Trang chủ     Đăng ký nhận tin    Ý kiến bạn đọc   Liên kết website English 
Friday, ngày 03 tháng 01 năm 2025 Tìm kiếm
 Tìm kiếm nâng cao

Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Lê Công Phụng : Việt Nam ngày càng có những đóng góp quan trọng và tích cực hơn cho đoàn kết và hợp tác ASEAN

Nhân kết thúc Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 40 và các Hội nghị liên quan (AMM-40,PMC, ARF-14), Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Lê Công Phụng đã có bài trả lời phỏng vấn Thông tấn xã Việt Nam. Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu nội dung bài trả lời phỏng vấn :

Câu hỏi 1:  Xin Thứ trưởng cho biết những kết quả chính của Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN lần thứ 40 và các Hội nghị liên quan (AMM-40/PMC/ARF-14)?

Trả lời:
Hội nghị AMM-40/PMC/ARF-14 tại Ma-ni-la, Phi-li-pin năm nay là hoạt động quan trọng nhất hàng năm của Ngoại trưởng các nước ASEAN và các nước đối thoại, nhưng có ý nghĩa đặc biệt vì diễn ra đúng vào dịp các nước ASEAN đang tiến hành nhiều hoạt động kỷ niệm tròn 40 năm ngày thành lập Hiệp hội (8/8/1967 – 8/8/2007). Có thể nói Hội nghị đã đạt nhiều kết quả quan trọng, góp phần tăng cường đoàn kết và hợp tác ASEAN cũng như đẩy mạnh hợp tác giữa ASEAN với các đối tác bên ngoài, thúc đẩy tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN.

Như đánh giá của Tổng thống nước chủ nhà Phi-líp-pin trong diễn văn khai mạc Hội nghị, có thể nói chưa bao giờ ASEAN lại gắn kết, vững mạnh và năng động như hiện nay. ASEAN ngày nay đã trở thành mái nhà chung của tất cả 10 quốc gia ở Đông Nam Á, gắn bó với nhau trong hòa bình, ổn định, hữu nghị, tin cậy lẫn nhau, hợp tác ngày càng chặt chẽ và toàn diện hơn cả về đa phương và song phương. Đồng thời, ASEAN đã mở rộng và phát triển quan hệ đối tác đa dạng với nhiều quốc gia và các tổ chức trong và ngoài khu vực, trở thành động lực chính của nhiều tiến trình hợp tác khu vực ở châu Á-Thái Bình Dương. 

Trên cơ sở những thành tựu to lớn của 40 năm qua, các nước ASEAN đang nỗ lực tạo nên một sự bứt phá mới, phấn đấu đưa Hiệp hội trở thành một Cộng đồng vững mạnh về chính trị-an ninh, liên kết chặt chẽ về kinh tế, quan tâm và chia sẻ lẫn nhau. Trên tinh thần đó, tại Hội nghị AMM-40 này với chủ đề “ Một Cộng đồng đùm bọc và chia sẻ lẫn nhau”, các nước thành viên đã nhất trí cần đẩy mạnh hơn nữa hợp tác và liên kết khu vực nhằm hoàn thành mục tiêu xây dựng Cộng đồng ASEAN vào 2015 như các nhà Lãnh đạo đã đề ra, đồng thời tiếp tục tăng cường quan hệ với các đối tác bên ngoài và phát huy vai trò của ASEAN như một động lực chính cho hòa bình, hợp tác và phát triển ở khu vực. Các Ngoại trưởng ASEAN đã thảo luận phương hướng và biện pháp nhằm thực hiện có hiệu quả Chương trình Hành động Viên-chăn (VAP), các Kế hoạch hành động xây dựng 3 trụ cột của Cộng đồng ASEAN là Cộng đồng An ninh (ASC), Kinh tế (AEC) và Văn hóa-Xã hội (ASCC) cũng như Sáng kiến Liên kết ASEAN (IAI) về thu hẹp khoảng cách phát triển trong ASEAN.  Các Bộ trưởng cũng trao đổi và cho ý kiến chỉ đạo để Nhóm đặc trách cao cấp (HLTF) tiếp tục hoàn thiện bản dự thảo Hiến chương ASEAN, một văn kiện quan trọng nhằm tạo khuôn khổ pháp lý và khung thể chế cho việc thực hiện mục tiêu xây dựng Cộng đồng ASEAN. Theo kế hoạch, dự thảo Hiến chương sẽ được trình lên Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 13 tại Xinh-ga-po vào cuối năm nay. 

