Trang chủ     Đăng ký nhận tin    Ý kiến bạn đọc   Liên kết website English 
Tuesday, ngày 24 tháng 12 năm 2024 Tìm kiếm
 Tìm kiếm nâng cao

Lòng quyết tâm đã làm nên những thành công của Việt Nam

(TTXVN) - Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa khẳng định gốc rễ những thành công của Việt Nam trên bước đường phát triển là sự quyết tâm của Nhà nước và toàn dân đối với công cuộc phát triển kinh tế-xã hội.

Tối 15/9, phát biểu tại Hội nghị toàn thể cấp cao Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ở Niu Yoóc, Phó Chủ tịch Trương Mỹ Hoa nhấn mạnh trước đây, nhân dân Việt Nam được đông đảo bạn bè quốc tế biết đến vì sự quyết tâm, quả cảm trong đấu tranh bảo vệ những quyền con người cơ bản là được sống trong tự do, độc lập, tự quyết định vận mệnh của mình, thì nay lại được nhắc đến về những thành tựu phát triển kinh tế xã hội quan trọng trong sự nghiệp Đổi mới và thực hiện các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ.

Năm 2004, Việt Nam đã giảm gần 3/5 tỷ lệ hộ đói nghèo so với năm 1993, đạt được mục tiêu phát triển thiên niên kỷ về giảm nghèo trước 10 năm. Về mục tiêu phổ cập giáo dục cơ sở, Việt Nam đã xóa xong nạn mù chữ và phổ cập giáo dục tiểu học từ năm 2000 và đạt tỷ lệ gần 95% trẻ em nhập học tiểu học đúng tuổi. Hiện đã có gần 50% số tỉnh trong cả nước thực hiện xong chương trình phổ cập giáo dục trung học cơ sở. Những tiến bộ to lớn về tăng cường bình đẳng nam nữ thể hiện rõ nét ở chỉ số giới GDI của Việt Nam liên tục được cải thiện từ 0,668 năm 1998 lên 0,689 năm 2004, tỷ lệ nữ tham gia Quốc hội đạt trên 27%, mức cao nhất trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Về các mục tiêu còn lại, Việt Nam đều đạt được nhiều thành tựu đáng khích lệ.

Phó Chủ tịch Trương Mỹ Hoa nêu rõ kinh nghiệm của Việt Nam trong việc thực hiện các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ là kiên trì công cuộc đổi mới, chủ động lồng ghép các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ vào các chương trình quốc gia về phát triển kinh tế-xã hội và hợp tác quốc tế, phát huy nội lực đi đôi với chuyển đổi cơ cấu đầu tư, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế và mở rộng kinh tế đối ngoại, gắn kết phát triển kinh tế với nâng cao phúc lợi xã hội, thực hiện cải cách hành chính, tăng cường năng lực và sự tham gia đông đảo của người dân.

Có được những thành công trên, Phó Chủ tịch cũng không quên đánh giá cao sự hỗ trợ quý báu của các tổ chức thuộc Liên Hợp Quốc, các nước tài trợ song phương và đa phương, các tổ chức phi chính phủ, các cá nhân nước ngoài dành cho công cuộc phát triển ở Việt Nam.

Để hỗ trợ tốt hơn cho các nước đang phát triển thực hiện thành công các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ vào năm 2015, Phó Chủ tịch Trương Mỹ Hoa đã nêu ra 4 khuyến nghị cơ bản.

Một là các nước phát triển cần nghiêm chỉnh thực hiện cam kết dành 0,7% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cho viện trợ phát triển, giảm và xóa nợ cho các quốc gia đang phát triển, đặc biệt là các nước chậm phát triển, cải thiện khả năng tiếp cận thị trường và tạo điều kiện thuận lợi cho các quốc gia này sớm gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Hai là thúc đẩy các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ với việc thực hiện các cam kết của các hội nghị toàn cầu đã được tổ chức trong các thập kỷ trước như phụ nữ, trẻ em, dân số và phát triển, phòng chống HIV/AIDS, nhà ở, môi trường và phát triển xã hội.

Ba là hỗ trợ những quốc gia đang phát triển hoàn thiện chiến lược, năng lực thực hiện các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ và tăng cường điều phối sự giúp đỡ của các nhà tài trợ .

Bốn là tăng cường sự hỗ trợ cho các hình thức hợp tác Nam-Nam. Việt Nam đã thực hiện rất hiệu quả mô hình hợp tác 3 bên "2+1" giữa Việt Nam và một số nước châu Phi với sự hỗ trợ của các đối tác tài trợ. Việt Nam có kinh nghiệm trong lĩnh vực này và sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm và hợp tác với các nước thực hiện mô hình này.

