Hội thảo "Việt Nam sau 30 năm chiến tranh" tại Đức
Tham dự có Đại sứ nước ta tại CHLB Đức Trần Đức Mậu, Giáo sư Vanhxăng Huben; Chủ tịch Hội Đức-Việt Nam, Tiến sĩ Han-xơ Đi-tơ Xên, cùng nhiều cán bộ các cơ quan đại diện của ta tại CHLB Đức, các giảng viên, sinh viên đang làm việc và theo học tại Học viện.
Mở đầu cuộc hội thảo, Giáo sư Vanhxăng Huben, Giám đốc Điều hành Học viện Khoa học Á-Phi đã giới thiệu sự hợp tác giữa Học viện với một số trường đại học ở Việt Nam, đặc biệt với Trường Đại học Quốc gia Hà Nội, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, trong nghiên cứu khoa học xã hội và lịch sử. Ông cho biết tại Học viện có bộ môn Việt Nam học và từ năm 1990 trở lại đây, Học viện đã giúp đào tạo, hướng dẫn thực tập sinh và nghiên sinh cho nhiều cán bộ Việt Nam, tiến hành một số dự án nghiên cứu về khoa học xã hội với Việt Nam.
Tham luận tại hội thảo, Đại sứ Việt Nam tại Đức Trần Đức Mậu cảm ơn và đánh giá cao sáng kiến, nỗ lực của Học viện Khoa học Á-Phi và Hội Đức-Việt Nam trong việc tổ chức cuộc hội thảo này. Về quan hệ hai nước, Đại sứ Trần Đức Mậu khẳng định Việt Nam luôn quan tâm và coi trọng mối quan hệ toàn diện với Đức, và mối quan hệ này đang trên đà phát triển mạnh mẽ.
Các bản tham luận tại hội thảo đã đi sâu phân tích tình hình phát triển ở Việt Nam 30 năm sau chiến tranh, những kết quả đã đạt được và những bước đi cần thiết tiếp theo trong chặng đường Đổi mới, về tình hình và triển vọng của sự hợp tác kinh tế giữa Đức và Việt Nam cũng như vai trò của Việt Nam trên trường quốc tế, về qui hoạch và phát triển thủ đô Hà Nội trong những năm tới.
Tiến sĩ Máctin Grôxơhaimơ thuộc Học viện Khoa học Á-Phi đánh giá cao chính sách đoàn kết hoà hợp dân tộc của Đảng và Nhà nước Việt Nam trong quá trình đấu tranh cách mạng và xây dựng đất nước. Giáo sư Vinphrít Lulai, Phó Chủ tịch Hội Đức-Việt Nam nêu bật những giá trị truyền thống của Việt Nam được tiếp nối trong công cuộc Đổi mới vì một đất nước Việt Nam phồn vinh và thịnh vượng trong khu vực./.
Back Top page Print Email |