ASEAN ưu tiên thu hẹp khoảng cách phát triển
Phát biểu khai mạc Diễn đàn với tư cách là Chủ tịch của Nhóm đặc nhiệm IAI, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Lào Thongloun Sisoulith, cho biết để hướng tới mục tiêu thành lập Cộng đồng ASEAN vào năm 2015, ASEAN đã nhất trí dành ưu tiên cao cho việc thu hẹp khoảng cách phát triển trong khu vực và trợ giúp các thành viên mới của khối, bao gồm Campuchia, Lào, Mianma và Việt Nam (CLMV).
Phó Thủ tướng Thongloun Sisoulith nói quyết định của các nhà lãnh đạo ASEAN giúp đỡ các nước CLMV thông qua Kế hoạch Hành động IAI phản ánh cam kết và những nỗ lực to lớn của ASEAN trong việc thúc đẩy và duy trì hoà bình và ổn định trong khu vực.
Phát biểu tại diễn đàn, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Gia Khiêm nói việc thực hiện IAI trong thời gian qua đã đem lại lợi ích to lớn cho toàn bộ ASEAN cũng như các thành viên mới trên các lĩnh vực như phát triển nguồn nhân lực, xây dựng năng lực và hội nhập khu vực.
Tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng, hiện khoảng cách phát triển giữa các thành viên ASEAN vẫn còn rất lớn, các nước CLMV vẫn cần sự hỗ trợ từ các thành viên khác để có thể hội nhập một cách đầy đủ và hiệu quả, đem lại thịnh vượng chung cho toàn bộ các thành viên ASEAN.
Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm cho rằng mục tiêu thành lập một Cộng đồng ASEAN sẽ không thể thực hiện được nếu vẫn còn tồn tại khoảng cách phát triển giữa các thành viên. Vì vậy, việc thu hẹp khoảng cách phát triển cần tiếp tục là một ưu tiên hàng đầu và lâu dài đối với sự hợp tác trong khu vực ASEAN và giữa ASEAN với các đối tác bên ngoài, nhằm mục đích xây dựng một ASEAN hội nhập, gắn kết và năng động.
Để hướng tới mục tiên trên, Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm đã đưa ra một số gợi ý thảo luận tại diễn đàn như xem xét các dự án IAI tập trung vào những ưu tiên và nhu cầu cấp thiết của các nước CLMV trong nỗ lực cải thiện cơ sở hạ tầng mềm của quốc gia; các dự án IAI cần được thực hiện theo một cách chặt chẽ và hiệu quả, đem lại những tác động bền vững và lâu dài đối với sự hội nhập khu vực; và nguồn vốn cho các dự án IAI cần đầy đủ và ổn định.
Tại diễn đàn kéo dài hai ngày từ 12-13/6, các đại biểu sẽ tập trung thảo luận các vấn đề như vai trò của các khuôn khổ tiểu vùng như Chiến lược hợp tác kinh tế Ayeyawady-Chao Phraya-Mekong (ACMECS) và Khu vực tăng trưởng Đông ASEAN (BIMP-EAGA); vai trò của sáu thành viên cũ của ASEAN (ASEAN 6) và các đối tác đối thoại; vai trò của việc hỗ trợ các thực thể ASEAN như Quỹ ASEAN, Trung tâm Năng lượng ASEAN và Trung tâm Đa dạng Sinh học ASEAN; và vai trò của khu vực tư nhân như Hội đồng tư vấn kinh doanh ASEAN.
Tham dự diễn đàn có các đại biểu của các nước thành viên ASEAN và Ban Thư ký ASEAN. Đại diện các bên đối thoại như Ôxtrâylia, Canađa, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Liên minh châu Âu và các tổ chức quốc tế như ADB, GTZ, JICA, ILO, KOICA, UNDP cũng tham dự diễn đàn./.(TTXVN)
Quay lại Đầu trang In trang Gửi mail |