Việt Nam góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của AIPO

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng, dẫn đầu đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam tham dự Kỳ họp lần thứ 27 Đại hội đồng Liên minh nghị viện các nước Đông Nam Á (AIPO-27), vừa kết thúc ngày 15/9, tại thành phố Xêbu, Philíppin, khẳng định AIPO-27 đã thành công tốt đẹp và Việt Nam đã đóng góp tích cực vào những thành công của kỳ họp, cũng như nâng cao hiệu quả hoạt động của AIPO.

Chủ tịch đánh giá như thế nào về kết quả của AIPO-27?

Với nỗ lực của tất cả các thành viên, AIPO-27 đã thành công tốt đẹp. Có thể khái quát 3 vấn đề chủ yếu sau: Trong tình hình thế giới đang có những diễn biến phức tạp, khu vực cũng vậy, mỗi nước có những lợi ích khác nhau, bị chi phối bởi những quan điểm khác nhau, nhưng đã khẳng định tiếng nói chung là xây dựng khu vực ASEAN hòa bình, ổn định, phát triển và thịnh vượng, xây dựng ASEAN đoàn kết, đồng thuận và chia sẻ với nhau. Theo tôi chia sẻ ở đây là chia sẻ về thông tin, kinh nghiệm… Tất cả đang phấn đấu để hướng tới năm 2020 trở thành cộng đồng ASEAN dựa trên 3 trụ cột chính về chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội và cũng mong muốn sắp tới AIPO phải hoạt động thực chất hơn, hiệu quả thiết thực hơn, mở rộng quan hệ giữa AIPO với các tổ chức khác, chứ không phải chỉ trong nội khối.

Về cụ thể, Đại hội đồng AIPO-27 đã thông qua Thông cáo chung và hơn 30 nghị quyết về các chuyên đề khác nhau, mà toàn về những vấn đề rất thiết thực; trong đó nổi bật lên vấn đề mà người ta quan tâm là cải tổ tổ chức AIPO, sửa đổi Điều lệ AIPO, đổi tên, cơ cấu tổ chức cũng như cơ chế hoạt động. Tôi cho đó là thành công. Tất nhiên, Điều lệ chưa ký quyết định cuối cùng, nhưng hướng là sửa đổi.

Thứ ba là qua các cuộc giao lưu, tiếp xúc, trao đổi song phương đã tăng cường sự hiểu biết, học tập kinh nghiệm của nhau và có sự phối hợp tốt hơn giữa các thành viên.

Xin Chủ tịch cho biết đoàn Việt Nam đã đóng góp như thế nào vào những thành công của Hội nghị?

Đoàn Việt Nam không phải chỉ đến hội nghị mới đóng góp, mà đã đóng góp ngay trong quá trình chuẩn bị hội nghị, như xây dựng các chương trình, phân công chuẩn bị tại các ủy ban, cũng như chuẩn bị các văn kiện của Đại hội đồng. Riêng đến Hội nghị này, đoàn Việt Nam tham gia tất cả các diễn đàn, từ hai phiên họp toàn thể, cuộc họp của Ban chấp hành và của tất cả các ủy ban: chính trị, kinh tế, xã hội, tổ chức, Uỷ ban chuẩn bị văn kiện và Thông cáo chung, rồi tham gia Hội nghị nữ đại biểu nghị sĩ của các thành viên AIPO. Tất cả các diễn đàn đó, Việt Nam đã chủ động, tích cực tham gia và tiếng nói của Việt Nam được coi trọng, được hoan nghênh. Ngoài những vấn đề chung, chúng ta còn đề xuất hai nghị quyết: Một là Nghị quyết về lập pháp chung để chống buôn bán phụ nữ và trẻ em. Chúng ta đã chuẩn bị từ hội nghị hồi tháng 7 ở thành phố Hồ Chí Minh. Hai là Nghị quyết về sang năm sẽ kỷ niệm 30 năm thành lập AIPO, các nước đều có hoạt động kỷ niệm sự kiện quan trọng này. Đồng thời Việt Nam cũng đề xuất nên tôn vinh, khen thưởng những người có nhiều công lao đóng góp đối với hoạt động của AIPO. Tôi rất mừng là tại Kỳ họp lần này, những ý kiến của Việt Nam đề xuất, tiếng nói của Việt Nam về một số vấn đề còn nhiều tranh cãi, đều đã được Đại hội đồng trân trọng, hoan nghênh.

AIPO-27 đã quyết định đổi tên thành AIPA và sửa đổi, bổ sung một số nội dung trong Điều lệ. Theo Chủ tịch, những thay đổi này thể hiện điều gì, hướng tới mục đích gì và quan điểm của Việt Nam trong vấn đề này như thế nào?

Thực ra vấn đề này đã được đặt ra lâu rồi, từ mấy Kỳ họp trước và gần đây nhất là Kỳ họp thứ 26 tổ chức tại Lào AIPO đã quyết định thành lập một Ủy ban đặc biệt để chuẩn bị cho việc này.

