Kết nối mạng thông tin Á-Âu về nghiên cứu và đào tạo
TEIN2 là một dự án hợp tác của ASEM do Ủy ban châu Âu (EC) cam kết tài trợ 9,75 triệu euro và sự đóng góp tài chính của Nhật Bản, Hàn Quốc, Xinhgapo, Brunây. TEIN2 đã bước vào hoạt động ở giai đoạn kết nối mạng và triển khai các ứng dụng từ đầu năm nay. Ngoài Việt Nam còn có 5 nước trong khu vực châu Á được thụ hưởng là Trung Quốc (mạng CERNET), Thái Lan (mạng ThaiRen), Philíppin (ASTI), Inđônêxia (ITB), Malaixia (MYREN) và các đối tác khác trong khu vực châu Á là Xinhgapo (SingAREN), Nhật Bản (NICT, NII và MAFFIN), Hàn Quốc (KISDI), các đối tác châu Âu cũng như các nơi khác.
Mục tiêu chính của TEIN2 là nhằm tăng cường khả năng kết nối Internet trực tiếp cho giới nghiên cứu và đào tạo giữa châu Âu và châu Á; cải thiện khả năng kết nối xuyên khu vực cho châu Á; xúc tiến việc phát triển kết nối mạng nghiên cứu và đào tạo quốc gia của các nước đang phát triển tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Qua Vinaren, các nhà khoa học Việt Nam có thể kết nối với các mạng nghiên cứu, giáo dục của các quốc gia châu Á, châu Âu và được hưởng các ứng dụng như giải các bài toán khoa học qua mạng (e-science), chẩn đoán và chữa bệnh từ xa (telemedicine), trao đổi văn hóa từ xa (e-culture), tham gia phòng chống thiên tai quốc tế từ xa; học trên mạng (e-learning).
Đường truyền trục mạng của Vinaren gồm 5 trung tâm điều hành mạng (NOC) với 2 trung tâm NOC-VN và NOC-HN đặt ở Đại học Bách khoa Hà Nội; NOC miền Trung đặt ở Đại học Bách khoa Đà Nẵng và Đại học Huế; NOC miền Nam đặt tại Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh và NOC Đồng bằng sông Cửu Long đặt ở Cần Thơ.
Việc kết nối mạng thông tin Á-Âu ( TEIN2) được EC tài trợ 80% kinh phí đường truyền quốc tế đến tháng 12/2007, Chính phủ Việt Nam chịu 20% và phần kết nối trong nước. Hiện đã có 5 đơn vị đầu tiên tại Hà Nội kết nối với NOC-VN là Đại học Bách Khoa Hà Nội, Đại học Quốc gia Hà Nội, Viện nhi Trung ương, Viện Khoa học-Công nghệ Việt Nam và Trung tâm thông tin KHCN quốc gia./.
Quay lại Đầu trang In trang Gửi mail |