với các nước và gần đây là Tuyên bố chung giữa Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Hợp chủng quốc Hoa Kỳ ngày 21/6/2005 trong đó nêu rõ nguyên tắc quan hệ đối tác là "bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau và hai bên cùng có lợi,"Chính phủ Hoa Kỳ ủng hộ đối với an ninh và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam," "tiếp tục đối thoại thẳng thắn và cởi mở về những vấn đề cùng quan tâm, kể cả việc thực hiện các quyền con người, điều kiện cho các tín đồ và dân tộc ít người." Việc thực hiện nghiêm chỉnh những cam kết trên đây sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc thu hẹp bất đồng, thúc đẩy việc hợp tác cùng có lợi.

 

KẾT LUẬN

Những thành tựu trong công cuộc bảo vệ và phát triển quyền con người ở Việt Nam là kết quả của sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa bản chất ưu việt, tiến bộ của chế độ xã hội chủ nghĩa với truyền thống nhân đạo, nhân văn của dân tộc Việt Nam, giữa chính sách nhất quán của Nhà nước Việt Nam luôn đặt con người là trọng tâm trong sự phát triển đất nước, với việc thực hiện nghiêm túc các chuẩn mực và nghĩa vụ được quy định trong các Công ước quốc tế cơ bản về quyền con người mà Việt Nam đã tham gia.

Trong suốt 60 năm qua kể từ khi Chủ tịch Hồ Chí Minh, đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Việt Nam, dân tộc Việt Nam đã vượt qua biết bao thử thách, khó khăn của chiến tranh ác liệt, nghèo đói và lạc hậu, tạo dựng nên nền tảng vững chắc cho một xã hội thực sự công bằng, dân chủ, văn minh, mà ở đó các quyền tự do cơ bản của người dân được bảo vệ và không ngừng phát triển. Bên cạnh các quyền dân sự, chính trị, các quyền kinh tế, văn hoá, xã hội luôn được chú trọng thông qua một loạt chính sách tích cực và hiệu quả của Nhà nước Việt Nam. Các thành tích bảo đảm quyền con người, đặc biệt là thành tựu to lớn trong lĩnh vực xoá đói giảm nghèo, y tế, giáo dục, văn hoá được cộng đồng quốc tế công nhận rộng rãi.

Sự nghiệp Đổi mới được tiến hành trong gần 20 năm qua ở Việt Nam thu được những thành tựu quan trọng trên mọi lĩnh vực: kinh tế phát triển nhanh, đất nước hòa bình và ổn định, đời sống được cải thiện rõ rệt và đặc biệt, các quyền của mọi người dân về kinh tế, văn hóa, xã hội, dân sự, chính trị đều được bảo đảm và tăng cường. Những thành tựu quan trọng đó thể hiện sinh động ý chí và quyết tâm của Nhà nước Việt Nam trong việc bảo đảm và không ngừng thúc đẩy các quyền con người ở Việt Nam. Mặt khác, thành công của sự nghiệp Đổi mới đem lại cho Việt Nam một bài học quý báu là một khi xây dựng được nhà nước thực sự của dân, do dân và vì dân, khi thiết lập được một xã hội mà trong đó mỗi cá nhân, trong khi hưởng thụ các quyền và tự do theo luật định, luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm với cộng đồng, thì quốc gia đó có thể bảo đảm cho công dân mình cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Bài học này đã và đang tiếp tục được Nhà nước Việt Nam thực hiện một cách nhất quán và có hiệu quả.

Cách mạng Việt Nam đã đưa một dân tộc nô lệ lên làm chủ đất nước; công cuộc Đổi mới đang đem lại ấm no, hạnh phúc cho toàn dân, người dân được thụ hưởng những quyền con người cơ bản quy định tại Hiến chương Liên hợp quốc. Đó là một thực tế sáng tỏ như ánh mặt trời, không bàn tay đen tối nào có thể che lấp được.

 

 
Back Top page Print Email

Bản quyền của Vụ Thông Tin Báo Chí - Bộ Ngoại Giao
© Copyright by Press and Information Department - Vietnam Ministry of Foreign Affairs
Email: Banbientap@mofa.gov.vn 
Hiển thị tốt nhất với Internet Explorer. Best viewed with Internet Explorer