Phó Chủ tịch WB: Việt Nam đang đi đúng hướng
Ông Klein đã dành riêng cho phóng viên TTXVN cuộc phỏng vấn trước khi tham dự hội thảo "Hoạt động kinh doanh Việt Nam 2006” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) kết hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) và Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) diễn ra tại Hà Nội ngày 7/11. Dưới đây là nội dung cuộc phỏng vấn:
Hỏi: Ông đánh giá như thế nào về môi trường kinh doanh của Việt Nam trong thời gian qua?
Trả lời: Việt Nam là một trong những nuớc cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh và đang từng bước đạt được những tiến bộ. Năm 2004, khi đánh giá về những nỗ lực cải cách của các nước trên thế giới, chúng tôi đã xếp Việt Nam đứng thứ 3 trong tổng số những nước tiến hành cải cách môi trường kinh doanh mạnh mẽ nhất. Tuy nhiên, Việt Nam cũng còn phải phấn đấu nỗ lực rất nhiều vì trong bảng tổng sắp 155 nước trên thế giới về mức độ thuận lợi trong kinh doanh do chúng tôi đưa ra thì Việt Nam chỉ xếp thứ 99.
Tôi nghĩ Việt Nam đang đi đúng hướng. Điều quan trọng là phải duy trì đà tăng trưởng hiện nay vì một trong những sự hấp dẫn đối với các nhà đầu tư là liệu Việt Nam có tiếp tục phát triển một cách ổn định hay không. Vì vậy, điều quan trọng là không được lùi bước và cần phải đơn giản hóa và cải thiện hơn nữa các thủ tục và luật đầu tư kinh doanh. Ví dụ, Việt Nam đã cải thiện rất nhiều trong thủ tục xin giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và đã giảm thời gian cấp giấy đăng ký kinh doanh cho một doanh nghiệp xuống chỉ còn khoảng 10 ngày. Theo tôi chỉ nên thực hiện việc đó trong vòng 2 ngày vì hiện nay thời gian giải quyết cấp giấp phép kinh doanh của Việt Nam vẫn cao gấp 20 lần so với so với các nước khác trên thế giới. Điều này được thể hiện trên một số lĩnh vực như đăng ký sở hữu, đăng ký kinh doanh, xử lý cấp giấy phép và điều này cũng đặc biệt quan trọng đối với Việt Nam trong các vụ đàm phán về thương mại. Quá trình và thủ tục về xuất nhập khẩu ở Việt Nam cũng còn rất phức tạp so với các nước khác trên thế giới. Trong lĩnh vực đăng ký kinh doanh mà tôi được biết, Việt Nam cần tới hàng chục thủ tục giấy tờ để làm một điều mà lẽ ra theo thông lệ trên thế giới chỉ cần một đến hai loại thủ tục là đủ.
Hỏi: Ông có nhận xét gì về triển vọng phát triển kinh tế Việt Nam trong thời gian tới và theo ông, những lĩnh vực nào cần tập trung ưu tiên hơn?
Trả lời: Tôi nghĩ Việt Nam có rất nhiều triển vọng. Việt Nam là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất trên thế giới. Các nhà đầu tư trong nước và quốc tế vẫn rất quan tâm đến thị trường Việt Nam. Cường độ các cuộc đàm phán về việc Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) là một minh chứng về sự quan tâm đối với tiềm năng kinh tế của Việt Nam.
Hiện nay, Chính phủ Việt Nam đang tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên, trong đó có vấn đề về tài chính. Ví dụ, Việt Nam đang cải tiến hệ thống ngân hàng để hệ thống này hoạt động linh hoạt và lành mạnh hơn, cũng như phổ cập rộng rãi hơn các thông tin về tín dụng. Nếu cho phép tôi có thể đưa ra một dự đoán, thì một trong những lĩnh vực sau này được rất quan tâm là giải quyết vấn đề đất đai. Vấn đề này đôi khi gây khó khăn và trở ngại cho các nhà đầu tư ở nhiều nước trên thế giới, kể cả ở Việt Nam. Các nhà đầu tư đều lo ngại về điều này và ở một khía cạnh nào đó thì vấn đề đất đai cần phải được quan tâm đúng mức và giải quyết kịp thời.
Tôi nghĩ nếu Việt Nam duy trì đà tăng trưởng hiện nay, tiếp tục cải cách trong lĩnh vực pháp luật và tăng tốc một cách ổn định thì Việt Nam cũng sẽ đạt được những thành tựu giống như của Trung Quốc. Với tốc độ tăng trưởng nhanh như hiện nay, Việt Nam có thể tăng thu nhập bình quân theo đầu người lên gấp rưỡi trong vòng 5 năm tới. Sáng nay, khi chúng tôi đi trên đường, mọi người đều nói rằng Việt Nam có quá nhiều xe máy, và cách đây 5 năm thì một nửa trong số các phương tiện trên đường là xe đạp và theo tôi có thể trong vòng 5 năm tới một nửa trong số đó sẽ là ôtô.
Hỏi: Là người phụ trách khu vực kinh tế tư nhân của Ngân hàng Thế giới, Ông đánh giá như thế nào về sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân ở Việt Nam?
Trả lời: Tôi nghĩ điều quan trọng nhất đó là phải có sự cạnh tranh thật sự giữa các doanh nghiệp, điều này có nghĩa là các nhà đầu tư có thể sẽ mất tiền và cũng có nghĩa là tiền sẽ về tay các nhà đầu tư. Vai trò của chính phủ đối với doanh nghiệp có thể sẽ được điều chỉnh từng bước, và giống như hầu hết các nước khác, từ chỗ quyết định tất cả chuyển sang vai trò định hướng và điều chỉnh. Tôi nghĩ rằng đây có thể là hướng đi khả dĩ nhất cho tương lai kinh tế Việt Nam, nhưng điều đó sẽ đòi hỏi nhiều thời gian./.
Quay lại Đầu trang In trang Gửi mail |