Trang chủ     Đăng ký nhận tin    Ý kiến bạn đọc   Liên kết website English 
Wednesday, ngày 25 tháng 12 năm 2024 Tìm kiếm
 Tìm kiếm nâng cao

Đoàn kết tạo nên sức mạnh của NAM

Phát biết tại Hội nghị cấp cao Phong trào Không liên kết (NAM) lần thứ 14, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết khẳng định sức mạnh đoàn kết, gắn bó giữa các thành viên đã giúp tạo nên vai trò và tiếng nói của NAM ngày càng có trọng lượng trong việc giải quyết các vấn đề toàn cầu, khu vực.

Ngày 15/9, tại phiên thảo luận chung của các trưởng đoàn đại biểu các nước thành viên NAM,  Chủ tịch Nguyễn Minh Triết nêu rõ sức mạnh đoàn kết, gắn bó- nền tảng sức mạnh tập thể của NAM, đã giúp các nước thành viên giành thắng lợi trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc vào những năm 60 của Thế kỷ 20. Sức mạnh ấy sẽ vẫn là nguyên tắc định hướng để NAM củng cố, hoàn thiện và phát triển hơn nữa trong những năm tới.

Chủ tịch nói: "Hòa bình, hợp tác và phát triển là xu thế, ước vọng của toàn nhân loại, nhưng cũng phải đối mặt với cường quyền, áp đặt, chiến tranh, bất công, nghèo đói và dịch bệnh... Rõ ràng, nếu đứng riêng lẻ thì mỗi thành viên chúng ta sẽ không thể chống chọi được với những thách thức này. Vì vậy, chỉ có bằng sức mạnh tập thể, chúng ta mới có thể cùng nhau giải quyết các vấn đề toàn cầu một cách công bằng và nhân văn hơn".

Về đường hướng phát triển trong tương lai, Chủ tịch kêu gọi các nước thành viên NAM tăng cường đoàn kết, phối hợp tối đa lập trường tại các cơ chế đa phương; phát huy sức mạnh tập thể của Phong trào để tiếng nói của NAM có trọng lượng trong các vấn đề an ninh, hòa bình, phát triển và tác động hữu hiệu vào quá trình hoạch định chính sách của cộng đồng quốc tế.

Theo Chủ tịch Triết, các nước thành viên cần kiên trì với những mục tiêu cao cả của Phong trào, các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế trong việc giải quyết các vấn đề quốc tế. Cần tăng cường vai trò của Phong trào trong việc giải quyết các vấn đề kinh tế và thương mại thế giới. Cần tăng cường hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm về phát triển kinh tế-xã hội, phát huy cao độ nội lực của mình đi đôi với tranh thủ nguồn lực quốc tế qua những mô hình thúc đẩy hợp tác phát triển kinh tế, xã hội hiệu quả như hợp tác Nam-Nam, Bắc-Nam.

Về tình hình phát triển kinh tế, xã hội ở Việt Nam, Chủ tịch khẳng định công cuộc Đổi mới toàn diện của Việt Nam từ giữa những năm 1980 đã thu được nhiều thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử. Thu nhập quốc dân tăng lên gấp đôi, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài từ hơn 70 quốc gia và vùng lãnh thổ; các chỉ số về phát triển con người, văn hóa, xã hội, xóa đói giảm nghèo được Liên hợp quốc nhìn nhận là những thành tựu ấn tượng cần được nhân rộng.

Kết thúc bài phát biểu, Chủ tịch bày tỏ tin tưởng hội nghị lần này sẽ để lại một dấu ấn lịch sử, dấu ấn của sự đoàn kết, quyết tâm, trí tuệ và mở ra một giai đoạn lịch sử mới thật sự có ý nghĩa của NAM trong Thế kỷ 21.

Sáng 16/9 (đêm 16/9 giờ Việt Nam), nói chuyện với nhóm phóng viên báo chí đi theo đoàn, Chủ tịch Nguyễn Minh Triết cho biết Hội nghị cấp cao NAM lần thứ 14 đạt được kết quả toàn diện, đặc biệt trên 3 khía cạnh:

Về chính trị, các nước thành viên NAM đạt được sự thống nhất trên nhiều vấn đề có tính toàn cầu và khu vực, nhất trí cao quan điểm xây dựng thế giới đa cực trên cơ sở Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, tăng cường đoàn kết, cùng nhau hợp tác và pháp triển.

Về kinh tế, văn hóa, xã hội, các nước thành viên NAM nhận thấy cần có sự đoàn kết, hợp tác trên cơ sở tự lực, phấn đấu của mỗi quốc gia và sự hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau.

Về tính đoàn kết, thống nhất, tuy còn có những ý kiến khác nhau trong quá trình thảo luận, nhưng cuối cùng NAM đã đi đến ý kiến thống nhất và sẽ ra tuyên bố chung khẳng định sự đoàn kết, đấu tranh để đảm bảo sự công bằng, bình đẳng của các nước, tôn trọng lẫn nhau, hợp tác để cùng phát triển.

Chủ tịch khẳng định Việt Nam đã, đang và sẽ đóng góp mạnh mẽ cho NAM. Những thành công của Việt Nam trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc trước đây và đổi mới đất nước ngày nay là những kinh nghiệm quý báu đóng góp cho NAM, các nước thành viên NAM đánh giá cao những kinh nghiệm đó và đánh giá cao vai trò của Việt Nam. Việt Nam sẵn sàng chia sẻ với các nước NAM mô hình hợp tác hiệu quả ba bên giữa hai nước đang phát triển và bên thứ ba là đối tác tài trợ, như Việt Nam đã và đang thực hiện với một số nước ở châu Phi.

Trước đó, trong phiên họp khai mạc sáng 15/9 (tối 15/9 giờ Việt Nam), NAM đã kết nạp thêm 2 thành viên mới là Haiti (Haiti) và Xanh Kít Nevít (Saint Kitts & Nevis). Phiên họp khai mạc cũng thông qua 2 tuyên bố: Tuyên bố Palextin và Tuyên bố Libăng./.(TTXVN)

 
Back Top page Print Email

Bản quyền của Vụ Thông Tin Báo Chí - Bộ Ngoại Giao
© Copyright by Press and Information Department - Vietnam Ministry of Foreign Affairs
Email: Banbientap@mofa.gov.vn 
Hiển thị tốt nhất với Internet Explorer. Best viewed with Internet Explorer