Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết tham dự Phiên họp kín thứ nhất Hội nghị cấp cao APEC 15
Theo đặc phái viên TTXVN, vào lúc 14 giờ ngày 8-9 theo giờ địa phương (11 giờ sáng cùng ngày theo giờ Hà Nội), Phiên họp kín thứ nhất của Hội nghị cấp cao Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 15 đã khai mạc tại Nhà hát Opera Sydney ở TP Sydney, dưới sự chủ tọa của Thủ tướng nước chủ nhà Australia J. Howard. Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, đại diện nền kinh tế Việt Nam, tham dự phiên họp.
Tại phiên họp này, Lãnh đạo 21 nền kinh tế thành viên APEC tập trung thảo luận hai chủ đề quan trọng của năm APEC 2007 là “Biến đổi khí hậu, An ninh năng lượng và Phát triển sạch” và “Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và Vòng đàm phán Doha”.
Các nhà lãnh đạo đã bày tỏ sự ủng hộ đối với việc đưa vấn đề biến đổi khí hậu, an ninh năng lượng và phát triển sạch là một trong những chủ đề chính của chương trình nghị sự năm nay và đều cho rằng, đây là một vấn đề cần được sự quan tâm, hợp tác giải quyết của cả cộng đồng quốc tế, trong đó các nền kinh tế thành viên APEC có thể đóng vai trò đầu tàu.
Nhiều thành viên đang phát triển đã khẳng định vai trò quan trọng của LHQ, đặc biệt là Công ước chung của LHQ về Biến đổi khí hậu (UNFCCC), coi đây là khuôn khổ hợp tác chủ yếu của cộng đồng quốc tế.
Nhiều thành viên khẳng định việc đối phó với sự biến đổi khí hậu là trách nhiệm chung của cả các nước phát triển cũng như đang phát triển, nhưng cần phải tôn trọng nguyên tắc “trách nhiệm chung nhưng có phân biệt” của UNFCCC. Theo đó, các nước phát triển, là những tác nhân chủ yếu của việc thải khí thải gây hiệu ứng nhà kính, cần phải tăng cường trách nhiệm, đi tiên phong trong việc tìm kiếm công nghệ mới, thân thiện môi trường, trợ giúp tài chính, công nghệ và chia sẻ thông tin cho các thành viên đang phát triển.
Phát biểu ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã chia sẻ quan điểm chung của Việt Nam với tư cách là một thành viên đang phát triển đối với lĩnh vực hợp tác quốc tế đối phó với các vấn đề suy thoái môi trường.
Chủ tịch nước khẳng định ủng hộ APEC cần có tiếng nói ủng hộ mạnh mẽ và thúc đẩy nỗ lực toàn cầu đối phó với biến đổi khí hậu.
Chủ tịch nước cũng khẳng định ủng hộ các sáng kiến và biện pháp nhằm giảm cường độ sử dụng năng lượng, tiết kiệm, bảo tồn năng lượng và sử dụng năng lượng hiệu quả.
Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết nhấn mạnh: “Mặc dù là nền kinh tế đang phát triển, phải tập trung hầu hết mọi nguồn lực cho phát triển, xóa đói giảm nghèo, công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước, nhưng Chính phủ Việt Nam luôn đặc biệt quan tâm đến vấn đề bảo vệ môi trường và coi đó là một trong những ưu tiên hàng đầu trong chính sách phát triển kinh tế-xã hội của mình. Việt Nam quan tâm đến việc tạo thuận lợi cho đầu tư vào các cơ chế phát triển sạch tại Việt Nam, góp phần phát triển bền vững và đạt được mục tiêu chung của UNFCCC và Nghị định thư Kyoto”.
Về WTO và vòng đàm phán Doha, Chủ tịch Nguyễn Minh Triết cũng khẳng định ủng hộ việc WTO ra tuyên bố riêng về vòng đàm phán Doha, ủng hộ việc sớm kết thúc thành công Vòng đàm phán Doha với kết quả cân bằng và mức độ cam kết cao trên tất cả các lĩnh vực. Đồng thời, Chủ tịch nước cũng lưu ý các quy định đối xử đặc biệt và khác biệt dành cho các nước đang phát triển, đặc biệt là cho các nước mới gia nhập như Việt Nam trong việc thực hiện các cam kết.
Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết khẳng định: “WTO cũng như Vòng đàm phán Doha chỉ thật sự có ý nghĩa nếu tất cả các thành viên có thể tham gia hiệu quả vào hệ thống thương mại toàn cầu và hưởng lợi từ tiến trình này. Điều này đòi hỏi cơ chế đối xử đặc biệt và khác biệt cần phải được cụ thể hơn, thực tế hơn và áp dụng cho tất cả các lĩnh vực đàm phán”.
Kết thúc phiên họp, Lãnh đạo các nền kinh tế thành viên APEC đã nhất trí thông qua “Tuyên bố Sydney về Biến đổi khí hậu, An ninh năng lượng và Phát triển sạch” (Tuyên bố Sydney) và Tuyên bố của các nhà lãnh đạo APEC về Vòng đàm phán Doha.
Trong Tuyên bố Sydney, Lãnh đạo các nền kinh tế thành viên APEC cam kết sẽ có những hành động tham vọng trên nhiều lĩnh vực để bảo đảm nhu cầu về năng lượng của khu vực, đồng thời giải quyết các vấn đề liên quan đến chất lượng môi trường và đóng góp vào việc giảm phát thải khí nhà kính.
Bằng Tuyên bố Sydney, Lãnh đạo các nền kinh tế thành viên APEC khẳng định cam kết đối với UNFCCC. Trên cơ sở các nguyên tắc của UNFCCC, Lãnh đạo các nền kinh tế thành viên APEC tin tưởng rằng, các yếu tố: tính toàn diện, việc tôn trọng sự khác biệt về năng lực và hoàn cảnh của các nền kinh tế, tính linh hoạt, vai trò quan trọng của các nguồn năng lượng và công nghệ ít phát thải và không phát thải, tầm quan trọng của rừng và việc sử dụng đất, thúc đẩy thương mại và đầu tư mở, hỗ trợ các chiến lược thích ứng hiệu quả là những yếu tố nền tảng cho một thỏa thuận quốc tế công bằng và hiệu quả về biến đổi khí hậu cho giai đoạn sau năm 2012.
Lãnh đạo các nền kinh tế thành viên APEC cũng cam kết thực hiện mục tiêu ổn định mức tích tụ khí nhà kính trong khí quyển ở mức độ nhất định, ngăn chặn tác động tiêu cực của con người đối với hệ thống khí hậu. Đồng thời, Lãnh đạo các nền kinh tế thành viên APEC kêu gọi một thỏa thuận hợp tác quốc tế mới về biến đổi khí hậu cho giai đoạn sau năm 2012; nhất trí hợp tác tích cực với tinh thần xây dựng để tiến tới một thỏa thuận hợp tác quốc tế cho giai đoạn sau năm 2012 tại Hội nghị các Bên tham gia UNFCCC họp tại Bali (Indonesia) vào tháng 12 năm nay.
Tuyên bố Sydney cũng đề ra Chương trình hành động của APEC, trong đó nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng bằng cách hợp tác để đạt mục tiêu giảm cường độ sử dụng năng lượng trên toàn khu vực xuống ít nhất 25% vào năm 2030 (lấy năm 2005 làm mốc); thành lập Mạng lưới Công nghệ Năng lượng châu Á – Thái Bình Dương (APNet) nhằm tăng cường hợp tác nghiên cứu năng lượng trong khu vực, đặc biệt là trong các lĩnh vực như nhiên liệu sạch và nguồn năng lượng tái sinh; thành lập Mạng lưới châu Á – Thái Bình Dương về Quản lý và Khôi phục rừng bền vững nhằm tăng cường nâng cao năng lực và trao đổi thông tin trong lĩnh vực lâm nghiệp.
Tuyên bố của các nhà lãnh đạo APEC về Vòng đàm phán Doha bày tỏ cam kết ý chí chính trị, sự linh hoạt và tham vọng nhằm bảo đảm trong năm nay, các cuộc đàm phán trong khuôn khổ Vòng đàm phán Doha sẽ bước vào chặng cuối.
