Trang chủ     Đăng ký nhận tin    Ý kiến bạn đọc   Liên kết website English 
Thư tư, ngày 01 tháng 01 năm 2025 Tìm kiếm
 Tìm kiếm nâng cao

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết hội đàm với Tổng thống LB Nga Đ.Mét-vê-đét

(Website-BNG)- Nhận lời mời của Tổng thống Liên bang Nga Đ. Mét-ve-đép, Chủ tịch nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam Nguyễn Minh Triết và phu nhân đã thăm chính thức Liên bang Nga từ ngày 26-29/10/2008.

Ngày 27/10/2008, Chủ tịch Nguyễn Minh Triết đã hội đàm với Tổng thống Liên bang Nga Đ. Mét-ve-đép. Cùng dự về phía Việt Nam có Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm; Bộ trưởng Bộ Công thương, Chủ tịch Phân ban Việt Nam trong Ủy ban liên Chính  phủ về hợp tác kinh tế, thương mại và khoa học kỹ thuật Việt - Nga  Vũ Huy Hoàng; Đại sứ Việt Nam tại Liên bang Nga Bùi Đình Dĩnh và lãnh đạo các bộ, ngành liên quan. Về phía Nga có Bộ trưởng Ngoại giao Xéc-gây La-vờ-rốp (Sergey Lavrov), Bộ trưởng Công thương, Chủ tịch Phân ban Nga trong Ủy ban liên Chính phủ về hợp tác kinh tế, thương mại, khoa học kỹ thuật Nga - Việt Víc-to Khờ-ri-xten-cô (Viktor Khristenko), Đại sứ Liên bang Nga tại Việt Nam V. Xê-ra-phi-mốp (V. Serafirmov) và lãnh đạo các bộ, ngành liên quan của Nga.

 Cuộc hội đàm diễn ra trên tinh thần hữu nghị, tin cậy và hoàn toàn hiểu biết lẫn nhau. Lãnh đạo hai nước đã đánh giá cao quan hệ Việt - Nga thời gian qua, nhất trí đề ra các biện pháp cụ thể nhằm đẩy mạnh hơn nữa cả về chiều rộng và chiều sâu sự hợp tác toàn diện giữa hai nước, trao đổi ý kiến về nhiều vấn đề quốc tế và khu vực hai bên cùng quan tâm. Hai bên ghi nhận sự trùng hợp và gần gũi quan điểm trên các vấn đề quốc tế và khu vực, khẳng định tiếp tục hợp tác chặt chẽ,  ủng hộ lẫn nhau trên các diễn đàn quốc tế. Tổng thống Đ. Mét-ve-đép khẳng định Liên bang Nga đánh giá cao vai trò của Việt Nam tại Đông Nam Á và châu Á, coi phát triển quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam là một ưu tiên trong chính sách của Nga tại Đông Nam Á. Về phần mình, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết nhấn mạnh quan hệ đối tác chiến lược và hợp tác toàn diện với Liên bang Nga là một ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Việt Nam. 

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và Tổng thống Đ. Mét-ve-đép nhất trí cần tiếp tục đối thoại chính trị thường xuyên ở cấp cao để trao đổi các vấn đề thời sự liên quan đến quan hệ song phương và tình hình quốc tế trên tinh thần tin cậy đối tác chiến lược. Hai bên nhấn mạnh tầm quan trọng của các mối quan hệ toàn diện giữa Quốc hội, các bộ, ngành, các địa phương, các tổ chức xã hội và doanh nghiệp hai nước. Hai bên nhất trí sẽ tiếp tục bổ sung, hoàn thiện cơ sở pháp lý của quan hệ song phương.

Hai bên ghi nhận rằng, quan hệ Việt - Nga thời gian qua phát triển tích cực, đặc biệt trong các lĩnh vực chính trị, đối ngoại, an ninh - quốc phòng, giáo dục - đào tạo và khoa học - kỹ thuật.

