Trang chủ     Đăng ký nhận tin    Ý kiến bạn đọc   Liên kết website English 
Tuesday, ngày 14 tháng 01 năm 2025 Tìm kiếm
 Tìm kiếm nâng cao

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đi dự Khóa họp thường niên Đại hội đồng Liên Hợp Quốc và thăm chính thức Cộng hòa Pháp

Hôm nay 24/9/2007, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu Đoàn Việt Nam đi dự Phiên thảo luận chung cấp cao Khóa họp hằng năm lần thứ 62 Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (LHQ) ở New York, Hoa Kỳ từ 25-28/9/2007. Tiếp đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Phu nhân sẽ thăm chính thức nước Cộng hòa Pháp từ 30/9 đến 3/10/2007 theo lời mời của Thủ tướng Pháp Francois Fillon.

Tham gia đoàn chính thức có: Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm và Phu nhân, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Quốc Toản, Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, lãnh đạo các Bộ: Tài chính, Công an, Trợ lý Thủ tướng Nguyễn Hữu Vũ, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc, Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ Nguyễn Tâm Chiến, Đại sứ, Trưởng Phái đoàn đại diện Việt Nam bên cạnh LHQ Lê Lương Minh.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đến dự Đại hội đồng LHQ với thông điệp: Việt Nam tích cực xây dựng, hợp tác và có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế

Khóa họp lần thứ 62 Đại hội đồng LHQ diễn ra trong tình hình an ninh, chính trị thế giới tuy không có biến động lớn nhưng diễn biến nhanh và phức tạp. Khủng hoảng, xung đột khu vực, khủng bố, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu tiếp tục là những mối quan tâm hàng đầu của cộng đồng quốc tế. Kinh tế thế giới tuy tăng trưởng nhưng còn tiềm ẩn nhiều bất trắc. Đói nghèo, dịch bệnh, những tác động tiêu cực của toàn cầu hóa làm cho nhiều quốc gia, nhất là ở châu Phi, khó thực hiện được các Mục tiêu Thiên niên kỷ đúng hạn (2015).

Đối với Việt Nam, Khóa họp 62 Đại hội đồng LHQ có ý nghĩa đặc biệt, vì tại Khóa họp này sẽ diễn ra việc bỏ phiếu bầu Việt Nam làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ nhiệm kỳ 2008 -2009 (dự kiến ngày 16/10/2007), vào đúng dịp kỷ niệm 30 năm Việt Nam gia nhập LHQ.

Trong những năm qua, Việt Nam là tấm gương sáng tại LHQ về xóa đói, giảm nghèo và tích cực giúp đỡ, chia sẻ kinh nghiệm với các nước châu Phi, châu Mỹ La tinh.

Tại khóa họp, Việt Nam sẽ chia sẻ kinh nghiệm và thể hiện quan điểm, đóng góp xây dựng đối với công việc chung của LHQ với tư cách là ứng cử viên duy nhất của Nhóm châu Á vào chức Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ. Dự kiến, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ có bài phát biểu quan trọng tại diễn đàn LHQ trong ngày 27/9/2007.

Việc Đoàn Việt Nam tham dự Phiên thảo luận chung cấp cao cũng nhằm triển khai chính sách đối ngoại rộng mở, đa dạng hóa, đa phương hóa; tích cực tham gia vào công việc chung của cộng đồng quốc tế; hội nhập quốc tế sâu rộng. Nhân dịp này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gặp gỡ với lãnh đạo một số nước nhằm thúc đẩy quan hệ song phương; tranh thủ sự ủng hộ của lãnh đạo các tổ chức quốc tế cho công cuộc phát triển đất nước; tiếp xúc với chính giới, cộng đồng doanh nghiệp Hoa Kỳ để củng cố những bước phát triển tích cực trong quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ và đưa quan hệ hai nước phát triển sâu rộng.

Thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế Việt Nam – Pháp đi vào chiều sâu

Trong thời gian qua, quan hệ Việt Nam – Pháp tiếp tục có những bước phát triển tốt đẹp. Hai nước đã trao đổi nhiều đoàn cấp cao và ký nhiều hiệp định hợp tác quan trọng tạo khuôn khổ pháp lý để phát triển quan hệ song phương.

Pháp hiện đứng đầu các nước châu Âu và đứng thứ 9 trong số các nước và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với 179 dự án trị giá gần 2,25 tỷ USD. Đầu tư của Pháp tập trung chủ yếu vào công nghiệp nặng, giao thông, bưu điện, được phân bố tại 30 tỉnh và thành phố.Pháp đồng thời cũng là một trong những bạn hàng lớn nhất của Việt Nam ở châu Âu. Kim ngạch thương mại hai chiều giữa hai nước đạt gần 1,2 tỷ euro năm 2006. Pháp tiếp tục ưu tiên dành ODA cho Việt Nam và là nhà tài trợ song phương lớn thứ hai sau Nhật Bản với cam kết 1,4 tỷ Euro từ nay đến 2010, đạt khoảng 350 triệu Euro/năm.

Hàng năm, Pháp duy trì ngân sách hợp tác dành cho Việt Nam trị giá khoảng 10 triệu euro, tập trung vào các lĩnh vực giảng dạy ngôn ngữ, cải cách hành chính, xây dựng luật pháp, tài chính, ngân hàng, đào tạo cao học về quản lý kinh tế, luật, hàng không. Pháp cũng dành cho Việt Nam khoảng 100 học bổng cao học, tập trung vào một số lĩnh vực như y tế, quy họach đô thị. Hiện tại Pháp có khoảng 4000 sinh viên Việt Nam đang học tập.

Chính phủ hai nước luôn coi trọng thúc đẩy mối quan hệ song phương theo phương châm “hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, lâu dài và tin cậy trong thế kỷ 21”.

Chuyến thăm Pháp lần này của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Đoàn cấp cao Chính phủ Việt Nam nhằm tăng cường quan hệ song phương, thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ kinh tế đi vào chiều sâu. Chuyến thăm cũng nhằm thúc đẩy quan hệ giữa Việt Nam với EU, với việc Cộng hòa Pháp sẽ là Chủ tịch EU trong 6 tháng cuối năm 2008./.(Website Chính phủ)

 
Back Top page Print Email

Related news:

Bản quyền của Vụ Thông Tin Báo Chí - Bộ Ngoại Giao
© Copyright by Press and Information Department - Vietnam Ministry of Foreign Affairs
Email: Banbientap@mofa.gov.vn 
Hiển thị tốt nhất với Internet Explorer. Best viewed with Internet Explorer