Tiếp tục thúc đẩy quan hệ “đối tác toàn diện trong thế kỷ 21” giữa Việt Nam và Hàn Quốc
Chuyến thăm Hàn Quốc lần này của Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh được thực hiện đúng vào dịp hai nước kỷ niệm 15 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao (1992-2007), sau khi Việt Nam được bầu làm Uỷ viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và tiếp theo chuyến thăm CHDCND Triều Tiên của Tổng Bí thư (16-18-10/2007), diễn ra trong bối cảnh tình hình bán đảo Triều Tiên, khu vực Ðông - Bắc Á chuyển biến theo hướng có lợi cho hòa bình, ổn định và hợp tác ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương và thế giới. Việt Nam khẳng định trước sau như một ủng hộ nguyện vọng hòa bình thống nhất đất nước, hoan nghênh các nỗ lực hòa bình thống nhất của hai miền Triều Tiên trên cơ sở độc lập tự chủ, dân tộc tự quyết theo tinh thần các Thỏa thuận Cấp cao liên Triều năm 2000 và 2007; hoan nghênh những tiến triển gần đây trong đàm phán sáu bên; Việt Nam sẵn sàng góp phần tích cực thúc đẩy hòa bình, ổn định và hợp tác trên bán đảo Triều Tiên và khu vực.
Chuyến thăm cũng thể hiện vai trò và sự đóng góp tích cực của Việt Nam trong việc giải quyết các vấn đề của khu vực, thúc đẩy giảm căng thẳng, phi hạt nhân hóa và hòa bình thống nhất bán đảo Triều Tiên; qua đó mở rộng hợp tác khu vực, không ngừng nâng cao vai trò, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Là một nước nghèo tài nguyên, thị trường trong nước hẹp, tích luỹ trong nước ít, nhưng qua hơn 1/4 thế kỷ, Hàn Quốc đã công nghiệp hoá thành công, trở thành một nước công nghiệp phát triển mới (NICS). Trong giai đoạn 1962-1992, Hàn Quốc đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm 9%. Năm 1996, GDP tính theo đầu người đạt 11.385 USD, là nước thứ hai ở Châu Á (sau Nhật Bản) gia nhập tổ chức kinh tế OECD. Thành công phát triển kinh tế của Hàn Quốc được gọi là "Kỳ tích sông Hàn". Từ một nước có GDP tính theo đầu người năm 1962 chỉ đạt 82 USD, năm 2006 là 20.000 USD.
Thế mạnh của Hàn Quốc là công nghiệp nặng. Dự trữ ngoại tệ đạt hơn 300 tỷ USD. Các thị trường chính của Hàn Quốc là Trung Quốc, Mỹ, EU, Nhật Bản. Kinh tế Hàn Quốc những năm gần đây phát triển tương đối thuận lợi. Tốc độ phát triển kinh tế năm 2004 đạt 4,7%, năm 2005: 4% và năm 2006 đạt 5.05%. GDP năm 2004: 680 tỷ USD và năm 2005: 793.1 tỷ USD. GDP tính theo đầu người năm 2004: 14.193 USD; 2005: 17.000 USD; 2006: 20.000 USD. Kim ngạch mậu dịch năm 2004 đạt 478,69 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt 254,22 tỷ USD, nhập khẩu 224,47, thặng dư gần 30 tỷ USD; năm 2005 đạt 545,9 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt 284,7 tỷ USD, nhập khẩu 261,2 thặng dư 23,5 tỷ USD; năm 2006, Hàn Quốc vươn lên trở thành nước xuất khẩu lớn thứ 11 thế giới với 326 tỷ USD xuất khẩu và 309 tỷ USD nhập khẩu.
Việt Nam và Hàn Quốc thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 22/12/1992. Trong 15 năm qua, với tinh thần ''khép lại quá khứ, hướng tới tương lai'', quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc phát triển năng động. Quan hệ giữa Việt Nam và Hàn Quốc trong những năm qua đã phát triển nhanh chóng, những chuyến thăm giữa lãnh đạo cấp cao hai nước và mối giao lưu ngày càng tăng giữa hai dân tộc đã và đang làm cho nhân dân hai nước hiểu rõ hơn về đất nước, lịch sử, văn hóa… của nhau, kiến lập quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa hai dân tộc vì hòa bình, hợp tác và phát triển. Hàn Quốc hiện là nhà đầu tư hàng đầu ở Việt Nam với 1655 dự án đầu tư còn hiệu lực và tổng sổ vốn đăng ký trên 11,5 tỷ USD, vốn thực hiện đạt gần 3 tỷ USD (số liệu tháng 10/2007); kim ngạch buôn bán hai chiều năm 2006 đạt 4,7 tỷ USD (tăng 10 lần so với năm 1992), trong đó Việt Nam nhập siêu ở mức 3,02 tỷ USD Việt Nam xuất: thuỷ sản, dầu thô, gỗ và sản phẩm gỗ, cà phê, cao su, than đá, gốm sứ, đồ may mặc, sản phẩm nhựa; nhập: vải, xăng dầu, máy móc thiết bị, phụ tùng, nguyên phụ liệu dệt may, da, chất dẻo.... Hiện có khoảng 45 nghìn lao động Việt Nam đang làm việc tại Hàn Quốc, 16.000 người đang làm việc trên các tàu cá của Hàn Quốc...
