Trang chủ     Đăng ký nhận tin    Ý kiến bạn đọc   Liên kết website English 
Thư tư, ngày 25 tháng 12 năm 2024 Tìm kiếm
 Tìm kiếm nâng cao

Tiến trình đàm phán gia nhập WTO của Việt Nan đang thuận lợi

(TTXVN) - Tiến trình đàm phán gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) của Việt Nam đến đâu? Việt Nam đang gặp khó khăn trong những lĩnh vực nào và với đối tác nào? Thứ trưởng Bộ Thương mại Lương Văn Tự, Tổng Thư ký Uỷ ban Quốc gia về Hợp tác kinh tế Quốc tế, Trưởng đoàn đàm phán Chính phủ đã dành cho TTXVN cuộc phỏng vấn xung quanh vấn đề này.

 Hỏi: Trước hết, xin ông điểm lại một số kết quả lớn trong quá trình đàm phán gia nhập WTO của Việt Nam? 
 

Trả lời: Việt Nam đã qua 10 năm đàm phán gia nhập WTO với việc kết thúc 11 phiên đàm phán đa phương và kết thúc đàm phán song phương với 22 đối tác trong tổng số 28 đối tác có yêu cầu đàm phán. Trong số những đối tác đã kết thúc đàm phán với Việt Nam, có những đối tác lớn như EU, Thuỵ Sĩ, Canađa, Nhật bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Xinhgapo....
 
Như vậy, về mặt song phương, hiện nay còn lại các đối tác là Hoa Kỳ, Ôxtrâylia, Niu Dilân, Mêhicô và Đôminích.
 
Ban Công tác về Việt Nam của WTO đã đánh giá cao kết quả trong đàm phán song phương của Việt Nam và coi đó là bước tiến quyết định, đồng thời cũng yêu cầu Việt Nam cố gắng kết thúc đàm phán với các đối tác còn lại trong năm 2005 để làm các thủ tục sớm gia nhập WTO.
 
Trong quá trình đàm phán đa phương, Việt Nam cũng đã đạt những tiến bộ có tính chất nhảy vọt, đáng chú ý là việc cam kết thực hiện hầu hết các hiệp định của WTO ở thời điểm gia nhập, trong đó có những hiệp định được các thành viên WTO hết sức quan tâm như Hiệp định về sở hữu trí tuệ, về đầu tư, về thuế xuất nhập khẩu, về trị giá hải quan, về kiểm tra động thực vật và về chống trợ cấp.
 
Chính phủ Việt Nam cũng đã cam kết đến cuối năm 2005 này sẽ áp dụng hoàn toàn cơ chế một giá dịch vụ đối với các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
 
Trong quá trình đàm phán, đoàn Việt Nam đã trả lời khoảng 2.800 câu hỏi về minh bạch hóa các chính sách.
 
Ban Công tác đặc biệt đánh giá cao chương trình xây dựng pháp luật của Việt Nam để đáp ứng các yêu cầu của WTO, coi đây là cố gắng rất lớn của Quốc hội và thể hiện quyết tâm chính trị cao của Việt Nam. Với việc thông qua hầu hết những luật cần thiết trong năm nay, Việt Nam đã là một trong những nước đầu tiên xây dựng hoàn chỉnh hệ thống pháp luật trước khi gia nhập WTO.
 
Đặc biệt, việc xây dựng một Luật đầu tư trên cơ sở thống nhất cả về đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài được các đối tác rất quan tâm và hoan nghênh. Luật Sở hữu trí tuệ sẽ được Quốc hội thông qua đợt này cũng được đánh giá cao, đặc biệt đối tác Hoa Kỳ coi là một điều kiện ưu tiên. 
 
Hỏi:
Theo đánh giá của ông, với tư cách là Trưởng đoàn đàm phán Chính phủ, những khó khăn của Việt Nam ở thời điểm hiện nay là gì? Trong số các đối tác còn lại, đối tác nào được coi là khó khăn nhất?
 

Trả lời: Theo tôi, khó khăn trong quá trình đàm phán nói chung ở hai khía cạnh: thứ nhất là khó khăn trên bàn đàm phán, thứ hai là liên quan đến thiện chí chính trị của các đối tác đàm phán.
 
Đối với Việt Nam, những khó khăn trên bàn đàm phán hiện nay là những vấn đề nhạy cảm của nền kinh tế mà các nước có yêu cầu rất cao như ngân hàng-tài chính, viễn thông, dịch vụ văn hóa.
 
Các đối tác đã kết thúc đàm phán đều có sự thông cảm và nhân nhượng với hoàn hoàn cảnh của Việt Nam là nước đang phát triển ở trình độ thấp, nền kinh tế đang trong quá trình chuyển đổi. Những đối tác còn lại vẫn có những yêu cầu cao mà Việt Nam đang tiếp tục thương lượng để họ thông cảm, linh hoạt trong việc xử lý các vướng mắc còn lại.
 
Đối với khó khăn thứ hai, tức là thiện chí của các đối tác còn lại, Việt Nam cũng đang tiếp tục vận động ngoại giao để họ biến quyết tâm chính trị ủng hộ Việt Nam gia nhập WTO thành hành động cụ thể là kết thúc đàm phán với Việt Nam.
 
