Trang chủ     Đăng ký nhận tin    Ý kiến bạn đọc   Liên kết website English 
Thứ hai, ngày 23 tháng 12 năm 2024 Tìm kiếm
 Tìm kiếm nâng cao

Nỗ lực phát triển bền vững của VN được đánh giá cao

Ông Thomas Finkel, Giám đốc Dự án hợp tác giữa khu vực tư nhân và nhà nước của Tổ chức Hợp tác Kỹ thuật Đức (GTZ) đã đánh giá cao việc chính phủ Việt Nam đưa vấn đề phát triển bền vững vào các kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của mình thông qua Chương trình nghị sự 21.

Trao đổi với phóng viên TTXVN khi tham dự Hội thảo "Trách nhiệm xã hội doanh nghiệp ở châu Á hướng tới đối thoại và hợp tác vì sự phát triển bền vững" được tổ chức tại Hà Nội ngày 25-26/10, ông Finkel cho rằng chính phủ Việt Nam hiện nay không chỉ chú trọng đến đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế nói chung mà còn rất chú ý đến phát triển bền vững.

Vị cố vấn kỹ thuật cao cấp của chương trình phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam cũng đánh giá cao nỗ lực của chính phủ Việt Nam trong việc tìm kiếm giải pháp cân bằng giữa phát triển công nghiệp và bảo vệ môi trường và vì sức khoẻ của người dân. "Điều đó được thể hiện qua việc chính phủ thông qua các cơ quan chức năng của mình tổ chức thảo luận để đi tới thống nhất quan điểm về vấn đề này, đồng thời tìm cách giải quyết xung đột về lợi ích giữa các bên, giữa phát triển kinh tế nhanh chóng và bảo vệ môi trường sống và sức khoẻ cho người dân", ông nói.

Hiện tại, Thomas Finkel và các cộng sự đang cùng với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam thực hiện các dự án do Chính phủ Đức tài trợ tại các tỉnh An Giang, Quảng Nam, Đắc Lắc và Hưng Yên. Mục tiêu của các dự án này là hỗ trợ để các địa phương phát triển kinh tế một cách bền vững. Ông cũng khuyến cáo rằng nhiều đơn vị sản xuất công nghiệp của Việt Nam, thậm chí cả trong lĩnh vực nông nghiệp, có thể đánh mất tính cạnh tranh của mình nếu như họ không tuân thủ việc phát triển bền vững. 

Ông Finkel cho biết ông cũng rất ấn tượng về thành tựu giảm nghèo của Việt Nam, và theo ông điều đó cũng góp phần vào việc phát triển bền vững. Tuy nhiên, ông cho rằng trong thời gian sắp tới, chính phủ Việt Nam cần chú trọng hơn nữa đến những khu vực chậm phát triển của đất nước để giúp giảm sức ép lên các trung tâm kinh tế của đất nước.

Về tác động của việc gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), ông Finkel cho rằng quá trình này sẽ có những tác động tích cực đối với phát triển bền vững ở Việt Nam.

Ông phân tích khi Việt Nam hội nhập kinh tế toàn cầu, mối liên kết giữa các doanh nghiệp Việt Nam với các công ty quốc tế hoặc đang đầu tư vào Việt Nam hoặc nhập hàng hoá của Việt Nam sẽ ngày một bền chặt. Do yêu cầu sản xuất theo tiêu chuẩn quốc tế, các công ty đầu tư ở Việt Nam sẽ phải đem đến những công nghệ hiện đại khi lắp đặt các cơ sở sản xuất hoặc phải đưa đến Việt Nam các công nghệ xử lý, công nghệ làm sạch.

Theo ông, những công ty nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam, những người đưa ra các yêu cầu khắt khe về tiêu chuẩn môi trường và xã hội, cần phải giúp các nhà cung cấp Việt Nam, các nhà sản xuất ở Việt Nam nâng cấp công nghệ sản xuất và tuân thủ các tiêu chuẩn về môi trường và xã hội. 

"Do đó, tôi cho rằng sự hội nhập của Việt Nam vào kinh tế thế giới sau khi trở thành thành viên WTO sẽ có những tác động tích cực đối với phát triển bền vững ở Việt Nam nói chung và đối với các doanh nghiệp nói riêng", ông Thomas Finkel khẳng định./.

 
Quay lại Đầu trang In trang Gửi mail

Bản quyền của Vụ Thông Tin Báo Chí - Bộ Ngoại Giao
© Copyright by Press and Information Department - Vietnam Ministry of Foreign Affairs
Email: Banbientap@mofa.gov.vn 
Hiển thị tốt nhất với Internet Explorer. Best viewed with Internet Explorer