Cụ thể hoá quan hệ song phương Việt Nam - Belarus
Nhận lời mời của Chủ tịch nước Cộng hoà XHCN Việt Nam Nguyễn Minh Triết, Tổng thống nước Cộng hoà Belarus Lukashenko sẽ thăm chính thức Việt Nam bắt đầu từ ngày 7/4. Nhân dịp này, ngày 4/4, tại Phủ Tổng thống ở thủ đô Minsk, Tổng thống Lukashenko đã dành cho phóng viên VOV thường trú tại Liên bang Nga và các nước SNG cuộc gặp và phỏng vấn.
PV: Trước tiên xin cảm ơn Ngài Tống thống đã dành cho chúng tôi cuộc phỏng vấn này. Thưa Ngài, để người dân Việt Nam có thể hình dung về đất nước Belarus, Ngài sẽ giới thiệu những gì?
Tổng thống Lukashenko: Có thể nói, nét đặc trưng của xã hội Belarus hiện nay là rất ổn định. Chúng tôi đã xây dựng được một nhà nước độc lập, chủ quyền của riêng mình. Belarus từng là một nước cộng hoà thuộc Liên Xô trước đây. Sau khi Liên Xô tan rã chúng tôi đã không bị ảnh hưởng bởi các lý thuyết kinh tế tự do, do đó những thành tựu và tiềm năng sản xuất của Belarus được chúng tôi giữ gìn và phát triển. Chúng tôi đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, từ lĩnh vực vũ trụ cho tới nông nghiệp, chế tạo máy, hoá chất… Belarus không có nguồn tài nguyên thiên nhiên lớn nào, nhất là các nguồn năng lượng như dầu mỏ và khí đốt. Chính bởi vậy, chúng tôi quyết định phải bảo vệ các thành tựu, tiềm năng trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp đã có được từ thời Xô Viết.
Tăng trưởng GDP của Belarus trong những năm gần đây luôn ở mức cao đạt từ 8,5% đến hơn 10%. Điều này không phải là ngẫu nhiên mà chính là kết quả của cách làm việc có hệ thống, có cân nhắc của Belarus. Hiện nay 30% xe tải hạng nặng như Belaz, Kamaz, 6% các loại máy kéo trên thị trường thế giới là sản phẩm của Belarus. Tôi muốn nhấn mạnh rằng, tốc độ tăng trưởng này chủ yếu có được nhờ sản xuất công nghiệp và nông nghiệp chứ không dựa vào việc xuất khẩu dầu, khí đốt hay khoáng sản…
Một điều nữa cũng rất đáng nói là số người thất nghiệp tại Belarus hiện nay chỉ ở mức hơn 1%. Theo đánh giá về “chỉ số phát triển con người” được Liên Hợp Quốc tiến hành hàng năm thì Belarus luôn xếp thứ nhất trong Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG) và đạt mức khá cao tại châu Âu.
Về chính trị, chúng tôi thực hiện chính sách đối ngoại đa phương, đa dạng hoá và sẵn sàng hợp tác với tất cả các nước trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau và cùng có lợi. Belarus có quan hệ gần gũi nhất với Liên bang Nga, và chúng tôi đang xây dựng nhà nước liên minh với Nga.
PV: Thưa ngài, CHXHCN Việt Nam và Cộng hòa Belarus thiết lập quan hệ ngoại giao từ cách đây 16 năm. Quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt giữa hai nước từng được báo chí Việt Nam nhận định là như quan hệ giữa hai nước láng giềng và giữa những người bạn. Vậy Ngài đánh giá như thế nào về mối quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước?
Tổng thống Lukashenko: Trong những năm cuối thế kỷ trước, quan hệ giữa hai nước chúng ta gần gũi như những người anh em. Có lẽ không có nước nào trên thế giới lại có mối quan hệ hữu nghị truyền thống anh em gần gũi với nhân dân Việt Nam như Belarus. Bởi vì cả hai nước chúng ta đều từng trải qua chiến tranh và bị tàn phá nặng nề. Người Bêlarus chúng tôi cũng như người Việt Nam, rất yêu lao động. Chúng ta có rất nhiều điểm tương đồng và lãnh đạo cũng như nhân dân hai nước đều mong muốn xây dựng đất nước phát triển, phồn vinh. Trao đổi kinh tế thương mại giữa hai nước năm 2007 đạt giá trị hơn 60 triệu USD. Tuy nhiên với một nền kinh tế mạnh của Belarus và một đất nước đang phát triển với tốc độ mạnh mẽ của một “con hổ” như Việt Nam thì đó là con số chưa tương xứng.
Việt Nam hiện có dân số hơn 85 triệu người và các bạn sẽ còn phát triển mạnh mẽ, chúng ta lại có sự thông cảm và hiểu biết lẫn nhau, đó là những tiềm năng rất lớn để thúc đẩy quan hệ giữa hai nước. Chúng tôi mong rằng các doanh nghiệp Việt Nam và các nhà lãnh đạo Việt Nam quan tâm hơn nữa tới nền sản xuất tiên tiến của Belarus để các bạn có thể hiểu rằng chúng tôi có những điều kiện tốt và mong các bạn quan tâm tới lĩnh vực hợp tác liên doanh. Chúng tôi đã từng thành lập một nhà máy sản xuất lớn ở Venezuela và mang lại nhiều lợi nhuận cho đất nước này thì tại sao chúng ta lại không thiết lập những xí nghiệp liên doanh như vậy ở Việt Nam? Hiện nay, tôi biết Việt Nam đang cần các loại sản phẩm hiện đại như ô tô, máy kéo, xe đạp và nhiều sản phẩm khác. Bởi vậy trao đổi thương mại phải là một cơ sở mạnh cho phát triển quan hệ kinh tế. Chúng tôi sẽ mua những hàng hoá Việt Nam có và ngược lại những thứ hàng hoá thế mạnh của chúng tôi sẽ được giới thiệu và chào bán cho Việt Nam.
