Việt Nam khởi xướng cải cách cơ cấu trong APEC
Trước đó, tại cuộc họp của EC bên lề SOM I vào tháng 2/2006, Việt Nam đã kiến nghị về vấn đề này và được các đại biểu của các nền kinh tế thành viên đồng thuận.
Trong suốt 15 năm phát triển, các hoạt động của APEC luôn hướng tới mục tiêu tự do hoá thương mại, tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư trong khu vực. Để đạt được mục tiêu trên, nhiều nền kinh tế thành viên APEC đã tiến hành các chương trình cải cách cơ cấu, mang lại sự phát triển về kinh tế, xã hội cho nhiều nền kinh tế, song trong xu thế toàn cầu hiện nay, nhiều vấn đề không còn là của riêng mỗi quốc gia.
Ông Lê Anh Sơn, Viện phó Viện chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch Đầu tư) - Trưởng đoàn Việt Nam tham dự cuộc họp của EC, khẳng định phát triển bền vững luôn là mục tiêu đi cùng với lịch sử phát triển của APEC. APEC là cộng đồng khá đa dạng về điều kiện tự nhiên, lịch sử và văn hoá, có trình độ phát triển và cơ cấu kinh tế khác nhau, nên vấn đề phát triển bền vững là nhân tố rất quan trọng, nhạy cảm trong quá trình thực hiện cải cách cơ cấu theo hướng tự do hoá thương mại và đầu tư trong khu vực.
Tuy nhiên, đặc trưng của khu vực APEC là sự chênh lệch về trình độ phát triển kinh tế. Khoảng cách thu nhập bình quân đầu người giữa nhóm thu nhập cao và nhóm thu nhập thấp là 26 lần năm 1995, 19 lần năm 2004. Mặc dù mật độ dân số thấp dưới mức trung bình của thế giới (APEC chiếm khoảng 46% về diện tích và trên 41% dân số thế giới) nhưng đã có sự phân bổ không đồng đều giữa các nền kinh tế. Trừ Hồng Kông và Singapore, APEC là khu vực có nhiều nền kinh tế có mật độ dân số cao hàng đầu thế giới. Tiến hành cải cách cơ cấu ở các nền kinh tế đông dân, thu nhập thấp là góp phần vào sự phát triển bền vững của khu vực. Ba mươi năm qua, 4 nền kinh tế APEC liên tục có mức thu nhập thấp hoặc trung bình thấp là những thành viên đông dân, mật độ dân số cao, đó là Trung Quốc, Indonesia, Philippin và Việt Nam.
Tự do hoá thương mại tác động đến sự phát triển bền vững của khu vực. Hiện tại, khu vực APEC chiếm khoảng 47% thương mại thế giới, trong đó, hoạt động thương mại giữa các nền kinh tế thành viên chiếm trên 70% kim ngạch ngoại thương của khu vực (trong khi tỷ lệ này của EU tương ứng là 40% và 60%). Số liệu thống kê cho thấy xuất khẩu là yếu tố tạo nên sự tăng trưởng cao của nhiều nền kinh tế trong APEC.
Nợ nước ngoài cũng là một yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của một số nền kinh tế trong khu vực APEC, đặc biệt là nợ ngắn hạn và trung hạn. Nghèo đói và bất bình đẳng là những yếu tố không bền vững về mặt xã hội ở các nền kinh tế đang phát triển trong khu vực APEC.
Để thiết lập các điều kiện đảm bảo cho phát triển bền vững trong khu vực, APEC cần xây dựng một chính sách chung và cơ chế phối hợp thực hiện; tăng cường hợp tác quốc tế để phát triển bền vững; nâng cao nhận thức của người dân trong khu vực về phát triển bền vững; hoàn thiện hệ thống quản lý quá trình phát triển bền vững và hỗ trợ thiết lập hệ thống giám sát phát triển bền vững cho các nền kinh tế thành viên APEC./.(TTXVN)
Quay lại Đầu trang In trang Gửi mail |
Các tin liên quan: |
|