ODA cam kết cho Việt Nam đạt mức kỷ lục
Trong số này, các nhà tài trợ hàng đầu tiếp tục là EU với 936,2 triệu USD; Nhật Bản với 835,6 triệu USD; Ngân hàng Thế giới (WB) với 750 triệu USD; Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) với 539 triệu USD; Pháp với 397,7 triệu USD. Đáng chú ý trong danh sách các nhà tài trợ năm nay xuất hiện tên nhà tài trợ Trung Quốc với 200 triệu USD. Trên thực tế, những năm qua, Trung Quốc vẫn tài trợ ODA cho Việt Nam nhưng thông qua các hình thức khác, không cam kết chính thức như năm nay.
"Con số này càng có ý nghĩa hơn khi một số đồng bản tệ của các nhà tài trợ trượt giá so với đồng đôla Mỹ, chẳng hạn như đồng Yên của Nhật Bản; nếu tính theo tỷ giá của năm 2004 thì mức cam kết năm nay lên đến gần 4 tỷ USD", Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc nhấn mạnh trong buổi họp báo ngay sau phiên bế mạc CG.
Cùng với đánh giá cao về sự đồng lòng ủng hộ của các nhà tài trợ dành cho Việt Nam, ông Phúc cũng khẳng định rằng vấn đề còn lại là Việt Nam phải làm thế nào để sử dụng hiệu quả nguồn vốn viện trợ đó.
Về vấn đề này, hội nghị CG năm nay ghi nhận sự tiến bộ vượt bậc của Việt Nam trong việc nâng cao tốc độ giải ngân nguồn vốn ODA nhờ sự hài hòa thủ tục với các nhà tài trợ đang ngày càng tăng.
Đại diện các nhà tài trợ hàng đầu là EU, Nhật Bản, ADB đều có nhận định tích cực về điều này. Phát biểu tại buổi họp báo chiều nay, đại diện ADB tại Việt Nam, ông Bradford Philips nêu rõ, việc giải ngân vốn ODA của Việt Nam gần đây đã tăng tương đối nhanh so với những năm trước và khá cao so với các nước trong khu vực. Trưởng đoàn đại biểu Nhật Bản, Đại sứ Norio Hattori còn dẫn ra ví dụ về hai dự án sử dụng vốn ODA hiệu quả nhất ở Việt Nam là Cảng Hải Phòng và Quốc lộ số 5.
Giám đốc quốc gia của WB tại Việt Nam, ông Klaus Rohland tái khẳng định rằng Việt Nam là quốc gia nhận ODA lớn nhất thế giới, tuy nhiên nguồn vốn này cũng không thể đáp ứng được tất cả yêu cầu đầu tư phát triển của Việt Nam trong thời gian tới.
Tại Hội nghị, đại diện Chính phủ Việt Nam, Phó Thủ tướng Vũ Khoan cũng đồng tình với ý kiến trên và nhiều lần nhấn mạnh đến chủ trương của Việt Nam về việc đa dạng hóa nguồn lực đầu tư, trong đó ưu tiên phát huy tối đa nguồn vốn trong nước, nhằm đáp ứng nhu cầu 140 tỷ USD vốn đầu tư phát triển cho 5 năm tới./.
Back Top page Print Email |