Tăng cường hợp tác Việt Nam - New Zealand

Chuyến thăm New Zealand lần này của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết nhằm thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa hai nước, đặc biệt trên các lĩnh vực thương mại, đầu tư, giáo dục đào tạo, trên cơ sở khai thác tiềm năng, lợi thế và phù hợp lợi ích của cả hai bên.

Trong thực hiện chính sách đối ngoại, New Zealand đẩy mạnh hội nhập vào Châu Á, coi trọng quan hệ với các nước ASEAN, tích cực hoạt động trong các Diễn đàn khu vực như ARF, APEC. Quan hệ Việt Nam - New Zealand có những bước phát triển quan trọng kể từ đầu những năm 90 của thế kỷ XX. Những cuộc thăm lẫn nhau của lãnh đạo cấp cao 2 nước từng bước tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau, thắt chặt tình hữu nghị giữa hai dân tộc, tạo điều kiện thuận lợi để hai bên thiết lập khuôn khổ quan hệ hợp tác song phương trên nhiều lĩnh vực. Nhân dịp Thủ tướng Phan Văn Khải thăm chính thức New Zealand (5/2005), hai nước đã ký “Tuyên bố về Hợp tác giữa Việt Nam và New Zealand”, trong đó khẳng định quyết tâm đẩy mạnh hợp tác để thiết lập quan hệ đối tác toàn diện, lâu dài và ổn định giữa 2 nước trong thập kỷ mới.
 
Những năm gần đây, kim ngạch thương mại 2 chiều giữa Việt Nam và New Zealand đã tăng dần, nhưng vẫn ở qui mô nhỏ. Năm 2005, tổng kim ngạch thương mại giữa hai nước đạt 166,2 triệu USD; năm 2006 đạt 198 triệu USD và 5 tháng đầu năm 2007 đạt gần 100 triệu USD, nhưng Việt Nam luôn xuất siêu. Bơ, sữa chiếm tới 70-80% lượng hàng xuất khẩu của New Zealand sang Việt Nam, ngoài ra còn có các sản phẩm da, lông, bột gỗ, hóa chất, thức ăn gia súc... Đồng thời New Zealand nhập khẩu từ Việt Nam giày dép (30%), đồ nội thất (18%), gốm sứ, hàng dệt may, hạt điều. Tính đến tháng 7/2007, New Zealand có 13 dự án đầu tư vào Việt Nam với tổng số vốn là 35 triệu USD (đứng thứ 42/74 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam), tập trung trong các lĩnh vực chế biến gỗ, thăm dò khai thác chế biến quặng nikel, sản xuất đồ uống, sữa, bê-tông, tấm lợp mạ màu, mây tre xuất khẩu, xây dựng, kinh doanh khách sạn...
 
New Zealand chính thức cung cấp viện trợ không hoàn lại cho Việt Nam từ năm 1994, với mức viện trợ tăng dần từ 3,06 triệu dollar New Zealand (NZ$) trong năm tài chính 2004-2005, lên 4,7 triệu NZ$ năm tài chính 2005-2006, 6,7 triệu NZ$ năm tài chính 2006 - 2007, ưu tiên cho phát triển nguồn nhân lực, phát triển nông nghiệp và nông thôn, y tế và quản lý nhà nước. Một số dự án ODA của New Zealand có qui mô nhỏ nhưng đạt hiệu quả kinh tế cao.
 
Đến nay, 2 nước đã ký kết nhiều văn kiện hợp tác như Hiệp định Hợp tác Kinh tế Thương mại, Hiệp định Khuyến khích và Bảo hộ đầu tư, Hiệp định Hàng không và nhiều thỏa thuận khác, tạo khung pháp lý cho quan hệ 2 nước phát triển trên nhiều lĩnh vực. Tính đến hết tháng 12/2006, tại New Zealand có khoảng 1.500 sinh viên Việt Nam đang theo học, phần lớn theo chế độ tự túc. Nhiều trường đại học của New Zealand như Đại học Victoria, Đại học Công nghệ Auckland (AUT) đã có quan hệ hợp tác, liên kết đào tạo trực tiếp với một số trường đại học của Việt Nam như Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quy Nhơn, Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh. Đây là một hướng hợp tác hiệu quả và có triển vọng phát triển trong thời gian tới. Số lượng khách du lịch New Zealand vào Việt Nam cũng tăng nhanh, từ 10.489 lượt khách năm 2004 đã lên tới 14.162 lượt khách năm 2006.

New Zealand còn tích cực chia sẻ kinh nghiệm với Việt Nam về hội nhập, đưa ra sáng kiến lập nhóm bạn bè giúp Việt Nam tham gia APEC và đã hỗ trợ Việt Nam trong suốt quá trình chuẩn bị, tổ chức các hội nghị APEC 2006. New Zealand cũng tích cực ủng hộ Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), ứng cử vào ghế không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2008-2009, hỗ trợ Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác ASEAN... (TTXVN)./.

Bản quyền của Vụ Thông Tin Báo Chí - Bộ Ngoại Giao
© Copyright by Press and Information Department - Vietnam Ministry of Foreign Affairs
Email: Banbientap@mofa.gov.vn