Khai mạc Hội thảo về vai trò của Liên Hiệp Quốc trong thế kỷ 21
Phát biểu tại hội thảo, Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên nói: "Trong các giai đoạn phát triển của Việt Nam, hoạt động hợp tác phát triển giữa Việt Nam và các cơ quan phát triển của Liên Hợp Quốc đã thu được nhiều kết quả đáng khích lệ”.
Theo Bộ trưởng, Việt Nam đã được LHQ chọn là quốc gia thực hiện thí điểm nhiều sáng kiến phát triển của LHQ như Chiến lược Toàn diện về Tăng trưởng và Giảm nghèo, Chương trình Hỗ trợ Phát triển khung của LHQ và Báo cáo Phát triển Con người.
Bộ trưởng Nguyễn Dy Niên nhấn mạnh trong bối cảnh Việt Nam đang tiến hành cải cách toàn diện, "các cơ quan của LHQ và các đối tác phát triển đã phối hợp chặt chẽ với Việt Nam trong nhiều lĩnh vực như cải cách kinh tế và hành chính, phát triển xã hội, giảm nghèo và sự hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế của Việt Nam. Các hoạt động này đã tác động tích cực đối với đời sống của người dân Việt Nam, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em".
Bộ trưởng cho biết theo đánh giá của các cơ quan của LHQ, “Việt Nam đã đạt được nhiều tiến bộ rất ấn tượng trong việc thực hiện các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (MDGs) và điều này đã giúp Việt Nam tiến gần hơn tới các mục tiêu này".
Tại Hội thảo, ông Jordan Ryan, điều phối viên thường trú của LHQ tại Việt Nam, khẳng định: “Trong những năm qua, môi trường mà các cơ quan phát triển của LHQ đang hoạt động đang thay đổi một cách nhanh chóng. Việt Nam là một ví dụ điển hình cho những thay đổi này".
Ông J. Ryan nhấn mạnh "LHQ cần cải thiện việc thực hiện các chức năng một cách hiệu quả hơn. Trong thời gian qua, chúng tôi đã đạt được những tiến bộ quan trọng. Các cơ quan LHQ đang hợp tác với nhau chặt chẽ hơn”.
Tuy nhiên, ông J. Ryan khẳng định các cơ quan của LHQ “cần tăng cường phối hợp, giảm sự trùng lắp và chi phí giao dịch và tập trung hơn vào các nhiệm vụ chính".
Cũng tại hội thảo này, các đại biểu đã nghe báo cáo về kết quả của Hội nghị Thượng đỉnh Thế giới năm 2005 và các tuyên bố của Việt Nam tại Hội nghị này, báo cáo của Việt Nam về việc lồng ghép các MDGs vào Chương trình Phát triển Kinh tế-Xã hội giai đoạn 2006-2010 và báo cáo của nhóm làm việc quốc gia của LHQ về vai trò của LHQ trong thế kỷ 21.
* Bên lề Hội thảo ông Jordan Ryan, điều phối viên của Liên Hiệp Quốc (LHQ) đã trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN về "Vai trò của LHQ trong thế kỷ 21"
Ông đánh giá như thế nào về quan hệ giữa Việt Nam và Cơ quan đại diện của LHQ ở đây?
Chúng tôi vinh dự được làm việc tại Việt Nam trong hơn 30 năm qua. Các cơ quan của LHQ đã được làm việc với các cấp cơ sở và cấp hoạch định chính sách của Việt Nam. Điều đó giúp chúng tôi có thể đánh giá được tính hiệu quả đích thực của các chính sách, đồng thời có thêm nhiều kinh nghiệm thực tế rất bổ ích. Tôi cho rằng cách tiếp cận như vậy đang rất có hiệu quả tại Việt Nam.
Chúng tôi cũng cảm nhận được sự tôn trọng và đánh giá cao vai trò của LHQ từ phía Chính phủ Việt Nam. Khi làm việc với Thủ tướng Việt Nam, ông đã phát biểu rằng chính LHQ đã tạo ra sự khác biệt.
Theo tôi, không giống với các nơi khác trên thế giới, mối quan hệ giữa LHQ và Việt Nam là một mối quan hệ đối tác rất rộng lớn và tốt đẹp, và nó sẽ còn phát triển hơn nữa trong tương lai. Chính vì vậy, chúng tôi cam kết sẽ làm cùng với Việt Nam trong 5 năm tới để thực hiện thành công kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của các bạn.
Ông có nhận xét gì về kế hoạch phát triển kinh tế xã hội sắp tới của Việt Nam?
Về kế hoạch 5 năm sắp tới, chúng tôi cho rằng việc Việt Nam dành sự quan tâm chú ý nhiều hơn đến kế hoạch phát triển kinh tế xã hội để hiện thực hóa các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ (MDGs) là một vấn đề rất quan trọng. Đặc biệt khi kế hoạch này không chỉ chú ý đến những mục tiêu trên bình diện quốc gia mà còn tính đến những mục tiêu ở cấp cơ sở, huyện và xã.
