Trang chủ     Đăng ký nhận tin    Ý kiến bạn đọc   Liên kết website English 
Saturday, ngày 04 tháng 01 năm 2025 Tìm kiếm
 Tìm kiếm nâng cao

EU coi Việt Nam một trong những đối tác quan trọng nhất trong khu vực

Chủ tịch Uỷ ban châu Âu Jose Barroso: EU coi Việt Nam là một trong những đối tác quan trọng nhất trong khu vực, một thành viên năng động của ASEAN và ngày càng trở thành một đối tác mang tầm vóc thế giới mà chúng tôi mong muốn được cùng giải quyết các thách thức toàn cầu trên nhiều diễn đàn quốc tế đối với các vấn đề như hòa bình và an ninh, thay đổi khí hậu và phát triển.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jose Barroso sẽ thăm Việt Nam từ ngày 25-27/11/2007, theo lời mời của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng. Đây là chuyến thăm chính thức Việt Nam đầu tiên của Chủ tịch Ủy ban châu Âu kể từ khi Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) thiết lập quan hệ ngoại giao (tháng 11/1990) và được thực hiện sau khi Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) dự Cấp cao kỷ niệm 30 năm quan hệ ASEAN – EU tại Singapore. Nhân dịp này, chúng tôi xin giới thiệu bài viết của Chủ tịch Barroso trước chuyến thăm Việt Nam.

EU và Việt Nam: Đẩy mạnh mối quan hệ sống động

Trong suốt thập kỷ trước, EU tập trung chú ý vào nhiều thách thức nội khối quan trọng: mở rộng số thành viên EU từ 15 lên 27 nước, lưu hành đồng euro, củng cố Thị trường Chung, và ký kết một Hiệp ước mới, tất cả đều có ý nghĩa thiết yếu để chuẩn bị cho EU đương đầu với những thách thức của thế kỷ 21. Đồng thời, EU nỗ lực tăng sự cởi mở và vai trò của mình trên trường quốc tế. Về lĩnh vực này, EU đặc biệt chú ý tới các diễn biến quan trọng tại châu Á.

Mười năm vừa qua đã chứng kiến sự trỗi dậy của những người khổng lồ như Trung Quốc và Ấn Độ không chỉ với tư cách là những cường quốc thương mại toàn cầu và đóng góp cho một trật tự quốc tế mới.

Cũng tương tự như vậy, các thay đổi tại Việt Nam trong các thập kỷ vừa qua là mạnh mẽ và quan trọng. Tỷ lệ nghèo đã giảm từ 58% năm 1993 xuống còn khoảng 19% vào năm 2004, giảm 39% trong vòng 11 năm. Đây thực sự là một thành quả đáng ghi nhận. Thành công kinh tế của Việt Nam, với tỷ lệ tăng GDP năm 2006 là 8,2%, cao nhất tại Đông Nam Á và kỷ lục này có vẻ sẽ chắc chắn được phá một lần nữa vào năm 2007. Việt Nam đang có vai trò xứng đáng của mình tại ASEAN cùng với các thành viên kỳ cựu hơn khác. Việt Nam cũng đã gia nhập WTO vào năm 2007, kết quả của một quá trình lâu dài nhằm đưa đất nước hội nhập với nền kinh tế quốc tế, và EU đã ủng hộ mạnh mẽ nỗ lực này. Gần đây, Việt Nam đã thành công trong việc trở thành thành viên không thường trực của HĐBA LHQ nhiệm kỳ 2008-2009.

Chủ tịch Barroso: Tôi đang mong đợi sang thăm Việt Nam.

EU coi Việt Nam là một trong những đối tác quan trọng nhất trong khu vực, một thành viên năng động của ASEAN và ngày càng trở thành một đối tác mang tầm vóc thế giới mà chúng tôi mong muốn được cùng giải quyết các thách thức toàn cầu trên nhiều diễn đàn quốc tế đối với các vấn đề như hòa bình và an ninh, thay đổi khí hậu và phát triển.

Từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1990, quan hệ giữa EU - Việt Nam đã phát triển nhanh chóng. Năm 1995, một Hiệp định Hợp tác được ký kết, tập trung chủ yếu vào thương mại và hợp tác phát triển, nhằm thiết lập một nền tảng vững chắc cho việc phát triển mối quan hệ của EU.

Kể từ đó, quan hệ kinh tế của EU đã phát triển mạnh mẽ, với tổng thương mại tăng hơn 465% trong chỉ hơn một thập kỷ từ năm 1995, đạt gần 9 tỷ Euro vào năm 2006. EU còn là nguồn FDI chính của Việt Nam và là nhà đầu tư lớn thứ hai trong năm 2006 với số vốn thực hiện của các công ty EU tổng cộng đạt 4,2 tỷ USD.

Thêm vào đó, quyết định chọn năm nay cho việc đàm phán thiết lập Hiệp định Mậu dịch Tự do EU-ASEAN đã khẳng định mong muốn chung của EU về hiện thực hóa đầy đủ tiềm năng của mối quan hệ kinh tế thông qua tự do hóa toàn diện thương mại và đầu tư song phương, bổ sung cho WTO.

Hợp tác phát triển với Việt Nam tiếp tục là cốt lõi trong mối quan hệ của EU

Phát huy thành công của các hoạt động hợp tác của EU trong quá khứ và thừa nhận thành quả của Việt Nam, đặc biệt là liên quan tới giảm nghèo và điều phối tài trợ, khoản tài chính mà Ủy ban châu Âu đã xác định dành cho Việt Nam trong vòng 7 năm tới đạt 300 triệu Euro (viện trợ không hoàn lại) tăng đáng kể so với thời kỳ trước đó. EU tiếp tục hỗ trợ các nỗ lực của Việt Nam trở thành một xã hội công nghiệp hóa hiện đai./.(VOV)

 
Back Top page Print Email

Bản quyền của Vụ Thông Tin Báo Chí - Bộ Ngoại Giao
© Copyright by Press and Information Department - Vietnam Ministry of Foreign Affairs
Email: Banbientap@mofa.gov.vn 
Hiển thị tốt nhất với Internet Explorer. Best viewed with Internet Explorer