* Tối 8-9, Thủ tướng Australia J. Howad và Phu nhân đã mở tiệc chiêu đãi chào mừng Lãnh đạo các nền kinh tế thành viên APEC và Phu nhân. Trước tiệc chiêu đãi, nước chủ nhà Australia chào mừng Lãnh đạo các nền kinh tế thành viên APEC với một chương trình biểu diễn nghệ thuật đặc sắc tại Nhà hát Opera Sydney nổi tiếng thế giới – công trình mới được công nhận Di sản văn hóa thế giới trong năm 2007, và bắn pháo hoa tại Cảng Sydney.
* Trước đó cùng ngày, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã có cuộc thảo luận bàn tròn với các đại diện Liên minh doanh nghiệp Hoa Kỳ tại APEC, một tổ chức được thành lập năm 1993 với nhiệm vụ điều phối các hoạt động của giới doanh nghiệp Hoa Kỳ tại APEC.
Đề cập tới những ưu tiên của Việt Nam sau khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết nhấn mạnh: Việt Nam bắt đầu thực hiện các cam kết gia nhập WTO, cũng như những quy định trong WTO ngay sau khi là thành viên chính thức của tổ chức này. Trên thực tế, ở nhiều lĩnh vực Việt Nam đã mở cửa xa hơn các cam kết từ nhiều năm qua. Việt Nam cũng đang hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường. Nhà nước sẽ làm tốt chức năng quản lý vĩ mô, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư yên tâm hoạt động tại Việt Nam. Nhà nước Việt Nam cũng sẽ tập trung đầu tư nhiều hơn vào giáo dục và nghiên cứu – hai lĩnh vực quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững. Một ưu tiên nữa là chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng CNH-HĐH, tăng tỷ trọng xuất khẩu chế biến có hàm lượng công nghệ. Chủ tịch nước tin tưởng, các tập đoàn của Hoa Kỳ với thế mạnh về công nghệ chắc chắn sẽ tìm thấy nhiều cơ hội làm ăn tại Việt Nam trong tương lai.
Hội nghị cấp cao APEC năm nay cũng tiếp tục dành ưu tiên cho đối thoại với giới doanh nghiệp. Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết bày tỏ hy vọng, qua những cuộc đối thoại này, các nhà lãnh đạo sẽ hiểu rõ hơn những khó khăn, thắc mắc của giới doanh nghiệp để từ đó đưa ra chính sách phù hợp hơn, góp phần thúc đẩy sự thịnh vượng của khu vực.
* Sáng 8-9, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã tham dự cuộc đối thoại giữa Lãnh đạo các nền kinh tế thành viên APEC với Hội đồng Tư vấn kinh doanh APEC (ABAC).
* Bên lề Hội nghị cấp cao APEC lần thứ 15, ngày 7-9, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm đã có các cuộc tiếp xúc với Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Condoleezza Rice và Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Nobutaka Machimura.
Tại cuộc gặp Bộ trưởng C.Rice, hai bên đều cho rằng quan hệ song phương Việt Nam – Hoa Kỳ thời gian qua đã có những bước phát triển tích cực; chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ mới đây của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã tiếp thêm xung lực mới cho quan hệ hai nước phát triển sâu rộng và hiệu quả hơn. Bà Rice khẳng định, Chính phủ Hoa Kỳ mong muốn tiếp tục duy trì đà phát triển quan hệ tốt đẹp giữa hai nước, và cảm ơn Việt Nam hợp tác giúp Hoa Kỳ trong vấn đề tìm kiếm người Mỹ mất tích.
Tại cuộc gặp Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm, Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Nobutaka Machimura cho rằng quan hệ hai nước đang phát triển rất tốt đẹp. Về hợp tác kinh tế, ông Nobutaka Machimura khẳng định Bộ Ngoại giao Nhật Bản sẽ làm hết sức có thể đối với ba dự án lớn đã được Thủ tướng hai nước nhất trí, đó là: đường sắt cao tốc Bắc-Nam, đường bộ cao tốc Bắc-Nam và khu công nghệ cao Hòa Lạc. Bộ trưởng Nobutaka Machimura cũng khẳng định Nhật Bản ủng hộ Việt Nam ứng cử trở thành Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ khóa 2008-2009.(Nhân dân)
Back Top page Print Email |
Related news: |
|