Đại diện của Ban Thư ký APEC và các tổ chức quốc tế có liên quan như Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Tổ chức Thú y Thế giới (OIE) và Tổ chức Nông lương của Liên hợp quốc (FAO) cũng có mặt tại hội nghị này. Đại diện của 3 tập đoàn quốc tế tham dự hội nghị với tư cách quan sát viên.
Các đại biểu đã nghe nhóm Đặc trách về Y tế báo cáo kết quả phòng chống dịch cúm gia cầm; Dự thảo Kế hoạch hành động trong việc ngăn chặn và đối phó với dịch. Các đại biểu đã dành nhiều thời gian thảo luận về cơ chế và các giải pháp giữa các thành viên APEC trong việc chuẩn bị và ngăn ngừa dịch cúm gia cầm; nâng cao hợp tác giữa các thành viên APEC, các tổ chức khu vực khác, các học viện quốc tế và các khu vực tư nhân trong việc phòng ngừa và đối phó với dịch cúm gia cầm; chia sẻ các nguồn lực, xây dựng các khả năng cho các nền kinh tế thành viên trong việc đối phó với dịch cúm gia cầm.
Hội nghị đã hoàn tất công tác chuẩn bị, chương trình nghị sự và một số nội dung cho Hội nghị Bộ trưởng sẽ chính thức khai mạc vào ngày mai 5/5.
Phát biểu tại hội nghị, ông Bùi Bá Bổng, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam, nhấn mạnh những sự kiện như Hội nghị quan chức cấp cao về cúm gia cầm được tổ chức ở Brisbane, Ốxtrâylia vào cuối năm 2005 và Hội nghị Bộ trưởng APEC về cúm gia cầm đã thể hiện quyết tâm và nỗ lực của các nền kinh tế thành viên APEC trong việc kiểm soát dịch cúm gia cầm và ngăn ngừa đại dịch cúm ở người.
Theo ông Bổng, đến nay, các nhà khoa học đã phát hiện 205 trường hợp nhiễm cúm gia cầm ở người ở 9 quốc gia trên thế giới, trong đó 113 người đã chết, chiếm 55,1% trong tổng số người nhiễm cúm gia cầm
Đà Nẵng là một trong những địa phương của Việt Nam đi đầu trong công tác phòng chống cúm gia cầm. Chính quyền thành phố đã áp dụng nhiều biện pháp nhằm nhanh chóng kiểm soát và dập tắt bệnh dịch như hỗ trợ tài chính cho những hộ chăn nuôi có gia cầm bị tiêu huỷ và giám sát chặt chẽ việc vận chuyển gia cầm ra khỏi vùng dịch.
Ngoài việc phun thuốc làm vệ sinh chuồng trại, ngành y tế và y học dự phòng thành phố còn phối hợp với các ngành có liên quan tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân và các hộ nuôi gia súc, gia cầm về các biện pháp phòng ngừa đại dịch, đồng thời tổ chức tiêm phòng vắcxin cho gia cầm. Bên cạnh đó, ngành y tế cũng thường xuyên tổ chức giám sát, kiểm tra các khu vực nuôi gia súc, gia cầm để nhanh chóng phát hiện, ngăn chặn dịch lây lan./.(TTXVN)