Belarus đã đào tạo cho Việt Nam khoảng hơn 3.000 chuyên gia và nhiều người trong số họ trở thành các nhà lãnh đạo cấp cao của Việt Nam như Bộ trưởng, Hiệu trưởng trường Đại học.... Chính họ là những nhân tố thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ song phương. Chúng tôi mong là các bạn Việt Nam đến học tập ở đất nước chúng tôi nhiều hơn bởi chúng tôi có nền giáo dục tiên tiến. Và cũng chính bởi vậy chương trình hợp tác giáo dục giữa hai nước cũng là một lĩnh vực rất quan trọng.
Ngoài những quan hệ song phương, trên trường quốc tế, hai nước chúng ta đã có sự phối hợp hoạt động rất tốt. Chúng ta luôn ủng hộ lẫn nhau trong các hoạt động chung. Belarus đã ủng hộ Việt Nam trở thành thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an LHQ cũng như ở nhiều cơ quan chức năng và tổ chức quốc tế khác.
PV: Thưa Ngài, chuyến thăm Việt Nam lần thứ hai này của Ngài hẳn cũng có những mục tiêu để thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai nước. Ngài có thể cho biết ý nghĩa của chuyến thăm và những dự định của hai bên trong chuyến thăm Việt Nam lần này?
Tổng thống Lukashenko: Chuyến thăm lần này, tôi hy vọng là sẽ tạo một xung lực mới để chúng ta thúc đẩy quan hệ mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực chính trị, quan hệ quốc tế và đặc biệt là trên lĩnh vực kinh tế. Chúng tôi rất mong thiết lập những xí nghiệp liên doanh ở Việt Nam và thu hút các bạn Việt Nam vào làm việc ở những lĩnh vực các bạn quan tâm. Đây sẽ là một trong những nội dung mà tôi sẽ trao đổi với Ngài Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam và cũng bởi vậy đây sẽ là nội dung rất quan trọng của chuyến thăm Việt Nam lần này của tôi. Hai bên dự định sẽ ký kết một loạt văn kiện hợp tác trên rất nhiều lĩnh vực, từ đào tạo, du lịch đến hoạt động lãnh sự, tiêu chuẩn, đo lường... Tôi đến Việt Nam cùng với rất nhiều nhà lãnh đạo của các công ty, xí nghiệp, doanh nghiệp sản xuất lớn. Họ sẽ có những cuộc gặp gỡ, tiếp xúc cụ thể với lãnh đạo của các Bộ, ngành, các doanh nghiệp tương ứng của Việt Nam để thúc đẩy các mối quan hệ trong việc trao đổi thương mại. Đây sẽ là cơ sở quan trọng để thúc đẩy sự có mặt của Việt Nam ở Belarus và sự có mặt của Belarus ở Việt Nam. Bởi vậy, điều quan trọng nhất của chuyến thăm là chúng ta có thể cụ thể hoá mối quan hệ song phương, nâng cao mức quan hệ trong lĩnh vực kinh tế. Chuyến thăm Việt Nam lần này của tôi có ý nghĩa rất quan trọng bởi nó là sự khẳng định về mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước chúng ta và giữa nhân dân hai nước.
PV: Thưa Ngài Tổng thống, cộng đồng người Việt Nam ở Belarus không đông, nhưng họ đã có những đóng góp nhất định cho đất nước Belarus. Ngài đánh giá thế nào về họ?
Tổng thống Lukashenko: Trước hết tôi xin đính chính rằng, họ là những người của chúng tôi. Họ đã là người Belarus, người Việt Nam - Belarus. Bởi họ đã sống ở đất nước chúng tôi khá lâu. Họ là một bộ phận tốt của xã hội chúng tôi, họ rất yêu lao động. Chúng tôi ủng hộ họ và họ cũng đã là những người công dân của đất nước chúng tôi. Chúng tôi luôn đối xử tốt với họ như những người Belarus. Tôi xin khẳng định lại rằng, họ là những con người rất yêu lao động, họ đã làm việc tích cực và có cuộc sống tốt ở đất nước chúng tôi. Chúng tôi luôn sẵn sàng đón nhận những ai đến đây để làm việc, sinh sống và an cư ở đây; sẵn sàng đón nhận những ai mong muốn chung tay xây dựng mảnh đất này, xây dựng Belarus như trên quê hương mình.
Cuối cùng, tôi rất cảm ơn các bạn, các phóng viên Việt Nam đã tới đây và sẽ đưa những thông tin này về Việt Nam. Điều này sẽ giúp cho chuyến thăm Việt Nam của chúng tôi có ý nghĩa hơn. Tôi mong rằng các bạn Việt Nam sẽ biết nhiều hơn về Belarus. Sau chuyến thăm này tôi hy vọng là chúng ta sẽ trao đổi thông tin nhiều hơn về nhau.
PV: Xin một lần nữa cảm ơn Ngài đã dành thời gian trả lời phỏng vấn và xin chúc Ngài thành công trong chuyến thăm Việt Nam./.(VOV)
Quay lại Đầu trang In trang Gửi mail |
Các tin liên quan: |
|