Trang chủ     Đăng ký nhận tin    Ý kiến bạn đọc   Liên kết website English 
Thứ hai, ngày 23 tháng 12 năm 2024 Tìm kiếm
 Tìm kiếm nâng cao

Đại sứ Chilê: Quan hệ Việt Nam - Chilê đang phát triển rực rỡ

(TTXVN) - Trả lời phỏng vấn TTXVN nhân kỷ niệm Quốc khánh Chilê (18/9), Đại sứ Chilê tại Việt Nam Fernando Ayala đã bày tỏ niềm hạnh phúc của cá nhân ông khi được sống và làm việc tại Việt Nam, đồng thời khẳng định quan hệ hai nước Việt Nam và Chilê đang trong giai đoạn phát triển rực rỡ.

Xin Đại sứ cho biết cảm tưởng của mình về đất nước và con người Việt Nam sau những tháng đầu tiên sống và làm việc tại Việt Nam?

Tôi rất hạnh phúc có dịp được sống và làm việc tại Việt Nam, trong thời điểm rất quan trọng đối với lịch sử của các bạn; được chứng kiến một quá trình cải cách vững chắc - "đổi mới” - kinh tế và xã hội với những kết quả thật ấn tượng, đem lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân và sự hội nhập của nền kinh tế Việt Nam với thế giới. Cùng với gia đình, chúng tôi đã được chứng kiến quá trình thay đổi đó và rất vui mừng được chia xẻ những kinh nghiệm, được tìm hiểu lịch sử và văn hoá của Việt Nam. Ngoài ra tôi cũng đã có may mắn được gặp những nhân vật lịch sử của các bạn như vị Đại tướng huyền thoại Võ Nguyên Giáp, được nghe ông kể lại những câu chuyện về một trong những thời kỳ quan trọng nhất trong lịch sử  Việt Nam của thế kỷ XX. Tôi cũng đã hiểu được tầm quan trọng của việc thống nhất đất nước và tình yêu to lớn của các bạn giành cho Tổ quốc và độc lập dân tộc. Hơn nữa, năm nay chúng tôi lại may mắn được tham dự các hoạt động kỷ niệm 30 năm ngày thống nhất đất nước và Quốc khánh lần thứ 60 của các bạn.

Việt Nam là một phần quan trọng trong sự trưởng thành của thế hệ chúng tôi. Tại Chilê những năm cuối của thập kỷ 60, Việt Nam là một đề tài quan trong trong đời sống chính trị. Khi còn trẻ tôi tham gia vào các biểu tình lớn ủng hộ Việt Nam đấu tranh đòi quyền tự quyết và độc lập dân tộc. Những cái tên của Hồ Chí Minh, tướng Giáp, Hải Phòng, Sài Gòn, Đà Nẵng và Mỹ Lai thường xuyên được nhắc đến tại Chilê trong những năm đó và đã in sâu trong tâm  trí tôi. Ngoài ra cũng xin được nhắc đến sự kiện cựu Tổng Thống Salvador Allende – khi đó là Thượng Nghị sỹ - đã thăm Hà Nội năm 1969 và là vị khách quốc tế cuối cùng được chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp, trước khi Người mất vào năm đó. Ngay sau đó, khi trở thành Tổng Thống Chilê, Allende đã thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam và cho mở Đại sứ quán thường trú đầu tiên của Chilê ở Hà nội vào năm 1971.

Xin đại sứ cho biết tình hình hiện nay ở Chilê và những kết quả của công cuộc cải cách chính trị và phát triển kinh tế - xã hội mà chính phủ và nhân dân Chilê giành được trong  những năm gần đây?