Trong số các đối tác còn lại, mới đây kết quả đàm phán với Ôxtrâylia rất tốt, thái độ của quốc gia này là tích cực, xây dựng. Tuần tới, phiên đàm phán với Niu Dilân sẽ diễn ra tại thủ đô của nước này. Nhìn chung, hai đối tác tác này có phản ứng rất tích cực và Việt Nam hy vọng sẽ sớm kết thúc đàm phán với họ.
 
Còn đối với Hoa Kỳ, hai bên đã ký kết và thực hiện Hiệp định thương mại song phương dựa trên nguyên tắc của WTO, và đây được coi là điều kiện ban đầu rất thuận lợi cho đàm phán song phương hai nước. Hơn nữa, Việt Nam còn nhận được sự ủng hộ tích cực và mạnh mẽ của Tổng thống G.Bush trong chuyến thăm Hoa Kỳ vừa qua của Thủ tướng Phan Văn Khải. 
 
Bởi vậy, Việt Nam đang tích cực chuẩn bị trả lời các yêu cầu Hoa Kỳ, đồng thời đề nghị đoàn đàm phán Hoa Kỳ hãy biến những thuận lợi giữa hai nước và quyết tâm chính trị của Tổng thống G. Bush thành hành động thực tế để sớm kết thúc đàm phán với Việt Nam. Để làm được như vậy, Việt Nam đề nghị Hoa Kỳ có những linh hoạt, không nên đưa ra những yêu cầu cao vượt quá khả năng chịu đựng của nền kinh tế Việt Nam và những yêu cầu vượt quy định của WTO.
 
Kết thúc đàm phán song phương với Hoa Kỳ có ý nghĩa rất quan trong đối với thời điểm kết thúc toàn bộ quá trình đàm phán của Việt Nam.
 
Hỏi:
Như vậy, thời điểm gia nhập WTO không còn bao xa, ông đánh giá như thế nào về khả năng thích ứng của nền kinh tế Việt Nam khi gia nhập tổ chức thương mại toàn cầu này? 
 

Trả lời: Trước hết phải nói rằng, gia nhập WTO mang lại nhiều cơ hội cho doanh nghiệp cũng như cho nền kinh tế Việt Nam. Đó là việc sẽ có thị trường toàn cầu cho hàng hóa và dịch vụ của Việt Nam, tạo ra sự đối xử bình đẳng khi doanh nghiệp tham gia vào thị trường toàn cầu. Khi đó, Việt Nam có thể tham gia một cách chủ động vào các định chế của WTO thay vì bị động như hiện nay.
 
Hơn nữa, có một hệ thống chính sách minh bạch và ổn định khi gia nhập WTO sẽ tạo thuận lợi cho đầu tư trong nước và nước ngoài. Có thể thấy, niềm tin của các nhà đầu tư vào khả năng sớm gia nhập WTO của Việt Nam đã góp phần đưa số vốn đầu tư nước ngoài năm nay ước đạt con số kỷ lục 5 tỷ USD. Tất nhiên, kết quả này còn do Việt Nam có sự ổn định cao về chính trị và môi trường an toàn, có thị trường tiêu thụ tiềm năng với mức dân số đứng 13 trên thế giới, có lực lượng lao động trẻ rất lớn.
 
Thách thức đi kèm với những cơ hội đó là việc mở cửa thị trường, giảm thuế, giảm bảo hộ sẽ là những tác động không nhỏ đến các doanh nghiệp lâu nay dựa vào chính sách bảo hộ của Nhà nước.
 
Nhưng cũng phải nhìn thấy một thực tế lạc quan là việc mở cửa thị trường sẽ tạo ra một môi trường cạnh tranh gay gắt trong nước vừa là một thách thức lớn vừa là một cơ hội phát triển đối với các doanh nghiệp Việt Nam vốn xưa nay rất năng động.
 
Vấn đề là chúng ta cần quan tâm đến công tác đào tạo và đào tạo lại về ngoại ngữ, nghiệp vụ và các kiến thức luật pháp quốc tế cho đội ngũ cán bộ quản lý doanh nghiệp để đáp ứng yêu cầu khi hội nhập sâu rộng.
 
Bên cạnh đó, chúng ta cũng phải tính đến những rủi ro về mất việc làm cho người lao động vốn là quy luật ở tất cả các nước khi đối mặt với cạnh tranh trong tiến trình hội nhập. Một mặt cần có những chính sách an sinh cho những đối tượng chịu rủi ro, mặt khác quan trọng hơn là đẩy mạnh thu hút đầu tư trong và ngoài nước, tạo thuận lợi cho việc thành lập doanh nghiệp để tạo ra nhiều công ăn việc làm cho người lao động./.

 
Quay lại Đầu trang In trang Gửi mail

Bản quyền của Vụ Thông Tin Báo Chí - Bộ Ngoại Giao
© Copyright by Press and Information Department - Vietnam Ministry of Foreign Affairs
Email: Banbientap@mofa.gov.vn 
Hiển thị tốt nhất với Internet Explorer. Best viewed with Internet Explorer