Ủy ban Ðối ngoại của Quốc hội:Hoạt động đối ngoại góp phần nâng cao uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế
Chuẩn bị cho kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XI, ngày 7-10, tại Hà Nội, Ủy ban Ðối ngoại của Quốc hội đã họp toàn thể phiên thứ 15 để thẩm tra báo cáo về công tác đối ngoại của Nhà nước ta năm 2005 và phương hướng công tác đối ngoại năm 2006.
Phien họp cũng thảo luận dự thảo báo cáo công tác của Ủy ban và dự thảo báo cáo về hoạt động đối ngoại của Quốc hội năm qua, dự kiến chương trình hoạt động năm tới và xem xét một số vấn đề quan trọng khác.
Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên, nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, nguyên Bí thư T.Ư Ðảng Hồng Hà và nhiều vị nguyên là lãnh đạo Ủy ban Ðối ngoại của Quốc hội đã dự.
Chủ trì phiên họp, đồng chí Vũ Mão, Chủ nhiệm Ủy ban Ðối ngoại của Quốc hội đã trình bày báo cáo tổng hợp ý kiến đóng góp của Nhóm Tư vấn của Ủy ban về báo cáo công tác đối ngoại của Nhà nước ta và các dự thảo báo cáo hoạt động của Ủy ban, báo cáo hoạt động đối ngoại của Quốc hội trong năm 2005 và phương hướng nhiệm vụ năm 2006...
Năm 2005, trước tình hình thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp với những nhân tố bất ổn, khó lường trong quan hệ quốc tế, tác động nhiều mặt đến an ninh-chính trị-kinh tế thế giới, hoạt động đối ngoại của Quốc hội trong năm qua đã được triển khai một cách chủ động và đồng bộ, có trọng tâm và ưu tiên hợp lý, với nhiều hình thức đa dạng và phong phú, góp phần củng cố và mở rộng quan hệ của Quốc hội ta với nghị viện các nước và các tổ chức liên nghị viện khu vực và thế giới, phát huy vai trò và vị thế của Quốc hội Việt Nam trên trường quốc tế, góp phần thực hiện chủ trương hội nhập quốc tế và đưa hoạt động ngoại giao nghị viện đi vào chiều sâu. Quốc hội đã tiến hành nhiều hoạt động song phương quan trọng và đa dạng tạo sự chuyển biến tích cực trong quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước thuộc các địa bàn và khu vực khác nhau trên thế giới. Tính đến hết tháng 9-2005 đã có 31 đoàn đại biểu nghị viện từ 17 nước thuộc các khu vực khác nhau trên thế giới đến thăm và làm việc với Quốc hội nước ta. Quốc hội ta cũng đã cử 64 đoàn đi thăm song phương và làm việc tại 36 nước.
Hoạt động đối ngoại của Quốc hội tại các diễn đàn liên nghị viện đa phương khu vực và thế giới trong năm qua tiếp tục được triển khai mạnh mẽ, góp phần quan trọng vào việc giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, bảo vệ lợi ích của ta, đồng thời góp phần nâng cao uy tín và vai trò của Việt Nam ở khu vực và trên trường quốc tế. Ta đã chủ động và tích cực tham dự ngày càng nhiều vào các hoạt động đa phương theo nhiều kênh và nhiều tầng nấc khác nhau. Riêng chín tháng đầu năm ta đã cử 20 đoàn tham dự các hội nghị và diễn đàn của nghị viện khu vực và thế giới, đồng thời chủ trì tổ chức thành công ba hội nghị lớn tại Việt Nam. Thông qua các hoạt động đối ngoại song phương và đa phương, hoạt động hợp tác quốc tế của các cơ quan Quốc hội cũng được đẩy mạnh với việc khai thác và sử dụng có hiệu quả chín dự án hợp tác với tổng vốn đầu tư khoảng 12 triệu USD.
Trong năm 2005, công tác lập pháp và giám sát của Ủy ban Ðối ngoại đã được chú trọng và tăng cường một cách đáng kể. Ðây là một bước chuyển biến mạnh của Ủy ban trong việc triển khai thực hiện công tác theo chức năng và nhiệm vụ.
Ủy ban Ðối ngoại đã triển khai nhiều hoạt động đối ngoại phong phú. Chủ động tham gia các hoạt động quốc tế; chủ trì tổ chức nhiều diễn đàn liên nghị viện quan trọng tại Việt Nam (APPF, APF, ASEP) thể hiện vị thế, trách nhiệm và nghĩa vụ của Việt Nam đối với cộng đồng quốc tế. Triển khai có hiệu quả các hoạt động đối ngoại của Chủ tịch, các Phó Chủ tịch Quốc hội. Phối hợp hỗ trợ trong việc triển khai các hoạt động đối ngoại của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban và các cơ quan của Quốc hội trên nhiều lĩnh vực, địa bàn, góp phần nâng cao vai trò, vị thế của Quốc hội Việt Nam trên trường quốc tế. Ủy ban Ðối ngoại thường xuyên phối hợp với các cơ quan hữu quan như Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Ban Chỉ đạo về nhân quyền, Ban Ðối ngoại T.Ư, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam trong việc giải quyết các vấn đề nảy sinh trong quan hệ đối ngoại của nước ta, góp phần vào thành tựu đối ngoại chung của Ðảng và Nhà nước ta.
Ủy ban Ðối ngoại của Quốc hội cũng đã đánh giá về những hạn chế trong hoạt động và đề ra phương hướng nhiệm vụ của Ủy ban trong năm 2006.
Quay lại Đầu trang In trang Gửi mail |