Trang chủ     Đăng ký nhận tin    Ý kiến bạn đọc   Liên kết website English 
Thứ sáu, ngày 27 tháng 12 năm 2024 Tìm kiếm
 Tìm kiếm nâng cao

Mỹ và Việt Nam đang tích cực đàm phán để Việt Nam sớm gia nhập WTO

(TTXVN) - Trong buổi gặp gỡ với báo chí chiều 22/9, tại Hà Nội, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Michael Marine cho biết cuộc đàm phán song phương giữa Mỹ và Việt Nam bên lề vòng đàm phán đa phương về việc Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) tại Geneva mới đây đã diễn ra một cách xây dựng và tích cực.

Ông Marine còn cho biết thêm hai bên đã thu hẹp được khoảng cách trên tất cả các vấn đề. “Về vấn đề thuế quan, hai bên đã hoàn tất việc đàm phán về hàng ngàn dòng thuế. Về dịch vụ, hai bên đã đạt được tiến bộ trong việc thu hẹp khoảng cách trong các lĩnh vực dịch vụ viễn thông, tài chính và năng lượng. Hai bên cũng bàn về các vấn đề đa phương, như cấp giấy phép nhập khẩu, quyền thương mại, doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước, doanh nghiệp thương mại nhà nước, trợ cấp, và nền kinh tế phi thị trường".

Theo ông, trong tháng 7 và tháng 8/2005, hai bên đã trao đổi qua điện thoại và thư điện tử, và đã thu được nhiều kết quả. Nhưng hiện nay, hai bên đang đối mặt với những vấn đề gai góc nhất. “Vì vậy, hai bên cần tập trung vào việc giảm những khác biệt còn tồn tại".

Về thời gian tổ chức vòng đàm phán song phương sắp tới, ông nói điều đó phụ thuộc vào những tiến bộ đạt được, và khi cả hai bên đều sẵn sàng thì sẽ có cuộc gặp lần sau. Trong vòng hai tuần tới, hai bên sẽ xác định thời gian cho cuộc gặp song phương tiếp theo. Ngoài việc đạt được hiệp định song phương với Mỹ, Việt Nam còn phải đạt được thoả thuận tương tự với năm thành viên khác của WTO, và đàm phán đa phương vẫn phải tiếp tục. Ngoài ra, Quốc hội Việt Nam sẽ phải thông qua các bộ luật tương thích với qui định của WTO, và tổ chức thực hiện các bộ luật này trên thực tế. Khi tất cả các bước đều hoàn thành, phía Mỹ sẽ phải hoàn tất hiệp định song phương và báo cáo công tác đa phương, rồi trình lên Quốc hội, nơi sẽ bỏ phiếu thông qua cơ chế thương mại bình thường vĩnh viễn (PNTR) cho Việt Nam. Như vậy, phía Mỹ sẽ phải có thời gian để hoàn thành chương trình cả gói này.

Cũng tại cuộc gặp gỡ với báo chí này, Đại sứ Mỹ thừa nhận rằng Chính phủ Việt Nam đã hợp tác tích cực với chính phủ Cămpuchia và Cao uỷ Liên hợp quốc về người tỵ nạn (UNHCR) để giải quyết vấn đề người dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên ra đi bất hợp pháp hồi hương từ Cămpuchia. Ông nói “Mỹ đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc giải quyết vấn đề này một cách xây dựng"; đồng thời ông cũng đánh giá cao việc Chính phủ Việt Nam cho phép nhân viên Sứ quán và Tổng lãnh sự quán Mỹ tại TP Hồ Chí Minh lên thăm Tây Nguyên và được tiếp xúc với một số người trở về.

Đại sứ Mỹ cho biết:“Trong chuyến đi đó, chúng tôi đã thấy những người trở về đã được chăm sóc chu đáo và được hoà nhập tốt vào cộng đồng. Tất nhiên, bất cứ ai tới Tây Nguyên đều biết rằng điều kiện kinh tế ở đó còn khó khăn, nhưng chúng tôi không thấy có bằng chứng gì về việc những người trở về này bị phân biệt đối xử”./.

 
Quay lại Đầu trang In trang Gửi mail

Bản quyền của Vụ Thông Tin Báo Chí - Bộ Ngoại Giao
© Copyright by Press and Information Department - Vietnam Ministry of Foreign Affairs
Email: Banbientap@mofa.gov.vn 
Hiển thị tốt nhất với Internet Explorer. Best viewed with Internet Explorer