Chúng tôi cho rằng Việt Nam sẽ thực hiện được những mục tiêu của mình, mặc dù kế hoạch này đòi hỏi những nguồn lực khổng lồ cũng như quyết tâm không mệt mỏi của Chính phủ và nhân dân Việt Nam. Việt Nam sẽ thành công như đã từng thành công trước đây trong những hoàn cảnh còn khó khăn hơn rất nhiều.
Các chuyên gia trên thế giới đều nhất trí cho rằng nếu như một quốc gia quyết tâm thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ, thì quốc gia ấy phải làm chủ được những mục tiêu đó và Việt Nam đang chứng tỏ điều đó bằng việc lồng ghép những mục tiêu thiên niên kỷ vào kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của mình.
Chúng tôi nghĩ đó là định hướng rất đúng và chúng tôi hy vọng sẽ hợp tác chặt chẽ hơn nữa với Bộ kế hoạch và Đầu tư cũng như các bộ ngành khác của Viêt Nam để giúp Viêt Nam thực hiện thành công các mục tiêu thiên niên kỷ.
LHQ có vai trò gì trong các thành tựu mà Việt Nam đã đạt được trong việc thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ?
Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng kể trong công tác xoá đói giảm nghèo và hội nhập với thế giới. Vai trò của LHQ là trợ giúp Việt Nam thúc đẩy quá trình chuyển đổi và thực hiện các chính sách đổi mới của mình. Điều đầu tiên mà chúng tôi ghi nhận ngay từ những ngày đầu có mặt tại Việt Nam là những thành công đã đạt được chính là thành tựu của đất nước và nhân dân Việt Nam.
LHQ hỗ trợ Việt Nam vì Việt Nam là thành viên của tổ chức này. Tôi nghĩ vai trò của LHQ ngay từ những ngày đầu làm việc ở Việt Nam được xác định rất rõ ràng nhằm đảm bảo tính tự chủ dân tộc của Việt Nam. LHQ hỗ trợ Việt Nam về kĩ thuật, chuyên môn và thông tin cho Việt Nam những quan điểm của cộng đồng quốc tế về Việt Nam cũng như những kinh nghiệm của các nước khác.
Các tổ chức thuộc LHQ ở Việt Nam có phải đối mặt với những khó khăn gì trong thế kỷ 21?
Khó khăn lớn nhất là, liệu rằng các tổ chức này có thể đoàn kết như một khối và hành động như một cơ quan LHQ với quan điểm thống nhất, cùng dốc sức thực hiện các mục tiêu chung là trợ giúp cho đất nước này. Đó là một thách thức lớn vì hiện nay có rất nhiều các tổ chức riêng biệt đang hoạt động tại Việt Nam.
Khó khăn khác cần nói đến là LHQ phải tiếp tục củng cố sức mạnh vốn có của mình. Đó là sức mạnh được tạo dựng bởi tính trung lập, dựa trên nền tảng chuẩn mực của Hiến chương LHQ và cam kết tạo dựng một nền dân chủ rộng lớn hơn cho tất cả các thành viên.
Chúng tôi nghĩ mình đã có một đối tác tuyệt vời là Việt Nam và trong vòng 5 năm tới chúng ta có thể cùng nhau thực hiện tốt các mục tiêu trên.
Ông có thể nói rõ hơn về các chương trình hỗ trợ của LHQ nhằm giúp Việt Nam thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm tới?
Chúng tôi vừa cam kết với chính phủ Việt Nam trong 3 lĩnh vực chính: Thứ nhất, sự phát triển ổn định và hướng vào người nghèo. Thứ hai, giúp người nghèo được tiếp cận tốt hơn các chính sách xã hội, y tế và giáo dục. Thứ ba, củng cố sức mạnh và trách nhiệm của chính quyền các cấp để người dân thực sự thấy rằng lợi ích của họ luôn được quan tâm đến.
Cả ba lĩnh vực này đều là những thách thức lớn cần phải vượt qua nhằm thực hiện được các mục tiêu thiên niên kỷ. Chúng tôi nhất trí rằng mục đích tổng thể là phải lồng ghép các mục tiêu thiên niên kỷ vào trong kế hoạch phát triển 5 năm tới, bao gồm việc xóa đói giảm nghèo, cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân, đặc biệt mọi trẻ em đều phải được hưởng các chính sách xã hội, giáo dục và y tế tốt nhất có thể.
Chương trình của chúng tôi rất phù hợp với Chương trình quốc gia của chính phủ Việt Nam. Chúng tôi cam kết sẽ hợp tác chặt chẽ với nhau để hoàn thành tốt Chương trình đó./.
Quay lại Đầu trang In trang Gửi mail |