Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh tham dự Hội nghị Bộ trưởng lần thứ 15 của Phong trào Không liên kết

Từ ngày 29-30/7/2008, Hội nghị Bộ trưởng ngoại giao lần thứ 15 của Phong trào Không liên kết đã họp tại Thủ đô Tê-hê-ran, I-ran với sự tham gia của các đoàn đại biểu 118 nước thành viên của Phong trào, trong đó có đoàn đại biểu Việt Nam do Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao dẫn đầu.

Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao lần thứ 15 của Phong trào Không liên kết

Tham gia Hội nghị còn có đại diện của nhiều nước quan sát viên, các tổ chức LHQ và nhiều tổ chức quốc tế khác. Công việc chính của Hội nghị là kiểm điểm việc thực hiện Chương trình hành động được Hội nghị cấp cao KLK 14 thông qua tại La Ha-ba-na, Cu-ba, tháng 9/2006, thảo luận các vấn đề cấp thiết trong tình hình quốc tế hiện nay và chuẩn bị cho Hội nghị cấp cao KLK 15 dự kiến sẽ họp tại Ai-cập vào tháng 7/2009.

 Đánh giá tình hình quốc tế, Hội nghị nhất trí cho rằng các nước KLK đang đứng trước những cơ hội lớn để thực hiện mong muốn xây dựng một thế giới hoà bình, thịnh vượng và công bằng hơn, trước hết là nhờ vào ý thức ngày càng mạnh mẽ của các dân tộc về độc lập, tực chủ, tiến bộ xã hội và sự phát triển của liên kết kinh tế.  Tuy nhiên, thế giới tiếp tục đứng trước nhiều thách thức nghiêm trọng cả về hoà bình, an ninh, phát triển và môi trường là kết quả của xu hướng gia tăng hành động đơn phương, sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế của một số nước lớn và sự thiếu hợp tác của các nước phát triển trong việc xây dựng môi trường kinh tế, tài chính, thương mại quốc tế cởi mở và công bằng. Nhiều nước bày tỏ lo ngại về những khó khăn mới gây ra bởi những biến đổi bất lợi của khí hậu, giá dầu và lương thực tăng cao và nguy cơ của suy thoái kinh tế toàn cầu.  Các đại biểu hoan nghênh hoạt động tích cực trong thời gian qua của Phong trào KLK đã nâng cao vị thế của Phong trào trong đời sống quốc tế, góp phần bảo vệ tốt hơn lợi ích của các nước thành viên thông qua việc tăng cường phối hợp tại Liên Hợp Quốc, kịp thời có tiếng nói trên các vấn đề quốc tế quan trọng, mở rộng hợp tác giữa các nước thành viên, trong đó có hợp tác chuyên ngành.  

Phát biểu tại phiên thảo luận chung của Hội nghị, Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh bày tỏ sự đánh giá cao của Việt Nam về nhiều thành tựu đạt được trong việc thực hiện các quyết định của Hội nghị cấp cao La-ha-ba-na, nhất là sự phối hợp chặt chẽ hơn giữa các thành viên KLK trên nhiều vấn đề. Việt Nam mong muốn các nước thành viên sẽ kiên trì đề cao các mục đích, nguyên tắc KLK, triển khai các biện pháp cụ thể để tăng cường tình đoàn kết, sự hỗ trợ lẫn nhau trong Phong trào và ủng hộ nỗ lực thúc đẩy các đối tác quốc tế thực hiện các cam kết của mình, trong đó có việc dành hỗ trợ, ưu đãi thoả đáng về kinh tế, thương mại cho các nước đang phát triển.  Trong bài phát biểu của mình, ông Phạm Bình Minh cũng nêu những hoạt động của Việt Nam trên những vấn đề được các nước KLK quan tâm tại Hôị đồng Bảo an, trong đó có việc góp phần giải quyết các căng thẳng, xung đột khu vực, phát huy vai trò của Nhóm các nước KLK tại HĐBA và mới đây nhất với tư cách là Chủ tịch HĐBA trong tháng 7/2008 đã đưa ra sáng kiến tổ chức thảo luận mở về tình hình Trung Đông.  

Hội nghị đã thông qua Văn kiện cuối cùng, trong đó có nội dung về phương hướng hoạt động của Phong trào trên các vấn đề toàn cầu và khu vực, đề ra những ưu tiên như nâng cao hiệu quả hoạt động của Phong trào, thúc đẩy chủ nghĩa đa phương, tăng cường vai trò trung tâm của LHQ trong đời sống quốc tế và bảo vệ lợi ích của các nước đang phát triển. Trên những vấn đề thời sự có nhiều quan tâm của cộng đồng quốc tế, Hội nghị lo ngại sâu sắc là các quyết định gần đây của Công tố viên của Toà án Hình sự quốc tế (ICC) chống Tổng thống Xu-đan có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến các nỗ lực nhằm sớm giải quyết cuộc xung đột tại Đa-phua, Xu-đăng. Hội nghị thông qua Tuyên bố về Zim-ba-bu-ê ủng hộ vai trò của Liên minh châu Phi (AU), hoan nghênh đối thoại hiện nay giữa các bên và bày tỏ lo ngại sâu sắc về việc áp đặt các biện pháp trừng phạt đơn phương đối với nước này.  Hội nghị cũng thông qua Tuyên bố về vấn đề hạt nhân I-ran, khẳng định lại các tuyên bố trước đây của Phong trào theo hướng ủng hộ quyền của I-ran trong việc sử dụng hạt nhân vì mục đích hoà bình, kêu gọi giải quyết hoà bình các bất đồng và ghi nhận một số kết quả mới trong hợp tác giữa I-ran và Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA).

Bản quyền của Vụ Thông Tin Báo Chí - Bộ Ngoại Giao
© Copyright by Press and Information Department - Vietnam Ministry of Foreign Affairs
Email: Banbientap@mofa.gov.vn