Bộ trưởng Nguyễn Dy Niên: ASEAN tiến bước năng động hơn
"Các nhà lãnh đạo đã trao đổi về khả năng đẩy nhanh một bước tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN so với mốc 2020 hiện nay, nhất là về kinh tế," Bộ trưởng Nguyễn Dy Niên nói với phóng viên TTXVN tại Cuala Lămpơ. "Đây là một tiến triển mới có ý nghĩa, và nếu được triển khai sẽ có tác động sâu rộng đến các chương trình, kế hoạch hợp tác hiện nay của ASEAN, góp phần nâng cao tính năng động và vị thế của ASEAN".
Về tiến trình, tương lai của việc xây dựng Hiến chương ASEAN, Bộ trưởng Niên khẳng định việc xây dựng Hiến chương ASEAN là một hướng quan trọng để củng cố mạnh mẽ hơn sự liên kết trong ASEAN và đề cao vị thế pháp lý của tổ chức khu vực.
Bộ trưởng cho biết việc ký Tuyên bố về Xây dựng Hiến chương ASEAN tại Hội nghị cấp cao ASEAN 11 là bước khởi đầu quan trọng và tiếp đó, các nhà lãnh đạo đã gặp và và giao nhiệm vụ cho Nhóm các nhân vật nổi tiếng (EPG), có sự tham gia của nguyên Phó Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Mạnh Cầm, nghiên cứu, đề xuất những khuyến nghị thực tiễn cho việc xây dựng Hiến chương. Nhóm này đã bắt đầu hoạt động ngay nhân dịp Cấp cao này và theo dự kiến sẽ đệ trình báo cáo cho các vị lãnh đạo tại Cấp cao ASEAN 12/2006.
Cũng theo Bộ trưởng Niên, đoàn Việt Nam do Thủ tướng Phan Văn Khải dẫn đầu đã tham gia tích cực và có nhiều đóng góp thiết thực tại tất cả các phiên thảo luận của Hội nghị, được các nước tham gia Hội nghị hoan nghênh và đánh giá cao.
Tại hội nghị, Thủ tướng Phan Văn Khải đã nhấn mạnh ASEAN cần không ngừng củng cố đoàn kết và thống nhất, tăng cường hợp tác có hiệu quả hơn, phát huy vai trò và vị thế quốc tế, nhất là duy trì vai trò chủ đạo của ASEAN trong các vấn đề khu vực. ASEAN cần tập trung mọi nguồn lực để đẩy nhanh việc thực hiện các chương trình và hành động chủ yếu, nhất là trên các lĩnh vực liên kết kinh tế và thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các nước thành viên. Việt Nam đã đề nghị đăng cai tổ chức Diễn đàn hợp tác phát triển IAI (IDCF) vào năm 2006 để tiếp tục huy động các nguồn lực cho nỗ lực hỗ trợ ASEAN về thu hep khoảng cách phát triển.
Thủ tướng Việt Nam đã đóng góp nhiều ý kiến quan trọng nhằm tăng cường hơn nữa hợp tác cùng có lợi giữa ASEAN với các nước đối thoại, phù hợp với mục tiêu xây dựng cộng đồng của ASEAN, nhất là trên các lĩnh vực liên kết và hội nhập khu vực, duy trì hoà bình và ổn định ở khu vực, trong đó có việc thực hiện tốt Tuyên bố về cách ứng xử của các bên liên quan ở Biển Đông (DOC) để tiến tớí xây dựng Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).
Với những thách thức mà ASEAN đang phải đối mặt như thiên tai, dịch bệnh, nhất là dịch cúm gia cầm hiện nay, Thủ tướng Phan Văn Khải đã nêu ra phương hướng và các biện pháp nhằm đẩy mạnh hợp tác khu vực để đối phó hiệu quả với những vấn đề này.
Đánh giá về Hội nghị Cấp cao Đông Á lần đầu tiên đã diễn ra với sự tham gia của 10 nước ASEAN và 6 nước ngoài ASEAN là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Ôxtrâylia và Niu Dilân vừa kết thúc trưa 14/12, Bộ trưởng Niên nói rằng các nước tham gia đã thẳng thắn trao đổi về những cơ hội và thách thực hiện nay đối với khu vực; khẳng định quyết tâm tăng cường đối thoại và hợp tác trên các lĩnh vực bảo đảm hoà bình và an ninh khu vực, trong đó có chống khủng bố và tội phạm xuyên quốc gia, an ninh trên biển; thúc đẩy hợp tác kinh tế-thương mại, tài chính, an ninh năng lượng và công nghệ thông tin; thu hẹp khoảng cách phát triển, đối phó có hiệu quả với những thách thức đang nổi lên như thiên tai, bệnh dịch.
"Có thể nói Hội nghị Cấp cao Đông Á đầu tiên đã thành công, đánh dấu bước khởi đầu tốt đẹp cho một tiến trình hợp tác mới có ý nghĩa ở khu vực" ông Niên bình luận, "thể hiện mong muốn của các nước tăng cường đối thoại và hợp tác về các vấn đề khu vực cùng quan tâm và là minh chứng cho vai trò năng động và chủ đạo của ASEAN. Kết quả thảo luận tại Hội nghị này sẽ tạo động lực mới thúc đẩy xu thế đối thoại và hợp tác ở khu vực trong thời gian tới"./.
Back Top page Print Email |