 Hai bên đánh giá, quan hệ  kinh tế, thương mại và đầu tư Việt - Nga có nhiều tiến triển với việc kim ngạch thương mại tăng trung bình khoảng 15%/mỗi năm kể từ năm 2005 trở lại đây và năm 2008 dự kiến đạt 1,6 tỷ USD và nhiều dự án hợp tác tiềm năng mở ra giữa hai nước. Hai bên nhất trí mở rộng hơn nữa hợp tác trong các lĩnh vực quan trọng như dầu khí, năng lượng, chế tạo máy, khai khoáng, ngân hàng, viễn thông trên cơ sở lâu dài, phát huy thế mạnh và khả năng của mỗi nước, theo nguyên tắc bình đẳng và cùng có lợi, không ngừng nâng cao chất lượng và hiệu quả hợp tác. Hai bên đánh giá cao và thỏa thuận sẽ tăng cường vai trò điều phối của Ủy ban liên Chính phủ Việt - Nga về hợp tác kinh tế, thương mại và khoa học kỹ thuật, giám sát các bộ, ngành thực hiện nghiêm túc Danh mục các nhiệm vụ ưu tiên của quan hệ đối tác chiến lược Việt - Nga được đề ra từng năm, thực hiện những thỏa thuận đã đạt được và tìm phương thức giải quyết hiệu quả nhất những vấn đề tồn tại.

 Lãnh đạo hai nước nhấn mạnh tầm quan trọng của việc mở rộng hơn nữa hợp tác truyền thống trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo, văn hóa, du lịch. Phía Nga bày tỏ sẵn sàng tiếp tục giúp Việt Nam đào tạo cán bộ, trong đó có các ngành công nghệ cao, nghệ thuật và vận động viên thành tích cao. Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đề nghị và được Tổng thống Mét-ve-đép hưởng ứng thuận lợi về khả năng lập trường Đại học liên kết Nga - Việt tại Việt Nam thời gian tới.

Để tạo thuận lợi hơn nữa cho các lĩnh vực hợp tác giữa  hai nước, Việt Nam đã quyết định từ 01/01/2009 miễn thị thực nhập cảnh cho công dân Nga vào Việt Nam trong vòng 15 ngày trên cơ sở đơn phương và mong Nga tạo thuận lợi cho công dân Việt Nam nhập cảnh vào Nga.

Về cộng đồng người Việt Nam tại Liên bang Nga, Tổng thống Đ. Mét-ve-đép ủng hộ các đề nghị của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, cam kết Nga sẽ tích cực hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi để công dân Việt Nam được sinh sống, học tập và làm việc lâu dài, ổn định tại Liên bang Nga.

Hai bên cho rằng chuyến thăm Liên bang Nga của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã thành công tốt đẹp,  là một mốc mới quan trọng trong việc củng cố và tăng cường mối quan hệ hữu nghị truyền thống và đối tác chiến lược Việt - Nga, vì lợi ích của nhân dân mỗi nước, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở các khu vực và trên toàn thế giới.

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã mời Tổng thống Liên bang Nga thăm Việt Nam. Tổng thống Đ. Mét-ve-đép đã vui vẻ nhận lời.

Sau Hội đàm, Lãnh đạo hai nước đã chứng kiến lễ ký một số văn kiện quan trọng trong các lĩnh vực hợp tác  kinh tế - thương mại, khoa học - kỹ thuật: Hiệp định liên chính phủ giữa Việt Nam và Liên bang Nga trong lĩnh vực bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ; Hiệp định giữa Chính phủ CHXHCN Việt Nam và Liên bang Nga về việc công dân Việt Nam làm việc có thời hạn tại Liên bang Nga và công dân Liên bang Nga làm việc có thời hạn tại nước CHXHCN Việt Nam; Hiệp định giữa Chính phủ CHXHCN Việt Nam và Chính phủ Liên bang Nga về hợp tác đấu tranh chống di cư bất hợp pháp; Hiệp định giữa Chính phủ CHXHCN Việt Nam và Chính phủ Liên bang Nga về nhận trở lại công dân; Kế hoạch hành động Việt-Nga đến năm 2012 trong lĩnh vực thương mại và đầu tư; Thỏa thuận hợp tác giữa Thông tấn xã Việt Nam và Hãng thông tấn Nga ITAR-TASS trong lĩnh vực thông tin. Trong thời gian chuyến thăm, hai bên cũng đã ký một số thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực dầu khí./.

 
Quay lại Đầu trang In trang Gửi mail

Các tin liên quan:

Bản quyền của Vụ Thông Tin Báo Chí - Bộ Ngoại Giao
© Copyright by Press and Information Department - Vietnam Ministry of Foreign Affairs
Email: Banbientap@mofa.gov.vn 
Hiển thị tốt nhất với Internet Explorer. Best viewed with Internet Explorer