Đến nay, Hàn Quốc đã cấp 188 triệu USD tín dụng ưu đãi và viện trợ không hoàn lại 67 triệu USD; đặc biệt Hàn Quốc đã quyết định tăng mức cung cấp tín dụng ưu đãi cho Việt Nam trong giai đoạn 2006-2009 lên 100 triệu USD/năm, viện trợ không hoàn lại 9,5 triệu USD/năm. Trong vài năm gần đây, lượng khách du lịch Hàn Quốc vào việt Nam tăng trung bình 30%/năm, với 13 vạn lượt khách năm 2003, hơn 20 vạn năm 2004, hơn 40 vạn năm 2006, dự kiến đạt trên 52 vạn năm 2007. Từ ngày 01/7/2004, Việt Nam đã đơn phưong miễn visa cho công dân Hàn Quốc.
Là hai nước Châu Á có nhiều nét văn hoá tương đồng, Việt Nam và Hàn Quốc có tiềm năng phát triển quan hệ hợp tác trên nhiều lĩnh vực. Việt Nam là nước có nhiều tài nguyên, đang phát triển, có lợi thế về nhân công rẻ. Việt Nam có tình hình chính trị, xã hội ổn định, kinh tế tăng trưởng tương đối cao. Hàn Quốc là nước công nghiệp phát triển có lợi thế về công nghệ, kỹ thuật cao và vốn. Do đó hai nước có thể bổ sung cho nhau trong quá trình hợp tác cùng phát triển. Hiện nay Hàn Quốc là một đối tác hàng đầu của Việt Nam về kinh tế, thương mại, đầu tư, xuất khẩu lao động. Các mối quan hệ về chính trị, văn hóa, xã hội không ngừng phát triển.
Hai nước có nhiều tiềm năng hợp tác có hiệu quả trên các lĩnh vực công nghiệp chế tạo, khai khoáng, tìm kiếm khai thác dầu khí, hoá dầu, năng lượng, giao thông, xây dựng đô thị, nhà ở, nuôi trồng và chế biến nông, thuỷ sản xuất khẩu, đặc biệt là trong những ngành Hàn Quốc có thế mạnh như điện tử, viễn thông, tin học… Trong chuyến thăm chính thức Hàn Quốc của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, 8/2001, Hai bên đã ra Tuyên bố chung thiết lập khuôn khổ quan hệ “Đối tác toàn diện trong thế kỷ XXI”; đã thành lập Uỷ ban liên Chính phủ về Hợp tác Kinh tế và Khoa học kỹ thuật Việt Nam - Hàn Quốc (năm 1993) và ký nhiều hiệp định quan trọng như: Hiệp định hợp tác kinh tế-khoa học kỹ thuật (02/1993), Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư (9/2003), Hiệp định Hàng không, Hiệp định Thương mại (5/1993), Hiệp định tránh đánh thuế 2 lần (5/1994), Hiệp định Văn hoá (8/1994), Hiệp định Vận tải biển (4/1995), Hiệp định Hải quan (3/1995), Hiệp định về hợp tác du lịch (8/2002), Hiệp định hợp tác dẫn độ tội phạm (9/2003), Hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự (9/2003), Hiệp định về viện trợ không hoàn lại và hợp tác kỹ thuật (4/2005)...
Năm 2006, Hàn Quốc đã mở Trung tâm Văn hoá Hàn Quốc tại Hà Nội, là Trung tâm văn hoá đầu tiên của Hàn Quốc mở tại Đông Nam Á. Hai bên cũng đã thành lập các tổ chức hữu nghị như: Hội Hữu nghị Việt Nam - Hàn Quốc của Việt Nam (tháng 9/1994), Hội Giao lưu Hữu nghị Hàn Quốc - Việt Nam của Hàn Quốc (năm 2001), Hội Nghị sỹ hữu nghị Hàn Quốc - Việt Nam của Hàn Quốc (tháng 5/1993), Nhóm Nghị sỹ hữu nghị Việt Nam - Hàn Quốc của Việt Nam (tháng 5/1995).
Với nền tảng hữu nghị và hợp tác đã được hai nước gây dựng trong suốt những năm qua, chúng ta tin tưởng chắc chắn rằng, chuyến thăm Hàn Quốc lần này của Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh và Đoàn đại biểu cấp cao nước ta sẽ thành công tốt đẹp, tiếp tục thúc đẩy quan hệ “đối tác toàn diện trong thế kỷ 21” giữa Việt Nam và Hàn Quốc phát triển mạnh mẽ và hiệu quả hơn nữa, vì lợi ích của nhân dân và sự phát triển thịnh vượng của mỗi nước, đóng góp tích cực cho hoà bình, ổn định và hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới. (Báo Điện tử Đảng Cộng sản VN)
Quay lại Đầu trang In trang Gửi mail |