Hoạt động ngoại giao nghị viện, cùng với ngoại giao Chính phủ và ngoại giao nhân dân đã góp phần hỗ trợ thiết thực cho phát triển kinh tế và thúc đẩy quá trình hội nhập khu vực và quốc tế của đất nước.
Thực hiện chính sách mở cửa, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao và mở rộng quan hệ hợp tác với nhiều quốc gia trên thế giới. Trong sự phát triển chung đó có sự tham gia tích cực của đối ngoại Quốc hội trên cả hai lĩnh vực song phương và đa phương.
Quốc hội Việt Nam đã đẩy mạnh quan hệ với Quốc hội và nhân dân các nước trên thế giới, qua đó tăng cường tình đoàn kết, quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai bên.
Tính riêng trong năm 2008, Quốc hội Việt Nam đã đón 50 đoàn Quốc hội từ 21 nước thuộc các khu vực khác nhau tới thăm và làm việc, tiếp và làm việc với hàng trăm lượt khách quốc tế đi theo các kênh khác có mong muốn làm việc với Quốc hội. Quốc hội cũng tổ chức 43 đoàn đại biểu thăm và làm việc song phương tại các nước thuộc những khu vực khác.
Nếu như trước đây Việt Nam chỉ tham gia một tổ chức liên nghị viện là Liên minh nghị viện thế giới (IPU), thì nay Việt Nam đã là thành viên của 7 tổ chức liên nghị viện khác, đó là Liên minh nghị viện Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (AIPA), Liên minh nghị viện cộng đồng Pháp ngữ (APF), Diễn đàn đối tác nghị viện Á-Âu (ASEP), Đại hội đồng Nghị viện châu Á (APA), Diễn đàn nghị sĩ châu Á về dân số và phát triển (AFPPD), Tổ chức nghị sĩ châu Á về môi trường và phát triển (APPCED).
Ngoài việc tham gia tại 8 tổ chức liên nghị viện quốc tế nói trên, Việt Nam còn tham gia một số diễn đàn liên nghị viện hoạt động không thường xuyên khác.
Thông tin trên được đưa ra tại hội thảo "Ngoại giao nghị viện - Kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn Việt Nam", do Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Việt Nam phối hợp với Ủy ban châu Âu - Dự án hỗ trợ thể chế cho Việt Nam tổ chức, trong hai ngày 8 và 9/1, tại thành phố Đà Nẵng./.
(TTXVN/Vietnam+)