Quốc vương là người trẻ tuổi, có trình độ, được đào tạo bài bản và đã có thời gian dài tham gia công việc của Hoàng gia. Quốc vương luôn coi trọng sự thống nhất, hài hòa và thịnh vượng cho các thần dân của mình. Quốc vương luôn duy trì các nguyên tắc của Hoàng tộc mà vẫn quan tâm gần gũi với dân chúng. Năm 2005, Quốc vương đã lập quỹ Yayasan Diraja Sultan Mizan nhằm giúp người dân cải thiện và nâng cao mức sống.
Trong bối cảnh quan hệ hữu nghị và hợp tác toàn diện Việt Nam - Ma-lai-xi-a tiếp tục phát triển tốt đẹp, chuyến thăm của Quốc vương nhằm thúc đẩy hơn nữa những hợp tác giữa hai nước. Những năm gần đây, hai nước đã trao đổi nhiều đoàn cấp cao. Thông qua đó, mối quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa hai nước ngày càng được củng cố và tăng cường, nhất là trong các lĩnh vực: kinh tế, thương mại, đầu tư, lao động, dầu khí, văn hóa, giáo dục,…
Ma-lai-xi-a là đất nước đa chủng tộc với nền văn hóa đã dạng. Đây cũng nước sản xuất và xuất khẩu dầu cọ và cao su hàng đầu trên thế giới, các ngành kinh tế phát triển mạnh là: chế tạo, xây dựng và dịch vụ. Tốc độ tăng trưởng GDP của Ma-lai-xi-a trong giai đoạn từ 1970-1996 liên tục tăng và ở mức cao bình quân 6,7%/năm, cao nhất là năm 1990 là 9,8 %. Sau những năm 1997 và 1998 khủng hoảng kinh tế khá trầm trọng, tăng trưởng kinh tế (GDP) trong những năm gần đây khá ổn định (5,2% - 6,3%).
Quan hệ hợp tác về kinh tế, thương mại giữa hai nước phát triển không ngừng trong những năm qua. Trong 5 năm gần đây, kim ngạch buôn bán hai chiều giữa hai nước tăng trung bình 20%/năm. Năm 2006 đạt 2,7 tỷ USD, năm 2007 đạt 3,7 tỷ USD, năm 2008 đạt 4,55 tỷ USD (trong đó, Việt Nam xuất 2,6 tỷ USD và nhập 1,95 tỷ USD). Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam là hàng nông sản (gạo, cà phê, lạc nhân), máy vi tính và linh kiện, hải sản, giày dép và nhập chủ yếu là xăng dầu, dầu cọ, linh kiện điện tử và máy vi tính, máy móc, thiết bị phụ tùng, gỗ và nguyên phụ liệu gỗ, chất dẻo nguyên liệu, sắt thép, phân bón... Đặc biệt từ 1988 tới nay, Ma-lai-xi-a tăng nhập khẩu gạo Việt Nam và trở thành thị trường xuất khẩu gạo lớn và khá ổn định của ta, trung bình mỗi năm Ma-lai-xi-a nhập khẩu của ta từ 15.000-25.000 tấn gạo. Tuy nhiên, buôn bán và đầu tư giữa hai nước còn chưa ổn định và tương xứng với khả năng hiện có của cả hai bên.
Trong năm 2008, Ma-lai-xi-a đứng thứ 2 trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Tính đến tháng 12 năm 2008, Ma-lai-xi-a có tổng cộng 302 dự án với tổng vốn đăng ký gần 18 tỷ USD. Hiện nay, Ma-lai-xi-a là thị trường xuất khẩu lao động lớn nhất của Việt Nam. Hai nước đã ký Thỏa thuận (MOU) cấp Chính phủ về hợp tác lao động vào 01/12/2003. Hiện có khoảng 110.000 lao động của ta đang làm việc tại Ma-lai-xi-a.
Để tạo điều kiện thuận lợi và tăng cường các hợp tác giữa hai nước, từ 1978 đến nay, ta và Ma-lai-xi-a đã ký 13 Hiệp định hợp tác trên nhiều lĩnh vực (hàng không, đầu tư, thương mại, thanh toán, khoa học công nghệ, văn hóa, du lịch, hàng hải, bưu chính, viễn thông...). Nhờ vậy, các lĩnh vực hợp tác giữa hai nước như: Văn hóa, du lịch, thể dục thể thao, dầu khí, nông nghiệp và phát triển nông thôn… đã đạt được những kết quả đáng mừng.
Chuyến thăm của Quốc vương thứ 13 của Ma-lai-xi-a đến Việt Nam lần này sẽ góp phần mở ra một giai đoạn mới trong quan hệ song phương, thúc đẩy quan hệ hữu nghị và hợp tác toàn diện giữa hai nước, đặc biệt là trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, lao động… cũng như tại các diễn đàn khu vực, quốc tế và trong khuôn khổ hợp tác ASEAN./.
(TTXVN, ĐCSVN)