Trang chủ     Đăng ký nhận tin    Ý kiến bạn đọc   Liên kết website English 
Thứ bẩy, ngày 04 tháng 01 năm 2025 Tìm kiếm
 Tìm kiếm nâng cao

Cuối năm hoàn thành phân giới cắm mốc biên giới Việt-Trung

Nhân dịp cắm cột mốc 1116 tại cửa khẩu Hữu Nghị-Lạng Sơn, ngày 22/12, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Vũ Dũng, Trưởng đoàn Đoàn đại biểu Chính phủ đàm phán về biên giới lãnh thổ Việt Nam-Trung Quốc, đã trả lời phỏng vấn báo chí về vấn đề này.

Xin Thứ trưởng cho biết ý nghĩa của việc cắm cột mốc 1116 tại cửa khẩu Hữu Nghị-Lạng Sơn?

Thứ trưởng Vũ Dũng: Việc cắm cột mốc số 1116 tại cửa khẩu Hữu Nghị ngày hôm nay đã đánh dấu công tác phân giới cắm mốc trên biên giới đất liền Việt Nam-Trung Quốc đang tiến tới đích thắng lợi cuối cùng, hoàn thành công tác này trên thực địa trong năm 2008, đúng như Lãnh đạo cấp cao hai nước đã thỏa thuận.

Tại cửa khẩu Hữu Nghị, hai bên cắm 2 cột mốc ở hai bên đường quốc lộ, phía Việt Nam đã cắm mốc 1116 và phía Trung Quốc sẽ cắm mốc 1117, các mốc này đều là mốc lớn có gắn Quốc huy của hai nước ở hai mặt cột mốc. Kết quả này tuân thủ các quy định của Hiệp ước 1999 là: đường biên giới đi qua Km0, đi qua mốc 19 cũ do Pháp và nhà Thanh cắm và qua điểm nằm cách điểm nối ray 148m về phía Bắc.

Cửa khẩu Hữu Nghị là cửa khẩu quốc tế, là điểm đấu nối tuyến đường cao tốc Nam Ninh-Hà Nội. Đây là cầu nối hết sức quan trọng trong việc giao thương, phát triển quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và Trung Quốc nói riêng, cũng như Trung Quốc với cộng đồng ASEAN nói chung.

Việc hoàn thành phân giới và cắm mốc tại cửa khẩu Hữu Nghị sẽ tạo điều kiện cho hai Bên hoàn thành việc đấu nối 2 tuyến đường cao tốc Nam Ninh-Bằng Tường và Lạng Sơn-Hà Nội trong thời gian tới, tuyến đường huyết mạch để đẩy mạnh phát triển hành lang kinh tế Nam Ninh-Lạng Sơn-Hà Nội và vành đai kinh tế Vịnh Bắc Bộ giữa hai nước.

Năm 2008 sắp kết thúc, xin đồng chí cho biết tình hình phân giới cắm mốc trên toàn tuyến biên giới Việt Nam – Trung Quốc và khả năng hoàn thành toàn bộ nhiệm vụ này trong năm nay?

Thứ trưởng Vũ Dũng: Biên giới trên đất liền Việt Nam-Trung Quốc dài khoảng 1.400km. Kể từ khi cắm mốc giới đầu tiên tại cặp cửa khẩu Móng Cái (Quảng Ninh) và Đông Hưng (Quảng Tây) ngày 27/12/2001, trải qua hơn 7 năm bền bỉ phấn đấu, khắc phục muôn vàn khó khăn, gian khổ, đến nay các lực lượng phân giới cắm mốc của hai nước Việt Nam-Trung Quốc đã cơ bản hoàn thành công tác phân giới cắm mốc trên thực địa, phân giới được gần 1400km đường biên giới, đã cắm khoảng gần 2000 cột mốc, trong đó có 1.533 cột mốc chính.

Đồng thời đang khẩn trương tiến hành nghiệm thu thành quả phân giới cắm mốc, bảng đăng ký mốc giới, mô tả hướng đi của đường biên giới, hoàn chỉnh bản đồ đính kèm Nghị định thư phân giới cắm mốc…

Theo kế hoạch đã thỏa thuận tại vòng 30b cấp Chủ tịch Ủy ban Liên hợp phân giới cắm mốc, hai bên dự kiến sẽ hoàn thành toàn bộ công tác phân giới cắm mốc trên thực địa trước ngày 10/12/2008, đến nay, 6/7 tỉnh của ta là Lai Châu, Điện Biên, Lào Cai, Hà Giang, Quảng Ninh và Lạng Sơn đã hoàn thành công tác phân giới và cắm mốc trên thực địa; tỉnh Cao Bằng còn một số vị trí mốc chưa cắm. Hai Bên đang khẩn trương hoàn thành việc xác định và cắm những cột mốc cuối cùng còn lại trong tháng 12 này trên đường biên giới Việt-Trung như Lãnh đạo cấp cao hai nước đã thỏa thuận.

Như vậy, với tiến độ phân giới cắm mốc như hiện nay và với các biện pháp quan trọng chỉ đạo công tác phân giới cắm mốc mà hai Bên đã thỏa thuận, chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng rằng công tác phân giới cắm mốc trên tuyến biên giới Việt Nam-Trung Quốc sẽ hoàn thành thắng lợi trong năm 2008 như Lãnh đạo cấp cao hai nước đã thỏa thuận.

Việc hoàn thành công tác phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền Việt Nam-Trung Quốc đã mở ra một trang mới trong quan hệ hai nước, tạo môi trường thuận lợi để hai Bên tập trung phát triển kinh tế-xã hội khu vực biên giới, mở rộng giao lưu kinh tế, thương mại, góp phần xây dựng biên giới Việt-Trung hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.


(TTXVN/Vietnam+)

 
Quay lại Đầu trang In trang Gửi mail

Các tin liên quan:

Bản quyền của Vụ Thông Tin Báo Chí - Bộ Ngoại Giao
© Copyright by Press and Information Department - Vietnam Ministry of Foreign Affairs
Email: Banbientap@mofa.gov.vn 
Hiển thị tốt nhất với Internet Explorer. Best viewed with Internet Explorer