Bước đột phá mới trong quan hệ Việt Nam-Italia

Nhận lời mời của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Cộng hòa Italia Romano Prodi, ngày 25/1, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ thăm Cộng hòa Italia, nhằm tăng trường quan hệ hợp tác kinh tế, đầu tư và thương mại giữa hai nước và thúc đẩy hợp tác giữa các địa phương.

Ông Nguyễn Mạnh Dũng, Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao kiêm Vụ trưởng Vụ châu Âu 2, nói: "Sau chuyến thăm chính thức Bỉ, Liên minh châu Âu (EC) và cuộc gặp của Thủ tướng với lãnh đạo các nước châu Âu bên lề hội nghị ASEM-6 tại Helsinki tháng 9/2006, chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tới Italia sẽ tạo ra một bước đột phá trong quan hệ song phương giữa hai nước".

Theo dự kiến, hai bên sẽ thảo luận 4 hiệp định hợp tác song phương trong các lĩnh vực du lịch, doanh nghiệp vừa và nhỏ, lao động dạy nghề và văn hóa giáo dục, và thỏa thuận hợp tác giữa Hà Nội và vùng Lazio (Italia). Các văn bản này có thể sẽ được ký vào tháng 4/2007 tại Hà Nội trong khuôn khổ Tháng Italia tại Việt Nam.

Việt Nam và Italia chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 23/3/1973. Tuy nhiên, phải đến đầu những năm 90, quan hệ chính trị giữa hai nước bước đầu phát triển và củng cố. Sau chuyến thăm chính thức Việt Nam của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Italia G. De Michelis (12/1989), hai nước duy trì thường xuyên việc trao đổi đoàn.

Theo ông Mạnh Dũng, Italia luôn tích cực ủng hộ việc tăng cường hợp tác giữa Việt Nam và Liên hiệp châu Âu, trên các diễn đàn quốc tế lớn cũng như việc bình thường hoá quan hệ giữa Việt Nam và các tổ chức tài chính, thương mại, tiền tệ quốc tế.

Về quan hệ kinh tế, Italia là một trong những nước châu Âu đầu tiên nối lại và phát triển các quan hệ hợp tác với Việt Nam sau thời kỳ ngưng trệ. Một số tập đoàn sản xuất lớn của Italia đã thiết lập quan hệ hợp tác và bước đầu có một số kết quả quan trọng tại Việt Nam như Technip Italy với dự án Nhà máy Đạm Phú Mỹ, Danieli Officina với dự án nhà máy sản xuất thép, Fiat Iveco với dự án liên doanh ôtô Mekong hay tập đoàn Pirelli với dự án xây dựng tuyến cáp quang Hà Nội-TP Hồ Chí Minh.

Trong lĩnh vực thương mại, trong những năm qua, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Italia liên tục tăng, từ 320 triệu USD năm 1996 lên 700 triệu euro năm 2005 và 870 triệu euro năm 2006. Việt Nam nhập khẩu từ Italia chủ yếu là đồ da, hóa chất, máy móc ngành vận tải và xây dựng, thiết bị vệ sinh, thiết bị y tế và hàng gia dụng, trong khi xuất khẩu sang Italia các mặt hàng giày dép, cà phê, thủy sản, dệt may và hàng thủ công mỹ nghệ.

Trong lĩnh vực đầu tư, Italia hiện đứng thứ 9 trong Liên minh châu Âu (EU) và đứng thứ 31 trong số các quốc gia tren thế giới về đầu tư trực tiếp tại Việt Nam, với 22 dự án đầu tư, trị giá 55,9 triệu USD.

Về hợp tác phát triển, năm 1997, Chính phủ hai nước đã ký bản thỏa thuận về sử dụng khoản viện trợ phát triển trị giá 60 triệu USD của Italia dành cho Việt Nam. Tuy nhiên, đến nay mới chỉ có một số dự án được Chính phủ Italia thông qua.

Năm 2007, mức cam kết ODA của Italia cho Việt Nam là 42,15 triệu euro, trong đó 4,05 triệu euro là viện trợ không hoàn lại và 38,1 triệu euro vốn vay ưu đãi. Hiện nay, viện trợ của Italia tại Việt Nam được sử dụng chủ yếu trong lĩnh vực xã hội (77%); phát triển nguồn nhân lực (5%); phát triển các lĩnh vực sản xuất và đưa hàng hóa Việt Nam ra thị trường toàn cầu (12%); và xóa đói giảm nghèo (6%). 

Trong lĩnh vực văn hóa, đến nay, quan hệ văn hoá giữa ta và Italia còn hạn chế mặc dù hai nước ký Hiệp định hợp tác văn hoá năm 1990. Hàng năm, Chính phủ Italia dành cho ta một số học bổng dài hạn và ngắn hạn, hỗ trợ các tổ chức nhà nước và phi chính phủ tổ chức một số hội thảo về Việt Nam, tổ chức các cuộc triển lãm mỹ thuật, sách báo, tuần lễ phim Việt Nam, biểu diễn âm nhạc cổ điển thường kỳ./.

 

Bản quyền của Vụ Thông Tin Báo Chí - Bộ Ngoại Giao
© Copyright by Press and Information Department - Vietnam Ministry of Foreign Affairs
Email: Banbientap@mofa.gov.vn