Đức ông Parolin: Việt Nam và Vatican đã xích lại gần nhau
Trả lời phỏng vấn của TTXVN nhân chuyến thăm và làm việc thường niên tại Việt Nam lần thứ 15, từ 9-15/6, Đức ông Pietro Parolin nói: “Chúng tôi đã giành cả ngày để đối thoại với Ban Tôn giáo Chính phủ. Tôi cho rằng chính cuộc đối thoại này đã là một kết quả và tin rằng hai bên sẽ tìm được giải pháp thông qua đối thoại, gặp gỡ và trao đổi”.
Đức ông cũng cho biết, ngoài việc đối thoại với các cơ quan Chính phủ, trong chuyến thăm Việt Nam lần này, phái đoàn cũng nhằm mục đích thăm và gặp gỡ giáo dân, các chức sắc công giáo ở các nhà thờ tại nhiều địa phương. Theo chương trình, sau hai ngày làm việc tại Hà Nội, ngày 11/6, đoàn đã rời Hà Nội đi thăm các tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Lâm Đồng, Thành phố Hồ Chí Minh và Bình Dương.
Liên quan đến tiến trình thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai bên, Đức ông Pietro Parolin cho biết hai bên đều đang hướng tới mục tiêu này, thông qua các chuyến thăm của đoàn Vatican đến Việt Nam và chuyến thăm Toà thánh của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng năm ngoái. “Chúng tôi đã thống nhất thiết lập các nhóm làm việc để bàn về vấn đề này và khi được thành lập, họ sẽ có lịch trình cụ thể”, Thứ trưởng Pietro Parolin cho biết.
Về việc thực hiện chính sách tôn giáo ở Việt Nam thời gian qua, Thứ trưởng nhận định việc tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong các sinh hoạt tôn giáo là “sự thực hiện chính sách tự do tín ngưỡng”.
Cũng liên quan đến vấn đề này, trong phiên làm việc với phái đoàn Vatican ngày 10/6, đại diện phía Việt Nam, Trưởng Ban tôn giáo Chính phủ Nguyễn Thế Doanh khẳng định Việt Nam đã xác định tôn giáo là nhu cầu tinh thần của người dân, như một hiện tượng xã hội khách quan tồn tại trong cộng đồng dân cư, coi đồng bào có đạo là một bộ phận không thể tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam.
Ông Doanh cho biết thêm, chủ trương này đã được thể hiện trong các văn bản pháp luật liên quan, gần đây nhất là Pháp lệnh tôn giáo ban hành năm 2004 nhằm phục vụ nhu cầu tôn giáo chính đáng của người dân, tạo thuận lợi cho các hoạt động tôn giáo trong khuôn khổ, làm cho đồng bào có đạo yên tâm sống trong lòng dân tộc và góp phần thực hiện công cuộc đổi mới hội nhập, trong đó có lĩnh vực tôn giáo.
Với việc công nhận thêm 4 tôn giáo và cấp chứng nhận hoạt động cho nhiều tổ chức tôn giáo, hiện cả nước có 10 tôn giáo với gần 30 tổ chức tôn giáo được công nhận chính thức.
Riêng Thiên chúa giáo, cũng theo Trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ, mở rộng các cơ sở đào tạo và mạng lưới các giáo xứ, giáo họ là một trong những điểm nổi bật thể hiện sự quan tâm của Nhà nước đối với tôn giáo này thời gian qua. Năm 2007, đã có 300 giáo xứ được thành lập thêm, nâng tổng số giáo xứ trên cả nước lên con số 3000. Cùng với đó, 6 đại chủng viện cũng được thành lập để đào tạo giáo chức cho các giáo xứ.
Ông Nguyễn Thế Doanh cũng ghi nhận sự đóng góp của đồng bào công giáo trên nhiều lĩnh vực của cuộc sống, nhất là thông qua nhiều hoạt động từ thiện xã hội, coi đây là hoạt động thể hiện giá trị đạo đức tốt đẹp của tôn giáo. Riêng năm 2007, đã có 11 tỷ đồng được các giáo xứ quyên góp để giúp đỡ các đối tượng khó khăn trong xã hội./.(TTXVN)
Back Top page Print Email |