Việc đổi tên từ AIPO thành AIPA, rồi việc sửa đổi một số điểm trong điều lệ, thể hiện quyết tâm của các thành viên trong AIPO với tinh thần chung là cải tổ AIPO để tổ chức này mang tính liên kết hơn, hoạt động hiệu quả hơn, thiết thực hơn. Trước tình hình thế giới phát triển như ngày nay, AIPO đã thành lập được gần 30 năm, không thể giữ mãi cách làm cũ được và cần có một bước sửa đổi. Quan điểm của Việt Nam từ lâu là ủng hộ việc cải tiến, đổi mới AIPO, cả về tổ chức và phương thức hoạt động, làm sao bảo đảm chất lượng, hiệu quả một cách thiết thực trong hoạt động của AIPO. Thế nhưng phải làm cho chặt chẽ theo đúng quy trình, theo đúng sự thỏa thuận, phải có bước đi, lộ trình phù hợp với bước cải tổ của ASEAN. ASEAN cũng đang cải tổ và trong hội nghị thượng đỉnh cuối năm nay, sẽ bàn về hiến chương của ASEAN. Quan điểm của chúng ta là đồng tình với cái chung.

Về sửa đổi tên từ AIPO thành AIPA, chúng ta cho rằng quan trọng không phải là cái tên, mà là nội dung hoạt động, hiệu quả hoạt động. Chẳng hạn, Ban Chấp hành đến sát Kỳ họp Đại hội đồng mới họp vào tối hôm trước, thì người ta sẽ cho là hình thức. Bây giờ họp trước 3 tháng, làm chương trình, chuẩn bị nội dung. Hay như Tổng Thư ký, phải nâng cao quyền hạn, trách nhiệm và có quy chế hoạt động rõ ràng, nhiệm kỳ không phải 1 năm mà là 3 năm - đó là những cái tốt. Những nghị quyết của AIPO thì các thành viên khi về nước phải có trách nhiệm phổ biến ở trong nước, triển khai thực hiện để những nghị quyết đó đi vào cuộc sống và khi thực hiện thì phải thông báo lại cho Đại hội đồng. Chúng ta tán thành quan điểm đó.

Việc thông qua và thực hiện các nghị quyết của AIPO có thể đem lại những lợi ích gì cho nhân dân Việt Nam, thưa Chủ tịch?

Việc triển khai thực hiện nghị quyết của Đại hội đồng sẽ đem lại lợi ích thiết thân cho chúng ta. Nhiều vấn đề cụ thể mà chúng ta cũng đang có hoàn cảnh giống như các nước khác trong khu vực, ví dụ như nghị quyết về lập pháp để phòng chống ma túy, HIV/AIDS, chống khủng bố, giữ gìn an ninh trên mạng, hay như chống buôn bán phụ nữ và trẻ em, chống thiên tai, trồng cây để giữ gìn môi trường... Những việc đó rất phù hợp với lợi ích của chúng ta.

Các nghị quyết đó chúng ta phải có trách nhiệm triển khai thực hiện và sắp tới phải kiến nghị với chính phủ để triển khai thực hiện, làm sao để kênh nghị viện, kênh Quốc hội của chúng ta góp phần tác động vào thực hiện tốt những nghị quyết chung của AIPO đã được thông qua tại Đại Hội đồng.

Việc tham gia AIPO có ý nghĩa như thế nào trong việc thực hiện chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước Việt Nam, có thể coi đây là cơ hội để thúc đẩy quan hệ song phương giữa Việt Nam với các nước?

Đường lối đối ngoại của Việt Nam là nhất quán - đó là rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa, độc lập tự chủ, vì lợi ích của quốc gia, dân tộc, đồng thời cũng vì lợi ích chung của cộng đồng, của khu vực.

Bên cạnh việc tham gia các hoạt động chung tại Kỳ họp 27 của AIPO, Chủ tịch Quốc hội đã có 8 cuộc tiếp xúc song phương với Chủ tịch thượng viện, Chủ tịch Hạ viện Philíppin là nước chủ nhà và với trưởng đoàn các nước thành viên. Qua các cuộc tiếp xúc, bạn bè hết sức ca ngợi, có người nói là khâm phục những thành tựu đổi mới của Việt Nam và đánh giá cao vai trò, vị thế của Việt Nam trong AIPO, ASEAN, trong khu vực nói chung. Bạn cũng bày tỏ sẵn sàng tiếp tục hợp tác với Việt Nam theo tinh thần đoàn kết, hữu nghị, tin cậy lẫn nhau; sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm với chúng ta, cũng như sang học tập kinh nghiệm của Việt Nam. Nước nào cũng mời tôi sang thăm. Riêng đối với tôi, đây là hoạt động đối ngoại lớn đầu tiên trên cương vị Chủ tịch Quốc hội, nhân dịp này cũng để gặp gỡ, trao đổi để làm quen với các đồng nghiệp trong khu vực./.

 

Bản quyền của Vụ Thông Tin Báo Chí - Bộ Ngoại Giao
© Copyright by Press and Information Department - Vietnam Ministry of Foreign Affairs
Email: Banbientap@mofa.gov.vn