Việt Nam kêu gọi chia sẻ kinh nghiệm thực hiện các công ước tư pháp
Phát biểu tại lễ khai mạc Hội nghị quan chức pháp luật cao cấp các nước ASEAN lần thứ 10 (ASLOM-10), Thứ trưởng Hoàng Thế Liên, Trưởng ban Tổ chức ASLOM-10, cho biết ở quy mô toàn cầu, có khoảng 36 công ước khác nhau trong khuôn khổ Hội nghị Quốc tế La Hay. Các công ước này đang từng bước tạo thuận lợi cho việc giải quyết các vấn đề tư pháp quốc tế. Tuy nhiên, đến tháng 9/2005, các công ước này chủ yếu vẫn là những nội dung đang được nghiên cứu, xem xét ở các nước ASEAN, ngoại trừ Brunei, Malaixia và Xinhgapo.
Thứ trưởng Liên đề nghị các đại biểu tham dự ASLOM-10 thảo luận một số đề xuất liên quan tới miễn trừ tư pháp trong lĩnh vực dân sự và thương mại giữa các nước ASEAN như hợp tác trong hoạt động tống đạt giấy tờ tư pháp của các nước thành viên ASEAN và miễn hợp pháp hóa các giấy tờ khi thực hiện tương trợ tư pháp giữa các nước trong khu vực.
Ông Liên nói: "Để triển khai hợp tác trong lĩnh vực này, các nước ASEAN cần thể hiện quyết tâm, trí tuệ tập thể với các bước đi thích hợp như thành lập Nhóm nghiên cứu về khả năng thực hiện việc hợp tác trong tống đạt giấy tờ tư pháp giữa các cơ quan tư pháp của ASEAN, tổ chức các diễn đàn trao đổi kinh nghiệm pháp luật trong ASEAN và thành lập Nhóm soạn thảo các điều ước phục vụ hợp tác”.
Trong hai ngày hội nghị, các đại biểu tham dự ASLOM-10 dự kiến sẽ nghe báo cáo về các đề mục (sáng kiến) đã được Hội nghị Bộ trưởng Tư pháp các nước ASEAN (ALAWMM) trước đây thông qua như xây dựng danh bạ cơ quan pháp luật các nước ASEAN, thành lập cơ quan có thẩm quyền về thông tin pháp luật của các nước ASEAN, thành lập một diễn đàn pháp luật và thực tiễn của ASEAN, hợp tác pháp luật trong công tác hòa giải và hài hòa hóa quyền sở hữu trí tuệ trong ASEAN.
Các đại biểu cũng nghe báo cáo về các đề mục (sáng kiến) đã đưa ra tại ASLOM-9 tại Brunei vào tháng 8/2004, đồng thời đề xuất và thảo luận các sáng kiến mới của các nước thành viên như sáng kiến tương trợ tư pháp về dân sự và sáng kiến hợp tác vê đạo tạo pháp luật trong ASEAN, sáng kiến thành lập bộ phận pháp chế trong Ban Thư ký ASEAN nhằm thúc đẩy hợp tác về pháp luật và tư pháp cũng như tư vấn về các vấn đề pháp luật.
Các đại biểu ASLOM-10 cũng sẽ xem xét dự thảo Tuyên bố chung của ALAWMM-6 và thảo luận thời gian cũng như địa điểm tổ chức ASLOM-11 và ALAWMM-7./.
Back Top page Print Email |
Related news: |
|