Các Bộ trưởng đã đạt thỏa thuận nhằm đưa hợp tác ASEAN hướng tới và phục vụ thiết thực hơn lợi ích của người dân, theo đó đã nhất trí lập Ủy ban triển khai Tuyên bố ASEAN về Thúc đẩy và Bảo vệ quyền của Người lao động nhập cư và Quy trình hỗ trợ công dân ASEAN ở nước thứ ba trong các trường hợp khẩn cấp. Các Bộ trưởng cũng bàn những biện pháp nhằm nâng cao hình ảnh và nhận thức về ASEAN trong công chúng, và kiến nghị Lãnh đạo cấp cao lấy ngày thành lập ASEAN 8/8 là ngày lễ đặc biệt hàng năm ở tất cả các nước thành viên.

Về quan hệ của ASEAN với các bên đối thoại, các Ngoại trưởng đánh giá cao những tiến triển tích cực trong thời gian qua và thống nhất những biện pháp nhằm tăng cường hợp tác trong thời gian tới. Các đối tác bên ngoài đều khẳng định dành ưu tiên cao cho quan hệ với ASEAN, ủng hộ vai trò chủ đạo của ASEAN trong việc xử lý các vấn đề khu vực cũng như trong các tiến trình hợp tác khu vực.

Nhân dịp này, các Ngoại trưởng đã ký kết và thông qua nhiều văn kiện quan trọng như Tuyên bố chung ASEAN-Ôx-trây-lia về Đối tác toàn diện và nhất trí cần sớm hoàn tất Kế hoạch hành động để thực hiện Tuyên bố, Kế hoạch hợp tác chung ASEAN-Ca-na-đa giai đoạn 2007-2010, Kế hoạch hành động nhằm triển khai Tuyên bố Nuremberg về Đối tác tăng cường ASEAN-EU…Các Ngoại trưởng cũng bàn một số biện pháp nhằm kỷ niệm  30 năm quan hệ đối thoại giữa ASEAN với một số đối tác quan trọng như Mỹ, EU, Ca-na-đa, kể cả tổ chức Cấp cao kỷ niệm với Canada và Mỹ. 

Cũng nhân dịp này, Băng-la-đét và Xri-lan-ca đã ký kết văn kiện chính thức tham gia Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á (TAC) sau khi đã có 12 nước ngoài ASEAN tham gia Hiệp ước và một số nước đã bày tỏ mong muốn tham gia. Điều đó cho thấy Hiệp ước TAC ngày càng phát huy tác dụng là bộ quy tắc ứng xử chỉ đạo mối quan hệ giữa các quốc gia ở khu vực.

Về tiến trình ASEAN+3 và Cấp cao Đông Á (EAS), các Ngoại trưởng khẳng định lại ASEAN+3 là công cụ chính tiến tới mục tiêu lâu dài là xây dựng cộng đồng Đông Á và EAS là khuôn khổ hỗ trợ cho mục tiêu xây dựng cộng đồng ở khu vực Đông Á. Các Ngoại trưởng cũng nhất trí cần sớm hoàn tất Tuyên bố chung về Hợp tác Đông Á để trình Cấp cao ASEAN+3 thông qua nhằm định hướng cho hợp tác ASEAN+3 trong 10 năm tới; và thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực ưu tiên trong khuôn khổ EAS, nhất là về an ninh năng lượng, thay đổi khí hậu toàn cầu và bảo vệ môi trường. 

