Trang chủ     Đăng ký nhận tin    Ý kiến bạn đọc   Liên kết website English 
Wednesday, ngày 01 tháng 01 năm 2025 Tìm kiếm
 Tìm kiếm nâng cao

Đảm bảo an ninh thương mại của thành viên APEC

(TTXVN) - Ngày 25/2, tại Hà Nội tiếp tục diễn ra các cuộc họp nhóm, Ủy ban, chuẩn bị cho Hội nghị các quan chức cao cấp lần thứ nhất (SOM-I) của Diễn đàn hợp tác kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC).

Tiếp tục Hội nghị Thương mại an toàn trong khu vực APEC lần thứ tư (STAR 4), đại diện các nền kinh tế thành viên, các tổ chức quốc tế và các doanh nghiệp hàng đầu trong khu vực đã cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm về việc triển khai các biện pháp bảo đảm an ninh thương mại, đánh giá tình hình an ninh thương mại từ năm 2003 trở lại đây và những thách thức, nhiệm vụ về an ninh thương mại đang đặt ra ở phía trước đối với các thành viên APEC.

Hội nghị đã tập trung thảo luận về hai lĩnh vực: an ninh hàng không và an ninh hàng hải, từ những vấn đề tổng quan cho đến các biện pháp cụ thể nhằm nâng cao năng lực bảo đảm an ninh thương mại của các thành viên. Trong bối cảnh các nền kinh tế thành viên thắt chặt các biện pháp an ninh kể từ sau sự kiện 11/9, gây không ít khó khăn cho các hoạt động giao lưu thương mại, đầu tư, Hội nghị đã bàn thảo các biện pháp nhằm giảm thiểu những chi phí trong giao lưu thương mại; nhấn mạnh cần có sự tham gia của các đối tượng hưởng lợi - đó chính là các doanh nghiệp trong việc triển khai các sáng kiến về an ninh thương mại.

Theo bà Trần Thu Hằng, Trưởng đoàn SOM Việt Nam, để cân bằng giữa hai mục tiêu thuận lợi hóa thương mại và bảo đảm an ninh thương mại, trước hết cần nâng cao năng lực của các cơ quan liên quan thuộc Chính phủ và cả các doanh nghiệp - đối tượng chịu sự điều chỉnh của các biện pháp an ninh; đồng thời tăng cường sự tham gia của các bên nhằm thiết kế và triển khai các biện pháp an ninh thương mại một cách hiệu quả nhất.

Trong ngày, Ủy ban Kinh tế (EC), một trong bốn Ủy ban quan trọng của APEC tiếp tục cuộc họp, phân tích tổng quan kinh tế APEC trong năm qua; sự phát triển và các thách thức đang đặt ra đối với từng nền kinh tế thành viên. Tiến sỹ Kyung Tae Lee, Viện trưởng Viện nghiên cứu kinh tế quốc tế Hàn Quốc, Chủ tịch EC, cho biết cuộc họp tập trung thảo luận về vấn đề cải cách của các nền kinh tế khu vực, trong đó nhấn mạnh cải cách về mặt pháp lý có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế của từng thành viên. Các đại biểu cũng tập trung thảo luận về việc áp dụng các thỏa thuận giữa APEC và OECD (Tổ chức Hợp tác - Phát triển) về cải cách kinh tế.

Hội thảo về phòng chống tham nhũng đã tập trung thảo luận các biện pháp nhằm tăng cường tính minh bạch, phòng chống và đối phó với các tác động của tham nhũng, đồng thời đề xuất những kiến nghị chính thức cho cuộc họp của Nhóm đặc trách về chống tham nhũng và minh bạch hóa, diễn ra vào ngày mai. Các đại biểu lưu ý sự cần thiết và ý nghĩa quan trọng của việc tạo ra môi trường làm ăn thuận lợi (minh bạch và không có tham nhũng) cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, là những chủ thể không đủ năng lực để tồn tại nếu gặp vấn đề tham nhũng.

Cuộc họp Nhóm đi lại của doanh nhân APEC tập trung thảo luận về việc tăng cường khả năng di chuyển của doanh nhân, tạo điều kiện thuận lợi cho họ làm ăn, trao đổi thương mại trong khu vực. Điều này không chỉ có lợi cho giới doanh nhân mà đối với tất cả mọi người. Việc triển khai sáng kiến về Thẻ đi lại doanh nhân APEC đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại của các doanh nhân trong khu vực. Tại cuộc họp này, đại diện các nền kinh tế thành viên đã tập trung bàn các biện pháp tạo lòng tin và bảo đảm sự an toàn của doanh nhân khi di chuyển trong khu vực. Đáng chú ý là sáng kiến về hệ thống xác định hộ chiếu bị mất hoặc bị đánh cắp, trong đó đề nghị các thành viên phát hành hộ chiếu có thể đọc bằng máy, đồng thời tiếp tục nâng cao năng lực kiểm soát biên giới.

Bà Rosanna Law (đoàn Hồng Công), Chủ tọa cuộc họp Nhóm dịch vụ cho biết các đại biểu đã tập trung thảo luận về các vấn đề thương mại, dịch vụ. Một trong những mục tiêu hàng đầu là hỗ trợ tiến trình đàm phán của WTO về thương mại, dịch vụ, trong đó chú trọng việc đàm phán về tiếp cận thị trường. Bên cạnh đó, nhiều ý kiến đề nghị tăng cường hỗ trợ thông tin, hỗ trợ xây dựng luật pháp đối với các thành viên, nhất là các thành viên đang phát triển. Cuộc họp cũng tập trung thảo luận những biện pháp nhằm thúc đẩy hơn nữa hợp tác đầu tư, một lĩnh vực đặc biệt quan trọng đối với các nền kinh tế đang phát triển./.

 
Back Top page Print Email

Bản quyền của Vụ Thông Tin Báo Chí - Bộ Ngoại Giao
© Copyright by Press and Information Department - Vietnam Ministry of Foreign Affairs
Email: Banbientap@mofa.gov.vn 
Hiển thị tốt nhất với Internet Explorer. Best viewed with Internet Explorer