Việt Nam tiếp tục là điểm đến đầu tư hấp dẫn
Ủng hộ cho lời cam kết này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc cũng khẳng định rằng trong kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm tới, cải thiện môi trường đầu tư tiếp tục là một ưu tiên của Việt Nam với các nội dung chính là thực hiện tốt lộ trình cam kết hội nhập kinh tế quốc tế, tiếp tục cải cách nền hành chính và tài chính theo hướng minh bạch, đào tạo nguồn nhân lực và cải tiến cơ sở hạ tầng.
Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm nêu rõ rằng hàng loạt văn bản luật quan trọng liên quan đến hoạt động kinh tế và thu hút vốn đầu tư đã được ban hành trong hai năm qua là nhằm tạo dựng một hành lang pháp lý đầy đủ, minh bạch, thông thoáng góp phần quan trọng đạt mục tiêu thu hút được 140 tỷ USD vốn đầu tư cho phát triển giai đoạn 2006-2010, trong đó khoảng 30% là vốn đầu tư nước ngoài.
Tuy nhiên, một trong những thách thức lớn của Việt Nam trong bước đường phát triển trước mắt đã được các nhà lãnh đạo Chính phủ nhận thức rõ và cộng đồng quốc tế khuyến cáo cũng nảy sinh từ chính quá trình thực thi pháp luật. Điều đáng quan tâm là làm thế nào để đưa các luật mới ban hành cùng với hệ thống lớn các văn bản hướng dẫn thi hành vào cuộc sống một cách nhanh và hiệu quả nhất, tránh việc tạo ra một khoảng trống trong môi trường pháp lý khi mà các quy định cũ đã hết hiệu lực, một trong những nguyên nhân chính làm sụt giảm kỳ vọng của các nhà đầu tư trong vài năm đầu kể từ khi Việt Nam chính thức gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) .
Tuy nhiên, Báo cáo điều tra cảm nhận môi trường kinh doanh năm 2006 do Ban thư ký Diễn đàn doanh nghiệp thực hiện và công bố tại Diễn đàn năm nay cũng chỉ ra rằng, có tới 89% doanh nghiệp được hỏi cho biết tiếp tục có kế hoạch mở rộng kinh doanh tại Việt Nam, bởi họ đã nhận thẩy triển vọng kinh tế Việt Nam tiếp tục sáng sủa, tăng trưởng của thị trường nội địa và các cải cách do gia nhập WTO mang lại.
Diễn đàn năm nay có sự tham gia của trên 200 doanh nghiệp, nhiều gấp hai lần so với năm ngoái, trong đó khoảng 76% là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, cảm nhận chung của họ là "tương đối hài lòng về môi trường kinh doanh năm 2006", báo cáo trên cho biết. Trong đó, hệ thống chính trị ổn định, khả năng kiểm soát lạm phát và quản lý tỷ giá hối đoái là những lĩnh vực nhận được đánh giá cao nhất từ các doanh nghiệp. Ngoài khâu thực thi pháp luật, những lĩnh vực doanh nghiệp chưa hài lòng là bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, khả năng cạnh tranh, cơ sở hạ tầng và nạn tham nhũng.
Như thường lệ, tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam-một hoạt động thường niên trước thềm Hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam, do Bộ Kế hoạch Đầu tư phối hợp với Công ty Tài chính quốc tế tổ chức - đại diện Chính phủ, các cơ quan quản lý và cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước đã thảo luận, kiến nghị và trả lời kiến nghị các vấn đề liên quan đến việc tạo lập một môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng và thuận lợi nhất cho doanh nghiệp.
Theo đó, các nhóm nghiên cứu về ngân hàng, sơ sở hạ tầng, du lịch trình bày kết quả khảo sát, thảo luận và tham vấn với Chính phủ các biện pháp nâng cao hiệu quả của những lĩnh vực này./.
Quay lại Đầu trang In trang Gửi mail |