Về cải tổ Liên Hợp Quốc, Phó Chủ tịch nhấn mạnh việc các nước thành viên yêu cầu Liên Hợp Quốc đảm nhiệm vai trò đi đầu trong thực hiện các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ là một minh chứng về vai trò không thể thiếu được của tổ chức này trong các vấn đề toàn cầu. Việt Nam chia sẻ quan điểm của đông đảo các quốc gia trên thế giới là cải tổ Liên Hợp Quốc phải dựa trên các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên Hợp Quốc, cần được tiến hành một cách cân bằng và toàn diện, đảm bảo tính dân chủ, minh bạch và tính đại diện của tổ chức này nhằm mục đích tăng cường hiệu quả hoạt động của Liên Hợp Quốc vì lợi ích chung của các nước thành viên, nhất là các nước đang phát triển.

Sáng 15/9, Phó Chủ tịch Trương Mỹ Hoa và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã dự Hội nghị cấp cao các nước có sử dụng tiếng Pháp, được tổ chức bên lề Hội nghị cấp cao Đại hội đồng Liên Hợp Quốc.

Phát biểu tại hội nghị này, Phó Chủ tịch nhấn mạnh trong bối cảnh quốc tế có nhiều hoạt động và sáng kiến thúc đẩy tiến trình thực hiện các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ, cộng đồng Pháp ngữ cần nỗ lực và thể hiện một cách cụ thể hơn tình đoàn kết Pháp ngữ bằng cách ưu tiên cao hơn cho vấn đề hợp tác và phát triển, chuyển hóa các đường lối chiến lược tổng thể thành những chương trình, dự án hợp tác cụ thể, huy động thêm các nguồn lực song phương và đa phương, đảm bảo thực hiện có hiệu quả và thiết thực các chương trình và dự án này.

Phó Chủ tịch cho rằng sức mạnh của cộng đồng Pháp ngữ là đoàn kết, tôn trọng tính đa dạng văn hóa, lịch sử của các nước thành viên, hỗ trợ nhau cùng phát triển. Việc trao đổi thẳng thắn quan điểm và kinh nghiệm trong hội nghị này sẽ góp phần tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau trong cộng đồng nhằm thúc đẩy dân chủ, tự do và quyền con người cho nhân dân mỗi nước. Đường lối nhất quán của Nhà nước Việt Nam là đặt con người ở vị trí trung tâm của chính sách kinh tế, xã hội, trong đó thúc đẩy và bảo vệ quyền con người là nhân tố quan trọng cho sự phát triển bền vững, đảm bảo thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước. Việt Nam cam kết tiếp tục hợp tác với các nước trong cộng đồng Pháp ngữ trong các lĩnh vực quan trọng này.

Trước đó, Phó Chủ tịch Trương Mỹ Hoa đã dự và phát biểu tại Phiên đối thoại bàn tròn thứ nhất mang chủ đề "Liên Hợp Quốc với vấn đề phát triển và xóa đói giảm nghèo" với sự tham gia của 39 vị lãnh đạo Nhà nước và Chính phủ.

Phó Chủ tịch cho rằng việc nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức, cơ quan của Liên Hợp Quốc, đặc biệt là các tổ chức quốc tế thuộc hệ thống phát triển và chuyên môn của Liên Hợp Quốc gắn liền với vấn đề phát triển và xóa đói giảm nghèo ở các nước đang phát triển sẽ giúp các cơ quan này có vai trò tích cực hơn. Các nước đang phát triển cần được hỗ trợ để cải thiện khả năng, cơ cấu hàng xuất khẩu sang các nước công nghiệp phát triển, tiếp cận thị trường công nghệ cao, thị trường tài chính, đặc biệt là tạo điều kiện và đơn giản hóa điều kiện tham gia các cơ chế hợp tác kinh tế quốc tế, nhất là WTO. Việt Nam đề nghị tăng cường chuyển giao công nghệ, đặc biệt là công nghệ mới thân thiện với môi trường, xây dựng năng lực quản lý và phát triển nguồn nhân lực, thích ứng ngày càng tốt hơn những đòi hỏi mới của cuộc sống./.

 
Back Top page Print Email

Related news:

Bản quyền của Vụ Thông Tin Báo Chí - Bộ Ngoại Giao
© Copyright by Press and Information Department - Vietnam Ministry of Foreign Affairs
Email: Banbientap@mofa.gov.vn 
Hiển thị tốt nhất với Internet Explorer. Best viewed with Internet Explorer