Về tiến trình ARF, các Ngoại trưởng nhấn mạnh cần tiếp tục tiến hành các biện pháp xây dựng lòng tin để tạo cơ sở vững chắc cho thực hiện ngoại giao phòng ngừa; đã nhất trí thông qua các hoạt động trong năm tới. Sri- Lanka lần đầu tiên tham dự ARF và trở thành bên tham gia thứ 27 của diễn đàn quan trọng này.  

Tại các phiên họp, các Ngoại trưởng đã trao đổi ý kiến sâu rộng về tình hình quốc tế và khu vực, trong đó có bán đảo Triều Tiên, Biển Đông, Trung Đông, Iraq, ... và hướng hợp tác xử lý những vấn đề xuyên quốc gia như khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia, thiên tai, bệnh dịch, ... 

Câu hỏi 2: Xin Thứ trưởng cho biết sự tham gia và những đóng góp của Việt Nam tại các Hội nghị lần này?

Tính đến Hội nghị AMM-40/PMC/ARF-14, Việt Nam đã tham gia ASEAN tròn 12 năm. Phát huy vai trò và vị thế đã được khẳng định trong 12 năm qua, Đoàn ta đã chủ động, tham gia tích cực và có những đóng góp thực chất vào các vấn đề lớn của Hội nghị, có ý nghĩa quan trọng đối với tương lai phát triển của ASEAN. Đoàn ta đã kiên trì thúc đẩy việc triển khai thực hiện các chương trình và kế hoạch hành động chính của ASEAN nhằm hình thành Cộng đồng ASEAN, thu hẹp khoảng cách phát triển và xóa đói giảm nghèo, cũng như duy trì vai trò chủ đạo của ASEAN trong các tiến trình khu vực do ASEAN khởi xướng… Chúng ta đã có những đóng góp tích cực trong quá trình xây dựng những điều khoản cụ thể của Hiến chương ASEAN. Đoàn ta cũng chủ động thúc đẩy những vấn đề Việt Nam quan tâm như thực hiện Sáng kiến Liên kết ASEAN (IAI) về thu hẹp khoảng cách phát triển trong ASEAN, thúc đẩy thực hiện Tuyên bố của các bên liên quan ở Biển Đông (DOC), ...

Trong hợp tác giữa ASEAN và các bên Đối thoại, Việt Nam cùng với các nước ASEAN thúc đẩy nhiều biện pháp nhằm mở rộng và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ đối ngoại của ASEAN thông qua các cơ chế và diễn đàn như ASEAN+1, ASEAN+3, Cấp cao Đông Á, Diễn đàn Khu vực ASEAN… Chúng  ta đã chủ trì thành công Hội nghị PMC+1 với Ca-na-đa trên cương vị nước Điều phối quan hệ đối thoại ASEAN-Ca-na-đa và có những đóng góp tích cực trong quá trình xây dựng và thông qua Kế hoạch hành động ASEAN-Ca-na-đa giai đoạn 2007-2010, được Ca-na-đa và các nước ASEAN đánh giá cao. 

Cũng tại các Hội nghị lần này, các nước ASEAN đã chúc mừng Việt Nam vừa trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới và khẳng định công nhận Việt Nam là nước có nền kinh tế thị trường. Các nước ASEAN và nhiều nước Đối thoại cũng bày tỏ ủng hộ Việt Nam ứng cử làm thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc nhiệm kỳ 2008-2009. 

Với thế và lực ngày càng gia tăng do thành tựu của 20 năm đổi mới cũng như kinh nghiệm tham gia ASEAN trong 12 năm qua, Việt Nam ngày càng có những đóng góp quan trọng và tích cực hơn cho đoàn kết và hợp tác ASEAN, trở thành nhân tố quan trọng đối với mục tiêu hình thành Cộng đồng ASEAN cũng như bảo đảm hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực Đông Nam Á cũng như châu Á-Thái Bình Dương./.

 
Back Top page Print Email

Bản quyền của Vụ Thông Tin Báo Chí - Bộ Ngoại Giao
© Copyright by Press and Information Department - Vietnam Ministry of Foreign Affairs
Email: Banbientap@mofa.gov.vn 
Hiển thị tốt nhất với Internet Explorer. Best viewed with Internet Explorer