Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Việt Nam coi Liên minh châu Âu là đối tác quan trọng hàng đầu
Chuyến thăm Việt Nam của Chủ tịch Uỷ ban châu Âu có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh quan hệ Việt Nam và châu Âu đang phát triển rất tích cực và chuẩn bị đàm phán Hiệp định Đối tác và Hợp tác (PCA) nhằm tạo dựng một khuôn khổ hợp tác mới giữa hai bên trong những thập kỷ tới.
Sáng ngày 26/11/2007, ngay sau lễ đón chính thức, tại Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã hội đàm với Chủ tịch J. Ba-rô-sô. Tham dự hội đàm về phía Việt Nam có Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Đại sứ của ta bên cạnh Cộng đồng châu Âu, Thứ trưởng các Bộ Ngoại giao, Công thương, Kế hoạch Đầu tư và Trợ lý Thủ tướng. Tham dự về phía Uỷ ban châu Âu có các quan chức cao cấp của Văn phòng Chủ tịch EC, của Uỷ ban châu Âu và Đại sứ - Trưởng phái đoàn đại diện EC tại Việt Nam.
Tại cuộc hội đàm, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhiệt liệt hoan nghênh Chủ tịch Ba-rô-sô lần đầu tiên đến thăm Việt Nam, coi đây là một sự kiện quan trọng, đánh dấu một mốc mới trong quan hệ giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã thông báo cho Chủ tịch Ba-rô-sô về tình hình kinh tế - xã hội, quan hệ kinh tế và chính sách đối ngoại rộng mở, đa phương hoá, đa dạng hoá, hội nhập quốc tế của Việt Nam; bày tỏ vui mừng về những phát triển rất tích cực của quan hệ hợp Việt Nam – EU trên các lĩnh vực thương mại, đầu tư, văn hoá và khoa học – công nghệ; đánh giá cao sự ủng hộ và giúp đỡ tích cực của Uỷ ban châu Âu và của các nước thành viên EU đối với công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế của Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực hỗ trợ phát triển và ủng hộ Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định Việt Nam coi Liên minh châu Âu là đối tác quan trọng hàng đầu trong chính sách đối ngoại của mình và mong muốn EU và Uỷ ban châu Âu tiếp tục dành sự ủng hộ và giúp đỡ thiết thực cho Việt Nam trong thời gian tới; đề nghị EU tiếp tục chính sách viện trợ phát triển cho Việt Nam; sớm công nhận Việt Nam là nước có nền kinh tế thị trường; dỡ bỏ các rào cản thương mại đối với hàng hoá của Việt Nam xuất vào EU; hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực an toàn vệ sinh thực phẩm; cho Việt Nam được hưởng quy chế ưu đãi thuế quan (GSP) giai đoạn 2009 – 2013.
Chủ tịch Uỷ ban châu Âu M. Ba-rô-sô bày tỏ vui mừng và vinh dự là Chủ tịch đầu tiên của Uỷ ban châu Âu thăm chính thức Việt Nam kể từ khi hai bên thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1990; cám ơn sự đón tiếp trọng thị và mến khách của Chính phủ và nhân dân Việt Nam dành cho đoàn; bày tỏ sự khâm phục đối với lịch sử đấu tranh của nhân dân ta; nhiệt liệt hoan nghênh những thành tựu to lớn của công cuộc đổi mới, phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo và chính sách đối ngoại rộng mở, đa dạng hóa, đa phương hóa và hội nhập của Việt Nam. Chủ tịch Uỷ ban châu Âu đánh giá Việt Nam có vị trí ngày càng quan trọng ở khu vực và quốc tế; chúc mừng Việt Nam trở thành thành viên của WTO và được tín nhiệm bầu làm Ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Chủ tịch Uỷ ban châu Âu đánh giá cao việc Chính phủ ta đã thông qua Đề án tổng thể và Chương trình Hành động về phát triển quan hệ với EU; khẳng định Uỷ ban châu Âu và Liên minh châu Âu sẽ tiếp tục ủng hộ Việt Nam trong công cuộc đổi mới; bày tỏ tin tưởng vào triển vọng tốt đẹp của quan hệ hợp tác và đối tác giữa Việt Nam và EU. Chủ tịch Ba-rô-sô thông báo trong chương trình viện trợ từ 2007 – 2013, Uỷ ban châu Âu sẽ viện trợ cho Việt Nam 304 triệu Euro để hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội, y tế, giáo dục.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Chủ tịch Ba-rô-sô đã dành thời gian trao đổi về phương hướng và các biện pháp nhằm đưa quan hệ hai bên lên một tầm cao mới cả về quy mô và chất lượng. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Chủ tịch Ba-rô-sô đã nhất trí về các biện pháp quan trọng như: thiết lập cơ chế đối thoại thường xuyên ở cấp Thủ tướng và Chủ tịch Uỷ ban châu Âu và cấp Bộ trưởng Ngoại giao - Uỷ viên phụ trách đối ngoại của EC; thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư; đưa kim ngạch trao đổi thương mại từ 12 tỉ USD năm 2007 lên 15 tỉ USD vào 2010; tăng cường hợp tác trong lĩnh vực khoa học – công nghệ và tiến tới đàm phán ký kết một hiệp định hợp tác trong lĩnh vực này. Chủ tịch Ba-rô-sô hứa nghiên cứu tích cực các đề nghị của Chính phủ Việt Nam như sẽ hỗ trợ về mặt kỹ thuật để Việt Nam sớm được công nhận là nước có nền kinh tế thị trường, cho Việt Nam được hưởng chế độ ưu đãi thuế quan (GSP) và ngoài áp thuế đối với giày mũ da của Việt Nam hiện nay sẽ không tiến hành thêm bất kỳ cuộc điều tra chống bán phá giá nào đối với các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam như xe đạp, bóng đèn huỳnh quang, chốt cài inox, oxit kẽm...cũng như giúp Việt Nam trong lĩnh vực nâng cao chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm.
Nhân dịp này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã cám ơn Uỷ ban châu Âu đã viện trợ 2 triệu Euro giúp Việt Nam khắc phục hậu quả của cơn bão số 5 Lekima và đánh giá cao việc Uỷ ban châu Âu hứa sẽ sẵn sàng xem xét giúp đỡ thêm cho các tỉnh của Việt Nam bị thiên tai hiện nay.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Chủ tịch Ba-rô-sô cũng đã trao đổi về các vấn đề khu vực và quốc tế mà hai bên cùng quan tâm và thoả thuận hai bên sẽ tích cực phối hợp trong các diễn đàn quốc tế và đa phương.
Sau cuộc hội đàm, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Chủ tịch Uỷ ban châu Âu Ba-rô-sô đã ra Thông cáo chung chính thức khởi động cuộc đàm phán Hiệp định Đối tác và Hợp tác giữa Việt Nam với EU. Đây sẽ là một khuôn khổ hợp tác cơ bản nhằm đưa quan hệ hai bên sang một giai đoạn mới, toàn diện và hiệu quả, đáp ứng lợi ích của hai bên, cũng như các thách thức của toàn cầu hoá và hội nhập trong những thập kỷ tới.
Cuộc hội đàm diễn ra trong bầu không khí thân mật, hữu nghị và hiểu biết lẫn nhau./.
Back Top page Print Email |