Tại các cuộc hội thảo và họp nhóm của Tiểu ban Tiêu chuẩn và Hợp chuẩn (SCSC), 30 báo cáo viên quốc tế đã trình bày tham luận về các nội dung thực tiễn điều hành tốt, tiêu chuẩn và hợp chuẩn, hợp tác trong lĩnh vực an toàn thực phẩm.
Các đại biểu đã thảo luận tiêu chuẩn và hợp chuẩn đối với thực phẩm, các thiết bị điện, điện tử và lĩnh vực viễn thông, bàn các vấn đề giáo dục về tiêu chuẩn trong các cơ sở giáo dục và nâng cao nhận thức của chính phủ, người tiêu dùng và nhân dân nói chung về tầm quan trọng của tiêu chuẩn.
Các báo cáo viên đến từ Liên minh châu Âu (EU) cũng đã nêu lên tầm quan trọng về các tiêu chuẩn của EU đối với hàng hoá xuất nhập khẩu, điều mà các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam hết sức quan tâm.
Ông Trần Văn Học - Trưởng ban tiêu chuẩn của Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng, Chủ tịch SCSC - cho biết vấn đề tiêu chuẩn và hợp chuẩn luôn được Quốc hội và Chính phủ Việt Nam hết sức quan tâm. Trong số 8.000 tiêu chuẩn của Việt Nam, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng đã loại bỏ 2.000 tiêu chuẩn không còn phù hợp. Việt Nam cũng đang rà soát 6.000 tiêu chuẩn hiện hành để phân loại và loại bỏ những tiêu chuẩn không còn phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế được thừa nhận rộng rãi. Hiện nay Việt Nam chỉ có khoảng 25% trong tổng số 6.000 tiêu chuẩn còn phù hợp tiêu chuẩn quốc tế.
Tại Hội An, Tiểu nhóm Thương mại điện tử không giấy tờ của Nhóm Chỉ đạo về thương mại điện tử đã tổ chức nhiều cuộc họp, hội thảo bàn đến vấn đề Giao dịch kinh doanh không giấy tờ - hài hoà lợi ích giữa khu vực nhà nước và khu vực tư nhân, với các nội dung liên quan tới Cơ chế một cửa ASEAN, Chứng từ thương mại và Thông tin về Chuỗi cung ứng và Hệ thống chứng từ quốc tế của Liên Hợp Quốc.
Theo các đại biểu, Thương mại điện tử sẽ giúp giảm chi phí của dịch vụ khai báo, giám sát chặt chẽ và tiết chế việc thu phí của các nhà cung cấp dịch vụ giá trị gia tăng, tăng khả năng thu thuế, tăng năng lực kiểm toán và tăng tốc độ và tính chính xác của việc trao đổi dữ liệu.
Cũng tại Hội An, Nhóm Lưu chuyển doanh nhân APEC đang thảo luận về vấn đề chủ nghĩa khủng bố và các hoạt động tội phạm xuyên quốc gia và vấn đề quản lý việc đi lại qua biên giới.
Theo các đại biểu, việc di chuyển an toàn và hiệu quả của các khách du lịch xuyên biên giới có ảnh hưởng lớn tới tăng trưởng thương mại hàng hoá và dịch vụ trong khu vực APEC, vì vậy, cần phải quản lý chặt chẽ và hiệu quả việc đi lại qua các biên giới.
Nhiều đại biểu đã ủng hộ việc sử dụng Công nghệ sinh trắc học (sử dụng hộ chiếu điện tử) và Hệ thống cảnh báo di chuyển trong vùng (RMAS) vì các hệ thống này có thể nắm thông tin rõ hơn về khách du lịch qua lại giữa các biên giới, tránh sự giả mạo, lừa đảo tại các cửa khẩu xuất nhập cảnh./.(TTXVN)