Ngày nay Chilê được hưởng một sự ổn định chính trị và kinh tế vững chắc. Chúng tôi là một nước nhỏ, với chỉ 15 triệu người nhưng năm vừa qua kim ngạch xuất khẩu đã đạt được 32 tỷ đô la Mỹ. Các sản phẩm của Chilê như rượu vang, đồng, cá hồi và các loại hoa quả ngày nay đã nổi tiếng trên các thị trường chính của thế giới. Tổng Thổng Ricardo Lagos - người sẽ kết thúc nhiệm kỳ tổng thống và tháng 3/2006, được đánh giá là một trong những nhà lãnh đạo lớn của khu vực Mỹ La tinh và là người kế tục hội nhập Chilê với thế giới. Cũng như tất cả các nước đang phát triển khác, chúng tôi có những nhiệm vụ và thử thách to lớn phải hoàn thành và vượt qua, đặc biệt là trong lĩnh vực phân phối lại nguồn tài nguyên, nhưng về cơ bản, Chilê đã lựa chọn  một con đường hay một kiểu mẫu dựa trên sự tăng cường xuất khẩu, đơn phương mở rộng về kinh tế, hội nhập hoàn toàn với thế giới toàn cầu hoá và các thoả thuận về tự do thương mại, bên cạnh các đặc trưng khác. Kết quả là trong 15 năm qua, tỷ lệ tăng trưởng bình quân của Tổng sản phẩm quốc nội (PIB/GDP) đã đạt 6,1%, giá trị kim ngạch xuất khẩu đã tăng từ 15,3 tỷ đô la Mỹ năm 1996 lên 32,1 tỷ đô la Mỹ năm 2004. Chúng tôi đã đạt được các Thoả thuận trợ giúp kinh tế với hầu hết  tất cả các nước Mỹ la tinh và các Thoả thuận về tự do thương mại với Trung Mỹ, Mê-hi-cô, Mỹ và Canađa. Ở châu Âu, chúng tôi có Hiệp định tự do thương mại với Liên minh châu Âu và các nước thành viên EFTA (Thuỵ Sỹ, Na Uy, Aixơlen và Leichtenstein). Ở châu Á, Chilê đã ký Hiệp định tự do thương mại với Hàn Quốc, Xinhgapo, Brunây và Niu Dilân là nước đầu tiên của khu vực Thái Bình dương ký Hiệp định tự do thương mại với Chilê. Hiện nay chúng tôi đang đàm phán để ký kết Hiệp định tự do thương mại với  Trung Quốc, Ấn Độ và cùng với Nhật Bản nghiên cứu khả năng thực thi để tiến tới đàm phán, ký kết một hiệp định như vậy. Có thể nói rằng Chilê tin tưởng chắc chắn vào các lợi thế của tự do thương mại, với các quy định rõ ràng, trong sáng và bình đẳng đối với tất cả các bên, đó chính là cách bảo vệ các nước nhỏ tốt nhất  trước các nước lớn. Chúng tôi tin tưởng rằng tự do thương mại sẽ tạo ra cuộc sống tốt đẹp cho nhân dân các nước và tăng cường các mối quan hệ giữa các quốc gia, đẩy lùi các nguy cơ của xung đột và chiến tranh. Quá trình đơn phương mở cửa kinh tế và giảm dần các mức thuế mà Chilê đã tiến hành từ cách đây hai thập kỷ  đưa đến việc ngày nay Chilê chỉ còn một mức thuế duy nhất là 6%. Nếu xem xét các kết quả mà các Hiệp định tự do thương mại đem lại, chúng ta thấy rằng mức thuế nhập khẩu thực tế của các hàng hoá nhập vào Chilê chỉ là 2,1%. Trong điều kiện đó, cán cân thương mại năm 2004 đạt gần 55 tỷ đôla Mỹ, với hơn 9 tỷ đôla Mỹ xuất siêu thuộc về Chilê. Quá trình mở cửa cũng đã khiến cho các nhà đầu tư nước ngoài hoàn toàn tin tưởng vào sự ổn định của nền kinh tế Chilê. Trong 10 năm gần đây, Uỷ ban Đầu tư nước ngoài của Chilê đã cấp giấy phép đầu tư cho các dự án với tổng vốn đã thực hiện là 55,6 tỷ đô la Mỹ. Mặt  khác các nhà doanh nghiệp Chilê cũng đã tích cực đầu tư ra nước ngoài và hiện nay có hơn 28,6 tỷ đô la Mỹ vốn đầu tư của Chilê ở nước ngoài - đặc biệt là ở Mỹ La tinh, nhưng cũng có ở châu Âu và châu Á. Chúng tôi có cơ sở vững chắc để tin tưởng rằng trong tương lai các nhà đầu tư Chilê sẽ đến Việt Nam.

