Trang chủ     Đăng ký nhận tin    Ý kiến bạn đọc   Liên kết website English 
Thứ hai, ngày 23 tháng 12 năm 2024 Tìm kiếm
 Tìm kiếm nâng cao

Bang Victoria sẵn sàng hợp tác với Việt Nam trong đào tạo nguồn nhân lực y tế cho công tác dự phòng và điều trị HIV/AIDS

Sau khi thăm một số trung tâm dịch vụ tư vấn, điểm phát bơm kim tiêm miễn phí, chăm sóc sức khoẻ, và điều trị cai nghiện cho những người dùng sử dụng ma tuý và những người bị nhiễm HIV/AIDS của bang Victoria; ngày 7/5, tại Melbourne, bang Victoria, Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Vĩnh Trọng đã có cuộc gặp gỡ, trao đổi với Toàn quyền David De Kretser và tham dự tọa đàm về luật pháp phòng, chống ma tuý của bang Victoria.


 
Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng và Toàn quyền bang Victoria David De Kretser tại Phủ Toàn quyền bang Victoria


Nhấn mạnh mục đích chuyến thăm, Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng mong muốn chính quyền bang Victoria tiếp tục có các chương trình hợp tác, hỗ trợ các địa phương của Việt Nam trong công tác đấu tranh phòng chống tệ nạn ma tuý và đại dịch HIV/AIDS, nhất là hợp tác trong lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực y tế cho công tác phòng và điều trị HIV/AIDS tại Việt Nam.

Thay mặt Chính phủ Việt Nam, Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng cảm ơn chính quyền bang Victoria đã tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng người Việt đang sinh sống, học tập và làm việc tại bang Victoria có cuộc sống ổn định.

Toàn quyền David De Kretser chào mừng chuyến thăm và làm việc tại Australia của Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng và Đoàn cấp cao của Chính phủ Việt Nam, nhấn mạnh chuyến thăm không chỉ góp phần tăng cường mối quan hệ hợp tác mạnh mẽ trong công tác đấu tranh phòng chống ma tuý và phòng chống HIV/AIDS còn mở ra nhiều khả năng và cơ hội hợp tác mới trên các lĩnh vực khác giữa Việt Nam và Liên bang Australia và giữa các tiểu bang của Australia với các bộ ngành, địa phương của Việt Nam.

Toàn quyền David De Kretser khẳng định, bang Victoria luôn sẵn sàng hợp tác với Việt Nam trong vấn đề đào tạo nguồn nhân lực về y tế phục vụ cho công tác này. Ông cũng nhấn mạnh một số lợi thế của bang Victoria có thể đẩy mạnh hợp tác với Việt Nam như giáo dục đào tạo, y tế dự phòng, công nghiệp, cơ khí chế tạo…

Tại  buổi tọa đàm về luật pháp về phòng, chống ma tuý, Phó Ủy viên Hội đồng cảnh sát bang Victoria Simon Overland đã giới thiệu chương trình thực thi chiến lược phòng, chống tội phạm về ma tuý của cảnh sát bang Victoria; Giáo sư Jon Currie, Chủ tịch Hội đồng đa ngành trong phòng chống nghiện ma tuý và rượu  trình bày bản chất của việc nghiện ma tuý và cách tiếp cận đa ngành trong điều trị.

Phó Uỷ viên Simon Overland cho biết, hiện tại cảnh sát của bang Victoria đang tiến hành phân chia mạnh mẽ các khu địa giới hành chính trong bang nhằm đảm bảo hiệu quả của giải pháp giảm cung về ma tuý; tăng cường công tác quản lý và xử lý các các loại hình tội phạm liên quan tới buôn bán, vận chuyển ma tuý và các chất gây nghiện khác. Trong thời gian qua, tình trạng buôn bán ma tuý từ nước ngoài và từ các tiểu bang khác của Australia vào bang Victoria đã giảm đi đáng kể. Việc phân chia địa giới để kiểm sát, ngăn chặn tình trạng nhập lậu ma tuý vào địa bàn của bang được coi là biện pháp điều trị “tận gốc”, bà Simon Overland nhấn mạnh. Tội phạm ma tuý chiến tỉ lệ 43% trong số các loại hình tội phạm xã hội ở bang Victoria là một tỉ lệ tương đối cao, việc hạ tỉ lệ tội phạm ma tuý cũng là một trong những mục tiêu quan trong trong chiến lược hành động của cảnh sát bang này. 

Giáo sư Jon Currie, Chủ tịch Hội đồng đa ngành trong phòng chống nghiện ma tuý và rượu bang Victoria cho rằng, bản chất của nghiện ma tuý là một bệnh mãn tính, một thói quen được lặp đi lặp lại trong não bộ, có thể hoàn toàn loại bỏ. Điều quan trọng là phải có thời gian và phương pháp để thay đổi. Theo Giáo sư Jon Currie, giai đoạn quan trọng nhất để thay đổi thói quen sử dụng ma tuý là giai đoạn cắt cơn nghiện, hiện nay việc điều trị để cắt cơn nghiện bằng Metadone được áp dụng khá thành công ở bang Victoria. Tuy nhiên ông cũng nhấn mạnh sau khi đã cắt được cơn nghiện, các biện pháp trị liệu về tâm lý, đào tạo nghề, giải quyết việc làm sau cai nghiện là yếu tố quyết định. Phương pháp ở đây là sự kết hợp hài hoà, linh hoạt giữa các giai đoạn trong quá trình điều trị cai nghiện cũng như sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị liên quan trong công tác này như công an, y tế… từ lúc người nghiện cắt cơn cho tới tới lúc có thể trở về tái hoà nhập cộng đồng.

(Cổng TTĐT Chính phủ)

 
Quay lại Đầu trang In trang Gửi mail

Bản quyền của Vụ Thông Tin Báo Chí - Bộ Ngoại Giao
© Copyright by Press and Information Department - Vietnam Ministry of Foreign Affairs
Email: Banbientap@mofa.gov.vn 
Hiển thị tốt nhất với Internet Explorer. Best viewed with Internet Explorer