Công bố báo cáo tiến độ thực hiện các mục tiêu của Liên Hợp Quốc
Phát biểu tại lễ công bố, ông Phan Quang Trung, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, khẳng định “thực tế thành tựu về xóa đói giảm nghèo của Việt Nam đã được công đồng quốc tế ghi nhận. Việt Nam đã và luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm với các nước về công tác xóa đói, giảm nghèo. Tuy nhiên, để hoàn thành một cách toàn diện các MDG, Việt Nam cần có sự hỗ trợ của cộng đồng các nước thành viên Liên Hợp Quốc, đặc biệt các nước phát triển, các tổ chức tài chính quốc tế, các tổ chức, các cơ quan chức năng của Liên Hợp Quốc".
Ông Jordan Ryan, Điều phối viên Thường trú của Liên Hợp Quốc và Đại diện thường trú Chương trình Phát triển của Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam, nói: "Việt Nam là nước đi đầu trên thế giới về tiến độ thực hiện các MDGs. Việt Nam có mọi lý do để tự hào về những kết quả đạt được nêu trong báo cáo này".
Tuy nhiên, ông J. Ryan cảnh báo sự gia tăng tình trạng bất bình đẳng và vẫn còn tồn tại các cụm dân cư nghèo ở những vùng khó khăn trong cả nước. Do đó, ông J. Ryan khẳng định mục tiêu đặt ra cho Việt Nam trong thời gian tới là đạt được các MDG ở mọi thôn xóm và làng bản trên khắp cả nước".
Theo báo cáo, dựa trên các MDG và định hướng phát triển của đất nước, Việt Nam đã xây dựng 12 Mục tiêu Phát triển (VDG) của mình, bao gồm các vấn đề xã hội và giảm nghèo đến năm 2010, để tập trung chỉ đạo thực hiện có hiệu quả hơn. Các VDG vừa phản ánh khá đầy đủ các MDG, vừa tính đến một cách sâu sắc những đặc thù phát triển của Việt Nam. Các mục tiêu đó không chỉ được lồng ghép vào chiến lược và các chương trình phát triển kinh tế-xã hội đất nước, mà còn được xây dựng với các chỉ tiêu cụ thể. Đây là căn cứ quan trọng để theo dõi và đánh giá kết quả thực hiện các MDG một cách chính xác, kịp thời và có hiệu quả.
Nhiều văn bản của Chính phủ Việt Nam về triển khai thực hiện các MDG và VDG đã được ban hành như Chiến lược toàn diện về Tăng trưởng và Xóa đói Giảm nghèo (năm 2002) và Định hướng Chiến lược Phát triển Bền vững (hay còn gọi là Chương trình Nghị sự 21 của Việt Nam năm 2004).
Trong giai đoạn 1999-2004, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam đã tăng gần gấp 3 lần, với tốc độ tăng trưởng bình quân 7,5%/năm. Tỷ lệ hộ nghèo đã giảm từ 58% vào năm 1993 xuống còn 24%/năm vào năm 2004. Các nguồn lực phát triển trong nước được tăng cường, quan hệ kinh tế quốc tế, nhất là về thương mại và thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, tiếp tục được mở rộng, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện, tình hình chính trị-xã hội ổn định.
Báo cáo này do một nhóm chuyên gia của Chính phủ chủ trì soạn thảo dưới sự điều phối của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Theo nhóm chuyên gia, thông điệp mà báo cáo muốn chuyển đến là sự khẳng định mạnh mẽ quyết tâm của Chính phủ Việt Nam tiếp tục thực hiện Tuyên bố Thiên niên kỷ và đạt được các MDG vào năm 2015”./.
Quay lại Đầu trang In trang Gửi mail |