Về mặt nội bộ, Chilê đã có những thay đổi lớn về cơ sở hạ tầng (các đường cao tốc, các sân bay, các công trình đô thị v.v) cũng như về y tế và giáo dục – những lĩnh vự này đã cho thấy những thành quả ban đầu. Chính phủ của Tổng Thống Ricardo Lagos đã mở rộng giáo dục bắt buộc từ lớp 8 lên lớp 12, tập trung những nỗ lực  nâng cao chất lượng giảng dạy để đất nước và nền kinh tế của chúng tôi có thể đương đầu được với những thử thách của một thế giới ngày càng toàn cầu hoá và cạnh tranh.

Đại sứ đánh giá như thế nào về thực trạng quan hệ Chilê - Việt Nam và đâu là những thuận lợi và trở ngại chính của mối quan hệ này? Để nhanh chóng tăng cường quan hệ hợp tác tay đôi và khai thác một cách hiệu quả thế mạnh của mình, hai nước cần ưu tiên những lĩnh vực nào?

Quan hệ giữa hai nước chúng ta đang ở vào một giai đoạn phát triển rực rỡ, mà các cuộc gặp gỡ của Tổng Thống Ricardo Lagos và Chủ tịch Trần Đức Lương tại Hà nội năm 2003 và Santiago năm 2004 đã khẳng định. Chilê và Việt Nam có một tình hữu nghị lịch sử, như tôi đã nói ở trên, với  cuộc gặp gỡ giữa Allende và Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1969. Năm tới chúng ta sẽ kỷ niệm 35 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Chúng ta có đồng quan điểm về những vấn đề lớn trong chính trị quốc tế, chúng ta là những láng giềng của nhau trong khu vực Thái Bình Dương và đồng minh trong APEC. Chilê là nước thứ hai ký hiệp định song phương về việc Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới. Quan hệ thương mại song phương, tuy rằng vẫn còn thấp nhưng đã tăng trưởng liên tục, từ mức gần 19 triệu USD năm 2000 lên hơn 60 triệu USD vào năm 2004 (theo thống kê của Cục xúc tiến Thương mại Chilê).

Tôi tin tưởng chắc chắn rằng các số liệu sẽ tăng lên đáng kể vào những năm tới cùng với sự tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam. Cách tốt nhất để thúc đẩy quan hệ thương mại là tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa các nước, điều đó có nghĩa là không chỉ các quan hệ thương mại, mà còn cả các quan hệ về văn hoá, khoa học, công nghệ, giáo dục và thể thao. Chúng ta cần phải học hỏi để hiểu biết lẫn nhau hơn nữa.

Vào tháng 8 vừa qua, đạo diễn điện ảnh Nguyễn Thanh Vân đã tham dự Liên hoan phim quốc tế tại Antofagasta - một thành phố nằm cách thủ đô Santiago 2000km về phía Bắc, với bộ phim “Người đàn bà mộng du" và đã được công chúng Chilê đón nhận nồng nhiệt. Chúng tôi hy vọng có thể sẽ đem đến cho công chúng Chilê bộ môn nghệ thuật múa rối nước - cửa sổ của lịch sử và văn hoá Việt Nam. Chúng tôi sẽ làm tất cả những điều đó những vẫn sẽ không quên những chuyến đi của các nhà doanh nghiệp cũng như việc tham gia các hội chợ thương mại, du lịch và các chuyến viếng thăm khác.

Các sản phẩm may mặc, dày dép, thủ công mỹ nghệ, cà phê, gạo của Việt Nam có rất nhiều triển vọng tiếp tục mở rộng thị trường trên đất nước chúng tôi. Thị trường chính là người sẽ phát hiện ra những cơ hội kinh doanh mới. Ngày nay Chilê được thế giới biết đến với rượu vang, có giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt gần một tỷ đô la Mỹ. Các bạn Việt Nam cũng đang học cách làm quen và thưởng thức các loại rượu vang nổi tiếng của Chilê, mà phổ biến nhất ở Việt Nam là rượu vang "Montes". Chúng tôi hy vọng thêm nhiều loại rượu vang Chilê sẽ tiếp tục đến với người tiêu dùng Việt Nam, bởi vì đều đã được báo chí chuyên ngành của toàn thế giới công nhận là một trong những loại rượu vang ngon nhất. Tôi tin tưởng rằng các loại rượu vang,  cá hồi - mà Chilê là nhà sản xuất hàng đầu thế giới, cùng với các loại hoa quả như nho, táo, lê  và các loại hoa quả khác sẽ thường xuyên hiện diện trong các gia đình Việt Nam.

Một trong những chính sách ngoại giao quan trọng của Chilê hiện nay là hướng tới Đông Nam Á. Việt Nam có vị trí như thế nào trong chính sách đó? Đại sứ đánh giá như thế nào về triển vọng hợp tác giữa hai nước trên cơ sở song phương và đa phương trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay?

Với hơn 4000km bờ biển của Thái Bình Dương, Chilê là một thành viên tích cực của một cộng đồng to lớn mà hiện nay đang có được những số liệu thống kê về trao đổi và thương mại lớn nhất hành tinh của chúng ta. Chúng tôi là những người láng giềng của Việt Nam trong cộng động Thái Bình dương và là đồng minh của các bạn trong APEC, mà Chilê là nước chủ nhà của hội nghị năm 2004 và Việt Nam sẽ là nước đăng cai của hội nghị năm 2006. Sự quan tâm của Chilê đối với khu vực Thái Bình dương là lâu dài. Với các nước như Nhật Bản, chúng tôi đã có quan hệ ngoại giao hơn 100 năm và với Trung quốc, chúng tôi thiết lập quan hệ ngoại giao từ năm 1970. Năm ngoái, giá trị kim ngạch xuất khẩu của Chilê sang châu Á đã đạt mức gần 11 tỷ đô la Mỹ, hay nói một cách khác là bằng 34% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu toàn cầu của Chilê và đây là khu vực năng động nhất trong cán cân tăng trưởng thương mại của Chilê. Như vậy là thị trường châu Á, và đặc biệt là các nước như Trung quốc, Nhật bản và Hàn quốc đang là những bạn hàng chính của các loại hàng hoá Chilê. Tôi tin tưởng rằng với sự tăng trưởng nhanh của kinh tế Việt Nam, sự gia nhập tới đây của Việt Nam vào Tổ chức Thương mại Thế giới, sự hội nhập với thị trường thế giới và đặc biệt là khả năng lao động tuyệt vời của nhân dân Việt Nam sẽ sớm đưa các bạn trở thành một nhân tố nổi bật của Đông Nam Á và một bạn hàng thân thiết của Chilê.

Trên lĩnh vực song phương, Chilê và Việt Nam đang thúc đẩy các mối quan hệ mới và chúng tôi mong muốn cùng chia xẻ với các bạn những kinh nghiệm trong các vấn đề về cải cách giáo dục, y tế hoặc xúc tiến thương mại. Trên lĩnh vực đa phương, chúng ta cùng tham gia Diễn đàn hợp tác châu Á-Thái Bình dương (APEC), FOCALAE (Diễn đàn hợp tác Mỹ La tinh – Đông Nam Á) và chúng ta cùng chia xẻ quan điểm tương đồng về các cải cách của Liên Hợp Quốc. Chilê là một nước ủng hộ mạnh mẽ của Chủ nghĩa đa phương, của luật pháp quốc tế và các công việc của Liên hợp quốc để giải quyết một cách hoà bình các mâu thuẫn, xung đột giữa các thành viên của tổ chức này. Tất cả những điều đó làm cho chúng tôi xích lại gần Việt Nam và vì vậy tôi có dự cảm về một con đường với sự hợp tác chặt chẽ trong tương lai trên nhiều lĩnh vực, để sao cho những tình cảm hữu nghị truyền thống, lịch sử và lâu dài đó giữa hai nước chúng ta sẽ hiện hữu trong sự tăng trưởng của thương mại song phương và trong các hiệp định vì lợi ích của cả đôi bên./.

 
Quay lại Đầu trang In trang Gửi mail

Bản quyền của Vụ Thông Tin Báo Chí - Bộ Ngoại Giao
© Copyright by Press and Information Department - Vietnam Ministry of Foreign Affairs
Email: Banbientap@mofa.gov.vn 
Hiển thị tốt nhất với Internet Explorer. Best viewed with Internet Explorer